Người đánh thức làng cá

Thuần hóa cá biển
Người đánh thức làng cá

Cách đây 10 năm, một ngư phủ Thuận An đã thuần hóa một số loài cá hồng, chẽm, mú, nâu của biển cả đưa về nuôi ở vùng cửa phá Tam Giang. 10 năm sau, những hộ gia đình theo nghề ông đã xây được nhà, sắm được xe và nuôi các con ăn học. Ông là Bùi Đoan – ngụ làng Hải Tiến, Phú Vang, Thừa Thiên-Huế.

Thuần hóa cá biển

Miệng nói, tay chèo thuyền, ông đưa tôi ra chòi cá rộng chừng 400m², chỗ nuôi cá được chia nhỏ thành nhiều ô, nằm cách bờ khoảng 30m, nuôi các loài cá: Mú, nâu, hồng, chẽm. Tùy theo đặc tính từng loài mà lồng được đặt sâu bao nhiêu để có độ mặn thích hợp. Mú, nâu có thể chịu được độ mặn tối đa 40%o nên phải liệu nước để thả lồng. Mùa nước cạn thì lồng phải sát đáy để giảm nhiệt độ. Với 15 lồng cá hiện nay, bình quân mỗi lồng nuôi từ 600-800 cá con, tính sơ sơ, trong tay ông đã có trên trăm triệu đồng.

“Sơ sẩy một tí là đi tong cả vốn lẫn lời đó cô. Hai mùa cá trước, nước ngọt về, không kịp trở tay, ông mất hơn 250 triệu đồng cả gốc lẫn lãi. “Nuôi con đến tuổi trưởng thành thôi còn nuôi cá là phải nuôi cả đời. Sáu mươi tuổi rồi mà đêm nào cũng ôm mùng chiếu ra chòi ngủ lại để trông coi đàn cá kẻo tụi đi đánh bắt, dùng xung điện là toi hết bầy cá nhỏ. Mà răng bữa ni người ta dùng xung điện nhiều ghê, đánh toàn cá con nữa chứ. Rồi đến lúc cá trên phá sẽ không còn nữa mô…”. Giọng nói ông chợt chựng lại, đôi tay vừa kéo sợi dây thừng níu chiếc thuyền cập lồng cá, đôi mắt buồn rười rượi.

Bác Đoan và 400m² ao cá, lời hơn 100 triệu đồng/năm

Bác Đoan và 400m² ao cá, lời hơn 100 triệu đồng/năm

Để nuôi 4 loài cá, việc cho cá ăn cũng là một kỳ công. Ông đã theo dõi thành lập biểu đồ cho cá ăn. “Những ngày đầu phải để cá đói, sau đó, thả thức ăn từ từ vào. Thức ăn cho cá phải là cá con còn tươi, không cho ăn cá ươn vì dễ gây bệnh. Sau một thời gian ngắn, khi thấy cá quen vị mồi, có thể làm thao tác nhanh hơn, tuy nhiên, cần tránh cho quá nhiều thức ăn, cá không ăn kịp, rơi xuống đáy lồng sẽ nhanh làm hỏng môi trường nuôi”, ông chia sẻ.

Một ngày ông cho cá  ăn 2 lần: Sáng sớm và chiều tối, khi cho cá ăn phải rải đều thức ăn ra, tránh tụ tập một chỗ. Lượng thức ăn thường chiếm từ 5%-10% trọng lượng cá nuôi trong lồng. Thường thời tiết thay đổi đột ngột, nhiệt độ nước và dòng chảy thay đổi nhiều, cá ít ăn lại, thành thử, những ngày mưa bão, chỉ cho cá ăn 1 lần và giảm trọng lượng thức ăn lại từ 1/2 xuống 1/4 lượng thức ăn thường ngày. Thường xuyên kiểm tra lồng nuôi, khoảng 3-5 ngày cọ rửa, vệ sinh các nan tre hoặc lưới một lần, tháo gỡ các vật cản, rác rưởi bám vào lồng, làm cho lồng thông thoáng, cá ít bị bệnh vặt.

Người “cứu cơm” cho cả làng

Sau 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá, vượt qua bao nhiêu thăng trầm cùng lồng lưới, bây giờ ông đã thành công và chỉ dẫn bà con vùng biển Hải Tiến phát triển một phương pháp sản xuất cá sạch cung ứng ra thị trường.

Nuôi cá lồng trong đầm ven biển Thuân An là mô hình mới đem lại hiệu quả rất lớn cho bà con nơi đây. Bình quân mỗi vụ nuôi, mỗi hộ lãi từ 25-100 triệu đồng. Nhiều gia đình đã sắm được xe máy, xây lại nhà… từ các lồng cá.

Hiện nay, cứ từ khoảng tháng 12 đến tháng 3 hằng năm, cả làng ra vây lưới nhỏ để bắt cá con. Khi bắt về, người ta nuôi trong lưới đến cỡ chừng 8-12cm mới đem thả lồng. Cá được nuôi trong lồng lưới, mỗi lồng nuôi khoảng 200 con. Mỗi lần cho cá ăn, thức ăn phải đảm bảo 4 tiêu chuẩn: Không quá nhiều, không bị ươn, không cho ăn bột và không thay đổi đột ngột thức ăn. Đó là 4 tiêu chuẩn mà ông đúc kết  qua bao năm vất vả và bây giờ truyền lại cho bà con trong xã.

Theo ông, đó là những nguyên tắc phải  áp dụng tuyệt đối. Chị Nguyễn Thị Hương, hộ mới nuôi lứa thứ 2, cho biết: “ Nhờ áp dụng 4 tiêu chuẩn đó mà vụ qua tui lãi được 25 triệu đồng. Bác Đoan là Chi hội trưởng Hội Nghề cá Hải Tiến, cái chi bác củng bày vẽ cho cả làng cả. Năm vừa qua, xăng dầu cao quá, chồng đi biển về chuyến nào cũng lỗ, may mà tui ở nhà nuôi cá, nên mới có đồng ra đồng vào”. 

Hiện nay, Chi hội Nghề cá Hải Tiến đã lên đến 50 hộ, hầu hết đều ăn nên làm ra. Anh Trần Văn Hùng, một thành viên trong hội, cho biết: “Năm rồi nước bị ô nhiễm. Đã thế, trong quá trình di chuyển, bị cọ xát làm cá bị ghẻ. Con này lây con khác, tốc độ lây lan nhanh quá tui không kịp trở tay, đang rầu thì bác Đoan biết tin, chạy qua bảo bắt cá ghẻ ra bỏ riêng, tắm qua thuốc tím rồi giã tỏi trộn chung với thức ăn. Một tuần sau, 50% số cá đã hết bệnh. Nếu mà không có bác Đoan, chắc nhà tui trắng tay rồi”.

“Thật ra, tui có phải cán bộ cán sự chi mô, chỉ vì nuôi lâu năm quá, mấy lần trắng tay rồi nên phải tìm cách trị chứ. Mà người trong làng cả, mình biết được cái chi thì bày cho họ cái đó, được mùa cá thì vui cả làng thôi”, ông bày tỏ. 

 Bây giờ, làng cá Hải Tiến đã sản xuất cá con, cá thịt ra các thị trường Đà Nẵng, Nha Trang... Mong muốn lớn nhất của ông và bà con nơi đây là có một nhà máy chế biến xuất khẩu cá để đầu ra của làng nghề luôn ổn định. Vì hiện nay, thấy cá nhiều, tư thương ép giá nên nhiều khi đồng lời chưa tương xứng với công sức họ bỏ ra.

Dương Thùy Uyên

Tin cùng chuyên mục