Chuyện ở một làng hoa

Chuyện ở một làng hoa

Xưa kia vùng chiêm trũng thôn Cát Lại, xã Bình Nghĩa (Bình Lục, Hà Nam) quanh năm chỉ biết đến cây lúa. Thế mà, vào những năm 1994, có một chàng trai mới 15 tuổi đã mạnh dạn đem giống hoa từ làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) về ươm mầm nơi đất mới. Và hôm nay, chàng trai đã trở thành tỷ phú nhờ hoa.

Từ yêu hoa…

Chuyện ở một làng hoa ảnh 1
Anh Hoàng Văn Đại đang chăm sóc cây bonsai

Vốn xuất thân từ một gia đình có truyền thống trồng rau nên mỗi khi đến mùa gieo hạt, ngoài buổi lên lớp, Hòang Văn Đại lại một mình cưỡi chiếc xe đạp ngược đê sông Châu Giang đi về các tỉnh Hà Tây (cũ), Hà Nội… tìm mua giống rau mới.

Một hôm, Đại lạc vào giữa chốn rừng hoa của làng hoa Tây Tựu (Từ Liêm, Hà Nội). Say mê trước hàng ngàn sắc hương, Đại đem lòng “yêu” hoa và quyết mang hoa về trồng. Anh dồn toàn bộ số tiền dùng cho mua giống rau để mua những giống hoa mới.

Trở về nhà mang theo những giống hoa đầu tiên, gia đình, bạn bè ai cũng cho anh là ngớ ngẩn. Mầm hoa được gieo xuống đất mới dần bén rễ tươi tốt, được một thời gian gặp cơn mưa lớn khiến số hoa chết gần hết.

Rồi các lần tiếp theo, cứ mỗi khi đi lấy giống rau mới, Đại lại bớt ra chút tiền để mua giống hoa về gieo. Nhưng rồi, cây hoa không chết vì úng ngập thì cũng chết vì còi cọc. Tưởng chừng những thất bại đầu đời đã làm cho chàng trai mới lớn - Hoàng Văn Đại từ bỏ ước mơ của mình…

Nhưng trong một lần, lang thang trên triền đê sông Châu Giang đi tìm cảm giác khoan khoái, trong Đại chợt lóe lên ý nghĩ “Sao không trồng hoa ở cạnh dòng sông này? - Đại nhớ lại - “Theo quy luật bồi đắp, đất sẽ có phù sa màu mỡ, cây hoa sẽ tốt tươi. Bên cạnh đó, mình sẽ chủ động được dòng nước tưới tiêu…”.

Đại sung sướng trước một phát hiện lớn lao của đời mình. Như không để mất thêm phút giây nào nữa, anh tiếp tục đi mua thêm nhiều giống hoa mới như: hoa thược dược, hoa hồng, hoa cúc, violét… và xin gia đình mảnh đất canh tác nơi triền sông để thực hiện sự nghiệp… trồng hoa của mình.

Vừa chăm chút từng nhánh hoa, bông hoa anh vừa “ba lô quả mướp” đi khắp nơi để “tầm sư học đạo”. Biết thêm được nhiều kỹ thuật trồng hoa, anh tiếp tục đưa nhiều giống hoa mới vào trồng và mở rộng thêm diện tích trồng rau.

Thấy trồng hoa đem lại hiệu quả cao, nhiều gia đình trong thôn lại tìm đến mua lại giống và xin học cách trồng hoa của anh. Thời gian sau diện tích hoa ngày càng được mở rộng. Từ một hai gia đình trồng dần tăng lên hàng chục gia đình, từ một làng thuần nông chỉ biết đến cây lúa, cây rau, thế mà bỗng chốc Cát Lại có thêm nghề trồng hoa.

“Ai trong trường hợp tôi cũng làm như vậy thôi. Vì yêu hoa muốn đem hoa về trồng cho vui, nhưng không ngờ hoa lại cho hiệu quả kinh tế cao. Bà con mình còn nghèo, có thêm một cái nghề cho cuộc sống bớt đi nhọc nhằn là tốt rồi”, anh tâm sự.

…đến làm giàu từ hoa

Không dừng lại ở việc trồng những giống hoa đơn thuần, Đại tiếp tục đi lùng thêm những giống hoa mới. Thật may, vào năm 2006, Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương có dự án phổ biến mô hình trồng hoa công nghệ cao (trong nhà kính) đến các địa phương và Đại đã tận dụng cơ hội này.

Ban đầu, gia đình và hàng xóm ai cũng “choáng” vì số vốn đầu tư cho mô hình lên tới 800 triệu đồng. May thay, được chủ dự án (Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương) hỗ trợ cho 50% số vốn, phần còn lại Đại phải tự đầu tư vào. Đại kể: “Lúc đầu cũng lo lắng lắm. Bỏ ra một khoản tiền tương đối lớn nhưng chưa biết được kết quả như thế nào”.

Bằng sự quyết tâm của mình, Đại lại một lần nữa khăn gói đi khảo sát, học tập các mô hình đi trước. Ngoài những lần được chủ dự án, Sở NN-PTNT, Hội Làm vườn tỉnh Hà Nam… tổ chức mở lớp hướng dẫn kỹ thuật, cho đi thăm các mô hình,  Đại còn một mình lặn lội đến học hỏi các mô hình từ Nam ra Bắc.

Kiến thức thực tế có trong tay nhưng diện tích đất để thực hiện mô hình chưa đủ. Đại lại đến các hộ gia đình có ruộng liền kề nhà mình vận động họ dồn điền, đổi thửa. Khâm phục trước việc làm của anh, nhiều gia đình vui vẻ đổi mà không nghĩ đến “đất tốt, đất xấu”.

Nhờ sự ủng hộ của những người xung quanh mà mô hình trồng hoa công nghệ cao trên diện tích hơn 2.400m2 ra đời. Trong đó, có 700m2 đất trồng hoa đồng tiền, 600m2 đất trồng hoa ly, 400m2 đất trồng hoa cúc… Ngoài ra, còn có 2ha là diện tích rau vụ đông các loại như: hành, tỏi, su hào, bắp cải… và gần 2.000 cây cảnh bao quanh mô hình hoa.

Năm đầu tiên, do kỹ thuật còn bỡ ngỡ nên vườn hoa của Đại phải đến sau tết 5 ngày mới nở, vì thế không đem lại hiệu quả như mong muốn. Rút kinh nghiệm cho những lần sau, anh bộc bạch: “Nếu hoa nở sớm quá, thì nên che chắn cẩn thận, hạn chế bớt quá trình quang học, còn nếu hoa nở muộn thì phải trùm ni lông cẩn thận, thắp bóng điện sưởi ấm…”.

Do nắm chắc được kỹ thuật và thu được nhiều kinh nghiệm từ thực tế nên mỗi năm việc trồng hoa đã đem về cho Đại số tiền lãi từ 200 – 300 triệu đồng. Đại chia sẻ kinh nghiệm: “Trước tiên, kỹ thuật phải nắm chắc, hiểu được thời gian sinh trưởng của cây để cho “ăn” hợp lý. Nếu trời rét quá nên trùm ni lông, thắp bóng điện sưởi ấm, còn trời nắng thì nên che chắn bớt ánh nắng mặt trời”.

Ngoài nắm chắc kỹ thuật, Đại còn đề cao việc tổ chức “đầu ra” cho sản phẩm. Sau 3 năm đi vào sản xuất, ngoài việc cung cấp giống hoa cho bà con quanh vùng, sản phẩm hoa công nghệ cao của Đại đã có mặt từ khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nhiều bạn hàng lớn từ trong Đà Nẵng, Quảng Nam… chỉ cần điện thoại là hoa được vận chuyển vào tận nơi.

Ngoài việc là một chủ vườn hoa có quy mô lớn nhất tỉnh, Hoàng Văn Đại còn là một đoàn viên gương mẫu, năng nổ trong công tác Đoàn ở địa phương. Nhờ những đóng góp của mình, ngoài các khen thưởng của các cấp, ban, ngành, năm vừa qua (2008) anh đã được Liên hiệp Hội Thanh niên Việt Nam tặng bằng khen “Thanh niên làm theo lời Bác”, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng giải thưởng Lương Định Của.

Kỳ Ninh (SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục