Vượt sông tìm chữ Việt

Tìm chữ đổi đời
Vượt sông tìm chữ Việt

Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, song hàng chục điểm trường tại các xã Khánh An, Quốc Thái, Long Bình, Đa Phước (huyện An Phú, tỉnh An Giang) được rất đông  “du học sinh” là người Việt định cư tại Campuchia (CPC) tìm về học chữ. Con đường tìm con chữ của các em cũng lắm gian nan.

Tìm chữ đổi đời

Học sinh vùng biên An Phú luôn vượt khó trong học tập.

Học sinh vùng biên An Phú luôn vượt khó trong học tập.

Có mặt tại xã Pẹc Chạy, quận Koh Thum, tỉnh Kan Dal (CPC) vào tầm giữa trưa nên chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm em học sinh ở các cấp học đang chuẩn bị “vượt biên” sang Việt Nam để đến trường.  Theo chân các em, chúng tôi mới thấu hiểu hết những gian nan, nghị lực các em tại các xã Pẹc Chạy, Sầm Pa Puơl, Sơn Kha Mau, Létt Đét  (CPC) trong việc tìm con chữ.

Hai chị em Nguyễn Mỹ Dung và Nguyễn Nam Phong (học sinh Trường Tiểu học “A” Khánh An) nói với chúng tôi: “Ngày nào tụi con cũng phải đi học từ sớm như thế này chú ạ, nhà xa, không có phương tiện đi lại nên chị em tụi con phải đi bộ. Mùa nắng còn đỡ chứ đầu mùa lũ tụi con toàn phải lội nước đi học”. Một ngày mới của các em thường bắt đầu từ 5g sáng. Ngoài việc phải thức dậy sớm để chuẩn bị cơm nước mang theo, các em còn phải lội bộ băng đồng, vượt sông hàng chục kí lô mét để đến trường đúng giờ.

Từ CPC, theo tuyến đường chính, các em phải vượt qua con sông biên giới Bình Di  bằng phà (được miễn phí) hoặc có em thì băng qua những cánh đồng nắng gắt để đến trường. Hành trình đến với con chữ của con em học sinh người Việt quốc tịch CPC gian khổ là thế, tuy nhiên, tính đến nay số lượng các em học sinh theo học tại các trường học của Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên. Thầy La Văn Bé, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh An cho biết: “Toàn trường có 679 HS, trong đó  214 học sinh là từ CPC về học. Riêng 2 trường TH “A” Long Bình và TH “A” Khánh An, số lượng các em học sinh người Việt sinh sống tại CPC chiếm tới gần 1.000 em trên tổng số 1.940 học sinh của trường.

Gia đình các em sinh sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp nên còn rất khó khăn. Chính vì thế mà trường cùng các ban ngành đoàn thể địa phương đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ các em như  tặng tập viết, trang phục cho các em; những học sinh khá, giỏi còn được hỗ trợ 200.000đ/tháng. Do đó cũng ít nhiều động viên được các em đến trường, nhất là vào mùa mưa lũ và những tháng giáp hạt”. Anh Trần Minh Thi, quê gốc An Giang, lập nghiệp ở Pẹc Chạy từ năm 1999 cho chúng tôi biết, đa phần các gia đình gốc Việt bên đây đều nghèo, con cái thất học, đứa nào giỏi lắm thì cũng chỉ hết lớp 3.

Các em nghỉ học vì  phải phụ giúp cha mẹ ra đồng làm việc hoặc phải rong ruổi theo những chuyến chài lưới mưu sinh của gia đình. Chính vì lẽ đó, việc học với đa số người Việt ở vùng này vẫn là cái gì đó xa xỉ lắm. Anh cho biết, anh đã tính cho cháu nghỉ học.  Bây giờ, cứ khoảng 5g sáng, anh chị đem cá qua chợ cửa khẩu Khánh Bình bán và cũng đưa con sang xã Khánh An học. Đến trưa, bán cá xong, anh lại chèo xuồng đón con về. Anh tâm sự: “Đời tôi đã khổ nhiều vì thất học nên vợ chồng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để cho cháu được đến trường”.

Chung tay vì một ngày mai phát triển

Đó là mục đích cho những việc đã làm của các ban ngành địa phương huyện An Phú khi trao đổi với chúng tôi về việc tiếp nhận, hỗ trợ và trợ cấp học bổng cho học sinh Việt Nam ở CPC có hoàn cảnh khó khăn về An Phú học tập. Ông Hồ Văn Mách, Trưởng phòng Giáo dục huyện An Phú, cho biết: Với đặc thù là một huyện biên giới, chỉ ngăn cách với nước bạn một con sông nên việc các em học sinh Việt Nam sinh sống tại CPC về Việt Nam học rất nhiều. Để tạo điều kiện cho các em đến lớp, những chủ đò ngang xã Khánh An đưa rước các em học sinh qua lại sông miễn phí; các trường không thu tiền cơ sở vật chất của các em học sinh từ CPC về Việt Nam học tập.

Học sinh qua cửa khẩu Khánh Bình để đến lớp.

Học sinh qua cửa khẩu Khánh Bình để đến lớp.

Trao đổi với chúng tôi về công tác hỗ trợ và vận động các em học sinh Việt kiều  CPC đến lớp, không bỏ lớp sau mỗi vụ mùa, ông Nguyễn Văn Khên, Phó Chủ tịch huyện An Phú, nói: “ Việc hỗ trợ và cấp học bổng cho các em học sinh học giỏi có hoàn cảnh khó khăn ở bên kia biên giới về Việt Nam học là việc chúng tôi đã làm từ nhiều năm nay.

Ngoài những suất học bổng (sẽ được hỗ trợ 200.000đ/tháng cho đến năm 18 tuổi, nếu như thành tích học tập luôn tốt), Đảng ủy, UBND huyện cũng thường xuyên vận động các quý doanh nghiệp, các đoàn thể để chăm lo cho học sinh ở mọi cấp học dưới nhiều hình thức như tặng sách vở, quần áo, gạo hằng tháng… Bên cạnh việc kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí để chăm lo cho học sinh, chúng tôi cũng thường xuyên cử cán bộ chuyên trách qua bên kia biên giới tìm hiểu, giúp đỡ những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vận động các em bỏ học ra lớp trở lại”.

Hằng ngày, bên bờ sông Bình Di, hàng trăm học sinh Việt kiều từ các xã Pẹc Chạy, huyện Kor Thum, tỉnh Kan Dal, CPC được cha mẹ đưa đi học bằng xuồng ba lá băng đồng, vượt lũ về Việt Nam tìm con chữ. Nhìn hình ảnh đó, chúng tôi càng cảm nhận và hiểu rõ một điều: Tinh thần hiếu học vẫn luôn là gía trị hàng đầu trong mọi giá trị của nền giáo dục nước ta.

Xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang giáp biên với xã Pẹc Chạy, quận Koh Thum, tỉnh Kần Dal, CPC. Xã Pẹc Chạy có 2.240 hộ, với khoảng 12.000 người Việt đang sinh sống và làm ăn, chiếm 80% dân số của toàn xã.

Nguyễn Anh

Tin cùng chuyên mục