Chuyện của Tuấn “mộc”

Con đường chông gai
Chuyện của Tuấn “mộc”

Mùa hè lại đến, hàng chục ngàn đoàn viên thanh niên trên khắp mọi miền của Tổ quốc đang hối hả bắt nhịp với những chương trình tình nguyện, về các vùng sâu vùng xa giúp dân nghèo. Và ở đâu đó nơi các vùng nông thôn nghèo, có những thanh niên tật nguyền, tuy không đến được với mùa hè xanh, song những gì mà họ làm được cũng thật đáng trân trọng! Câu chuyện về thanh niên Nguyễn Anh Tuấn, người dân trong làng thường gọi là Tuấn “Mộc”, ở xã Ninh Tân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là một câu chuyện như thế.

Con đường chông gai

Có tiền, Tuấn đã sắm được máy móc hiện đại phục vụ cho công việc.

Có tiền, Tuấn đã sắm được máy móc hiện đại phục vụ cho công việc.

Vượt qua nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần, người thanh niên tật nguyền ấy đã vượt lên chính mình để sống, khẳng định mình và hơn hết là tìm được niềm vui, niềm hạnh phúc từ những cố gắng của mình. Đến bây giờ, anh cứ ngỡ cuộc đời mình giống như một giấc mơ.

Lành lặn như bao đứa trẻ bình thường khi sinh ra. Thế nhưng, do gia cảnh nghèo đói, nhà lại đông anh em, tuổi thơ của Tuấn là một chuỗi ngày bệnh tật, nay ốm mai đau. Năm lên 6 tuổi, sau một cơn sốt dài, đôi chân của Tuấn cứ teo dần rồi không còn cử động được nữa. Mọi sinh hoạt, đi lại của Tuấn trở nên rất khó khăn. Vậy mà, thay vì mặc cảm, ỷ lại…, Tuấn đã tự rèn luyện để cố gắng sống như người bình thường. Hàng ngày, anh khó nhọc lê bước trên đôi nạng gỗ, thậm chí phải bò bằng hai tay để cắt cỏ, nấu nướng, làm vườn, dọn dẹp những việc vặt trong gia đình để đỡ đần bố mẹ. Nhiều người trong làng đã không cầm lòng khi thấy thân hình oặt oẹo của Tuấn luôn trầy xước, rớm máu vì phải trườn lết trên những đoạn đường, khu vườn đầy sỏi đá…

Ngày trước, trường học ở khu vực nông thôn còn thưa thớt, phương tiện đi lại khó khăn, Tuấn chỉ biết nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường mà nuốt nước mắt vào lòng. Tuấn ước mình có thể đến lớp, được vui chơi, học hành. Nhưng đó chỉ là ước mơ, một ước mơ mong manh.

Năm 15 tuổi, Tuấn luôn bị dằn vặt bởi câu hỏi: rồi đây mình sẽ làm gì, sống ra sao nếu không biết chữ? Chính vì thế, những lúc rảnh rỗi, anh lại nhờ 2 đứa em đang học cấp 1 tập cho đánh vần, làm tính. Thời gian lặng lẽ trôi, sau bao nỗ lực không mệt mỏi, khi đến tuổi trưởng thành, anh mới hoàn thành chương trình phổ cập tiểu học do địa phương tổ chức.

Vượt lên số phận

Dù phải đi nạng gỗ nhưng Tuấn vẫn say sưa với công việc.

Dù phải đi nạng gỗ nhưng Tuấn vẫn say sưa với công việc.

Năm Tuấn lên 18 tuổi, khi các anh, chị - những lao động chính trong nhà - lập gia đình riêng, cuộc sống của gia đình anh vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bố mẹ thì già, hai đứa em còn nhỏ, bản thân Tuấn lại tật nguyền, nếu chỉ sống nhờ vào nương rẫy thì quanh năm đói nghèo.

Sau bao đêm trắng trằn trọc suy nghĩ, anh quyết định học một cái nghề gì đó để kiếm sống. Cuối cùng Tuấn chọn nghề thợ mộc vì anh thấy học nghề này không mất tiền mà lại được thầy nuôi cơm ngày ba bữa.

Tuấn  tâm sự: “Lúc đầu, mình cũng nản chí, bởi chỉ với đôi tay sẽ rất khó xoay xở với những phiến gỗ nặng. Trong khi đó, nghề mộc đòi hỏi phải có sức khỏe, một số thao tác cần phải dựa vào đôi chân khỏe mạnh. Nhiều lần mình đã định bỏ cuộc vì cứ loay hoay cả buổi mà không đưa được một tấm gỗ lên bệ”. Nhưng bỏ cuộc rồi sẽ làm gì? Nghĩ vậy, Tuấn đi tìm cách khắc phục.

Để vượt qua những trở ngại, Tuấn bắt đầu từ những sản phẩm bình thường, rồi dần dần tìm cách đóng những sản phẩm cầu kỳ hơn. Anh miệt mài với công việc, để rồi thành thục những đường chạm trổ tinh xảo mà không phải người thợ nào cũng học được. Sau gần 2 năm, thấy khả năng và tay nghề của anh tiến bộ rõ rệt, thầy dạy nghề đã đồng ý để anh về nhà lập nghiệp.

Có nghề, những tưởng cuộc đời Tuấn bắt đầu sang một trang mới. Thế nhưng, dốc hết vốn liếng trong nhà, vay mượn thêm anh em, bạn bè, anh cũng chỉ đủ tiền mua một bộ đồ nghề. Ước mơ mở một xưởng mộc nho nhỏ của riêng mình vượt ngoài khả năng của Tuấn. Chính vì thế, anh chỉ nhận làm công cho người ta, ai thuê gì làm nấy.

Sau năm 2000, khi trào lưu và thị hiếu của người tiêu dùng chuyển sang sử dụng đồ nhôm, inox, những người làm nghề mộc như anh phải “ngồi chơi xơi nước”, công việc bữa có bữa không, cuộc sống gia đình luôn lâm vào cảnh túng thiếu. Ngoài số tiền vốn còm cõi dần hao hụt, ngay cả khoản nợ ngân hàng anh vay mượn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi cũng mất trắng vì đàn heo, gà bị dịch bệnh.

Trong cơn túng quẫn, chưa biết xoay xở ra sao thì Tuấn được tham gia chương trình “Vượt lên chính mình”. Từ đây, bao nhiêu mơ ước, niềm vui của Tuấn được đong đầy và thắp sáng thêm hy vọng khi chương trình không những giúp anh xóa được khoản nợ 2 triệu đồng, mà còn được cấp vốn 19 triệu đồng để đầu tư mở rộng sản xuất.

Câu chuyện tình cảm động

Sau chương trình “Vượt lên chính mình” (năm 2007), Tuấn đã có tiền mua sắm thêm máy cưa, máy bào để công việc được nhẹ nhàng và tiện lợi hơn. Số còn lại, anh đầu tư vào chăn nuôi bò, heo, gà. Một hôm, đang hì hục với những khúc gỗ thì Tuấn được nhân viên bưu điện gọi ra nhận bưu phẩm.

Cầm lá thư trên tay mà Tuấn cứ ngỡ ngàng, đôi tay run run không dám tin là sự thật. Bởi từ xưa đến nay, anh chưa hề liên lạc với ai. Càng… run hơn khi chủ nhân lá thư lại là một cô gái. Đến khi xem thư, anh mới hiểu hết ngọn ngành câu chuyện và cảm động đến rơi nước mắt.

Người con gái gửi thư cho anh tên là Nguyễn Thị Tâm, quê ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, hiện đang làm việc tại một công ty may mặc ở Bình Dương. Sau một lần tình cờ xem chương trình “Vượt lên chính mình”, hình ảnh của Tuấn đã gợi cho cô một cảm giác thương mến, đồng cảm. Tâm đã chủ động viết thư động viên, chia sẻ với Tuấn, một chàng trai tật nguyền đã nỗ lực vượt lên chính mình. Thư từ qua lại, tuy chưa biết mặt mũi Tâm ra sao, nhưng trái tim Tuấn đã lỗi nhịp khi biết bạn gái của mình cũng có hoàn cảnh đáng thương không kém vì từ nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Thời gian lặng lẽ trôi, đều đặn một tuần hai lá thư qua lại, tình yêu của Tuấn và Tâm đã nảy nở. Tết Nguyên đán Kỷ Sửu vừa qua, Tâm đã đến Khánh Hòa để hội ngộ với người yêu trước khi vào Bình Dương tiếp tục làm việc. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó, tình cảm của họ ngày càng được đong đầy, thắm thiết. Họ đã quyết định tổ chức đám cưới vào cuối năm nay…

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục