Những chuyện gây sốc của “Vua tôm”

Những chuyện gây sốc của “Vua tôm”

(SGGP-12G).- Từ đầu năm 2009 đến nay giá tôm sú tăng vọt. Trong lúc nhiều trang trại nuôi tôm tiếc nuối không có tôm để bán thì trang trại của ông Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) ở xã Vĩnh Trạch Đông, thị xã Bạc Liêu (Bạc Liêu) luôn có tôm bán đều đặn.

Đột phá từ nuôi tôm sạch

Những chuyện gây sốc của “Vua tôm” ảnh 1

“Vua tôm” Sáu Ngoãn

Trang trại tôm của ông Sáu Ngoãn rộng khoảng 50ha nằm gần biển Bạc Liêu. Những ngày cuối tháng 3-2009 trong lúc nhiều hộ đang loay hoay vay vốn tìm mua con giống thả nuôi thì 7 ao tôm của Sáu Ngoãn vừa thu hoạch, bỏ túi trên 1 tỷ đồng.

Ông khoe: “Chưa bao giờ giá tôm đắt như lúc này, tôm loại 20 con/kg có giá từ 170.000-190.000đ/kg; loại 30 con giá 130.000-140.000đ/kg; loại 40 con giá 120.000-125.000đ/kg… Giá càng cao thương lái càng tranh nhau mua, có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, sướng lắm”.

Sở dĩ tôm của Sáu Ngoãn bán được giá cao là nhờ nuôi theo quy trình sạch, vì vậy chẳng những các nhà máy ưa chuộng mà giới thương lái cũng giành nhau mua để cung cấp cho các nhà hàng ở TPHCM.

Trang trại nuôi tôm của ông được quy hoạch và thiết kế bài bản, có hệ thống cấp nước - thoát nước riêng biệt, ao lắng đầy đủ, hệ thống xử lý chất thải tốt… vì thế nguồn nước trong các ao tôm lúc nào cũng sạch sẽ không bị ô nhiễm.

Ông tiết lộ, để tạo được cơ ngơi nuôi tôm như hôm nay phải mất gần 7 năm gầy dựng. Ông kể, lúc nghề nuôi tôm các vùng ven biển ĐBSCL phát triển rầm rộ, vùng Bạc Liêu này cũng “nhà nhà nuôi tôm, người người nuôi tôm”, ngay cả cán bộ, công chức cũng “xung phong” ra đồng nuôi tôm.

Trong lúc người ta ùn ùn nuôi tôm, Sáu Ngoãn lại đi nuôi bò, nuôi dê. Bạn bè xúi ông nhảy vào nuôi tôm nhưng ông lắc đầu không chịu. Đến những năm 2001- 2002, nhiều đồng tôm bị dịch bệnh như đốm trắng, đỏ thân… chết hàng loạt; có nơi tôm nuôi hoài nhưng không chịu lớn buộc phải thu hoạch sớm dẫn đến lỗ nặng. Nhiều nơi ở Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng… ao tôm bỏ trống tràn lan, đất nuôi tôm tuột dốc vì ai cũng uể oải.

Trong lúc nhiều người thoái lui thì Sáu Ngoãn chính thức nhảy vào nuôi tôm. Ông bán hết đàn dê, đàn bò khoảng hơn 100 triệu đồng để mua 3ha đất. Ngay vụ nuôi đầu tiên do chưa rành kỹ thuật nên thả mật độ dầy, vụ thu hoạch đầu ông kéo về được 120 triệu đồng. Vụ sau cũng nuôi nhưng tôm không lớn và bán giá thấp chỉ đủ chi phí đầu tư.

Sáu Ngoãn mất ngủ mấy ngày liền vì thấy nghề nuôi tôm chứa đựng nhiều rủi ro, thiếu bền vững. Ông bắt đầu lang thang khắp vùng ĐBSCL làm quen những người đi trước, nhờ các kỹ sư thủy sản tư vấn, học quy trình nuôi từ nước ngoài… cuối cùng Sáu Ngoãn quyết định bỏ cách nuôi dầy truyền thống, chuyển sang mô hình nuôi thưa.

Theo đó, mật độ thả chỉ 7-9 con/m2, chọn giống tốt, chăm sóc chu đáo. Điều bất ngờ là cách làm này đã chống được bệnh đỏ thân, đốm trắng. Với 7ha nuôi thưa, ông thu lời trên 1 tỷ đồng. Thấy mô hình nuôi thưa hiệu quả, Sáu Ngoãn đầu tư mở rộng quy mô lên 10ha, rồi 25ha… thu lời mỗi năm từ 2 - 3 tỷ đồng.

Sáu Ngoãn phân tích, lâu nay mọi người cứ tham lam nuôi dầy dẫn đến bệnh nhiều, hao hụt cao, tôm nhỏ, gây ô nhiễm môi trường. Nuôi thưa sẽ tránh được những rủi ro trên, ngoài ra ít sử dụng hóa chất nên tạo ra con tôm sạch bán được giá cao. Các chuyên gia thủy sản và các nhà khoa học cũng đồng tình ủng hộ mô hình nuôi thưa của Sáu Ngoãn.

Chuyện gây sốc

Nhiều năm liền thu lời bạc tỷ và được người dân Bạc Liêu tôn vinh là “Vua tôm”, tuy nhiên Sáu Ngoãn không chịu dừng lại mà tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình nuôi hoàn chỉnh hơn. Thấy giá thức ăn tăng cao, ông thử cho tôm ăn ốc bươu vàng. Thấy được, ông mua về hàng tấn ốc bươu vàng cho tôm ăn trước sự ngỡ ngàng của người dân và cán bộ thủy sản, bởi lâu nay chẳng ai dám cho tôm ăn ốc dù giá ốc rất rẻ. Thế nhưng ông làm và thành công. Thì ra ông tìm hiểu ốc bươu vàng chứa nhiều can xi, là loại thức ăn tươi rất tốt.

Bên cạnh đó, ông còn có sáng kiến nuôi cá chẽm để diệt cua, còng thay vì phải dùng hóa chất tốn kém và gây ô nhiễm. Sáu Ngoãn còn vận dụng dòng chảy của nước để đưa rong, rêu, tảo… ra ngoài ao tôm mà không cần vớt bằng sức người. Đồng thời, ông cũng nghĩ cách xử lý loại bỏ các chất mùn, bã… dưới đáy ao tôm mà không dùng máy hút, tiết kiệm nhiên liệu…

Thu hoạch tôm ở trang trại Sáu Ngoãn

Thu hoạch tôm ở trang trại Sáu Ngoãn

Tất cả những sáng kiến thử nghiệm đạt hiệu quả, ông Sáu Ngoãn đều công khai và khuyến khích mọi người áp dụng. Ai chưa hiểu, ông hướng dẫn cặn kẽ từng phương pháp. Ông còn in thành tài liệu phổ biến để nhiều người làm theo. Chỉ riêng mô hình nuôi tôm thưa bền vững, lúc đầu có doanh nghiệp mua “bản quyền” giá cao nhưng ông không bán mà ông lại sẵn lòng hướng dẫn những người dân nghèo áp dụng trong nuôi tôm để có cuộc sống khá hơn.

Nhiều công ty thức ăn trong và ngoài nước đến đề nghị hợp tác và hỗ trợ thức ăn nhưng ông không chịu mà tiếp tục sử dụng ốc bươu vàng nuôi tôm để hạn chế thức ăn công nghiệp. Điều khá thú vị là những sáng kiến của Sáu Ngoãn được kỹ sư thủy sản ủng hộ, nhiều cán bộ chuyên môn và sinh viên các trường đại học thường xuyên tìm tới nhờ ông truyền đạt kinh nghiệm thực tế. Thậm chí những công ty nuôi tôm cũng đến “ăn cắp nghề” về áp dụng.

Gần đây, ông kịch liệt phản đối việc nuôi tôm thẻ chân trắng bởi đây là dạng nuôi siêu công nghiệp, đầu tư lớn, rủi ro cao, lời ít, đặc biệt là mức lây lan mầm bệnh dữ dội, ô nhiễm môi trường tràn lan nếu không quản lý chặt chẽ. Từ sự khuyến cáo của Sáu Ngoãn mà người dân Bạc Liêu hiểu ra, nhất là những hộ không có điều kiện quản lý đã không nuôi loại tôm này.  

                                                                                                                                    
Đột phá từ mô hình nuôi thưa, Sáu Ngoãn được Bộ Khoa học và Công nghệ tặng cúp vàng. Ngành thủy sản Bạc Liêu phát động cho người dân áp dụng làm theo bởi đây là mô hình nuôi ít rủi ro, đầu tư thấp, tôm sạch, bán được giá cao, thu lời nhiều, đảm bảo môi trường. Đây chính là hướng đi bền vững.

Sáu Ngoãn kể, nhiều nhà sản xuất thức ăn công nghiệp, thuốc kháng sinh… rất “ghét” ông. Bởi mô hình ông đưa ra đều không dùng thuốc và giảm thức ăn công nghiệp nên họ bán không được nhiều. Các công ty bảo  mô hình ông là “quy trình gây sốc”. Dù vậy, ông vẫn vui vì giúp ích được cho dân nghèo. Gần đây, các doanh nghiệp ở Hoa Kỳ đến thăm trang trại và hỏi về con tôm sạch. Ông trình bày sơ đồ nuôi và đưa đi thực tế mô hình các ao tôm nuôi thưa, kiểm soát chặt đầu vào - đầu ra; không dùng hóa chất… Các doanh nghiệp Hoa Kỳ thừa nhận, tôm sạch và tôm cỡ lớn như ông rất khó kiếm; không phải ai cũng làm được. 

CÁT VY

Tin cùng chuyên mục