Đăk Nông: Phá rừng “có giấy phép”!

Đăk Nông: Phá rừng “có giấy phép”!

(SGGP-12G).- Tại thời điểm này, một số khu rừng ở tỉnh Đăk Nông đang bị tàn phá nặng nề. Điều đáng ngạc nhiên là tại một số cánh rừng, những kẻ khai thác có giấy phép hẳn hoi! Rừng quá rộng lớn, lực lượng quản lý rừng quá mỏng nên cây rừng bị chặt là có thể hiểu nhưng có nơi, rừng bị chặt phá ngay sát cơ quan chủ quản! Hình như có điều gì đó khó hiểu đang diễn ra...

Quản lý 3 năm, mất 90ha rừng!

Năm 2006, UBND tỉnh Đăk Nông chấp thuận cho Công ty TNHH Ngọc Thạch (Công ty Ngọc Thạch) thuê 589ha đất ở Tiểu khu 1515, 1516 (thuộc xã Quảng Tây, huyện Tuy Đức) để thực hiện dự án bảo vệ rừng và trồng rừng nguyên liệu. Theo quy định, kể từ đó Công ty Ngọc Thạch phải tổ chức tốt công tác bảo vệ, quản lý rừng. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công ty này chỉ tiến hành trồng được khoảng 10ha cao su.

Ông Châu Phúc Dũng, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân, cho biết: “Hiện tại, tôi cũng không biết Công ty Ngọc Thạch đã khai thác, trồng rừng ra sao. Riêng các vụ phá rừng, khi chúng tôi phát hiện thì có điện thoại thông báo cho công ty nhưng không nhận được sự hợp tác giải quyết! Hình như phần diện tích còn lại không ai chăm sóc, bảo vệ”.

Khi chúng tôi đi thực tế tại Trạm bảo vệ rừng số 1 của công ty này ở đầu thôn Đăk M’rê thì cửa đóng im ỉm, chung quanh cỏ dại mọc đầy. Tại Trạm bảo vệ rừng số 2 cũng của công ty thì chỉ có… 1 người đang làm việc. Đó là bà Nguyễn Thị Dung, năm nay vừa tròn… 60 tuổi. Ngoài bà Dung, trạm bảo vệ còn 3 người nữa, trong đó có chồng bà nhưng ông này đã bỏ về nhà (vì 2 tháng qua không có lương), còn 2 thanh niên kia đi đâu bà Dung không biết!

Hiện nay, trong lâm phận của Công ty Ngọc Thạch có nhiều người dân ngang nhiên phát rừng, chiếm đất trồng khoai mì cao sản. Nhiều khoảnh rừng sát lề đường cây cối đổ ngổn ngang, nhiều cây bị đốt cháy đang nằm chỏng chơ.

Lực lượng kiểm lâm huyện Tuy Đức bắt lâm tặc tại Tiểu khu 1515 thuộc lâm phận do Công ty Ngọc Thạch quản lý .Ảnh: C.T.

Lực lượng kiểm lâm huyện Tuy Đức bắt lâm tặc tại Tiểu khu 1515 thuộc lâm phận do Công ty Ngọc Thạch quản lý .Ảnh: C.T.

Cuối tháng 1-2009, qua kiểm tra, chi cục kiểm lâm tỉnh cho biết hơn 88ha rừng tại lâm phận của Công ty Ngọc Thạch đã bị tàn phá. Chỉ tính riêng Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức trong khoảng thời gian từ đầu năm 2009 đến nay đã phát hiện hơn 52ha rừng tại Tiểu khu 1515, 1516 bị lâm tặc đốn chặt.

Ngoài chuyện quản lý, bảo vệ rừng thì ý thức hợp tác, trách nhiệm phối hợp làm việc của Công ty Ngọc Thạch với các cơ quan chức năng cũng bộc lộ nhiều thiếu sót. Chi cục kiểm lâm tỉnh cho biết, Công ty Ngọc Thạch cử người không đủ thẩm quyền tham gia đoàn kiểm tra và không ký biên bản khi làm việc xong! Dư luận đang đặt nhiều nghi vấn về trách nhiềm của Công ty Ngọc Thạch.

Khó bắt, dễ tha!

Từ thị xã Gia Nghĩa, chúng tôi thuê xe đi vào trung tâm xã Đăk Ha (huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông). Vượt thêm 15 cây số đường rừng trên tỉnh lộ 4, chúng tôi đã chứng kiến những vạt rừng sát đường bị đốt, chặt nham nhở. Tại nhiều dãy đồi lân cận, cây rừng bị đốn sạch. Vài chục héc ta rừng ở Tiểu khu 1685 bị đốn hạ nhưng trong các báo cáo gửi về cơ quan chủ quản lãnh đạo Xí nghiệp Lâm nghiệp Đăk Ha (XNLN Đăk Ha) cho biết, từ cuối năm 2008 đến nay đơn vị chỉ phát hiện một vụ phá rừng với diện tích khoảng 6,3ha!

Cuối tháng 2-2009, Công an huyện Đăk Glong cho biết, tại Tiểu khu 1685 thuộc lâm phận XNLN Đăk Ha quản lý đã có 12 điểm bị chặt phá với diện tích khoảng 13ha. Rừng bị phá quá nhiều nhưng cơ quan quản lý, bảo vệ rừng chỉ phát hiện và lập biên bản 3 trường hợp.

Bắt lâm tặc đã khó và việc xử lý còn khó hơn. Cụ thể, ngày 2-12-2008, cán bộ bảo vệ rừng của xí nghiệp đã bắt quả tang Nguyễn Văn Thêm và Phạm Văn Khải đang phá rừng. Những đối tượng trên không những không bị giao cho cơ quan kiểm lâm huyện để điều tra, xử lý mà lại được thả ra ngay sau đó. Điều lạ lùng hơn, họ được thả qua sự bảo lãnh của chính người “ra lệnh” phá rừng!

Trong đơn xin bảo lãnh, ông Phạm Đình Bộ tường trình rằng ông nhờ 2 người cháu là Thêm và Khải phát rẫy cho sạch để chuẩn bị thu hoạch khoai mì, tuy nhiên do họ không biết nên phát rẫy “lộn” vị trí. Phát rẫy nhầm mà tới những 2.000m2, mà cây nào cây nấy cũng to lớn và phải tới khi bị phát hiện mới dừng lại thì thật là khó hiểu. Nếu không phát hiện kịp thời thì không biết rừng còn bị phá bao nhiêu nữa.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình phá rừng tại lâm phận của XNLN Đăk Ha, ông Đỗ Ngọc Duyên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đăk Nông, cho biết: “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời làm rõ trách nhiệm để mất rừng cũng như các hành vi bao che cho lâm tặc hoạt động”. Mặc dù quyết liệt như vậy nhưng hiện tại những cánh rừng tại tỉnh Đăk Nông vẫn đang tiếp tục bị tàn phá!.

ĐOÀN HIỆP - CÔNG TÍNH

Đăk Nông: Phá rừng “có giấy phép”! ảnh 2

Tin cùng chuyên mục