Nỗi đau của vết thương không mảnh đạn...

Nỗi đau của vết thương không mảnh đạn...

(SGGP-12G).- Trong chiến tranh, họ là những chiến sĩ chiến đấu ngoan cường cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày hòa bình lập lại, họ trở về quê hương và mang trong mình chất độc da cam. Những di chứng của chất độc da cam đó đã làm cuộc sống của nhiều gia đình khốn đốn, cho dù cả xã hội đang chung tay xoa dịu...

Nỗi đau của vết thương không mảnh đạn... ảnh 1

Bác Kim chăm sóc cho đứa con bị di chứng chất độc da cam

1. Trò chuyện với bác Nguyễn Văn Kim - phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, trong câu chuyện, bác vẫn tự hào khi kể cho chúng tôi nghe những ngày trong chiến trường. Bác say sưa kể với bao ký ức ào ạt ùa về, đầy đủ, vẹn nguyên những hình ảnh của một thời gian khổ, khốc liệt.

Nhưng khi nhắc đến cuộc sống gia đình, giọng bác như chùng lại. Bác trầm ngâm:  Gia đình tôi có “căn hầm” trong nhà giữa thời bình, để giấu kín “bóng ma cuối cùng của cuộc chiến”. “Bóng ma” đó là anh Hùng – con trai đầu lòng.

Bác kể: Hùng lúc mới sinh ra khỏe mạnh, nhưng đến năm học lớp 9, Hùng tự nhiên phát bệnh hoang tưởng và từ đó trở đi, chứng tâm thần phân liệt ngày một trầm trọng, Hùng không bao giờ còn trở lại bình thường nữa. Gia đình hết lòng chạy chữa, nhưng rốt cuộc cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ phía bệnh viện.

Các bác  sĩ kết luận: Căn bệnh mà Hùng – đứa con trai bác đang mang là hậu quả của những tháng ngày bác uống nước suối trong rừng, bên dưới những tán cây bị trụi lá do Mỹ thả chất độc da cam để khai quang. 

Trước đó, dù khó khăn, hai bác cũng cố chạy vạy, vay mượn tiền bạc để đưa  Hùng ra Hà Nội, nuôi dưỡng một niềm hi vọng cuối cùng: Chữa khỏi bệnh cho con. Nhưng rồi tiền hết, tật vẫn phải mang, trở về nhà, hai bác phải tự nghĩ cách chăm sóc đứa con điên dại.

Ban đầu hai bác ngăn cho anh ở riêng một phòng, nhưng tâm trí Hùng không còn được bình thường, mỗi khi đại - tiểu tiện anh bôi hết lên tường, không ít lần Hùng còn ném chất thải ra cả phòng khách khiến trong nhà nồng nặc mùi hôi.

Khóa cửa, song sắt cửa sổ cũng không giữ được sức trai đôi mươi, Hùng nhiều lần bẻ khóa, lẻn được ra ngoài, có lần ngã xuống ao suýt chết đuối. Trong tình thế chẳng đặng đừng, vợ chồng bác Kim phải xây cho Hùng một gian riêng ở bên hông nhà, kín mít, giống như một căn hầm. Nước mắt chẳng thể lặn vào trong, bác Oanh (vợ bác Kim) ngày nào cũng khóc hết nước mắt.

Nỗi đau của vết thương không mảnh đạn... ảnh 2

Ba bố con bác Khôi

2. Số phận của bác Biên (Vũ Thư, Thái Bình) còn bất hạnh hơn nhiều. Bác có 3 đứa con thì đứa đầu lòng không được như con của người khác, làm một thì phá mười; hai người con còn lại hình hài dị dạng, không biết nói, biết ngồi, mọi sinh hoạt ăn uống đều do bố mẹ phục vụ. T

rong tột cùng đau khổ và bế tắc, nước mắt người đàn ông tuôn trào. Còn tại phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, ngồi trò chuyện với chúng tôi, bác Đỗ Văn Khôi không thể ngăn được những giọt nước mắt cứ tuôn dài xuống gương mặt gầy đen, hốc hác.

Chỉ cho chúng tôi hai đứa con ngây dại, yếu ớt, quanh năm bệnh tật với niềm xót xa, đặc biệt là cậu út, nay đã 18 tuổi mà cơ thể cứ như đứa trẻ lên 10. Ánh mắt đầy thương cảm hướng về người vợ đang lên cơn đau đầu, tuy cũng ốm yếu nhưng lại là lao động chính của gia đình 5 miệng ăn mà chỉ với 3 sào ruộng cùng chiếc xe thu dọn rác.

Bác kể: Bác là lính lái xe Trường Sơn. Ngày ấy, bác thường chở quân trang, súng đạn, lương thực… dọc tuyến đường từ Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế. Trong trí nhớ của bác khủng khiếp nhất là những trận dội bom của Mỹ.

3. Biết được nguồn gốc căn bệnh của những “dị nhân” trong các gia đình có nạn nhân chất độc da cam, xã hội đã cảm thông, sẻ chia với những nỗi đau của họ. Thế nhưng, có những lúc “lý lịch da cam” đã làm người ta điêu đứng. Gia đình bác Định (huyện Kiến Xương) có 3 đứa con, trong đó người con út di chứng nặng nhất, không nói, không cười, không tự ăn uống được đã mất cách đây 4 năm. Cô chị đầu da mặt sần sùi, cậu em kế thì chân tay bị yếu.

Để hỏi vợ cho cậu con trai, gia đình bác phải nhờ người làm mối ở huyện khác, chỉ đến khi ăn hỏi xong xuôi cô gái mới biết gia đình chồng tương lai của mình là “gia đình da cam”. Gia đình, họ hàng cô gái biết chuyện đều khuyên cô nên bỏ, nhưng “đã nhận miếng trầu của người ta thì cũng là người nhà người ta rồi, bây giờ mình bỏ thì sau này còn ai lấy mình nữa”, cô đành tặc lưỡi về nhà chồng nhưng vẫn trong nỗi lo nơm nớp “con cái theo gien bố”.

Còn cô chị đầu mới thực bi thảm. Mang khuôn mặt như thế đã khó có ai để ý, mà hễ ai có ý định tìm hiểu, khi nghe đến “gia đình da cam” là họ liền từ bỏ ý định. Cách đây không lâu, chị đi làm công nhân ở Hải Phòng, quen và đã đính ước với một người. Nhưng khi chàng trai biết gia cảnh nhà chị,  anh ta liền hủy hôn.

Nhớ lại thời gian trong quân ngũ, bác cho biết, bác là lính biệt động nên thời gian đào tạo khá dài, sau khi học xong ở trong nước, các bác lại được chuyển sang Campuchia tiếp tục học. Đầu năm 1973, có quyết định chọn gần 20 người về nước, bác nằm trong số đó. Rồi các bác lên đường, len lỏi trong các khu rừng để tránh chạm trán trực tiếp với quân địch và những ngày ở rừng là những ngày chất độc da cam ăn dần vào cơ thể.

Mỗi nạn nhân chất độc da cam là một số phận, một nỗi đau. Dù xã hội có sẻ chia đến đâu đi chăng nữa thì những vết thương không mảnh đạn ấy vẫn ngày một loét sâu vào tâm can họ. Những tháng ngày lăn lộn cống hiến máu xương cho tổ quốc họ không tiếc, không hề hối hận, họ vẫn tự hào với quá khứ hào hùng ấy. Nhưng vì đâu nỗi đau sau cuộc chiến không thể chấm dứt với họ? Vì đâu con cái họ phải chênh vênh giữa ranh giới người mà không phải là người? Tất cả đều chung một nguyên nhân, do một chất độc hủy hoại con người mang tên “Chất độc da cam” đem lại.

Lê Hường

Tin cùng chuyên mục