Dắt trẻ vào đời bằng đôi chân tật nguyền

Có chữ mới có tương lai
Dắt trẻ vào đời bằng đôi chân tật nguyền

(SGGP-12G).- Bị liệt cả hai chân do chất độc da cam nên việc đi lại rất khó khăn. Thế nhưng 20 năm nay, Nguyễn Trọng Nghĩa lại là người  thầy của các em nhỏ không có điều kiện đến trường trong thôn xóm.

Ước mơ giản dị

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Trọng Nghĩa, thôn Quế Thắng I – Xuân Bái (Thọ Xuân - Thanh Hóa) trong tiết trời se lạnh. Một vùng nông thôn thuần hậu hiện hữu trước mắt chúng tôi. Những ngôi nhà tranh lác đác bên dòng sông Chu tĩnh lặng, ngày đêm xuôi dòng nước theo thời gian. Nơi đây có một con người đang lê thân mình dạy các em thơ từng chữ A, T...

Lướt qua hàng cây râm bụt trước sân, chúng tôi bước vào ngôi nhà mái ngói rộng chừng 2 gian. Đây là nhà thầy giáo Nghĩa (theo cách gọi thân thiện của bà con nơi đây). Năm nay bước sang tuổi 58,  hơn 43 năm “vật lộn” với bệnh tật, quá nửa thời gian ấy Nguyễn Trọng Nghĩa lại dồn tâm sức dạy dỗ các em.

Thầy Nghĩa cùng các em nhỏ trong một buổi học

Thầy Nghĩa cùng các em nhỏ trong một buổi học

Năm 15 tuổi, khi Nghĩa vừa học xong lớp 7, ôm trong lòng những ước mơ, hoài bão thì tai họa bất chợt ập xuống khi anh bị căn bệnh quái ác bộc phát do ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha. Lúc này Nghĩa không thể tự mình ngồi được mà phải nằm một chỗ, chịu nhiều thiệt thòi và đau khổ.

Bao nhiêu hy vọng của một thời trai trẻ tưởng như vùi tắt trước bệnh tật khi nằm liệt giường, mong ước làm một điều giản dị ở đời càng trở nên khó khăn. Nhưng Trọng Nghĩa vẫn cố  gượng mình tìm đọc thêm nhiều sách vở nhằm bổ sung vốn kiến thức cho bản thân với mục đích sẽ làm được việc có ích cho xã hội.

Gần chục năm đầu Nghĩa đối mặt với bệnh tật và theo đuổi ước mơ làm một người thầy dạy chữ. Năm 35 tuổi, biết quê mình còn nghèo, nhiều gia đình không có điều kiện để các em đến trường nên phải chịu cảnh mù chữ.

Từ suy nghĩ giản dị nhưng giàu lòng nhân ái đó, Nguyễn Trọng Nghĩa bắt đầu vận dụng kiến thức đã được học, vận động các em nhỏ trong thôn, xóm có hoàn cảnh khó khăn đến để Nghĩa dạy cách đọc, cách viết.

Có chữ mới có tương lai 

Khi hình thành, lớp học chỉ vài em, đến nay lớp của thầy Nghĩa luôn có từ 15-20 em. Học trò của thầy Nghĩa chủ yếu là các em từ 5-10 tuổi. Do bị liệt không đứng được nên “bục giảng” của anh là cái phản. Đó cũng là nơi anh nằm và dạy học trò bằng những nét chữ anh viết nắn nót lên bảng.

Cách dạy của thầy thường rất đơn giản nên hầu hết các trò đều dễ hiểu. Đầu tiên thầy Nghĩa dạy cho các em cách đọc và viết sao cho đúng âm chuẩn tiếng Việt. Sau đó là đến những bài học khó hơn như các phép tính cộng trừ, nhân chia... Các em nhỏ hầu hết đều ham học và quý mến thầy, chúng nói rằng “thầy Nghĩa rất tốt mà lại giỏi nữa”.

Người dân trong xã biết đến tấm lòng của Nghĩa, ai cũng phải khâm phục trước tấm gương vượt khó giúp ích cho đời. Thầy Nghĩa tận tình hướng dẫn các em từng chữ. Con em nhà nghèo trong thôn, xóm đến với anh, Nghĩa đều nhận dạy mà không lấy một đồng tiền công.

Cảm động trước tấm lòng thầy, người dân quanh xóm thường mang biếu anh lúc thì rổ khoai, rổ sắn để tỏ tấm lòng. Chị Đinh Thị Mai, một người dân trong xóm cho biết “gia đình tôi rất biết ơn thầy Nghĩa, nhờ có thầy mà con tôi và nhiều trẻ em khác không có cơ hội đến trường biết đọc, biết viết. Bị liệt cả hai chân mà tấm lòng thầy nghĩa thật rộng lớn”.

Thời gian thấm thoát trôi đi, nay đã hơn 20 năm thầy Nghĩa dạy chữ bên dòng sông Chu, có những em nhỏ ngày nào nay đã là những chàng sinh viên, cô sinh viên trong các trường đại học lớn của cả nước như em: Nguyễn Trọng Hoàng (SV Trường Đại học Hồng Đức – Thanh Hóa); Nguyễn Thị Trang (Trường Du lịch Đà Nẵng)...

Khi chúng tôi hỏi nguyên nhân khiến anh đến với nghề dạy học, anh mỉm cười: “Mình đã không có cơ hội để học tập đến nơi đến chốn. Thấy các em nghèo thiệt thòi không có điều kiện đến trường, tôi nghĩ, các em cần phải biết chữ, có chữ mới có tương lai tươi sáng hơn”.

Trân trọng tấm lòng của một con người biết hy sinh mình, biết vượt khó khăn, vừa qua, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa và nhiều đoàn thể, chính quyền địa phương, đã quyên góp xây dựng lại ngôi nhà, mua sắm bàn ghế học sinh để anh thuận tiện trong việc dạy học.

Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hoá đã tặng bằng khen ghi nhận những thành tích trong hơn 20 năm qua mà Nguyễn Trọng Nghĩa đã làm.

Xuân Thủy

Tin cùng chuyên mục