Baranưng còn vang trên tháp Chàm

Người Chăm ở vùng đất nắng Phan Rang ngày nay còn giữ 72 điệu trống, nhạc tấu truyền thống để thăng hoa đời sống lễ tục, hội hè văn hóa, tín ngưỡng quanh năm của cộng đồng mình. Ở xứ sở quanh năm bập bùng lễ hội và không gian dường như luôn được vây bủa bởi khói sương huyền thoại ấy, những nghệ nhân nhạc cụ Chăm đang ngày càng rơi rụng, thưa vắng…
Baranưng còn vang trên tháp Chàm

Người Chăm ở vùng đất nắng Phan Rang ngày nay còn giữ 72 điệu trống, nhạc tấu truyền thống để thăng hoa đời sống lễ tục, hội hè văn hóa, tín ngưỡng quanh năm của cộng đồng mình. Ở xứ sở quanh năm bập bùng lễ hội và không gian dường như luôn được vây bủa bởi khói sương huyền thoại ấy, những nghệ nhân nhạc cụ Chăm đang ngày càng rơi rụng, thưa vắng…

Tôi mở chuyến trở về những ngôi làng bình dị ở Phan Rang tìm những nghệ nhân trống Chăm cuối cùng. Những ngày cuối năm, gió heo chưa xua đuổi được những trận mưa trái mùa làm những con đường vào các plây (làng) nhão buồn. Và lần qua những hàng rào đan bằng que cây trâm bầu, nhìn những cửa nhà trầm kín, những lối quần cư theo “họ mẹ” (người Chăm theo mẫu hệ, phần nhiều con gái lấy chồng, đưa chồng về ở rể trong “rào giậu” khu nhà mẹ mình), tôi nghĩ ngay đến điều này: tự bản thân kiến trúc cộng đồng đậm tính nữ, khá thụ động, đã mang lấy một thành trì, sức đề kháng khá mạnh trước những sang chấn văn hóa từ bên ngoài.

Vậy mà, gần đây giới trí thức Chăm cũng lên tiếng, tỏ ra lo ngại nhiều về những giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm đang bị mai một. Một số công việc tưởng chẳng quan trọng nhưng lại góp phần bảo trì sức mạnh văn hóa truyền thống đang thiếu sự kế thừa…

  • Cái nghề khó!

Ông Phú Sạng, người làng Hậu Sanh, dưới chân tháp Pô Rômê, nghệ nhân già nhất đang giữ nghề làm nhạc cụ truyền thống Chăm. Ông Sạng làm quen tôi bằng câu nói “không có trống thì không có linh hồn lễ hội, không có linh hồn lễ hội thì người Chăm quên mình là ai”. Khi nói điều đó, tôi không sao nhìn rõ trạng thái nét mặt của ông, vì ở cái tuổi 79, với thâm niên hơn 60 năm đục đẽo nặng nhọc, lưng ông đã còng gập xuống phương ngang mặt đất. Chỉ khi ngồi trên ghế nói chuyện thì khách mới nhìn rõ nỗi băn khoăn đọng trong mắt ông.

Ông Sạng gốc làng Mỹ Nghiệp, theo vợ sang Hậu Sanh sống từ lâu, có dòng họ xa phía mẹ với nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm Inrasara. Về vai vế, Inrasara phải gọi ông Sạng là cậu (cậu bên cộng đồng Chăm thì được ví như chú bên cộng đồng người Kinh).

Baranưng còn vang trên tháp Chàm ảnh 1

Một công đoạn làm trống của người Chăm.

15 tuổi, ông Sạng theo mấy người cậu đi làm trống mướn cho người trong làng và cũng từ đây, ông được truyền nghề. Ngày xưa, gỗ để làm thân trống rất nhiều, da thú rừng cũng dễ kiếm nên việc làm trống không khó khăn. Người đi làm rừng thường mang về những khúc gỗ tròn có bộng bên trong cỡ bằng cái bình thủy, vân gỗ chắc, loại này được mua đẽo trống Ginăng thì tuyệt vời, có âm vang vọng.

Thứ cây làm trống thường là cây lim xanh, cóc rừng, cà chí (loại hay làm xe trâu). Những loại gỗ này xài lâu không nứt, nhưng bây giờ hiếm khi tìm được. Những tấm da thú tốt để bịt mặt trống còn khó kiếm hơn. Da bịt trống thường phải là da dê đực có sừng từ 3 đến 5 phân (3-5cm), nếu là dê cái thì phải là da loại dê đã đẻ 7 lứa. Da dê thường bịt trống Baranưng (trống chiếc, nghệ nhân vỗ tay vào mặt trống).

Còn Ginăng, tốt nhất là dùng loại da con mang bẫy trong rừng do người Raglai hay mang xuống chợ bán. Loại da mang rừng này phải là mang đực, loại có lông đen, dùng lớp da trên bả vai thì chắc và âm trầm - bổng rất sâu và thanh thoát. Nhưng nếu con mang chết đã lâu, da ươn thì thua.

Ginăng là trống cặp, đánh bằng dùi, nghệ nhân ngồi xếp bằng, vịn trống bên sườn bụng và dùng dùi gỗ trắc, me rừng, cẩm lai vót sao cho vừa tay cầm. Đây là loại gỗ chắc, đẹp, có độ tâng tốt nên giúp cho tiếng trống có sức vang vọng. Ginăng và Baranưng cùng diễn tấu, phát ra ba âm cơ bản: tìn, tớ, tịn…

Có những chuẩn mực kỹ thuật cơ bản truyền lại trong dân gian mà chỉ có những nghệ nhân loại trống này mới nắm được. Chẳng hạn: loại dây để căng da trống thường là dây cắt ra từ da lưng con trâu, loại trâu sừng dài 5 tấc. Sau khi lấy da, phải căng cho khô, sau đó vuốt muối và tro cho dẻo và bền. Sau giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu, việc quan trọng nữa là đo ni tính cỡ trống. Có những tiêu chuẩn thay đổi khi nghệ nhân nắm được thể trạng của người diễn tấu.

Ngày xưa, người Chăm làm trống Ginăng dài chừng 78cm. Còn ngày nay, theo tính toán và kinh nghiệm qua 60 năm làm và chơi trống trong những ban nhạc lễ của ông Phú Sạng, độ dài hợp lý được ông “đúc rút” lại còn 75cm. Cặp trống Ginăng trong một dàn nhạc truyền thống Chăm, có cái lớn, cái bé, xê xích nhau chừng vài phân.

Cái lớn, đặt bên tay trái là tượng trưng cho âm, đàn bà, tiếng chùng hơn, gọi là trống bà; cái bé hơn, vỗ bên phải nhỏ hơn, tượng trưng cho tính dương, âm bổng hơn, gọi là trống ông. Trống tập cho người mới học vỗ thì thường chỉ dài 6 tấc. Còn trống Baranưng thì mặt rộng đường kính dưới 5 tấc là vừa tầm ngồi, sao cho đánh trống mà nghe cung lòng mình bập bùng theo…

  • Phổ hồn cho trống

Kỹ thuật làm căng mặt trống cũng rất phức tạp. Ông Sạng nói: “Ở tuổi này chứ mỗi lần làm một bộ trống là tui phải bày mâm cúng thần (ông theo đạo Bàlamôn -NV) và cúng ông thầy nghề - tức là hai ông cậu Thiên Sòn và Vạn Nhiều theo phong tục để xin các ngài phù hộ. Mâm cúng gồm có 3 cái trứng gà, 1 nải chuối sứ, 1 chai rượu, 1 dĩa trầu cau”.

“Khổ nhất là mỗi khi có người mang trống cổ (tức những trống làm cách đây vài trăm năm, bảo vật trong các gia đình người Chăm) đến nhờ chỉnh sửa lớp dây bị bung, tui phải mời thầy cả sư về vừa cúng, vừa cho hơi của mình vào bụng trống, đứng lễ gọi lại tên, hồn cho trống thì mới dám bắt tay vào làm. Trước giờ, ít ai dưới 60 tuổi mà dám làm loại trống này. Mà thầy cúng cũng phải cúng thật đúng lễ”, ông Sạng nói tiếp.

Baranưng còn vang trên tháp Chàm ảnh 2

Kèn Saranai có khả năng “bắc cầu tâm trí”.

Nghệ nhân trống đưa vào linh hồn, triết lý nhân sinh quan của thứ nhạc cụ mà mình tạo ra. Theo ông Phú Sạng và cả ông Thiên Sanh Thiềm (62 tuổi, làm trống ở làng Hữu Đức) thì người đánh trống phải biết được cái trống chính là cơ địa của mình.

Hai ông chứng minh bằng lý lẽ dân gian rằng, mỗi bộ nhạc cụ là hiện thân của một con người. Như kèn Saranai 7 lỗ, tượng trưng cho cái đầu người, có hai mắt, hai tai, hai mũi và miệng; trống Baranưng tượng trưng cho thân mình; hai trống Ginăng tượng trưng cho hai chân, hai dùi đánh trống tượng trưng cho hai cái tay. Một bộ nhạc cụ Chăm được quan niệm như một cơ thể, có linh hồn bên trong và sự chuyển động tâm trạng vui buồn, khổ đau hay hạnh phúc, hướng nội và hướng tha, hướng thượng và hướng tâm… khi diễn xướng.

Ông Phú Sạng còn nhấn mạnh ý nghĩa này khi cho rằng, bản thân một mặt trống Ginăng khi làm phải đục thủng 16 lỗ để căng dây. Hai trống cộng lại là 32 lỗ, như 32 lỗ răng trong miệng mình. Và với sự cảm nghiệm sâu sắc ấy, mỗi người chơi trống Chăm phải chính là một người nghệ sĩ có sự khai mở nội giới, một sự rung động và thăng hoa giác quan tuyệt vời.

“Người hời hợt vỗ trống cất tiếng không đúng âm, không “chạm ni” của vang vọng. Chơi kèn Saranai cũng vậy. Kèn Saranai thổi trên tháp, trong lễ hội khác với tiếng kèn ò e ò e trên sân khấu. Cái khác là ở thần hồn của nó bắc cầu tâm trí người này với người kia…” - ông Thiên Sanh Thiềm nói. Còn ông Phú Sạng thì nhìn xa xăm về một thực tại nhói lòng: “Có làng Chăm bây giờ còn đến 6 bộ trống mà chẳng ai biết đánh nữa!”.

  • Huyền thoại không mất đi

Cũng như nhiều nghệ nhân dân gian khác trong làng Chăm, ông Sạng có vẻ thích phủ lên đời sống của mình nhiều màu sắc thiêng liêng và huyền thoại. Huyền thoại đã là sức sống không thể thiếu, là phần hồn và cảm hứng phía sau mỗi công việc thầm lặng cụ thể kia của ông.

Bây giờ tuổi đã già, sức đã yếu, cầm thước, cầm đục run tay, ông Sạng chỉ làm mỗi năm chừng 5 bộ nhạc cụ kèn, trống Chăm. Nhìn lại 60 năm làm nghề này, qua nhiều thăng trầm, ông buồn bã nhận ra ngay chính trong nhà ông, các con của ông không theo được nghiệp cha. Có đứa có thiên hướng “đục đẽo” nhưng lại đi làm nghề mộc, có tiền hơn và cũng thức thời, ít cô đơn hơn. Không trách được.

Một gian nhà cũ, ông sống với người vợ lặng lẽ. Gian phòng chật luôn ngổn ngang những đồ mộc, dây da làm trống và đặc biệt ông treo trên nóc nhà một bộ nhạc cụ ưng ý nhất trong 70 bộ mà ông đã làm trong cuộc đời mình. Gian nhà này, từ sau giải phóng, ông đã tiếp nhiều đoàn ký giả, nghiên cứu văn hóa nước ngoài. Nhưng niềm vui sống của ông, cái làm cho ông phấn chấn vẫn là những ngày lễ hội hay khi có cúng quảy trong làng.

Ông còng lưng vác bộ trống, kèn của mình đi những 8, 9 ngày mới về và bao giờ trở về cũng phờ phạc, nói không ra hơi. Nhưng sống bồng bềnh trong cõi miền của những giao cảm thời gian ấy, thì không gì bằng. “Vui nhất là mấy dịp đó được dạy cho bọn nhỏ biết cách chơi mai sau còn có người chơi đám ma cho mình!”.

Câu nói của ông Sạng khiến tôi ngậm ngùi về cái nghề. Nhưng âu đó cũng là cách nói vọng ra từ tâm thức Chăm. Những người coi hậu sự, cái chết cũng là một cuộc vui chơi bất tận trong thế giới hư thực không phân biệt được này.

Tôi lại nhớ, từ gian nhà nhỏ của ông Thiên Sanh Thiềm đầu làng Hữu Đức. Trưa đứng bóng. Ông ngồi một mình trước mâm cơm bu đen những ruồi là ruồi. Ông nói với khách chiều nay phải khăn gói lên tàu đi Hà Nội.

Ông cho tôi xem thư của Viện Âm nhạc mời ông ra dạy cách chơi nhạc cụ Chăm suốt một tháng ròng. Trước đây, ông Thiềm từng nhận đặt hàng làm trống từ những plây Chăm và bảo tàng ở Hà Nội, Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, An Giang… Ông Thiềm tỏ vẻ lạc quan vì gần đây trong mấy dịp lễ Tầm Cành, Chà Dà, Chà Ray… cúng quảy xóm giềng, ông cũng quy tụ được đám thanh niên và dạy cho chúng biết đánh trống, chơi kèn, ai có tinh thần thì đến học, không tiền bạc gì.

Ông lạc quan khoe với khách rằng mình đã làm được một việc lớn, thấy nhẹ lòng lắm, đó là dạy cho năm anh con trai Thiên Sanh Vũ, Thiên Sanh Minh, Thiên Sanh Văn, Thiên Sanh Cảnh, Thiên Sanh Hiển cái nghề truyền thống. Ông đã làm được điều mà cha ông- ông Thiên Sanh Tàu, cũng là một nghệ nhân làm nhạc cụ truyền thống - lúc sinh thời dặn dò: “Đừng để mất cái nghề này, vì khi nào không còn tiếng nhạc Chăm vang lên trong các plây, bập bùng đền tháp, nghĩa là không còn cái để nhận ra đâu là phần hồn của người Chăm”.

Phần hồn của người Chăm, chắc là điều mà từ sâu thẳm trong tâm thức đã bật lên thành lời rầm rầm khấn nguyện từ khi từng mặt trống chưa thành hình. Đó là điều mà hai nghệ nhân già nua còn sót lại ở đất Phan Rang này muốn hướng đến, khai mở và bảo tồn.

Một bộ nhạc cụ Chăm cơ bản gồm có: kèn Saranai, cặp trống Ginăng, hai người đánh và một trống Baranưng do thầy cúng vỗ.

Nguyên liệu da, gỗ để làm một bộ trống có chi phí khoảng 1,8-2 triệu đồng. Bộ nhạc cụ cơ bản này được bán với giá 6 triệu đồng nhưng nghệ nhân phải mất ít nhất 30 công (khoảng hơn 1 tháng) để làm ra.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục