Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường - Bài toán chưa lời giải - Bài 2: Ồ ạt hàng lậu giá rẻ

Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường - Bài toán chưa lời giải - Bài 2: Ồ ạt hàng lậu giá rẻ

Với mẫu mã phong phú và giá rẻ, những năm gần đây hàng Trung Quốc (TQ) không chỉ chiếm lĩnh thị trường Lào, Myanmar, Campuchia mà còn phủ sóng khắp các tỉnh thành ở nước ta.

        Quần áo trong nước “lép vế”

Đồng Xuân vẫn là khu chợ có nhiều hàng TQ nhất ở Hà Nội, với 80% hàng hóa có nguồn gốc từ TQ, trong đó, chủ yếu là hàng vải vóc, quần áo may sẵn, giày dép, cặp túi xách và các loại thực phẩm… Nhiều người nói, nếu không khéo, mua quần áo ở chợ biên giới còn đắt hơn cả chợ Đồng Xuân.

Tại đây có đủ loại quần áo cho người lớn, trẻ em với hàng trăm mẫu mã, giá cả dao động 20.000 - 200.000 đồng/bộ. Dù thông tin về quần áo trẻ em TQ có thể gây độc hại khiến người tiêu dùng lo ngại song sức mua quần áo TQ chỉ giảm trong một thời gian ngắn sau đó lại phục hồi. Đang là thời điểm chuẩn bị bước vào năm học mới, những bộ quần áo phông trẻ em, cặp xách có in hình siêu nhân vẫn bán đắt như tôm tươi.

Chị Hải Anh, chủ hàng quần áo tại chợ, cho biết: “Hàng TQ vẫn bán chạy vì đó là sự lựa chọn của những người có mức thu nhập thấp cho dù có lo ngại về chất lượng, mức độ an toàn”.

Dạo qua các phố chuyên kinh doanh quần áo may sẵn của Hà Nội như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Cân, Chùa Bộc, Trần Nhân Tông… điều dễ nhận thấy là quần áo TQ vẫn đang chiếm ưu thế so với hàng nội. Sự phân cấp về chủng loại và giá cả hàng TQ đang ngày càng rõ khi hàng loại, hàng rẻ tiền được bán riêng và hàng được người bán gọi là “cao cấp” bán trong shop với giá không hề rẻ chút nào. Một chiếc áo nữ, được giới thiệu là hàng Quảng Châu được hét giá tới 600.000 đồng, một chiếc quần Âu cũng có giá 500.000 đồng/chiếc.

Anh Thanh Tùng, bán hàng tại phố Trần Nhân Tông cho biết, hàng TQ chất lượng cao là loại hàng đánh từ Hong Kong, Quảng Châu, Thượng Hải… Loại hàng này có chất liệu, kiểu dáng và đường may “khôn” hơn hẳn so với loại hàng rẻ tiền. Theo một tiết lộ của người chuyên đánh hàng TQ, loại hàng này có giá nhập vào chỉ bằng 1/3 thậm chí 1/4 giá bán nhưng họ phải bán giá cao vì rủi ro khi nhập hàng.

Có một thực tế, tại nhiều cửa hàng đồ may sẵn của Hà Nội trên phố Ngô Quyền, Chùa Bộc, một số chủng loại quần áo hàng TQ đã được tháo nhãn mác “made in China” để thay bằng nhãn mác “made in VN”. Theo lời một số người bán hàng, vì thời gian gần đây có nhiều người tiêu dùng không mặn mà hàng TQ nên treo nhãn Việt cho dễ bán!

Đồ chơi Trung Quốc bán tại một cửa hàng trên đường Ngô Nhân Tịnh, TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Đồ chơi Trung Quốc bán tại một cửa hàng trên đường Ngô Nhân Tịnh, TPHCM. Ảnh: ĐỨC TRÍ

        Hàng điện tử, đồ chơi “lấn sân”

Hàng gia dụng TQ hiện cũng có mặt ở nhiều khu kinh doanh điện tử, điện lạnh của Hà Nội như phố Hai Bà Trưng, khu chợ Ngã Tư Sở và nhiều siêu thị của Hà Nội. Tại siêu thị điện tử PICO trên đường Nguyễn Trãi, một siêu thị điện tử điện lạnh lớn nhất nhì Hà Nội, những đồ dùng như máy xay sinh tố, lò vi sóng, bếp gas mang nhãn hiệu “made in China” được bày bán song song với hàng “xịn”, với giá chỉ bằng 50% hàng “xịn”.

Ở phố Lương Văn Can, đồ chơi TQ vẫn đang chiếm thế thượng phong với tuyệt đại đa số. Tại các nhà sách, siêu thị đồ chơi sản xuất trong nước chiếm không đến 5%. Trong đó, chỉ có một số sản phẩm bằng gỗ giúp trẻ vừa chơi vừa học vừa như bộ lăn banh, bộ ghép số, ghép chữ ghép hình ảnh các con vật của Công ty gỗ Đức Thành là được chú ý và đã tìm được đường xuất khẩu, còn lại vẫn phần lớn thường được các tiểu thương bán theo món hoặc ký lô ở các vỉa hè và chợ hoặc làm gia công theo dạng đồ dùng dạy học cho các trường mầm non là chính. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải bán theo dạng ký gởi cho các cửa hàng và nhà sách… chứ không bán được dạng “mua đứt bán đoạn như đồ chơi ngoại”.

Ở TPHCM, sau khi dạo chợ Bình Tây (quận 6) và chợ Kim Biên trong những ngày cuối tháng 6, chúng tôi được biết, đồ chơi có nguồn gốc từ TQ đang chiếm hơn 90%. Và mẫu mã đa dạng, giá rẻ, đa số sản phẩm đồ chơi TQ tại đây đều có giá 9.000 - 24.000 đồng/món, chỉ có các loại xe điều khiển từ xa là giá 65.000 - 200.000 đồng/chiếc. Hầu hết đều là hàng “xá” (không bao bì nhãn mác) và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Bên cạnh đồ chơi, bánh kẹo, quần áo, giày dép trẻ em nhập khẩu từ TQ cũng đang chiếm thị phần rất lớn tại chợ Bình Tây.

Theo ông Huỳnh Quốc Bảo, đại diện Ban quản lý chợ Bình Tây, khó có thể đoán được hiện có bao nhiêu sản phẩm quần áo và giày dép trẻ em nhập khẩu từ TQ tại chợ này, chỉ biết rằng, chỉ riêng nhóm hàng quần áo may sẵn, hàng có nguồn gốc xuất từ TQ (có hóa đơn chứng từ tại chợ này) đã lên đến 35%.

Quần áo có nguồn gốc từ TQ luôn rẻ hơn hàng trong nước 10% - 15%, nên gần đây không chỉ chợ Bình Tây, chợ An Đông và Trung tâm Thương mại An Đông Plaza còn trở thành nơi phân phối sỉ quần áo trẻ em và giày dép TQ. Tuy nhiên, sau thông tin các sản phẩm đồ chơi và quần áo trẻ em nhập khẩu từ TQ có chất formadehyde có thể gây ung thư, nhiều tiểu thương đã đổi mác hàng TQ sang hàng Đài Loan hoặc hàng Singapore, thậm chí nói là hàng trong nước để dễ bán.

        Văn phòng phẩm “lên ngôi”

Thị trường văn hóa phẩm, quà lưu niệm, decal dán điện thoại… xuất xứ từ TQ xuất hiện ngày càng nhiều, giá rẻ nên được tiêu thụ mạnh. Ở nhiều shop, quầy sạp trong các chợ chuyên kinh doanh mặt hàng trang sức làm đẹp cho phái nữ, được bày bán rất nhiều mặt hàng vòng, dây chuyền, nhẫn bằng đá cẩm thạch, thạch anh, hồng ngọc, rubi, mắt mèo…

Đặc biệt, các mẫu vật kỳ lân, kỳ hưu, lân mã, rồng, phụng, cóc ngậm đồng tiền… dùng để trang trí nội thất, mang ý nghĩa tâm linh “phù hộ” cho gia chủ làm ăn phát đạt, an lành cũng được bày bán rất nhiều.

Gần đây, vàng nữ trang từ TQ cũng đang vượt biên giới vào VN khá nhiều. Tại TPHCM, phần lớn nữ trang TQ “núp bóng” vàng trắng với “made in Italia”, có giá khá rẻ vì “hầu như chỉ lấy công làm lời”. Với mẫu mã khá phong phú, nữ trang vàng trắng được tiêu thụ khá mạnh tuy nhiên chất lượng thật của loại nữ trang này thì khó biết vì đa phần thường hay bị “rớt” tuổi. Một chuyên gia cho biết, có khi sản phẩm này chỉ còn 20% - 30% vàng, còn lại là kim loại pha.

Vài ngày qua, tại các cửa hàng, siêu thị vật liệu xây dựng ở TPHCM, cũng xuất hiện khá nhiều mặt hàng xây dựng nhập từ TQ, trong đó nhiều nhất là gạch. Theo nhận xét của anh Nguyễn Văn Trung, một chủ thầu xây dựng, ngụ tại đường D1, quận Bình Thạnh, gạch lót nền của TQ có đủ các chủng loại từ bình dân đến cao cấp và đều rẻ hơn hàng trong nước 5.000 - 7.000 đồng/thùng.

NHÓM PV ĐIỀU TRA

>> Bài 1: Ở “căn cứ” làm hàng lậu
>> Bài 3: Thắt cửa khẩu và nâng chất hàng nội

Tin cùng chuyên mục