Thái Nguyên, nóng bỏng gỗ và vàng

Giữ gỗ, gỗ vẫn mất!
Thái Nguyên, nóng bỏng gỗ và vàng

Từ đầu năm 2009, tỉnh Thái Nguyên đã liên tiếp triển khai các giải pháp nhằm đấu tranh, ngăn chặn tình trạng khai thác, vận chuyển trái phép gỗ nghiến tại rừng núi đá, địa bàn 6 xã phía Bắc huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên - khu vực giáp ranh với 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Kạn. Tuy nhiên, vấn đề gỗ chưa kịp lắng xuống thì tình trạng khai thác vàng trái phép tại chính khu vực này lại diễn ra nóng bỏng.

Giữ gỗ, gỗ vẫn mất!

Một hố khai thác vàng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa.

Một hố khai thác vàng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa.

Nhiều năm nay, Võ Nhai luôn là địa bàn phức tạp về khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Rừng núi đá tại 6 xã phía Bắc của huyện gồm: Thần Sa, Vũ Chấn, Sảng Mộc, Nghinh Tường, Cúc Đường, Thượng Nung là khu vực giáp ranh giữa 3 tỉnh Thái Nguyên - Bắc Kạn - Lạng Sơn, có hơn 17.000ha quy hoạch cho rừng đặc dụng, trữ lượng gỗ nghiến khá lớn, được lâm tặc coi là “mỏ vàng” để tập trung khai thác trái phép.

Từ đầu năm tới giữa tháng 3-2009, Hạt Kiểm lâm Võ Nhai đã phát hiện, xử lý trên 42 vụ vi phạm Luật Quản lý và bảo vệ rừng, trong đó có 28 vụ vận chuyển gỗ trái phép, tịch thu 16 phương tiện vận chuyển và gần 32m³ gỗ các loại, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 200 triệu đồng. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với thực tế.

Ông Bùi Công Thành, Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, cho biết, khó có thể giải quyết triệt để tình trạng khai thác gỗ trái phép trên địa bàn, vì nếu cấm được dân địa phương thì các đối tượng từ nơi khác vẫn tiếp tục hoạt động. Khách quan mà nói, do địa bàn quá hiểm trở, phức tạp nên chỉ khi nào có sự phối hợp đồng bộ của cả 3 tỉnh, trên tinh thần trách nhiệm cao của chính quyền cơ sở và sự tự giác của người dân địa phương thì Võ Nhai mới bớt “nóng”.

Nhằm ổn định tình hình, từ đầu tháng 2-2009, UBND tỉnh Thái Nguyên đã huy động lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội với hơn 120 cán bộ chiến sĩ tham gia các đợt kiểm tra, truy quét. 9 chốt cơ động được đặt trên các tuyến đường “nóng” về vận chuyển, ngoài ra còn có 3 tổ kiểm lâm cơ động hoạt động 24/24 giờ trong ngày, phối hợp tuần tra, truy quét.

Trong vòng 1 tháng áp dụng các biện pháp quyết liệt, lực lượng truy quét đã bắt giữ, xử lý 104 vụ vi phạm; thu giữ 76 phương tiện gồm ô tô, xe máy, cưa máy, xe đạp, ngựa...; phá hủy 7 lán trại của lâm tặc; thu trên 40m³ gỗ các loại. Tại khu vực trọng điểm Võ Nhai hiện có 4 chốt trực và tăng cường thêm nhiều kiểm lâm viên địa bàn.

Dễ nhận thấy là tình trạng vận chuyển công khai gỗ trái phép bằng xe đạp, xe máy trên các tuyến đường đã giảm. Tuy nhiên, các đối tượng đã chuyển sang vận chuyển bằng ôtô với khối lượng lớn.

Chỉ tính riêng 3 tuần đầu tháng 3, đã có gần 15 xe ôtô các loại bị bắt giữ với hàng chục mét khối gỗ quý hiếm, nhiều gấp đôi so với tháng trước. Điều này cho thấy các biện pháp quyết liệt được UBND tỉnh chỉ đạo đã không đạt hiệu quả như mong đợi.

Liệu có giữ nổi vàng?

Ngay trong cao điểm truy quét lâm tặc, huyện Võ Nhai lại đau đầu với nạn “vàng tặc”. Từ sau Tết Nguyên đán Kỷ Sửu, do sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng, hàng trăm người đã đổ về xóm Xuyên Sơn, xã Thần Sa dựng lán đào đãi vàng trái phép tại các khu vực: Hang Rắn, Cô Tiên, Boong Xay, Tâu Lườn, Hang Hút, Hang Dơi và Thác Kiệm.

Sau khi nhận được nhiều thông tin phản ánh, UBND huyện đã gấp rút tổ chức các lực lượng xuống tận các xóm bản tuyên truyền, vận động và yêu cầu 26 đối tượng tổ chức khai thác vàng trái phép tự động tháo dỡ lán trại, máy móc di chuyển ra khỏi địa phương.

Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày thực hiện, nhiều đối tượng vẫn cố tình ở lại, không những không tháo dỡ, chuyển đi nơi khác mà còn ngang nhiên tiếp tục hoạt động. Đáng lưu ý là có 34/67 hộ dân xóm Xuyên Sơn cũng tổ chức khai thác, có chấm công theo dõi và mua két sắt để đựng vàng khai thác chung (đoàn truy quét đã phát hiện chiếc két sắt này được chôn giấu ngay dưới nền lán).

Lán trại được dựng công khai để khai thác vàng.

Lán trại được dựng công khai để khai thác vàng.

Trung tuần tháng 3-2009, UBND huyện Võ Nhai đã tổ chức lực lượng truy quét nhằm chấm dứt hẳn tình trạng lộn xộn ở vùng vàng Thần Sa.

Theo báo cáo của chủ tịch UBND xã thì phần lớn các đối tượng đã tự giác chấp hành, tháo dỡ lán và di dời phương tiện, người làm ra khỏi khu vực khai thác trái phép. Tuy vậy, đoàn truy quét vẫn phải thiêu hủy trên 30 lán trại cùng hàng chục máy móc phục vụ hoạt động khai thác, di dời 50 đối tượng khai thác vàng đến từ nơi khác.

Trong khi đó, nhiều đối tượng là dân xã Thần Sa vẫn giấu máy móc trong các hốc đá để tiếp tục hoạt động lại ngay sau khi đoàn rút quân.

Sau đợt truy quét, Chủ tịch UBND huyện đã bàn giao địa bàn cho xã tiếp tục quản lý, đồng thời thành lập hai tổ chốt với đầy đủ lực lượng chức năng để cùng phối hợp với xã tổ chức truy quét, đẩy đuổi, trục xuất các đối tượng cư trú bất hợp pháp, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép.

Chủ tịch UBND xã Thần Sa Trần Văn Tập cam kết sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các đối tượng khai thác vàng trái phép là người dân địa phương quay trở lại với việc đồng áng. Đặc biệt, xã sẽ yêu cầu các hộ dân ký cam kết không tham gia khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.

Mặc dù cuối tháng 3-2009, UBND huyện tổ chức hội nghị đánh giá việc thực hiện cam kết đã ký trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản giữa các xã trên địa bàn với Chủ tịch UBND huyện, nhằm chấn chỉnh công tác này. Song, chứng kiến những gì đã diễn ra tại địa phương trong thời gian qua, người dân cho rằng, “nếu không dùng kháng sinh mạnh thì không thể điều trị dứt điểm căn bệnh mãn tính này”.

Lãnh đạo tỉnh ra tay “săn” lâm tặc

Theo ông Đặng Viết Thuần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, thành công lớn nhất của các đợt truy quét là đã lôi kéo được chính quyền cơ sở vào cuộc và nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Ông Thuần cho biết, những ngày qua ông đã đóng giả làm người mua gỗ, tiếp cận, phát hiện nhiều đầu nậu và vận động nhân dân tại các “điểm nóng” tham gia chống lâm tặc. Trong thời gian ngắn, hàng chục tin nhắn của người dân đã được gửi đến điện thoại của ông Phó Chủ tịch UBND tỉnh, qua đó hàng chục vụ vi phạm đã được phát hiện, bắt giữ và xử lý.

Đánh giá về hoạt động của kiểm lâm Thái Nguyên, ông Thuần khẳng định, lực lượng này đã rất cố gắng, tuy nhiên họ đang quá đơn độc trong cuộc chiến bảo vệ rừng. Nguyên nhân chính là do chưa tạo được niềm tin cho nhân dân, trong khi các địa phương chưa thực sự coi trọng công tác quản lý và bảo vệ rừng, còn các lực lượng khác lại quá thờ ơ. “Nếu không có sự tích cực của toàn xã hội mà chỉ giao phó rừng cho riêng lực lượng kiểm lâm thì chắc chắn rừng sẽ không còn”, ông Thuần khẳng định.

Tuy Luật Quản lý và bảo vệ rừng quy định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở, song sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cấp xã và thôn bản rất hạn chế. Tới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Theo đó, công tác này sẽ là một tiêu chí phân loại hàng năm của các chi, Đảng bộ cơ sở và là tiêu chuẩn xét thi đua của các địa phương.

Các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép và danh sách cá nhân, đơn vị vi phạm sẽ được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Việc ký kết trách nhiệm giữa Chủ tịch UBND huyện với Chủ tịch UBND tỉnh và giữa Chủ tịch UBND xã với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương, bắt họ phải vào cuộc thực sự, từ đó rừng sẽ được bảo vệ từ gốc”, ông Thuần hy vọng.

Bạch Liễu

Tin cùng chuyên mục