Trắng đêm săn cổ vật chợ Viềng

Trắng đêm săn cổ vật chợ Viềng

(SGGP12G).- Có lẽ, chưa năm nào chợ Viềng lại đông đúc như năm nay. Người với người phải áp sát vào nhau mà dạo chợ. Và một trong những “đặc sản” của chợ Viềng là khu bán mua đồ cổ, năm nay bỗng nhiên sầm uất gấp nhiều lần những năm trước.

Chẳng biết đâu mà lần!

Những năm trước, tầm sáng mùng 8 tháng giêng Âm lịch mới đông khách nhưng hầu như những món đồ cổ kha khá đều đã bị các tay sành về đồ cổ từ Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định… “ẵm” đi từ đêm hôm trước. Cho nên năm nay, người dân đều đổ về chợ từ rất sớm, trong đó có cả dân từ tận những tỉnh xa hàng trăm cây số như Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An… để mong mua được cổ vật ưng mắt.

Sạp đồ cổ nào cũng đông khách vây từ phía. Thế nhưng hầu như khách chỉ đến xem mà chẳng mua được món đồ nào vì đồ thật giả, cũ mới chẳng biết đâu mà lần. Lai lịch của mỗi món đồ đều được chủ tô vẽ thêm, kéo niên đại “lùi” về hàng trăm năm, thậm chí cả ngàn năm. Đặc biệt, giá thì… trên trời, khách lộn cả túi vẫn không đủ tiền để mua!

Trắng đêm săn cổ vật chợ Viềng ảnh 1

Khu vực bán đồ cổ tại chợ Viềng đêm mùng 7 Tết. Ảnh: MINH ĐIỀN

Đứng giữa đám đông vây quanh, một chủ sạp hàng ở giữa chợ chỉ vào đôi độc bình men lam trông chẳng khác gì những đôi độc bình mà người Bát Tràng sản xuất, giới thiệu là từ thời nhà Lý, đã có người trả 30 triệu đồng nhưng không bán. Hỏi đúng giá bao nhiêu, anh ta nói: “35 triệu đồng. Bảo hành vĩnh viễn!”.

Một khách hàng có vẻ sành sỏi đồ cổ chặc lưỡi đầy nghi hoặc: “Sao độc bình nhà Lý mà chỉ có 35 triệu đồng?!”. Gian bên cạnh, chủ sạp hàng cũng đang giới thiệu những chiếc rìu đá, dao đá, mũi tên đá. Trông cái nào cũng nhám bùn đất, bạc thếch.

Hỏi nguồn gốc ở đâu ra, anh ta bảo: “Nhà đào được”. Hỏi bao nhiêu tiền một cái, anh ta lạnh lùng: “1 triệu đồng một cái”. Hỏi có biết niên đại của chúng thế nào không, anh ta bảo: “Từ thời nguyên thủy”.

Những cặp mắt nhìn ngơ ngác, ngờ vực. Phía sau, một vị khách hàng cười khành khạch: “Cái này làng tôi làm đầy. Đá đem đẽo, gọt rồi vứt ra vườn, để quên 1-2 năm sau thì trông như của người nguyên thủy thôi mà”.

Giữa đám đông chen lấn bỗng có một người đàn ông bước vào, chuyện trò bâng quơ một lát rồi sẵn sàng móc ví trả một chiếc ang men “dưa chua” được giới thiệu là có từ thời nhà Hán với giá 2,7 triệu đồng. Anh ta bọc giấy báo quanh chiếc ang, cặp vào nách. Hỏi ở đâu về, anh ta bảo từ Hà Nội, rồi chỉ tôi nên mua cái âu chuyên đốt trầm từ thời Lý mà chủ sạp đòi đúng giá 1 triệu đồng. Anh ta nói: “Cái đấy là đồ cao cấp đấy, giá một triệu đồng là chơi được”. Thế nhưng sau đó, một cụ già bán nước chè ở gần đó ghé tai tôi nói nhỏ: “Anh ta là… chim mồi đấy, cùng một đội với anh kia”.

Đi vài bước thì đến một mẹt đồ cổ gồm đủ loại bày ngổn ngang trước một quán trà. Chủ sạp tên là Nguyễn Xuân Khang, ở xóm 8, xã Xuân Thủy (Xuân Trường-Nam Định), tự giới thiệu là người chuyên đi thu gom đồ cổ ở khắp vùng về bán trong đêm chợ Viềng. Anh ta bảo: “Đồ của tôi toàn là thời Lý, Trần, Lê”.

Chỉ vào cái tước men xanh, trông méo mó, anh ta gạ: “Cái tước này để uống rượu, đã… 2.000 năm rồi đấy, giá 2 triệu đồng, mua giúp cho anh”. Khách lắc đầu. Anh ta lại với một chiếc lọ hoa bằng đồng đen xỉn, mời mọc tiếp: “Thế thì mua cái lọ hoa này về mà chơi”. Tôi hỏi: “Cái này có đến 50 năm không?”. Anh ta trợn mắt: “50 năm là thế nào! Cái này đã có từ thời Napoleon đấy”. 

Đồ cổ xịn không mang ra chợ

Chen chúc mãi chúng tôi mới ra đến khu chuyên bán đồ đồng thau ở phía sau chùa Đại Bi. Ở đây ánh điện thưa thớt nên hầu như các sạp đồ cổ đều phải thắp thêm một ngọn nến giữa mẹt hàng toàn bát, đĩa, hũ, lọ. Các món đồ cổ đều bày la liệt trên mảnh ni lông trải lên nền đất.

Hỏi tại sao không vào hẳn giữa chợ mà bày bán, 2 chủ sạp tên là Ngọc Phương, ở xóm 3, xã Hải Đường và Phạm Huy Niệu, ở số nhà 25 thị trấn Yên Định, cùng huyện Hải Hậu (Nam Định) bảo: “Bọn tôi đến đây để bán lấy may là chính, chứ không làm ăn chụp giật như ở trong kia”.

Anh Niệu nói: “Những đồ mà chúng tôi mang đến đây chỉ là cấp thấp. Còn nếu muốn mua đồ cổ xịn thì mời các anh đến tận nhà. Có những món vài chục triệu đồng cũng có”.

Anh Vũ Đình Thuận, ở xóm 16, xã Hải Anh (Hải Hậu-Nam Định), chủ một sạp hàng ngồi cách đó không xa, cũng nói: “Những món đồ cổ xịn ai dại mà mang đến đây, nhỡ đổ vỡ thì đi tong cả đống tiền”. Rồi xòe ra cả một seri ảnh chụp những cái thạp, âu, vại, lọ độc bình cổ, anh ta bảo: “Cứ xem kỹ, nếu ưng cái nào thì đến tận nhà tôi thỏa thuận”.

Ở đâu cũng hét giá trên trời, thật giả chẳng biết đâu mà lần, cuối cùng, chúng tôi đành quay trở lại mẹt bát đĩa của 4-5 người phụ nữ ngồi xúm xít tận cùng cuối góc chợ, trong ánh nến cháy leo lét. Mỗi người chỉ có 5-6 cái đĩa, bát sứt mẻ, bày ra trên đất nhưng đã quá khuya mà vẫn chưa bán được cái nào. Cầm cả xấp đĩa hoa văn lòe loẹt, chị bảo: “Chỉ có 70.000đ thôi, mua giúp cho chúng em để lấy may. Em cũng đang nóng lòng về sớm”. Tôi trả 30.000đ. Chị ta phân vân một hồi rồi cũng gật.

Càng về khuya, sương càng nặng hạt. Nhiều người đi lại nhiều vòng mà vẫn không thể mua nổi một món cổ vật ưng mắt, đành quay ra khu bán cây cảnh, bonsai mua tạm ôm về… lấy lộc cho cả năm.

VĂN PHÚC HẬU

Tin cùng chuyên mục