Nơi đỉnh trời đá khát

Nơi đỉnh trời đá khát

Mèo Vạc là một trong 6 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 15/17 xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II. Nơi đây,  núi đá chiếm hơn 70% diện tích tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, trình độ dân trí thấp… Tuy nhiên, nhờ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý đã tạo nên cuộc sống ổn định hơn cho người dân Mèo Vạc. Đây được coi là kỳ tích ở một vùng toàn đá, hiếm đất và hiếm nước này.

Mỗi năm 6 tháng thèm nước 

Nơi đỉnh trời đá khát ảnh 1

Cày trên nương đá

Tiếp xúc với chúng tôi, anh Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Phù (huyện Mèo Vạc) không giấu nổi vẻ lo lắng khi nhìn bể nước đang dần cạn. Suốt nhiều tháng qua, ủy ban đã dùng “lố” ngân sách để mua nước sinh hoạt cho học sinh của trường dân tộc nội trú.

Cả trường có gần 200 học sinh, tiết kiệm tối đa mỗi tháng cũng phải tốn 400.000đ tiền nước.

Ở cái vùng đá khát này, khoản chi tiền nước hoàn toàn không nhỏ đối với cái xã nghèo nhất nước này. Vàng Thị Pà, 12 tuổi, học sinh lớp 6 rụt rè kể, mỗi ngày, ở trường em được phát 1 ca nước để uống.

Hiện nay, rất nhiều xã vùng đá Hà Giang đang thiếu nước trầm trọng. Tháng 3 vừa rồi, các huyện đã phải hỗ trợ khẩn cấp mỗi xã 10 triệu đồng để mua nước sinh hoạt cho cán bộ, giáo viên, học sinh nội trú. Người dân cũng được hỗ trợ tiền để mua nước. Những cán bộ từ huyện về xã công tác phải chở theo nước sinh hoạt để không gây phiền hà cho dân.

Đến nay, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đã có khoảng 900 hộ gia đình có đàn bò trên 10 con, bình quân mỗi năm toàn huyện xuất bán ra ngoài địa bàn khoảng 3.500 con trâu, bò. Nhờ phát triển chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo tại Mèo Vạc giảm mạnh (từ 51,9% năm 2007 đến nay còn 44,2%).

 “Mỗi năm người thèm nước 6 tháng, bò cũng thiếu cỏ 6 tháng”, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Sảng Chải B (xã Lũng Phù) Vàng Nhìa Sính, 49 tuổi, bảo vậy. Nhưng nước ưu tiên cho bò hơn, ông dí dỏm: “Người chịu khát một tí cũng không sao, để bò khát, bò gầy xấu mặt người nuôi”.

Vì không có bãi đất phẳng như miền xuôi, để trồng bắp, người dân phải gùi theo từng gùi đất, thả từng vốc vào hốc đá rồi tra hạt bắp vào trồng. Sau đó, họ lại gùi phân, nước để chăm sóc, tưới cây.

Tẩn mẩn như kiến tha mồi, gia đình nhà ông Sính gieo được 20kg bắp giống mỗi vụ, thu hoạch gần 1 tấn, đủ cho người và gia súc ăn trong 11 tháng, tháng còn lại phải tốn 70.000đ để mua bắp ăn. Phiên chợ nào, gia đình ông cũng có người xuống chợ, nhưng mỗi tháng, cả nhà chỉ tốn tiền chợ khoảng 10.000đ để mua diêm, muối.

Nuôi bò trên lưng

Nơi đỉnh trời đá khát ảnh 2

Địu cỏ về nuôi bò là công việc thường ngày của người dân cao nguyên đá

Bàn về chuyện nuôi bò ở mảnh đất rất hiếm đất, hiếm nước, khí hậu đầy khắc nghiệt này, người ta dùng một thành ngữ mới, đó là “nuôi bò trên lưng”. Với địa hình lởm chởm toàn những đá là đá, không có cỏ để chăn thả. Thậm chí nếu có thả rông, bò cũng bị đá làm cho thương tích.

Tại thôn Mã Pì Lèng (xã Pả Vi), người dân phải đem bán bò từ lúc nhỏ, vì nếu để to, không thể dắt bò qua những vách đá hẹp dựng đứng. Vì vậy, các gia đình đều đóng chuồng gỗ nuôi bò. Bò ở Mèo Vạc nổi tiếng nhất miền Bắc với hình dáng đẹp, chắc mượt, thịt thơm ngon nhờ nguồn thức ăn chế biến từ cây cỏ sinh sôi trên đá. Mặc đường sá xa xôi cách trở, chợ bò Mèo Vạc vào các buổi sáng chủ nhật nườm nượp xe từ miền xuôi lên mua bò.

Mèo Vạc có đàn bò lớn nhất tỉnh Hà Giang với tổng đàn trên 23.500 con. Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế, huyện đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển đàn trâu, bò giai đoạn 2006-2010, nhằm tập trung phát triển đàn gia súc trở thành hàng hóa, trở thành nguồn thu nhập chính trong phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện.

Ông Vàng Nhìa Sính cho biết hết mùa bắp, từ tháng 8 năm trước đến tháng 4 năm sau, mỗi ngày 2 lần sáng chiều, nhà ông phải có 2 người vào rừng lấy cỏ cho bò ăn. Mỗi lần phải đi đoạn đường dài 2 giờ đồng hồ mới đến chỗ có cỏ. Đã thế, gia đình còn phải có 2 người nữa đi lấy nước. Cỏ địu trên lưng, nước cũng địu trên lưng, vậy nên mới nói nuôi bò trên lưng là vậy.

Một điển hình về nuôi bò giỏi là gia đình ông Sùng Sính Phổng ở thôn Pả Vi Thượng, xã Pả Vi. Mỗi tháng ông mua 12 khối nước, chia làm 3 phần, người dùng 1 phần, 2 phần dành cho bò uống.

Do trồng bắp không hiệu quả kinh tế cao nên mô hình trồng cỏ nuôi bò đang được huyện khuyến khích. Hiện toàn huyện có trên 3.000ha diện tích trồng cỏ voi, nhiều nhất tỉnh Hà Giang. Nhờ nguồn thức ăn dồi dào nên dù sống giữa thiên nhiên cực kỳ khắc nghiệt, đàn bò vẫn phát triển tốt. Hiện nay, thu nhập của các hộ gia đình đã đạt trên 3,7 triệu đồng/người/năm. Đa số các gia đình đã có xe máy. Nhờ nuôi bò mà mua được xe, và cũng vì bò mà phải mua xe. Mua xe máy để đi lấy cỏ, lấy nước.

Hơn nữa, trước đây, muốn tìm nước, người dân Mèo Vạc phải hứng từng giọt mồ hôi của đá. Từ năm 2008, Mèo Vạc đã được nhà nước đầu tư xây dựng hồ treo trên núi chứa nước thiên nhiên, với dung tích hàng ngàn mét khối. Đến nay, huyện đã hoàn thành 5 hồ tại các xã: Sủng Trà, Lủng Phủa, Lũng Chinh, Sủng Máng, Giàng Chu Phìn...

Đứng trên quốc lộ 4C nhìn về Mèo Vạc, thấp thoáng bên những vạt cỏ xanh ngát trên triền đá xám, là hình ảnh của nhiều người dân từ núi cao xuống lấy nước tại hồ. Gánh nặng trên lưng người dân vùng đá khát đang nhẹ dần.

BẠCH LIỄU (SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục