Đón xuân trên đất cù lao

Đón xuân trên đất cù lao

Về cù lao Thới Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang những ngày này, chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình đang chộn rộn đón tết. Nhà nào cũng vui bởi cái tết năm nay khá đặc biệt do cầu Rạch Miễu thông xe, trong đó có nhánh rẽ xuống cù lao Thới Sơn. Đây là nơi duy nhất của Tiền Giang sẽ được hưởng lợi cùng Bến Tre vì còn bị đò ngang cách trở.

Khẩn trương đón tết

Đón xuân trên đất cù lao ảnh 1
Du khách quốc tế đi thuyền xung quanh cù lao

Ấn tượng đầu tiên khi đến Thới Sơn là những vườn cây trái sum suê chạy ngút ngàn, khí hậu xứ cù lao mát mẻ nhờ sông rạch bao quanh. Các làng nghề trưng bày những mặt hàng thủ công mỹ nghệ thu hút nhiều du khách ghé thăm.

Anh Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn, cho biết  cù lao này làm du lịch sinh thái nổi tiếng ở ĐBSCL. Hiện thời đang là thời điểm chuẩn bị đón khách trong nước và quốc tế về vui Xuân Kỷ Sửu. Theo chân anh Dũng, chúng tôi ghé khu du lịch Thới Sơn 1 do ông Tư Đàng làm chủ. 5 công vườn với các loại cây như bưởi, nhãn, sầu riêng, mận… được ông thiết kế thành điểm du lịch thoáng mát. Đến nay ông Đàng đã có 11 năm làm du lịch, nhờ đó mà cả nhà ổn định cuộc sống.

Ông kể, chuyện làm du lịch đến ngẫu nhiên, bởi xưa nay dân cù lao chủ yếu sống nhờ cây trái. Hồi trước gia đình ông cũng dựa vào mảnh vườn kiếm sống. Năm nào được mùa thì đỡ khổ, còn gặp cảnh “dội chợ - rớt giá” dẫn đến nợ chất chồng. Hưởng ứng chủ trương phát triển du lịch sinh thái miệt vườn, ông Đàng mạnh dạn chuyển toàn bộ đất vườn sang quy hoạch làm du lịch, từ đó thu nhập tăng lên ngó thấy.

Ông Bảy Du, một nghệ nhân đờn ca tài tử có tiếng ở Thới Sơn cho biết: “Những năm 1990, Công ty Du lịch Tiền Giang thử nghiệm mô hình đưa khách Đông Âu đi thuyền trên sông Tiền và nghe tài tử. Khách quốc tế dù không biết tiếng Việt nhưng lại say mê ngón đàn điệu nghệ qua những bản đờn ca tài tử độc đáo. Số người đến cứ tăng dần, thế là ngành du lịch phối hợp cùng ông mở khu du lịch sinh thái đầu tiên ở cù lao Thới Sơn. Bình quân mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách quốc tế đến vui chơi, riêng dịp tết thu hút cả ngàn khách trong và ngoài nước”.

Chị Lê Nhiên (con gái ông Bảy Du) cho biết, mấy ngày nay phải làm bù đầu từ việc sắp xếp lại các gian nhà cho đẹp để đón khách về vui tết. Đặc thù của khu du lịch Bảy Du là tham quan vườn, thưởng thức nhiều loại trái cây tươi, ăn các loại bánh truyền thống Nam bộ như bánh xèo, bánh tét…  đi thuyền trên sông, nghe đàn ca tài tử… Đặc biệt là hàng thủ công mỹ nghệ từ cây dừa như chén, ly, dĩa, muỗng, tô, đũa… được làm trực tiếp phục vụ du khách quốc tế. Đây là chương trình sinh động được nhiều vị khách châu Á, châu Âu… say mê bởi bàn tay khéo léo tạo ra những sản phẩm dừa đa dạng, phong phú.

Làng du lịch “cấp quốc gia”

Anh Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn, thừa nhận du lịch đã làm chuyển biến về kinh tế lẫn đời sống xã hội ở xứ cù lao. Chỉ riêng việc giao tiếp, cư xử của người dân với khách du lịch rất dịu dàng, mềm mỏng, nhiệt tình… thể hiện nét văn hóa và giàu lòng mến khách. Nhiều gia đình còn cho con em đi học ngoại ngữ để giao tiếp với khách quốc tế, bởi du lịch ngày càng phát triển. Có thể nói sự nhận thức  của người dân Thới Sơn đã có sự thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Theo Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch Tiền Giang, năm 2008 toàn tỉnh thu hút khoảng 790.000 lượt khách đến tham quan, trong đó cù lao Thới Sơn là điểm chủ lực. Vì vậy, gần đây có một số doanh nghiệp đến Thới Sơn xin đất làm sân golf đã bị người dân địa phương và ngành du lịch phán ứng kịch liệt, cuối cùng UBND tỉnh Tiền Giang phải hủy bỏ. Ông Lê Văn Hưởng, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư Tiền Giang cho rằng: “Cù lao Thới Sơn có một vị thế khá đặc biệt nên nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm đến xin dự án làm sân golf, khách sạn… nhưng lãnh đạo tỉnh ưu tiên cho phát triển du lịch sinh thái”.

Tổng cục Du lịch đã chọn Thới Sơn làm “điểm” để phát triển mô hình “làng du lịch” cấp quốc gia. Theo đó, sẽ đầu tư về hạ tầng, giao thông, quy hoạch các khu du lịch chuyên đề như ẩm thực, làng nghề, khu cắm trại, dã ngoại, khu nghỉ dưỡng, vườn cây, khu vui chơi giải trí… Đây là điều kiện để Thới Sơn đột phá, khẳng định là nơi phát triển du lịch sinh thái hàng đầu ở ĐBSCL.

Huỳnh Phước Lợi (SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục