Nông thôn mới ở đất “Ông Thoại”

Nông thôn mới ở đất “Ông Thoại”

Huyện Thoại Sơn là vùng đất do ông Thoại Ngọc Hầu đi khai hoang phá thạch mà có. Đường đi quanh co, quanh co dọc theo con đê bao với những tiệm buôn sầm uất và áo trắng học trò tung bay theo gió mùa tựu trường, khiến chúng tôi không thể mường tượng ra nơi đây từng là “rốn lũ” của những cơn lũ lụt trắng trời. Đã nghe nói về Thoại Sơn với số nợ 150 tỷ đồng vì lãnh đạo dám “xé rào” làm đê bao, ngăn lũ nuôi lúa. Đã nghe về Thoại Sơn với “sản lượng vàng” của vùng làm lúa trong tỉnh chuyên lúa – An Giang... Với những nỗ lực của mình trong hơn 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn vừa được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Thoại Sơn ngày xưa
 
Với kết quả bắt đầu bước vào thời kỳ đổi mới cho thấy Thoại Sơn đã đi đúng hướng, đó là đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, mà Phó Chủ tịch huyện đã nói rất hình tượng “Nước ôm đê, đê ôm lúa”.

Ông Võ Ngọc Triểm, chuyên gia lúa giống của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống An Giang theo dõi giống lúa mới.
Ông Võ Ngọc Triểm, chuyên gia lúa giống của Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống An Giang theo dõi giống lúa mới.

Đứng trên “nóc núi Sập” mùa nước nổi chúng ta mới hiểu hết ý nghĩa của 6 chữ “nước ôm đê, đê ôm lúa” mà Thoại Sơn đã làm.

Thoại Sơn là vùng trũng của Tứ giác Long Xuyên nên thường xuyên bị lũ uy hiếp và “chụp đồng” do ở đầu nguồn. Khi nhìn những đồng lúa bị lũ dìm trắng trong tháng 8, tháng 9 hàng năm, nhìn cảnh nông dân ngất xỉu nằm “xếp lớp” trong trạm xá vì trắng tay bởi lũ thì lãnh đạo tỉnh, huyện đã nghĩ đến phương án cứu dân vùng trũng Thoại Sơn bằng đê bao.

Nếu huyện Chợ Mới được ví như “vương quốc màu” thì huyện Thoại Sơn là “vương quốc lúa” của An Giang. Từ 1979 - 1987, Thoại Sơn “nổi tiếng” là huyện yếu kém của tỉnh An Giang mà lương thực bình quân đầu người chỉ đạt trên 700kg/năm. Thoại Sơn những năm ấy luôn nằm trong danh sách phải nhận trợ cấp lương thực từ cấp trên bởi mỗi năm nông dân chỉ làm được 1 vụ lúa mùa nổi.

Những năm ấy, đa số các xã không có trạm y tế, hàng năm nạn thiếu ăn giáp hạt, đói nghèo khó khăn vẫn thường xuyên đe dọa cuộc sống của người dân, số hộ nghèo đói chiếm 50% dân số. Cơm không đủ ăn nên chẳng mấy ai nghĩ đến chuyện học hành của con cái. Mỗi xã có 3 đến 5 phòng học, cả huyện chỉ có 1 điểm trường trung học phổ thông. Cơ sở hạ tầng nhất là cầu, đường giao thông nông thôn yếu kém. Các tuyến đường nông thôn đến trung tâm xã đều bị ngập 3 - 4 tháng khi mùa lũ về. Nhìn từ xa, Thoại Sơn những năm ấy như “mảnh áo vá” bởi đất ruộng bị cắt xâm canh, chia bình quân đầu người khiến ruộng đất hoang hóa tiêu điều.

Đường nông thôn ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cũng chính là đê bao để có thể làm lúa 3 vụ hàng năm. Ảnh: THÁI BẰNG

Đường nông thôn ở huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang cũng chính là đê bao để có thể làm lúa 3 vụ hàng năm. Ảnh: THÁI BẰNG

Năm 1988, Đảng bộ Thoại Sơn được sự quan tâm trợ giúp của tỉnh đã quyết tâm không chỉ thoát đói mà còn làm giàu trên chính “mảnh áo vá” ấy bằng cách xóa xâm canh, xóa bình quân ruộng đất. Năm 1988, Thoại Sơn bắt đầu cuộc “cách mạng thủy lợi” và chính thức giã từ làm 1 vụ lúa nổi lệ thuộc vào nước trời.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Văn Hơn (bí danh Sáu Hơn) và Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thận lập nhiều đoàn công tác đi thực địa nhiều lần, nhiều vùng và cuối cùng Tỉnh ủy ra Nghị quyết 02 về tam nông và chọn xã Tây Phú, xã vùng sâu vùng xa huyện Thoại Sơn làm thí điểm.

Năm 1990, Thoại Sơn đã đào xong 52 con kênh cấp 2 và 350 tuyến kênh nội đồng, đường nội thị, đường liên xã, liên ấp được làm “nhanh vù vù” bởi dân không đòi bồi thường mà còn vui vẻ chờ đến phiên ký giấy hiến đất nhà để làm đường, làm trạm xá, trường học. Tuyến đê bao kiểm soát lũ triệt để dài 750km với 350km đường bê tông được làm với thỏa thuận ký kết góp vốn giữa dân và chính quyền là 5 - 5. Tuyến đê làm xong, lập tức chuyển từ 1 vụ lúa nước nổi sang 2 vụ lúa/năm.

Và năm 1990 là mốc son của Thoại Sơn bởi sản lượng lương thực cao nhất toàn tỉnh lúc bấy giờ và lần đầu tiên hoạt động sản xuất lương thực của huyện đã trở thành sản xuất hàng hóa. Trẻ đến tuổi đi học đều đến lớp và Thoại Sơn không chỉ phổ cập giáo dục cấp 2 mà đang nỗ lực phổ cập cấp 3 và số cháu vào đại học năm sau luôn cao hơn năm trước.

Với mục tiêu là “sản xuất và sống chung với lũ an toàn” năm 2001 Thoại Sơn là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh An Giang triển khai, tổ chức thực hiện đề án đê bao kiểm soát lũ với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng để bảo vệ 18.000ha lúa hè-thu ở vùng đất trũng. Năm 2002 là năm đầu tiên mà ngay mùa nước lũ trên địa bàn huyện bà con vẫn ung dung làm lúa vụ 3, bởi lúa đã có đê bao bảo vệ.

Năm 2008, Thoại Sơn có diện tích gieo trồng cả năm đạt 103.009ha, tổng sản lượng đạt 640.000 tấn, lương thực bình quân đầu người đạt 3.333kg (tăng 913 kg/người, so năm 1998) và là năm có quy mô diện tích gieo trồng cho sản lượng lúa đạt mức cao nhất trong 5 năm qua, trong đó lương thực dùng cho xuất khẩu hàng năm khoảng 200.000 tấn.

Thoại Sơn bây giờ

Từ điểm xuất phát thấp gần như nhất nhì tỉnh An Giang, từ chỗ lúa gạo sản xuất không đủ ăn của những năm 1979, Thoại Sơn đã từng bước vươn lên trở thành một trong số ít huyện đứng đầu cả nước về sản lượng và năng suất không những góp phần ổn định an ninh lương thực mà còn góp phần xuất khẩu cùng cả nước ra thị trường thế giới.

Trước 1990, dân Thoại Sơn cứ đến tháng 8, tháng 9 mùa nước nổi, trẻ con chỉ cần cha mẹ sơ sẩy một chút là chết trong nước lũ.

Năm 2000, cơn lũ kinh hoàng ập đến, tràn qua tuyến đê bao và phủ trắng đất Thoại Sơn. Lúa chết, trẻ em lại chết vì lũ, cuộc sống dân Thoại Sơn lại lao đao vì lũ.

Chính quyền họp dân và trong hội nghị ấy mọi người đều đồng lòng phải làm 300 cống hở, 500 cống tròn để điều tiết thủy lợi với tỷ lệ góp vốn 6/4. Huyện dự định 40% chi phí làm cống sẽ được trích lại từ thuế nông nghiệp. Đùng một cái, thuế nông nghiệp được bãi bỏ, thế là 150 tỷ đồng “lỡ ứng” từ thuế trở thành món nợ khổng lồ không của riêng ai trong huyện Thoại Sơn. Lại họp dân và huyện “xin ý kiến” nhân dân để được thu một số khoản tiền trả nợ cống. Cả huyện từ lãnh đạo đến dân đồng lòng thắt lưng buộc bụng để trả nợ.

Đã có lúc báo chí hiểu không hết ngọn ngành đăng tin công khai dẫn đến cán bộ huyện bị phản ứng gay gắt. “Không sao, chỉ cần dân hiểu và tin cậy chúng tôi làm đúng là đỡ buồn rồi”, một cán bộ huyện nói thế khi chúng tôi hỏi về thông tin ngày xưa ấy. Nhưng hiệu quả của món nợ 150 tỷ đồng đã được chứng minh bằng hiệu quả hoạt động từ hàng trăm chiếc cống đã giúp sản lượng lúa tăng; tôm càng xanh, cá đồng trúng mùa ào ào. Đời sống nông dân khá lên thấy rõ trên những dãy nhà tường, số lượng xe gắn máy tăng nhanh và trên hàng loạt thuyền, canô bằng composit chạy “xanh cả mặt nước” (các chiếc thuyền bằng composit đều màu xanh). Đầu năm 2008, chính quyền và nhân dân huyện Thoại Sơn đã trả hết nợ “lỡ ứng từ thuế”.

Người nông dân Thoại Sơn chính thức làm chủ cuộc sống mình ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rún của mình.

Câu chuyện của chúng tôi bất ngờ rẽ sang chuyện tích tụ ruộng đất khi một người dân đến liên hệ công việc ở huyện gọi điện thoại di động cho một người xịt thuốc thuê trên đồng lúa nhà anh. Hỏi ra mới biết chuyện tích tụ ruộng đất ở Thoại Sơn có từ lâu. Chuyện bắt đầu từ khi nhà nước có chủ trương chia lại ruộng đất cho nông dân, theo định mức 3 công/người. Nỗ lực lắm thì nông dân cũng chỉ đủ ăn và ráng cho con đi học. Một số người làm ăn giỏi đã mua lại ruộng của số nông dân làm ăn không khá. Cho dù không công khai nhưng cách làm trên đã diễn tiến âm thầm từ hàng chục năm qua.

Như chuyện anh nông dân Nguyễn Hữu Đức, biệt danh Hai Ù ở ấp Trần Tiền, xã Định Mỹ. Xuất thân từ người đi cày thuê, với vốn đầu tay là 4 con bò. Hai Đức cặm cụi ai thuê cày bao nhiêu đất anh cũng nhận. Thuở đó, người ở kênh Thoại Hà có đôi bò cày ngày 5 công là quá sức nhưng với Hai Đức thì đôi bò của anh có thể làm được 15 công/ngày! Dân có bò đi cày mướn cũng “ngả nón” chào anh Hai! Chí thú làm ăn, trời lại cho sức khỏe hơn người nên công việc người ta làm cả buổi, còn anh Đức chỉ làm ù một cái là xong, từ đấy, anh có tên Hai Ù.

Cha mẹ vợ cho vợ chồng anh 5 công ruộng làm vốn. Bây giờ thì vợ chồng anh Hai Ù đã có trong tay 14ha ruộng với năng suất cao nhất vùng. Con cái học đại học, anh đang cho thằng lớn học lái xe hơi để nhà mua cái xe ô tô riêng đi tỉnh cho dễ.

Dân của xã Định Mỹ nhà nào cũng có ít nhất 1 xe gắn máy, 1 điện thoại di động và truyền hình màu. Anh Dương Ngọc Lắm, Chủ tịch UBND xã Định Mỹ định dẫn chúng tôi đi tham quan các hộ có diện tích đất tích tụ trên 10ha nhưng chúng tôi đành xin thôi vì để đi hết các hộ có trên 10ha ruộng, phải đến ngày hôm sau mới hết!

“Trình độ canh tác, kinh nghiệm sản xuất của người nhiều đất chắc chắn sẽ cao hơn người ít đất” - Phó Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Đoàn Minh Triết nhận định. UBND huyện Thoại Sơn đã tính đến chuyện thí điểm cho người có diện tích đất sản xuất lớn thuê những mảnh ruộng nhỏ kế bên để tạo ô ruộng lớn. Đây được xem là một “ý tưởng” liên kết mới, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn gắn với các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp ở Thoại Sơn.

***

Qua hơn 20 năm (1988-2008) thực hiện đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội, đảm bảo chính trị, an ninh quốc phòng, Đảng bộ và nhân dân huyện Thoại Sơn đã vượt qua mọi thách thức khó khăn, nắm bắt thời cơ thực hiện tốt các chính sách về phát triển nông nghiệp nông dân và nông thôn, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước, tạo tiền đề tốt cho quá trình hội nhập kinh tế.

Chủ tịch UBND huyện Thoại Sơn Nguyễn Minh Phong đã rất vui khi huyện Thoại Sơn được Chủ tịch nước ký tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Nhưng điều mà người chủ tịch trẻ vui hơn đó là con số cán bộ tốt nghiệp đại học ở huyện, xã đang ngày càng tăng.

Huyện Thoại Sơn có 14 xã, 3 thị trấn với 660 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó cán bộ, công chức chuyên trách xã, thị trấn có trình độ đại học chuyên môn 70/327 đồng chí chiếm tỷ lệ 21%, trung cấp 122 đồng chí.

Phòng ban, các ban đảng, đoàn thể cấp huyện có 333 cán bộ, công chức-viên chức, trong đó trình độ đại học 205 đồng chí, chiếm tỷ lệ 61,5%, trung cấp 50 đồng chí. 

THÚY THÚY – ĐÌNH TUYỂN

Tin cùng chuyên mục