Người nhặt lại tiếng chiêng Mường

Nửa đời người đi lùng cồng chiêng
Người nhặt lại tiếng chiêng Mường

Suốt mấy chục năm qua, ông như một con ong chăm chỉ, lặn lội khắp 4 Mường (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động) của tỉnh Hòa Bình để tìm nhặt lại những âm vang của cồng chiêng. Mê mẩn, đắm đuối vào những cung bậc trầm bổng của loại nhạc cụ dân tộc này, ông đã và đang làm tất cả nhằm bảo tồn và lưu truyền âm nhạc cồng chiêng. Ông là Bùi Tiến Xô (sinh năm 1952) ở làng Vôi, xã Liên Vũ, Lạc Sơn, Hòa Bình.

Nửa đời người đi lùng cồng chiêng

Cái nắng cháy da của mùa hè vùng Bắc bộ không ngăn được những người quyết tìm về xứ Mường để được nghe lại âm thanh cồng chiêng. Sau nhiều giờ đội nắng trên những cung đường rừng, gần trưa chúng tôi cũng tìm đến được địa chỉ đang lưu giữ tinh hoa của văn hóa cồng chiêng Mường. Đó là căn nhà sàn đơn sơ của ông Bùi Tiến Xô ở xóm 168, xã Vĩnh Tiến, Kim Bôi, Hòa Bình. Ngôi nhà sàn có diện tích khiêm tốn, mái lợp lá cọ, vách lứa và mặt sàn cũng chủ yếu làm bằng tre cộng thêm một ít ván gỗ.

Biểu diễn một điệu chiêng cho khách nghe

Biểu diễn một điệu chiêng cho khách nghe

Ông Xô tâm sự: “Năm 1970, tôi rời quê hương đến học tập và lao động ở Trường Thanh niên lao động ở xã Vĩnh Tiến này, khi ấy nơi đây chỉ là vùng đất hoang. Đến đầu thập niên 90, tôi gom góp tiền của và tự tay chuẩn bị nguyên liệu để dựng lên căn nhà sàn nhỏ này. Tôi muốn giữ lại nếp sống và phong cách sinh hoạt của dân tộc mình, chứ vùng này còn mấy ai dựng nhà sàn…”.

Vừa tâm sự, ông Xô vừa dẫn chúng tôi lên nhà sàn. Chẳng cần phải để chủ nhà giới thiệu, chỉ cần nhìn lên sàn nhà, vách lứa đã thấy cả một không gian văn hóa cồng chiêng Mường khá đồ sộ, đa dạng. 34 chiếc cồng chiêng với đủ các loại cũ mới  chính là điểm nhấn văn hóa Mường, là tài sản lớn nhất của cuộc đời ông Xô. Những chiếc mới vẫn còn óng ánh màu vàng đỏ của chất liệu đồng thau, còn chiếc cũ đã nhuốm mốc.

Ông Xô cho chúng tôi biết: “Trong bộ cồng chiêng hiện nay tôi đang cất giữ có đủ các loại kích cỡ từ đường kính 20 đến 60cm. Trong đó có một chiếc chiêng cổ cỡ lớn đường kính 60cm tôi đã phải mò lên tận huyện Đà Bắc để mua về nhưng sau một lần cho mượn thì chiếc chiêng giờ đây đã bị vỡ một phần, tôi tiếc lắm mà chẳng biết làm sao. Hiện nay kiếm được một chiếc chiêng lớn và tốt như thế là cực khó”.

Nếu chia trung bình số năm ông lặn lội đi lùng cồng chiêng cho con số 34 chiếc thì khoảng năm ông kiếm được 1 cái. 34 chiếc cồng chiêng trong căn nhà sàn nhỏ đã trở thành một dàn nhạc đồ sộ, có thể vang lên đầy đủ mọi cung bậc âm thanh. Mỗi một chiếc cồng chiêng ở đây đều có những âm độ, cung bậc khác nhau.

Vừa nói, ông Xô vừa dùng trùy gõ chiêng để minh họa cho khách hiểu. Sau đó, ông Xô xướng lên âm nhạc của bài hát “Tình ca Tây Bắc” rồi “Miền Trung nhớ Bác”, “Tiến quân ca”… Khung cảnh núi rừng và người chơi chiêng trong căn nhà sàn đã hòa quyện lại làm cho bất kỳ người nào cũng có thể nhận ra nét văn hóa Mường đậm chất.

Ăn cơm nhà… đi truyền thụ âm nhạc

 Ngoài cồng chiêng ra, ông Xô còn sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác như khèn, sáo mèo, tiêu mường, đàn bầu, đàn tam, đàn nhị, đàn đáy, đàn bát, trống đất... Đặc biệt những ông Xô có thể tự làm được những loại nhạc cụ trên.

Với ông Xô, truyền thống dòng họ, cội nguồn văn hóa Mường đã thành tình yêu ngấm vào máu thịt và trở thành động lực để ông quyết tâm bảo tồn lưu giữ âm nhạc cồng chiêng. Không học bất cứ một trường lớp đào tạo âm nhạc nào nhưng ông Xô có thể chơi tốt mọi loại cồng chiêng và nhiều nhạc cụ dân tộc khác như tiêu, sáo, nhị, đàn bầu, đàn tam, khèn... Nhưng chỉ đơn độc tìm kiếm, sưu tầm rồi lại tự chơi thì rồi cũng sẽ đến lúc tuổi già, sức yếu kho chiêng cũng sẽ lại thành đồng nát, những âm thanh sẽ vĩnh viễn khuất sau núi.

Do sớm có suy nghĩ đó nên ngay từ những năm cuối của thế kỷ XX, song song với việc tìm chiêng, ông Xô cũng bắt đầu công việc truyền dạy cách biểu diễn cồng chiêng cho người còn yêu cội nguồn văn hóa Mường. Ông Xô đã lặn lội đến mạn Lạc Sơn, Đà Bắc, Tân Lạc, rồi TP Hòa Bình để tìm và mở những lớp dạy cồng chiêng miễn phí.

Người dạy và người học đến với nhau hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện. Ông cũng chẳng ngại ngần vác bộ cồng chiêng của mình đi cho học sinh thực hành. Hiện nay, mặc dù công việc nhà rất bận rộn nhưng ông Xô vẫn thường xuyên đi truyền dạy cồng chiêng.

Riêng ở huyện Kim Bôi, ông Xô đang dạy cho 3 đội cồng chiêng ở các xã với số thành viên lên tới hơn 60 người. Riêng đội cồng chiêng của xã Đú Sáng hiện có 27 thành viên toàn là phụ nữ dân tộc Mường. Đặc biệt trong các đội cồng chiêng, ông Xô đã vận động, động viên được nhiều em nhỏ trong độ tuổi thanh thiếu niên (trẻ nhất 13 tuổi) tham gia học để giữ gìn bản sắc dân tộc mình. Cũng có nhiều phụ nữ đã gần 60 tuổi vẫn tình nguyện theo học những lớp cồng chiêng do ông Xô truyền dạy.

Dương Thương

Tin cùng chuyên mục