Vị ngọt trên quê hương Người mẹ cầm súng

Vị ngọt trên quê hương Người mẹ cầm súng

Cách thị xã Trà Vinh 40km theo hướng Tây Bắc, chúng tôi về thăm xã Tam Ngãi anh hùng để tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt của một xã vùng kháng chiến, đi lên từ trong gian khó...

Tỷ phú ở vùng đất khó!

Tỷ phú cam sành Mười Điệu

Tỷ phú cam sành Mười Điệu

Ở Cầu Kè, chúng tôi được anh Hai Luận, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy giới thiệu nhiều tấm gương cần kiệm tăng gia sản xuất theo gương Bác Hồ, trong số này đáng nể nhất là ông Nguyễn Bá Điệu (Mười Điệu).

Muốn vào nhà ông Mười Điệu phải qua đường mang tên liệt sĩ Nguyễn Thị Út, Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam, nhân vật chính Út Tịch trong truyện ký Người mẹ cầm súng của nhà văn liệt sĩ Nguyễn Thi. Từ thị trấn Cầu Kè, trung tâm chợ huyện chạy xe Honda bon bon trên đường bê tông dẫn vào ấp Ngãi Nhì, xã anh hùng Tam Ngãi không đầy 15 phút là tới nơi.

Hướng đôi mắt xa xăm về một vùng quê yên tĩnh, ông Mười kể lại quãng đời trai trẻ…

Sinh năm 1953, năm 1980, ông về sinh sống tại huyện Thốt Nốt. Sau đó được phân công làm Trưởng phòng Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa huyện Thốt Nốt (nay là quận Thốt Nốt - TP Cần Thơ). Chính những ngày này, ông đã có dịp tiếp cận với các nhà vườn để học hỏi kinh nghiệm bổ ích sau này vận dụng vào việc lập vườn cam sai quả như hiện nay.

- Vì sao nhà vườn trồng cam ở Tam Bình-Vĩnh Long, 10 người mắc nợ hết 8 không trả nổi ? Tôi hỏi.

- Do bệnh vàng lá gân xanh. Muốn làm giàu từ cây cam sành phải biết “bắt mạch và trị bệnh đúng bài”! Ông Mười trả lời không do dự. Nhớ lại năm 2004, ông Mười bắt đầu trồng cam sành, lúc ấy giá cam thuận mùa từ tháng 8 đến tháng chạp Âm lịch chỉ có giá 4-5.000đ/kg, bây giờ mùa nghịch tháng 4 đến tháng 6 Âm lịch, cam sốt giá tăng lên gấp 8 lần.

“Hễ nhiệt độ cao là giá trái cam sành tăng hằng ngày.”, ông Mười quả quyết như vậy. Nhiều thương lái như: Sáu Tèo ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền-TP Cần Thơ, anh Luận quê ở Bến Tre thường điện thoại đến đặt hàng để chở cam sành đi theo hợp đồng mua bán.

Vườn cây ăn trái của Mười Điệu rộng 53.400m2, bố trí trồng 250 cây măng cụt cho trái ổn định và 500 cây trên 6 năm tuổi, 1.000 cây bưởi Năm Roi đang cho trái, 3.500 cây cam sành cho trái ổn định... Lúc nào trong vườn cũng có 10 lao động túc trực. Riêng vợ chồng anh Nghĩa theo giúp việc cho ông Mười chưa tròn 2 năm đã được hướng dẫn trồng cam, thu nhập 130 triệu đồng.

Ông Mười đang lập thủ tục trình UBND huyện Cầu Kè xin thành lập trang trại trồng cây ăn trái tổng hợp để góp phần giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

Nhà nhà trồng cam

Anh Hai Luận nhanh nhẩu tiếp lời. Trước đây, xứ này trái măng cụt “đứng đầu bảng”, còn bây giờ xuống rồi, cam sành đã “lên ngôi”! Xã này nhà nhà, người người đều nhờ trồng cam sành mà “phất lên” mau cấp kỳ.

Ông Trần Ngọc Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Ngãi Nhì cho biết, hiện ấp này có 236 hộ thì đến 99% hộ đều trồng cam và đó chính là nguồn thu nhập chính. Điển hình như ông Võ Văn Công, mỗi năm thu vào 600 triệu đồng từ bán cam, Nguyễn Văn Lẫm và em trai là Nguyễn Văn Giàu, mỗi năm hốt bạc tỷ cũng từ cam… Giá cam sành hiện nay 33.000đ/kg. Ông Nguyễn Văn Mười Một trồng 16 công cam, thu nhập trên 300 triệu đồng, ông vừa mua nền nhà đường Nguyễn Thị Út, thị trấn Cầu Kè...

Anh Hai Luận giới thiệu về làng cam Tam Ngãi. Nơi đây là vùng đất mới rất thích hợp với cây có múi, nhưng phải chọn giống và chăm sóc theo tiêu chuẩn GAP (Good Agricultural Products) để nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo sức khỏe nhà vườn, người tiêu dùng và an toàn vệ sinh môi trường. Anh Luận khoe rằng Mười Điệu mới vừa bán lô cam 1,7 tỷ đồng cho thương lái vận chuyển đi Hà Nội. Tích lũy vốn liếng nhiều năm, ông Mười đã mua 2 căn nhà ở Trung tâm Thương mại Cái Khế -TP Cần Thơ, trị giá hơn 2 tỷ đồng.

Ông Tống Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi, cho biết, diện tích cam sành trong xã hiện lên đến 308ha trên tổng diện tích vườn cây ăn trái 860ha, trong đó đa phần nhà vườn đều trúng mùa và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đã có 215 hộ có mức thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, 72 nhà vườn thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.

Mới đây, hàng chục héc ta lúa kém hiệu quả được nông dân mạnh dạn chuyển sang trồng cam tập trung ở các ấp Ngãi Nhứt, Ngãi Nhì, Bưng Lớn A, Bưng Lớn B.

Bác Hồ Văn Trước, 74 tuổi Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi ấp Ngãi Nhứt, xã Tam Ngãi, cho biết: “Trước ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975), nơi đây đồng không mông quạnh, đường sá sình lầy, lau sậy um tùm. Bây giờ điện, đường, trường, trạm đủ đầy. Trạm y tế xã đã có bác sĩ, trẻ em đến tuổi đều được cắp sách đến trường, nhà tường mọc lên rất nhiều, hầu như nhà nào cũng có xe gắn máy và nhiều tiện nghi sinh hoạt gia đình.

Nguyễn Hà Phương
(SGGP 12G)

Tin cùng chuyên mục