Chống buôn lậu mùa tết

Bài 1: Hàng lậu qua sông
Chống buôn lậu mùa tết

Bài 1: Hàng lậu qua sông

Sau vài ngày ở Hà Tiên và Châu Đốc, An Phú, chúng tôi rất buồn khi phải đồng ý với một số cán bộ chức năng có tâm huyết trong việc chống buôn lậu rằng - Chuyện buôn lậu là chuyện của nhiều người sống ở khu vực này. Còn chuyện chống buôn lậu chỉ là chuyện của một số người.

Người người buôn lậu

Chống buôn lậu mùa tết ảnh 1

Thuốc lá lậu bên kia cửa khẩu Xà Xía chuẩn bị vào Việt Nam. Ảnh: P.THỤC

Vừa bước chân đến trạm kiểm soát cửa khẩu Pert Chak (Kampốt) để làm thủ tục nhập cảnh Campuchia, chúng tôi đã được chứng kiến ngay cảnh cãi cọ. Người phụ nữ vừa đạp chân chống chiếc xe Wave Alpha chở lặc lè ba bao gạo khoảng 80kg vừa cự nự với một cán bộ của trạm kiểm soát Campuchia bằng tiếng Việt: “Hai chuyến mới đóng một lần cơ mà”. “Chuyến trước, tôi không thu, không biết”.

Thấy nói bằng tiếng Việt mà hải quan Campuchia vẫn có vẻ “không muốn hiểu” chị bèn nói bằng tiếng Campuchia. Anh chàng Hải quan Campuchia lắc đầu và nói một câu gì đó bằng tiếng Campuchia.

Chị móc túi lấy 20.000 đồng thảy lên bàn. Thấy tôi đang làm thủ tục xuất cảnh về lại Việt Nam chị nói, giọng bực bội: “Thu tiền tùy hứng không à, người này cho qua người kia bắt đóng tiền, không luật lệ gì ráo”. Nói chuyện bâng quơ với nhau tôi biết chị tên Hương nhà ở xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên tỉnh Kiên Giang và cả nhà chị, những ai đã được cấp CMND đặc biệt đều tham gia chở thuê các mặt hàng lậu từ Campuchia vào VN.

Theo quy định của Hải quan Việt Nam, người có chứng minh nhân dân ở khu vực biên giới (thẻ CMND có vạch đỏ) như chị Hương, mỗi ngày được buôn bán qua lại hai nước Việt Nam - Campuchia với trị giá tiền hàng là 2 triệu đồng. Gần đây, mặt hàng gạo và thuốc lá là hai mặt hàng lậu đang “hot” ở khu vực cửa khẩu Xà Xía (nay là cửa khẩu quốc tế Hà Tiên).

Gạo Campuchia đang được người tiêu dùng trong nước rất chuộng nên hàng ngày, chị Hương và gia đình sang chợ Campongtrach (Campuchia) gom hàng mang về bán lại cho các điểm bán lẻ gạo ở thị xã Hà Tiên. Gạo mua ở Campuchia 5.000 đồng/kg, về Việt Nam, chị bán được 6.500-7.000 đồng/kg và đến tay người mua với giá được đẩy lên tới 10.000 đồng/kg. Với quy định 2 triệu đồng/người/ngày, chị Hương có thể mang vào VN 400kg gạo/ngày.

Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia dài 1.137km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Toàn tuyến có 9 cửa khẩu quốc tế, 9 cửa khẩu quốc gia, 30 cửa khẩu phụ và chi chít đường mòn. Với địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống kênh rạch đi lại thuận lợi ở cả hai bên nên rất thuận tiện cho nhân dân hai nước giao thương và… buôn lậu. Vận chuyển hàng lậu ở tuyến biên giới này diễn ra quanh năm và đặc biệt sôi động vào những ngày cận tết.

Hàng lậu nào đang “hot”, phương thức chuyển hàng và các đơn vị chức năng nói gì về công tác chống buôn lậu hiện nay? Ghi nhận của nhóm PV Báo SGGP ở tuyến biên giới tiếp giáp với các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Tây Ninh...

“Lời quá ha. Mỗi ngày thu lời 400.000 đồng, ngon quá rồi”, “Đâu dễ thế. Mỗi chuyến, ít ra cũng mất 40.000 đồng lộ phí rồi, may mắn thì 2 chuyến mới phải chi 1 lần”.

Quả thật qua lại ở cửa khẩu Pert Chak với thủ tục đàng hoàng mà chúng tôi còn bị thu 40.000 đồng/người không biên nhận, huống gì họ biết chị Hương là người có lợi từ những chuyến qua lại khu cửa khẩu này.

Nhưng bù lại, những người có thẻ căn cước sọc đỏ như chị Hương qua lại cửa khẩu Pert Chak chẳng cần làm thủ tục bởi chả ai buồn kiểm tra chủng loại và giá trị hàng hóa mà họ đang chở về Việt Nam.

Phải nói rõ rằng, ở Campuchia không có khái niệm “hàng lậu” nên ai muốn chở hàng gì qua cửa khẩu cũng được, miễn là đóng đủ lệ phí theo giá của họ đặt ra. Khi tôi đang nói chuyện với chị Hương, một ô tô chở đầy nhóc thuốc lá Hero dừng lại trước barrie để đóng lệ phí 200.000 đồng dù xe hàng ấy vào VN bằng đường tiểu ngạch không qua cửa khẩu Pert Chak.

Ông Châu Oách, người chạy xe ôm ở biên giới Xà Xía giúp chúng tôi vào vai cửu vạn. Mặc chiếc áo bộ đội bạc màu, chân mang đôi dép Lào và đội chiếc mũ màu lính vào, anh bạn tôi ngồi trên chiếc xe Dream đã gắn thêm 2 phuộc nhún, ông Oách nhìn xong cười to: “Trông anh giống dân buôn lậu thứ thiệt quá”.

Và, ông Oách đưa chúng tôi nhập vào nhóm cửu vạn lố nhố ở khu Bến Xuồng, tổ 8, ấp Mỹ Lộ, xã Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Có nhiều chiếc xe máy được chế thêm 2, 4, thậm chí là 6 phuộc để tăng trọng tải. Những chiếc xe rú ga inh ỏi, phun khói đen xì, lạng lách trên những con đường mòn ở hai bên biên giới Việt Nam - Campuchia.

Ngoài những kiện hàng lậu quen như thuốc lá Jet, Hero, gạo,bột ngọt thì than đá là loại hàng lậu rất lạ với chúng tôi, tất cả được che bạt màu xanh, chất nghễu nghện trên xe gắn máy. Người điều khiển ngồi lọt thỏm giữa những bao hàng, khuỳnh tay, banh chân chạy xe vù vù lạng lạng lách rất điệu nghệ.

Ở khu Đường Chùa, nách bên kia của cửa khẩu Xà Xía, quang cảnh cũng tấp nập như thế. Chúng tôi và ông Châu Oách mỗi người nhận gần một tạ than củi, chất lên xe, chằng buộc cẩn thận rồi cũng băng băng chạy trên con đường bụi đỏ mù trời về hướng Việt Nam. Ở Campuchia than củi chỉ từ 500 - 700 đồng/kg, khi qua đến Hà Tiên giá đã đội lên gấp đôi, gấp ba và than củi đước của nước bạn tốt hơn than ở Việt Nam nên mặt hàng này cũng đang được dân Hà Tiên ưa chuộng.

Chiều tối và hửng sáng là giờ vàng của dân buôn lậu khu vực Hà Tiên. Giờ này quốc lộ 80 tấp nập đội quân vận chuyển hàng lậu bằng xe máy lạng lách, đánh võng cướp đường chở hàng từ biên giới về Bến xe Hà Tiên, Bến xe Kiên Lương. Suốt buổi tối theo ông Oách đi buôn lậu, chỉ một lần chúng tôi phải nấp trong rừng cao su khi đề lô của đội quân buôn lậu báo là thấy một chiếc xe Q.B. (biển số của Bộ đội Biên phòng ) đang chạy về phía chúng tôi. Cả đám người “thở nhẹ nói khẽ”, mãi sau tôi mới biết, xe ấy chở một phóng viên nhóm tôi đi công tác công khai. Ông Oách thông báo tin trên vừa xong, cả chục xe gắn máy lại rú lên ầm ầm, náo động cả một vạt rừng và những chiếc xe loang loáng ánh đèn trong đêm lại phóng đi ào ào.

“Tàu anh qua... sông”

Chống buôn lậu mùa tết ảnh 2

Hàng lậu chuẩn bị qua sông. Ảnh: ĐÌNH TUYỂN

Con sông Bình Di mùa nước cạn. Làng mạc ở hai bên biên giới soi bóng xuống dòng sông êm ả, thật khác với sự ồn ào trên bờ ở hai bên biên giới Campuchia - Việt Nam. Chi phí “xuất cảnh” từ Khánh Bình (Việt Nam) sang Phrey Thom (Campuchia) hoặc ngược lại chỉ 3.000 đồng/người cho ông lái ghe máy.

Ngay bến đò tạm phía bên Phrey Thom, hơn hai chục thanh niên lực lưỡng đang thoăn thoắt vác những bao gạo đầy ứ từ trên hai chiếc xe tải 40 tấn xuống tàu. Điểm tập kết lúa gạo buôn lậu từ Campuchia là An Giang, lẫm lúa của đồng bằng sông Cửu Long!.

Theo chúng tôi quan sát, chỉ trong một buổi chiều đã có 4 chuyến ghe, tàu chở lúa, gạo Campuchia qua sông Bình Di cặp bến Khánh Bình an toàn. Trong khi nông dân trúng mùa của ĐBSCL phải cắn răng bán lúa giá bèo thì lúa gạo lậu từ Campuchia được mua giá cao vẫn đổ ào ào về VN.

Dưới sông “thuyền thuyền” chở gạo sang sông, trên bờ thì “xe xe” chở lúa đi xay. Chúng tôi đi dọc quốc lộ 91, đoạn từ cầu sắt Hữu Nghị đến cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) gặp hàng đoàn xe ba gác máy đang tấp nập chở lúa. Những tưởng đó là lúa của nông dân mình, chúng tôi vui ra mặt nói với người dẫn đường : “Nhìn cảnh xe đi tấp nập vậy đỡ buồn hơn nhìn cảnh thuyền chở gạo lậu an toàn cặp bến ở bờ sông Bình Di”. Người dẫn đường của chúng tôi cười khẩy: “Lúa Campuchia đó, không phải lúa An Giang đâu mà vui dữ vậy”.

Chúng tôi đến một vựa lúa gạo ở chợ Tịnh Biên chuyên thu mua lúa gạo để bán cho các mối ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ của anh Quân để thăm dò chuyện mua bán. Anh Quân cho biết, lúa được các thương lái người Việt có, người Campuchia cũng có thu mua từ các tỉnh Tàkeo, Pusat, Kongpong Speui… rồi chuyển bằng xe tải lớn tập kết về khu vực cửa khẩu.

Sau đó, chuyển sang xe ba gác để vào Việt Nam. “Xe chạy “tự nhiên” như vậy không sợ bị bắt à”, chúng tôi hỏi. “Xui thì cũng gặp lực lượng kiểm soát liên ngành bắt giữ”, anh Quân cho biết thêm - ước tính, mỗi ngày ở điểm tập kết trên có hơn 1.000 tấn lúa Khaodak, Khaodakmali và lúa thơm Lài đổ về Việt Nam. Các giống lúa này cho gạo ngon nên người tiêu dùng trong nước rất ưa chuộng. Lúa ở Campuchia có giá từ 5.000 - 5.300 đồng/kg, sang đến Việt Nam, gạo được bán với giá 7.000 - 10.000 đồng/kg. Số tiền chênh lệch quá lớn ấy luôn là hấp lực đối với những người buôn lậu.

Thị xã Châu Đốc - nằm gần với 3 cửa khẩu biên giới là Vĩnh Ngươn, Tịnh Biên và Khánh Bình - được chọn làm nơi tập kết hàng thường trực. Hàng lậu ồ ạt đổ về chợ Châu Đốc thông qua hệ thống vận chuyển bằng cả đường sông và đường bộ. Rồi từ đây, hàng hóa, nhiều nhất là gạo và thuốc lá được cung cấp cho khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM.

Chị Út Hồng, chủ của một trong những sạp hàng gạo, thuốc lá lớn nhất chợ Châu Đốc quả quyết: “Muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Anh, chị cứ về đến TPHCM là hàng đến tận nơi. Mai mốt cần bao nhiêu cứ gọi điện thoại là có hàng”. Ra khỏi khu chợ Châu Đốc, chúng tôi cảm thấy buồn khi thấy nhiều người dân An Giang có vẻ chuộng gạo Campuchia hơn gạo xứ mình làm ra. Và gạo Campuchia, Thái đang chiếm vị trí mặt tiền ở nhiều khu chợ. Nỗi buồn ấy, hẳn không phải của riêng chúng tôi hay người nông dân...

Bài 2: Không bệnh cũng “bó thuốc”

Dân buôn hàng miễn thuế và buôn hàng lậu ở Tây Ninh “chỉ thích” mua rượu ngoại và bia Heineken bởi giá trị chênh lệch mà họ được hưởng rất cao và dễ chuyên chở. Theo anh Võ Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh – có 40% người mua đến khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài để chỉ mua rượu, bia, thuốc lá ngoại.

Rượu Hennessi trong siêu thị miễn thuế giá hơn 200.000 đồng/chai, cũng nhãn hiệu này, rượu được nhập lậu từ Campuchia qua không có tem nhập khẩu chỉ có giá 170.000 đồng/chai nhưng ngoài thị trường, giá lên đến 400.000-450.000 đồng/chai...

Hàng lậu lên ngôi

Chống buôn lậu mùa tết ảnh 3
Đoàn xe vận chuyển thuốc lá lậu về TPHCM. Ảnh: P.TH.

Trưa những ngày giữa tháng 1, có mặt tại khu vực gần cầu Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang), chúng tôi thấy hàng chục chiếc ghe chất đầy hàng hóa chạy xé nước theo hướng từ gò Tà Mâu (Campuchia) về điểm tập kết trên bờ kênh Vĩnh Ngươn.

Ở một quán nước ven đường vòng từ bến xe Châu Đốc đến ngã tư Đường Núi của thị xã Châu Đốc, chừng 5-10 phút, chúng tôi lại thấy từng tốp xe máy chất đầy thuốc lá chạy bạt mạng trên đường.

Hoàng Gò, người dẫn đường cho chúng tôi, nói đây là con đường “huyết mạch” của dân tải hàng lậu, nhưng không hiểu sao rất hiếm khi thấy lực lượng chức năng tuần tra.

Sau khi hàng hóa được tải hết từ bãi tập kết trên bờ kênh Vĩnh Ngươn về các kho chứa, đầu nậu mới tiếp tục thuê người vận chuyển theo tuyến quốc lộ 91 từ Châu Đốc về Long Xuyên, Cần Thơ để tiêu thụ.

Để đối phó với ngành chức năng, các đầu nậu phân phối hàng còn bố trí cả người theo dõi lực lượng chức năng. Nhờ vậy mà mọi động tĩnh của lực lượng chức năng chúng đều nắm rõ, có gì là gọi ngay bằng điện thoại di động cho đồng bọn ngưng chuyển hàng.

Đến khi lực lượng tuần tra vừa khuất bóng, từng tốp xe máy lại nẹt pô chạy như bay trên quốc lộ 91 hướng về Long Xuyên. Theo đánh giá của Chi cục Quản lý thị trường An Giang, mỗi ngày đường cát Thái Lan nhập lậu qua tuyến biên giới An Giang lên đến trên 100 tấn (chủ yếu được tập kết ở địa bàn huyện An Phú và thị xã Châu Đốc).

Không chỉ đường, thuốc lá, hàng điện tử, gạo… con buôn còn nhắm đến trái cây. Tại chợ cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang), từng tốp xe thồ với đủ loại trái cây nối đuôi nhau qua cửa khẩu. Vì thế, trên các sạp trái cây tại chợ, hầu hết là “đồ ngoại”: xoài Thái, quýt Thái, bòn bon, măng cụt, nho Thái… Các mặt hàng: quần áo, mỹ phẩm, rượu ngoại nhập lậu cũng được bày bán khá công khai.

Cũng như thuốc lá lậu, khi chúng tôi nói muốn mua rượu ngoại số lượng lớn, bà chủ cửa hàng ở chợ Châu Đốc hứa sẽ đóng gói gởi xe đến tận nhà trong vòng một ngày sau khi nhận được đơn hàng. Bà cam đoan lúc nào cần hàng cũng có và đã thực hiện nhiều chuyến giao dịch như thế trong mấy năm qua.

Không bệnh cũng “bó thuốc”

Chống buôn lậu mùa tết ảnh 4

Bó thuốc lá lậu trên người. Ảnh: Đ.TUYỂN

Ngày 25-12-2008, lực lượng CSGT TP Long Xuyên (An Giang) chặn xe khách 65M-1281 do tài xế Lâm Phền Chẻ (sinh năm 1968, ngụ TP Cần Thơ) điều khiển để kiểm tra. Bất ngờ tài xế cho xe quay đầu chạy ngược lên hướng Châu Đốc rồi tấp vào lề đường cho các con buôn thoát thân.

Lực lượng cảnh sát rượt đuổi, vây bắt được 9 phụ nữ bó thuốc lá lậu trong người và nhiều hàng hóa trên xe. Toàn bộ số hàng lậu thu giữ được gồm: 20.000 gói thuốc lá ngoại, 2.995 hộp mỹ phẩm (kem, sữa tắm) 265 ký quần áo cũ, 240 lon nước giải khát và 200 hộp nhang Thái, tổng trị giá trên 150 triệu đồng.

Trước đó, lực lượng chức năng cũng đã bắt quả tang một ghe máy trên ngã 3 sông Châu Đốc chở hàng lậu. Chiếc ghe ngụy trang bằng cách chở hoa và một số đồ đạc khác. Tuy nhiên, khi kiểm tra đáy ghe và các khoang hầm lực lượng chức năng đã phát hiện gần 22 tấn đường cát Thái Lan không hóa đơn chứng từ.

Ông Đặng Tấn Đắc, Phó trưởng Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh An Giang phân trần: Việc chống hàng nhập lậu tuy được làm thường xuyên, song hiệu quả vẫn chưa cao. Cái khó của việc chống buôn lậu chính là khâu xử lý bị vướng quy định nên không đủ sức răn đe.

Theo thống kê của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh An Giang, năm 2008 đã bắt được 746 vụ vận chuyển thuốc lá lậu trên quốc lộ 91, tạm giữ 192 xe máy, tịch thu khoảng 100.000 cây thuốc lá lậu, trị giá trên 6,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, rõ ràng con số trên vẫn còn quá nhỏ so với lượng hàng hóa nhập lậu được tiêu thụ trót lọt.

Ở siêu thị miễn thuế Mộc Bài, mặt hàng được con buôn mua nhiều nhất là bia Heineken lon và rượu ngoại. Chúng tôi không thể nào chen chân với các thùng bia Heineken để lên xe điện ra vào cổng.

Nhìn từ xa, sân chờ của khu siêu thị miễn thuế xanh một màu bia Heineken. Những chiếc xe chở các thùng bia phóng như bay trên đoạn đường từ siêu thị qua cổng thu phí của Bến Cầu. Chúng tôi bắt gặp nhiều chiếc xe chở bia chạy thoát và một xe bị lực lượng Kiểm soát liên ngành (KSLN) bắt giữ.

“Điểm đến” của các thùng bia là trạm KSLN của Ban chỉ đạo 127 đặt tại Bến Cầu, Tây Ninh và trong sân trạm, cũng xanh một màu bia Heineken.    

Ngoài bia rượu thì thuốc lá vẫn là mặt hàng được buôn lậu nhiều nhất ở khu vực biên giới Tây Ninh. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp từng đoàn xe gắn máy chở thuốc Hero, Jet phủ bạt chạy trên đường từ Tây Ninh về khu tập kết ở phía sau Bến xe Tây Ninh (thuộc TPHCM). Nếu thuốc lá lậu phần nhiều được chở bằng xe gắn máy thì rượu lậu được chở bằng xe ô tô.

Những băn khoăn còn lại

Vì sao trạm KSLN chỉ tích cực bắt bia, rượu mà thuốc lá chạy ngờ ngờ không bắt?, “Nhiều khi chúng tôi thấy hàng lậu mà ngại bắt” - anh Võ Thanh Phong, chi cục trưởng chi cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh, nói.

Vì sao? Theo quy định, những mặt hàng như thuốc lá, tân dược, thuốc bảo vệ thực vật, khi lực lượng chống buôn lậu bắt được, trước khi tiêu hủy, phải có biên bản kiểm định chất lượng. Kho bãi chật hẹp không còn chỗ chứa, chi phí kiểm định hàng lậu loại này toàn phải ứng trước, khi thu hồi cũng chậm “nên anh em cũng chẳng mấy nhiệt tình”.

Theo Thông tư 59 do Bộ Tài chính ban hành tháng 7-2008, cơ quan chống buôn lậu, gian lận thương mại được phép sử dụng 30% số tiền thu được (bao gồm xử phạt hành chính, tiền bán hàng hóa tang vật...) để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hoạt động và khen thưởng cho lực lượng tham gia trực tiếp…

Tang vật bán có giá và dễ bán là rượu nhập, bia ngoại. Lực lượng chống buôn lậu “ngại” bắt thuốc lá lậu, thuốc trừ sâu và phân bón giả bởi các mặt hàng này không được bán mà phải tiêu hủy nên kinh phí hỗ trợ được áp dụng theo Thông tư số 75 do Bộ Tài chính ban hành tháng 7-2007.

Theo đó, kinh phí hỗ trợ căn cứ vào số lượng thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả bị bắt giữ và tiêu hủy cụ thể là: 1.000 đồng/bao đối với loại thuốc có giá bán từ 6.000 đồng/bao trở lên; 500 đồng/bao đối với loại thuốc lá có giá bán thấp hơn 6.000 đồng/bao.

Như thế, để nhận được chi phí hỗ trợ 5.000.000 đồng, lực lượng chống buôn lậu phải bắt và tiêu hủy được 1.000 cây (10.000 gói) thuốc lá lậu, giả. Thuốc lá lậu thì thế, bắt thuốc trừ sâu, phân bón giả còn “bi kịch” hơn. Vì chẳng có khoản hỗ trợ kinh phí nào cụ thể cho thành tích truy bắt các mặt hàng trên.

“Chúng tôi phải tính toán làm sao để vẫn hoạt động chống buôn lậu mà không lỗ chi phí”, anh Võ Thanh Phong nói. Và sau khi đi thực tế, chúng tôi có thể hiểu được vì sao ông Võ Thanh Phong phải nói như thế.

Nếu không có quy định về kinh phí hỗ trợ các lực lượng chống buôn lậu sát với thực tế, hoạt động chống buôn lậu sẽ chỉ là hoạt động chiếu lệ. Rõ ràng, do những quy định bất hợp lý trên mà có hiện tượng các lực lượng chống buôn lậu lựa chọn mặt hàng để chống.

Có phải vì thế mà khắp mọi nẻo đường của tỉnh Tây Ninh, Long An đều tràn ngập thuốc Hero nhập lậu? Và có phải vì thế mà ngày càng có nhiều nông dân nghèo khóc dở, chết dở vì mua nhằm phân bón, thuốc trừ sâu giả trong khi lực lượng chống buôn lậu lại e ngại việc bắt mặt hàng này...?

Phạm Thục và nhóm phóng viên

Tin cùng chuyên mục