Miền Bắc: Rau thừa, hoa thiếu

Miền Bắc: Rau thừa, hoa thiếu

(SGGP-12G).- Tết có thể thiếu cành mai, cành đào nhưng trong nhà không thể thiếu lọ hoa tươi. Thế nhưng đón Tết Kỷ Sửu năm nay, người dân miền Bắc lại đang nơm nớp nỗi lo hoa tươi “sốt” giá vì diện tích hoa bị lũ lụt vừa qua lên tới 70%-80%. Hiện một bông hoa hồng bán tại ruộng đã có giá 2.000đ (trong khi trước đó chỉ có 300-400đ/bông). Nếu áp tết thì giá có thể lên tới 6.000-7.000đ/bông. Đắt là vậy mà người trồng hoa cũng không có hoa để bán.

Hà Nội lo “đói” hoa tươi

Ở Hà Nội có 2 vựa hoa đáp ứng khoảng 70% hoa tươi cho cả thủ đô, đó là làng hoa Tây Tựu (huyện Từ Liêm) và Mê Linh. Ở đây, quanh năm cúc, hồng khoe sắc. Mỗi ngày, hàng triệu cành hoa về chợ. Thế nhưng bây giờ, cả cánh đồng vắng bóng hoa. Đi dọc bờ mương, bờ ruộng, “xác” hồng, “xác” cúc đã khô cong được nhổ lên, chất cao thành đống.

Miền Bắc: Rau thừa, hoa thiếu ảnh 1

Những ruộng hoa hồng ở Tây Tựu bây giờ mới được trồng lại

Khi chúng tôi đến Tây Tựu, những người nông dân ở đây mới bắt đầu trồng lại lứa hồng, lứa cúc mới trong những ngày đông tháng giá.

Ngồi buồn thiu giữa thửa ruộng trơ trơ đất, chị Thức, ngoài 40 tuổi, vợ anh Nguyễn Hữu Phong, nhà ở tổ 3, làng Đăm rầu rầu kể: “Nhà tôi trồng tổng cộng hơn 1 mẫu hồng nhưng mất trắng. Bây giờ phải làm lại từ đầu bằng cách sang tận Đông Anh mua cành tầm xuân về cắm xuống. Được vài tuần thì mua mắt hồng đem về ghép”. Chị bảo: “Nếu bây giờ bắt đầu ghép mắt thì phải ít nhất 6-7 tháng nữa cây mới cho hoa. Có nghĩa là riêng hoa hồng sẽ khan hiếm trong vòng ít nhất nửa năm nữa chứ không chỉ riêng dịp Tết Kỷ Sửu”.

Chị cho hay, bình thường một bông hồng bán tại ruộng là 300-500đ thì một sào hoa cũng thu lãi 20 triệu đồng. Nhưng bây giờ, một bông hồng đã lên giá 2.000đ nhưng nông dân lại không có hoa bán. Số hoa còn sót lại chỉ khoảng 10% nhưng chỉ bán trong rằm tháng chạp và cúng ông Công ông Táo là hết. Đến Tết Nguyên đán thì hoa sẽ “cháy” và giá có thể lên 7.000-8.000đ/bông.

Miền Bắc: Rau thừa, hoa thiếu ảnh 2

Cả sào rau cải của chị Lương Thị Tập ở xóm Thượng, thôn Phúc Lý, xã Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội) không ai mua, để trổ thành hoa rồi phải nhổ vứt

Chúng tôi sang vựa hoa bên làng Gối nằm sát cạnh - đây là phần đất của xã Tân Lập thuộc huyện Đan Phượng (Hà Tây cũ) nhưng được người Tây Tựu sang thuê lại để trồng hoa. Cả cánh đồng hàng trăm héc ta giờ không còn một bông hồng nào nữa.

Ông Nguyễn Phương Tâm, ở tổ 2, thôn Trung, làng Đăm - người có 7 sào hoa mất trắng - đang cùng vợ miệt mài ghép lại từng mắt hồng, than vãn: “Hoa chết cả loạt. Giờ đến cành tầm xuân để ghép mắt cũng “sốt” giá vì nhà ai cũng mua”. Ông Tâm đau xót: “Tây Tựu năm nay mất tết rồi”. Theo cách tính toán của ông thì mất 7 sào hoa đồng nghĩa mất 50-60 triệu đồng.

Chị Thức kể, ở Tây Tựu có nhiều người đã bị mất trắng tới 500-600 triệu đồng. Trong đó, có nhiều gia đình trước đó đã cắm sổ đỏ vay của ngân hàng 200-300 triệu đồng.

Trên những cánh đồng xưa vốn rực rỡ sắc màu, chúng tôi vẫn bắt gặp nhiều thửa ruộng bị bỏ hoang, những nhà kính, nhà lưới tả tơi, rách nát như những cái lều canh vịt, không ai dòm ngó. Anh Chu Hữu Dũng, gần 40 tuổi, ở đội 4, xóm Cầu thổ lộ: “Hầu như củ giống bị thối hết, phải sang tận Trung Quốc mới mua được”. Anh khẳng định chắc chắn rằng, từ nay đến tết sẽ không nhà nào có hoa đồng tiền để bán. Có những nhà đầu tư cả tỷ đồng vào hoa đồng tiền, giờ chỉ còn là ruộng hoang.

Theo ông Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Tây Tựu, ở đây có tổng cộng 342ha trồng hoa nhưng đã có 328ha chết trong trận mưa lũ vừa qua. Hiện chỉ còn lại… 14ha hoa nhưng năng suất giảm đến 50%.

Rau thừa: Đổ đi!

Sau khi hoa chết, người dân Tây Tựu lại đua nhau trồng rau ngắn ngày khi miền Bắc khan sốt rau xanh nghiêm trọng để hy vọng có chút “đồng ra đồng vào” khi mà không thể trông vào hoa được nữa. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, cả trăm héc ta trồng hoa khi trước đã biến thành những ruộng rau. Khổ nỗi, đúng khi rau Tây Tựu thu hoạch được thì cả miền Bắc cũng tràn ngập rau các loại.

Miền Bắc: Rau thừa, hoa thiếu ảnh 3

Ông Nguyễn Phương Tâm, ở tổ 2 thôn Trung, làng Đăm (Tây Tựu, Từ Liêm) đau xót trước cả ruộng hoa hồng héo quơ héo quắt, khi lứa hoa tết thất thu hàng chục triệu đồng

Hoa chết, ông Nguyễn Phương Tâm cũng kịp trồng thêm 1 sào rau ngắn ngày. Anh Chu Hữu Dũng cũng vậy. Giờ rau của họ trổ hoa trên đồng mà chẳng bán được. “May mà nhà tôi chỉ trồng có 1 sào rau. Nếu trồng cả 7 sào thì chắc chết vì tiền công, tiền phân giống không phải ít”, ông Tâm nói.

Thời điểm này đang là chính vụ rau, không chỉ cánh đồng Tây Tựu mà cả miền Bắc đâu đâu cũng bạt ngàn rau các loại. Mỗi ngày, riêng ở Tây Tựu ế thừa khoảng 3-4 tấn rau xanh. Còn hai vựa rau xanh Đông Anh, Mê Linh thì ứ thừa hàng chục tấn/ngày. Nhiều gia đình không bán được, phải nhổ bỏ cả sào rau, đem ủ làm phân.

Chỉ cho tôi xem đống rau cải vừa vứt xuống bờ kênh, chị Lương Thị Tập, gần 50 tuổi, ở xóm Thượng, thôn Phúc Lý, xã Minh Khai (Từ Liêm, Hà Nội) ngậm ngùi: “Tôi có cả thảy 6 sào ruộng thì 4 sào hoa đã chết, 2 sào đem trồng cải cúc, cải chít nhưng không bán được, mặc dù cải cúc giá chỉ có 100đ/mớ, còn cải chít là 500đ/kg, trong khi bình thường là 5.000-6.000đ/kg”.

Chị Lê Thị Thu - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thu - một cơ sở chuyên buôn hoa tươi xuyên Việt ở làng Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, do hoa tươi năm nay thiếu nghiêm trọng nên hiện chủ các công ty chuyên nhập hoa tươi đường dài đang đổ xô tìm nguồn hoa tươi từ thị trường Sa Pa và Đà Lạt. Tuy nhiên, hiện nay lượng hoa ở Sa Pa cũng rất ít do đợt sương muối vừa qua. Còn ở Đà Lạt, hầu như các chủ vườn đang “ém” hoa lại để giáp Tết Kỷ Sửu mới tung ra.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục