Công ty du lịch… Nụ Cười

Ở VN có nhiều công ty du lịch làm lữ hành, nhưng rất ít công ty làm tour cho du khách khiếm thính. Muốn phục vụ người khiếm thính, trước hết phải biết “ngôn ngữ” của họ. Tiếng Anh, tiếng Pháp tiếng Hàn hay tiếng Arập tuy khó nhưng cũng có từ điển, có trường lớp dạy hẳn hòi. Còn ngôn ngữ cho người câm điếc thì hơi khó. Do vậy, một doanh nghiệp dám nhắm vào đối tượng đặc biệt đó để kinh doanh, quả cũng là… đặc biệt!
Công ty du lịch… Nụ Cười

Ở VN có nhiều công ty du lịch làm lữ hành, nhưng rất ít công ty làm tour cho du khách khiếm thính. Muốn phục vụ người khiếm thính, trước hết phải biết “ngôn ngữ” của họ. Tiếng Anh, tiếng Pháp tiếng Hàn hay tiếng Arập tuy khó nhưng cũng có từ điển, có trường lớp dạy hẳn hòi. Còn ngôn ngữ cho người câm điếc thì hơi khó. Do vậy, một doanh nghiệp dám nhắm vào đối tượng đặc biệt đó để kinh doanh, quả cũng là… đặc biệt!

Hôm đến văn phòng công ty ở một căn nhà nằm tít trong con hẻm nhỏ đường Đội Cung, quận 11, tôi được chứng kiến một lớp học cũng… đặc biệt. Thầy giảng không dùng lời mà hai tay cứ múa lên múa xuống hết sức điệu nghệ. Trò thì không ghi chép, cứ ngồi há hốc mồm như muốn nuốt lấy từng “lời”. Tôi đứng nhìn mà như người mù, không tài nào hiểu được thầy trò họ đang “nói” gì với nhau.

Tan buổi dạy, tôi hỏi “thầy giáo” - một cô gái tuổi còn trẻ - về nội dung bài giảng, chị bảo “Mình đang giảng cho các bạn một số kiến thức cơ bản về Đạo giáo, Khổng giáo và Phật giáo”! Trời – những khái niệm triết học sâu xa ấy mà giảng bằng… động tác. Tôi tròn xoe mắt, hỏi: “Học sinh có hiểu hết được không? – Bây giờ thì được rồi, nhưng trước đây cũng… trầy trật lắm.

Tôi giảng rằng Lão giáo là sống theo tự nhiên, con người sinh ra thế nào thì sẽ phát triển thế ấy. Còn Khổng giáo quan niệm con người phải học nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… Trong bài giảng có kèm - ví dụ minh họa. Thế nhưng khi kiểm tra bài học thì các bạn lại hiểu hết sức nôm na rằng Lão giáo là… “làm biếng, không muốn học, suốt đời không thể thay đổi được” còn Khổng giáo là: “Muốn học nhiều, sau này tốt”...

Hướng dẫn viên khiếm thính của Công ty du lịch Nụ cười dẫn khách tham quan nhà thờ Đức Bà TPHCM. Ảnh: MAI HƯƠNG
Hướng dẫn viên khiếm thính của Công ty du lịch Nụ cười dẫn khách tham quan nhà thờ Đức Bà TPHCM. Ảnh: MAI HƯƠNG

Điều đặc biệt hơn nữa, tổ chức và chương trình của lớp học này không nằm trong một hệ thống giáo dục phổ thông, chuyên nghiệp hay dạy nghề nào cả. Nó được hình thành bởi nhu cầu tự thân – muốn tổ chức tour cho du khách khiếm thính, thì phải có hướng dẫn viên… khiếm thính.

Muốn có hướng dẫn viên khiếm thính thì phải tự mình tìm nguồn, tuyển chọn, xây dựng chương trình, giáo án và… lên lớp, tất tật những việc ấy đều do một tay giám đốc – và cũng là cô giáo đứng lớp Nguyễn Hoàng Minh Thy - lo.

Sau gần 2 năm trời vừa tuyển chọn vừa đào tạo, sàng lọc, đến nay công ty đã có được 7 hướng dẫn viên du lịch khiếm thính thuộc loại “xịn” - có kiến thức nền về chính trị, văn hóa, xã hội, nắm vững nghiệp vụ và kỹ năng diễn đạt, đối thoại, thuyết minh mọi nơi, mọi lúc, với mọi đối tượng…

Các hướng dẫn viên của công ty đã hướng dẫn thành công, để lại ấn tượng rất tốt đẹp cho một số du khách nước ngoài khiếm thính tham quan TP, đi địa đạo Củ Chi và xuống tận miệt sông nước ĐBSCL.

Cách đây đã hơn 10 năm, sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều trường trung học ở Đồng Nai mời Minh Thy về dạy, nhưng cô nói với ba mẹ: “Con muốn làm du lịch”, rồi vác ba lô từ Long Khánh, Đồng Nai về TPHCM thuê nhà trọ, theo học ở Trường đào tạo nghiệp vụ du lịch Sài Gòn. Lúc đó Thy cũng đang theo học chương trình đào tạo lấy bằng Master tiếng Anh.

Ròng rã 2 năm, lịch trình của Thy được thiết kế theo kiểu chạy… marathon từ TPHCM về Biên Hòa rồi từ Biên Hòa về TPHCM để học tiếng Anh và học du lịch. Phương tiện đi lại là xe đạp và xe lam. Để có tiền trang trải cho việc học, Thy dạy kèm tiếng Anh, hướng dẫn khách du lịch những tour ngắn ngày. “Có những bữa trời mưa, đạp xe đi học mà bụng đói, chân run…” - Thy nhớ lại.

Ra trường, Thy dễ dàng tìm được việc làm ở những công ty du lịch có tiếng. Trường đào tạo nghiệp vụ du lịch Sài Gòn cũng mời Thy về dạy. Thế nhưng, Thy quyết định đi làm một thời gian để tích lũy kinh nghiệm, sau đó, cô xin nghỉ việc để… lập công ty.

Gom hết vốn liếng để dành, Thy thuê nhà, tuyển người, xin phép thành lập công ty, tự thiết kế trang web và bắt đầu chào tour… Có lần lang thang trên mạng, Thy bắt chuyện với một Việt kiều chuyên tổ chức tour cho người khiếm thính. Trò chuyện một hồi, Thy đồng ý trở thành đối tác và nhận tuyển chọn người khiếm thính để anh này gửi thầy từ nước ngoài về dạy “ngôn ngữ”. Ai dè, đến khi Thy tuyển được người thì anh chàng nọ lặn mất tăm.

Không kinh nghiệm, không đối tác, không người hướng dẫn, lại không nỡ dập tắt niềm hy vọng được có việc làm của những người bạn khuyết tật vừa mới đến, Thy một mình “ôm sô”. Đa số những bạn khuyết tật đều không có kiến thức căn bản về chính trị, văn hóa, xã hội - những kiến thức nền cần phải có của một hướng dẫn viên du lịch. Vậy là Thy phải bắt đầu từ con số không, từ việc học “ngôn ngữ” - cách múa dấu - để mở cánh cửa vào thế giới của người câm điếc…

Nhóm hướng dẫn viên khiếm thính của Công ty du lịch Nụ cười trong một tour dẫn khách tham quan ĐBSCL (chị Nguyễn Hoàng Minh Thy, GĐ công ty, đứng ở bìa phải). Ảnh: MAI HƯƠNG
Nhóm hướng dẫn viên khiếm thính của Công ty du lịch Nụ cười trong một tour dẫn khách tham quan ĐBSCL (chị Nguyễn Hoàng Minh Thy, GĐ công ty, đứng ở bìa phải). Ảnh: MAI HƯƠNG

Sau 3 năm thành lập, công ty của Thy đã có 2 lần dời trụ sở từ mặt tiền vô đường hẻm, từ nhà rộng vô nhà chật, từ chỗ gần ra chỗ xa. Lý giải về điều này, Minh Thy tự tin: “Điều quan trọng để khách tin mình chính là ở giá cả và chất lượng tour hơn là ở hình thức lớn nhỏ, xấu đẹp của công ty. Muốn tiết kiệm chi phí, giảm giá tour thì phải… chui vô hẻm”.

Nhưng dù “chui vô hẻm” khách hàng của công ty vẫn có đều đều. Ngoài những tour cho người khiếm thính, cô còn tổ chức những tour độc đáo: “Tour xem các loài chim”, “tour xem thông”… Để tổ chức được những tour như vậy, cô và đội ngũ hướng dẫn viên phải cất công tìm hiểu trước trong sách vở, tài liệu ở thư viện, các chuyên gia, đi thực địa, tiền trạm.

Thy giải thích: “Du lịch là phải thoải mái, phải vui. Thy muốn công ty là một cầu nối, một người bạn đường chứ không phải người quản lý, áp đặt khách…”. Chắt chiu từng khách hàng, quyết tâm phát triển bằng cách làm ăn vừa căn cơ, vừa có phần lãng mạn. 10 năm bươn chải, 3 năm chèo chống công ty riêng, theo đuổi một ý tưởng không giống ai, đến nay, thành công cũng chỉ mới hé mở với cô chủ trẻ…

Trong câu chuyện, có lần, Thy tiết lộ về cái tên của doanh nghiệp. Số là trong những lần đi tour, nhiều du khách khen Thy có nụ cười tươi, gọi Thy là ABM (A big smile - lời quảng cáo cho một loại kem đánh răng - dịch thoát nghĩa là nụ cười rạng rỡ).

Đến khi lập công ty, Thy cũng đặt tên công ty là ABM. Nhưng khi lên Sở Kế hoạch - Đầu tư đăng ký, một cán bộ yêu cầu phải dịch sát nghĩa ABM ra tiếng Việt là… Nụ cười To bự. Nghe kỳ quá, đành phải bỏ đi chữ “Big”, thành A smile Tour - dịch ra là Công ty du lịch Nụ cười. Cái tên vô tình có được cũng phản ánh đúng sở nguyện của người sáng lập: Không chỉ mang “nụ cười” đến cho du khách mà cho cả những nhân viên khuyết tật của mình

MAI HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục