Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường - Bài toán chưa lời giải. Bài 3: Thắt chặt cửa khẩu, nâng chất hàng nội

Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường - Bài toán chưa lời giải. Bài 3: Thắt chặt cửa khẩu, nâng chất hàng nội

Trước sự “bao vây” của hàng Trung Quốc với giá rẻ và mẫu mã đa dạng, đồng thời chất lượng lại rất “lờ mờ”, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng đã làm gì?

Chống buôn lậu: bắt cóc bỏ đĩa

Gần 2 giờ ngồi tại ngã ba Hữu Nghị - Tân Thanh, chúng tôi thấy trong số đoàn xe chở hàng lậu có không ít xe chạy từ những con đường mòn tại khu vực cột mốc 05, 06, lao thẳng về phía TP Lạng Sơn. Còn phía đường mòn khu vực gần xóm Kéo Kham và Khơ Đa thuộc xã Tân Mỹ, Văn Lãng gần cửa khẩu Cốc Nam, từng tốp “cửu vạn” vẫn khẩn trương đưa hàng vượt biên bằng những đường mòn cánh cung bên cạnh cửa khẩu.

Xuống tới chân núi, một tốp xe ôm đã đợi sẵn để sẵn sàng tuồn hàng về xuôi. Hàng lậu thường đi theo đường mòn xung quanh Hang Dơi như Thác Ném, Gốc Nhãn, với số lượng lớn vào ban đêm hoặc khi đường thông, sau đó, hàng tập kết vào nhà dân ở quanh chân núi trước khi vào sâu nội địa.
 
Ông Nông Văn Vịnh, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, cho biết, 6 tháng đầu năm 2009, Hải quan Lạng Sơn phối hợp với các lực lượng chức năng khác đã bắt giữ 140 vụ buôn lậu, trị giá hàng khoảng 4 tỷ đồng. Con số này chỉ là muối bỏ bể so với hàng lậu của TQ tuồn vào VN…

Còn ông Trần Văn Nghĩa, Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết, chỉ tính riêng tại đây đã có trên 1.000 người là cửu vạn và cư dân vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Không chỉ có Lạng Sơn mà buôn lậu hàng TQ trên cả tuyến biên giới phía Bắc đã trở thành chuyện thường ngày.

Từ Tân Thanh, Lạng Sơn cho tới Móng Cái, Quảng Ninh ở đâu cũng thấy hàng tiêu dùng TQ nhập lậu tràn lan. Nếu như ở Lạng Sơn, hàng chủ yếu theo các đường mòn vượt núi thì ở Quảng Ninh đường đi của hàng TQ vào nội địa còn đa dạng và phức tạp hơn, từ đường bộ, đường sông Ka Long, cho tới cả đường biển.

Ông Nguyễn Tuân, Chi cục phó Hải quan Móng Cái, cho biết, trong vòng 6 tháng đầu năm nay, Hải quan Móng Cái đã phát hiện và xử lý tới 74 vụ vi phạm thủ tục hải quan và buôn lậu có giá trị lớn.

“Thiên biến vạn hóa” thủ đoạn

Lợi nhuận vô cùng lớn đã khiến tình trạng buôn lậu vô cùng nóng bỏng, với nhiều thủ đoạn tinh vi nên những vụ việc mà lực lượng chức năng phát hiện vẫn còn rất thấp so thực tế.

Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường - Bài toán chưa lời giải. Bài 3: Thắt chặt cửa khẩu, nâng chất hàng nội ảnh 1

Cửu vạn đang vận chuyển hàng qua khu vực cửa khẩu Móng Cái.

Đi tìm câu trả lời cho những nhức nhối trên từ các cơ quan chức năng, đặc biệt là tại TP Móng Cái, chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu lạnh lùng với những câu trả lời chung chung “nếu phát hiện được hàng lậu, hàng giả, chúng tôi đã bắt hết”.

Sau một ngày kiên trì liên hệ, chúng tôi cũng gặp được ông Nguyễn Viết Khoa, trực phụ trách Đội kiểm soát chống buôn lậu, Trạm kiểm soát liên hợp Km15, Móng Cái, Quảng Ninh.

Ông Khoa phân trần, lực lượng chống buôn lậu có cả công an, hải quan, quản lý thị trường, thuế vụ của trạm chỉ có 10 người phải quản lý địa bàn rộng trong phạm vi bán kính 10km. Lực lượng thì mỏng, thủ đoạn của bọn buôn lậu thì cực kỳ tinh vi và vô cùng liều lĩnh, rất khó đối chọi lại dân buôn lậu.

Ông Khoa cho biết, vì lợi nhuận cực cao của hàng lậu nên để chống lại lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu tổ chức cả một đội quân “chim lợn” theo dõi và cản trở lực lượng chống buôn lậu. Khi bị bắt giữ, các đối tượng thường không chấp hành lệnh kiểm tra mà thường vứt hàng xuống sông Ka Long, còn nếu ở trên đường thì mở thùng xe cho cửu vạn cướp lại hàng, hoặc dùng các phương tiện giao thông chèn ép, cản trở phương tiện của lực lượng kiểm tra.

Nhiều cán bộ và lãnh đạo trong đội kiểm soát đã không ít lần bị đơn thư bôi nhọ, bị đe dọa đặt mìn ở gia đình chỉ vì chống buôn lậu.

Trong thời gian ở Móng Cái, chúng tôi được một “trùm” tên Triệu Văn Bắc cho biết: Bây giờ làm ăn phải “từ gốc đến ngọn” mới có lãi. Chi phí mỗi tấn vải trót lọt là 3,5 triệu đồng. Ngày cao điểm, riêng tôi có thể chuyển về Việt Nam 30 tấn quần áo, vải vóc. Thật ra cũng chẳng kiếm được bao, vì phải “lễ lạt” nhiều cửa. Đưa một lô hàng trị giá tiền công khoảng 10 triệu đồng phải mất 50% lo lót, 30% phí cho các “cửu”, “chim lợn”, còn lời khoảng 20% mà thôi. Dù sao, so với tiền thuế, chi phí nhập khẩu, công vận chuyển 1 tấn hàng của chúng tôi cũng rẻ gấp 2,5 - 3 lần.
 
Quản lý khó khăn - chất lượng thả nổi

Những năm qua, người tiêu dùng VN đã “phớt lờ” hàng loạt “vết đen” của hàng TQ. Trong đó, điển hình là vụ kem đánh răng Excel và Mr.Cool có chứa chất diethylene glycol (DEG) cao gấp 50 lần hàm lượng an toàn cho phép xảy ra trong năm 2007. Kế đến, vụ một số sản phẩm đồ chơi sản xuất tại TQ có chứa chất độc hại, rồi đến sữa nhiễm melamine và gần đây nhất là vụ đồ chơi và quần áo trẻ em có chứa chất formadehyde có thể gây nhiễm trùng da và đường hô hấp.

Theo ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bibica, do hàng không có bao bì, không có nguồn gốc xuất xứ và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt nên khó biết được trong sản phẩm này nhà sản xuất đã sử dụng nguyên phụ liệu gì, có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không.
 
Một cán bộ quản lý thị trường ở TPHCM từng nói rằng: “Tại sao không thắt chặt phần gốc ở các cửa khẩu, giờ để tràn lan như thế này thử hỏi làm sao chúng tôi có thể chống chọi khi hàng nhập lậu từ đầu nguồn liên tục đổ về ào ạt!”.

Ông Huỳnh Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ thuật Mới, cho rằng sẽ tiếp tục cạnh tranh bằng chất lượng và uy tín thương hiệu và mong người tiêu dùng trong nước ủng hộ hàng VN để góp phần đẩy lùi sự áp đảo của hàng nhập. Các cơ quan có chức năng phải thiết lập được một hành lang pháp lý vững chắc để có thể xử lý và điều chỉnh các hành vi kinh doanh trái phép hoặc phổ biến các loại mặt hàng cấm, các loại văn hóa phẩm độc hại.

 

Chi cục Quản lý thị trường TP Đà Nẵng, cho biết: sau 1 tháng kiểm tra các sản phẩm may mặc và hàng tiêu dùng xuất xứ từ nước ngoài, đã phát hiện 49 vụ kinh doanh hàng hóa TQ vi phạm, phạt tiền 32,7 triệu đồng. Hầu hết các cơ sở kinh doanh đều vi phạm các quy định về nhãn mác hàng hóa, nhiều cơ sở kinh doanh đóng mác “made in Vietnam” lên mặt hàng có xuất xứ từ TQ. 

NHÓM PV ĐIỀU TRA




Bài 2: Ồ ạt hàng lậu giá rẻ

Bài 1: Ở “căn cứ” làm hàng lậu

 

Tin cùng chuyên mục