Quá giang đến trường

Cho em quá giang với!
Quá giang đến trường

Nhà nghèo không có tiền mua chiếc xe đạp, trường lại cách xa hàng chục cây số nên không biết bao thế hệ học sinh ở nhiều xã của huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vẫn lội bộ đi sớm về khuya, dầm nắng đội mưa đến trường.

Cho em quá giang với!

Quá giang đến trường ảnh 1

Học sinh đợi xe để quá giang sau khi tan trường.

Những ngày cuối năm 2008 tôi có dịp đi qua trên tuyến đường mới Nha Trang - Đà Lạt, nhìn cảnh các em học sinh phải đội nắng lang thang trên đường để xin quá giang xe tới trường khiến tôi chạnh lòng.

Xe đang lăn qua địa phận xã Cầu Bà, tôi bỗng nghe trong đám đông học sinh có em cất giọng yếu ớt: “Cho em quá giang với!” lúc đầu tôi cứ nghĩ đó là những em học sinh tan học về nhà. Hỏi mới biết, các em đang trên đường đến trường học cách đó hơn 10km.

Ly Ngân, một học sinh đi nhờ xe tôi, tâm sự: “Nhà em quá nghèo nên bố mẹ không mua nổi cho em lấy một chiếc xe đạp để đến trường". Ly Ngân năm nay học lớp 7, xã không có trường cấp 2 nên 2 năm nay em phải đến trường bằng cách quá giang xe sang xã Liên Sang để học. Nhà Ngân có 7 anh chị em, nhưng chỉ có em và một chị gái là còn đi học, nhà lại chỉ có một chiếc xe đạp nên cha bảo nhường xe cho chị đi học. Chị Ngân học buổi sáng còn Ngân học buổi chiều.

Tôi hỏi: “Sao không chờ chị đem xe về rồi đi”. "Chị tan học vào lúc 11 giờ 30 phút, nếu vượt hơn 10km đường núi thì về đến nhà phải hơn 13 giờ 30, khi ấy em mới đi học thì quá trễ". Ngân cười nói giọng nhỏ hơn: “Mà chị có về sớm chắc gì em có thể đạp xe nổi qua đoạn đường lắm dốc nhiều đèo như thế này”.

Để đến lớp, Ly Ngân và các bạn học sinh ở xã Cầu Bà phải đi từ rất sớm, vì nếu lỡ không xin được xe quá giang thì cũng còn kịp chạy bộ đến trường. 

Chờ đợi những chuyến xe...

Ngày nào cũng vậy, quán hàng xén của chị Nguyễn Thị Bế ở cổng Trường Lê Văn Tám giờ tan trường rất đông, nhưng không phải là khách mua hàng mà là các học sinh đợi xe để xin quá giang. Tuyến đường mới Nha Trang - Đà Lạt vừa mới được thông tuyến không lâu, dân cư sống trên tuyến đường này rất thưa thớt, tình hình sạt lở vào mùa mưa ở đây rất nghiêm trọng khiến xe đi lại trên tuyến đường này rất ít. Vì thế, để xin được đi nhờ xe trên tuyến đường này các em còn nhờ vào sự hên - xui.

Cao Mến, một học sinh lớp 9, tâm sự: Sáng nào em cũng phải dậy từ 4 giờ vừa đi bộ vừa ngóng xe để xin quá giang đến trường. Nhiều lúc vì đi quá sớm, trời đang tối như mực, núi vẫn còn hơi sương lạnh buốt, đường vắng không một bóng người khiến em cảm thấy nổi cả da gà khi đi trên một quãng đường vắng khá dài". Khi học về cũng vậy, chuyện xin quá giang trong đêm tối cũng rất khó khăn. Chị Bế nói giọng thương cảm: “Nhìn cảnh hàng chục em học sinh đứng ở quán tôi xin quá giang mỗi ngày thấy rất thương. Đứa học sáng thì đỡ cực hơn đứa học chiều, có lúc phải đợi xe từ lúc tan trường (khoảng 5 giờ chiều) đến khuya mới có xe cho quá giang”.

Nhiều lần thấy thương chúng chị lấy cơm nguội cho ăn rồi gọi điện về làng nhắn bố mẹ các em lên đón, nhưng được mấy nhà có xe máy đâu, để đón con thì bố mẹ phải mượn xe đạp của hàng xóm và có khi về tới nhà thì đã sang ngày mới. Ngày mai việc học của các em cũng lại luẩn quẩn như ngày hôm trước!

Ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, hầu hết con em học sinh đều là người đồng bào dân tộc thiểu số như Giarai, Êđê, Tày, Nùng, Thái… Nguyễn Đức Đoan, Phó Hiệu trưởng Trường Lê Văn Tám cho biết: Hiện ở Trường Lê Văn Tám có học sinh của 5 xã theo học, hầu hết hoàn cảnh của gia đình các em rất khó khăn, để đến được trường học có em phải đi bộ suốt 4 năm cấp 2, trong đó có nhiều em học sinh nhà ở xa cách trường hàng chục cây số. Tan trường, nhìn các em học sinh chờ xin xe quá giang mà các thầy cô giáo ai cũng mủi lòng, nhưng không có cách gì để giúp các em. Hàng ngày, có một số tuyến xe khách đi qua tuyến đường này thấy các em lê thê từng bước để đến trường và ngược lại họ cũng động lòng và cho các em quá giang, tuy vậy đó chỉ là giải pháp tạm thời.

Đầu năm học 2008-2009, Trường Lê Văn Tám chỉ có hơn 80% học sinh đến lớp, một nguyên nhân khiến tỷ lệ học sinh đến lớp ít như vậy chính là hoàn cảnh kinh tế gia đình quá khó khăn, thiếu phương tiện đến trường.

Chia tay Khánh Vĩnh mặt trời đã khuất núi, những làn sương từ các thung lũng ùn lên như khói. Dù vội vàng, chúng tôi cũng kịp nhận ra rằng sự học ở vùng cao vẫn còn lắm gian nan. Và cuộc sống của những dân nơi đây vẫn còn nhiều điều để ước, các em học sinh nơi đây đang rất cần sự đồng lòng góp sức của cả cộng đồng.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục