Người giữ hồn văn hóa Thái

Người giữ hồn văn hóa Thái

Tình cờ, một lần tôi được nghe câu chuyện về ông Mào Văn Phên, 78 tuổi, dân tộc Thái ở bản Vàng Pheo, Mường So, Phong Thổ (Lai Châu). Một người không chỉ giỏi về chơi đàn tính tẩu mà còn đam mê sưu tầm nét sinh hoạt Hạn khuống - tức sàn hoa ngoài trời, nơi trai gái hát đối đáp giao duyên… Đặc biệt, ông còn sáng tác trên 30 bài hát tiếng Thái nói về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa.

Làng bản - nguồn cảm xúc

Chúng tôi đến nhà thăm ông Mào Văn Phên, người nghệ sĩ tài năng của núi rừng Tây Bắc. Đã qua tuổi 78, nhưng ngày đêm ông vẫn lang thang khắp mọi nẻo đường của thôn bản để sưu tầm những “gam màu” mang đậm nét văn hóa Thái… chắt lọc, tổng hợp, nhằm truyền lại cho con cháu.

Ông Mào Văn Phên say sưa với bài hát Thái

Ông Mào Văn Phên say sưa với bài hát Thái

Sinh ra và lớn lên trên đất Mường So, cái nôi văn hóa của người Thái, thuở còn thơ ông được mẹ nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt lành, mân mê giấc ngủ trên vai mẹ với những bài dân ca Thái. Lớn lên, ông lắng nghe và ghi nhớ từng lời những điệu khắp (hát), ngâm, hò của bà, của mẹ và người dân thôn bản. Tất cả như suối nguồn tưới mát tâm hồn ông và khơi dậy một tình yêu với nền văn hóa của dân tộc mình.

… Đưa thêm mấy que củi ngo cho bếp lửa thêm bập bùng, uống thêm ly rượu nhỏ, Mào Văn Phên bắt đầu thả hồn mình vào nhạc… Ông vừa chơi đàn, vừa hát, say sưa, hòa quyện như trời với đất, như mây với gió và ông như không còn biết có chúng tôi ngồi bên cạnh. Trên sàn nhà, bông lửa vẫn réo rắt, tiếng đàn rung lên thánh thót, lời ca trầm bổng hòa theo. Nghe lời bài hát mà cứ như ngồi nghe những lời độc thoại của chính tác giả được vắt ra từ ruột gan mình. Đấy là một bài hát do ông tự sáng tác bằng tiếng Thái rất hay và đậm chất trữ tình.

… Người Thái mình đẹp lắm/ Con gái sáng lên nương/ gùi nắng về bản nhỏ/ Con diều vườn no gió/ sải cánh giữa chiều mây…

Con trai yêu nương rẫy/ cho bông lúa to tròn/ trái bắp thêm nhiều hạt…

Lời ca, tiếng đàn và đất trời như hòa quyện vào nhau, lòng người cũng mênh mang gợi nhớ... Mào Văn Phên say sưa hát như xung quanh không có ai. Những lúc này, với tâm hồn người nghệ sĩ, có chăng chỉ mây trời bồng bềnh tắm mình trong núi sông hùng vĩ mà trữ tình tha thiết… Mãi sau ông mới hạ giọng, buông đàn, gương mặt buồn buồn, lòng như nhớ lại một chút gì… tiếc nuối. Ông kể với một giọng xúc động.

“Mình đã đi qua 78 mùa bắp, nhiều lần mặt trời mọc rồi lặn, con gà rừng trước đỉnh núi kia sáng sáng vẫn cất tiếng gáy đón ánh bình minh. Lúc còn sống, mẹ mình hay nói: “Thằng Phên sinh ra và lớn lên với nắng và gió, nghịch ngợm, đen đúa và nhanh nhạy như con sóc. Nhưng được cái là thông minh, có năng khiếu ca hát. Bảy, tám tuổi đã biết cầm cây dao, cây rìu đẽo cây làm đàn. Cái đàn vừa đẹp vừa có âm thanh hay dễ đi vào cái bụng, cái đầu bà con thôn bản, mọi người quý nó lắm!...”.

Đến năm 18 tuổi, gia đình đã bắt Phên phải cưới vợ. Có điều, do hát hay, đàn giỏi… nên Phên có nhiều bạn gái kết lắm. Biết chọn ai đây? Nhiều cô con gái nghe tin Phên cưới vợ đã nước mắt ngắn, nước mắt dài, cái tai ù đi vì lo sợ sẽ vắng tiếng đàn, giọng hát của Phên… Có cô bạo miệng “Phên ơi! Cưới em đi. Về nhà em, Phên chỉ làm đàn, ngồi hát… còn mọi chuyện để em lo…”. Cuối cùng thì Phên cũng lấy được cô vợ đúng như cái bụng mình muốn. Cùng với cỏ cây, hoa lá, núi sông, chim thú… vợ Phên là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác, cho ông gom nhặt sưu tầm những giá trị đích thực về văn hóa Thái đang có xu hướng mai một.

Tìm về cội nguồn

Ngoài sáng tác và truyền dạy cho con cháu các bài dân ca, lời ca Thái cổ, thời gian còn lại ông dành nhiều tâm huyết nhất vào sưu tầm và phổ biến một số điệu xòe cổ, gồm: Nhôm khăn (múa tung khăn), ỏm lọm tốp mư (múa vòng tròn vỗ tay); khắm khen mơi lảu (nâng khăn mời rượu); phá xí (bổ bốn) và đổi hôn (múa tiến, lùi, lộn)... khởi nguồn cho hơn 30 điệu xòe của người Thái miền Tây Bắc. Không quản nắng mưa, ông lặn lội tìm hiểu, chỉnh lý rồi dạy cho đội văn nghệ của các xã, của bản. Những ngày hội của dân tộc, bà con dân bản ở Mường So tụ họp nhau lại, cùng đốt lửa và say sưa với những làn điệu dân ca Thái, đặc biệt là 6 điệu xòe cổ trong niềm vui tụ hội.

Theo Phên thì mọi công việc, mà đặc biệt công việc trong lĩnh vực nghệ thuật, muốn thành công trước hết bắt nguồn từ lòng đam mê, cộng với chút tài năng sáng tạo. Người Jrai, Ba Na ở Tây Nguyên biết làm đàn Tơ rưng, cồng chiêng, chỉnh sửa âm thanh cồng chiêng; người Thái, người Mông… ở Tây Bắc biết làm đàn tính tẩu, khèn lồ ô, trống… những nhạc cụ không thể thiếu trong các đêm lễ hội. Làm ra đàn không khó, cái khó là âm thanh phát ra làm sao cho thần linh tận hưởng, lòng người xúc động… Nó phải buộc con chim hòa vào để hót; con chồn, con nhím, con chuột thôi không còn ra ruộng lúa, ruộng bắp để phá…

Làm nghệ thuật phải có năng khiếu bẩm sinh. Nó sinh ra tự nhiên như hơi thở, như nước trong lòng đất, như gió thổi qua rừng... Ai thấy như có ngọn lửa cháy lên trong ruột, có hơi rượu đốt lên trong đầu, muốn bắt nó ra tiếng khèn, tiếng đàn, tiếng trống… thì cứ việc. Nay Phên đã hơn 78 mùa rẫy rồi, càng thương dân bản, mình cố gắng bảo tồn và phát triển nét đẹp văn hóa dân tộc mình cho con cháu, để đời sống bà con ngày càng thêm phong phú, giàu bản sắc… cho mọi người hướng về nhau, yêu thương nhau như rừng cây hướng về ánh sáng mặt trời…

Tạm biệt bản Vàng Pheo, Mường So, chúng tôi nhớ mãi lời ông lúc chia tay “Bây giờ bà con đồng bào các dân tộc nói chung, người Thái nói riêng ai cũng biết, cũng hiểu về truyền thống văn hóa của dân tộc mình. Riêng người Thái thì biết “khắp”, biết “xòe”, biết thổi khèn, thổi pí, biết trân trọng, nâng niu những giá trị văn hóa quý giá mà cha ông ta truyền lại”.

Đời Phên vui vì cuộc sống bà con đồng bào các dân tộc Tây Bắc ngày càng no đủ. Những bài dân ca Thái, những điệu xòe cổ được đồng bào đón nhận và tích cực tham gia. Những điệu múa xòe cổ mà ông sưu tầm và truyền dạy cho con cháu đã in đậm dấu ấn trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung, là niềm tự hào của văn hóa Việt Nam.

Cuối năm 2008, cán bộ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã về nhà ông ở lại mấy ngày, nghe ông chơi đàn và hát. Họ xin phép ông cho ghi âm lại những bài hát mà ông đã sáng tác để tìm hiểu, nghiên cứu… hy vọng một ngày gần nhất, ông sẽ được công nhận bản quyền tác giả những sản phẩm mà cả đời ông đam mê, gửi gắm.

Ái Hàn
(SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục