Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?. Bài 2: Dự báo thảm họa đã thành hiện thực

Bất chấp lời kêu cứu từ sông Mekong, chính phủ các nước nằm trong dòng chảy của con sông vẫn tiếp tục xây dựng hàng loạt đập thủy điện. Điều này đã và đang gây ra nhiều tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng chục triệu người dân sinh sống tại lưu vực con sông lớn thứ ba châu Á này.
Dòng sông Mẹ sẽ ra sao ngày sau?. Bài 2: Dự báo thảm họa đã thành hiện thực

Bất chấp lời kêu cứu từ sông Mekong, chính phủ các nước nằm trong dòng chảy của con sông vẫn tiếp tục xây dựng hàng loạt đập thủy điện. Điều này đã và đang gây ra nhiều tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống của hàng chục triệu người dân sinh sống tại lưu vực con sông lớn thứ ba châu Á này.

Môi trường sống đang bị hủy hoại

Trong hai thập niên qua, tại vùng lưu vực sông Mekong, các đập thủy điện được xây dựng ngày càng nhiều trên dòng chính, cũng như trên các phụ lưu của con sông. Nguyên nhân là vì chính phủ các nước trong vùng muốn tận dụng điều kiện thiên nhiên thuận lợi để đẩy mạnh việc sản xuất điện năng phục vụ cho đà phát triển kinh tế nhanh chóng của các nước. Vì lợi ích cục bộ, các nước đã mạnh ai nấy làm, bất chấp lợi ích chung.

Nếu chỉ tính đến các đập thủy điện quan trọng trên dòng chính của sông Mekong, chạy từ Vân Nam Trung Quốc xuống Campuchia, hiện đã có khoảng 20 con đập đã đi vào hoạt động hoặc đang được xây dựng. Các nhà hoạt động môi trường lo ngại rằng, cơn sốt phát triển hàng loạt đập thủy điện trên sông Mekong trong thời gian tới, đặc biệt là việc xây dựng các đập nước, không chỉ làm thay đổi quang cảnh của dòng sông, mà còn phá hoại cuộc sống của những người dân vốn sống nhờ vào dòng sông bao đời nay.

Trong vài năm tới, dưới tác động hủy hoại môi trường, liệu hình ảnh đánh bắt cá “được mùa” này có còn tái diễn?

Trong vài năm tới, dưới tác động hủy hoại môi trường, liệu hình ảnh đánh bắt cá “được mùa” này có còn tái diễn?

Các báo cáo nghiên cứu của Liên hiệp quốc cho biết, hệ sinh thái trên sông Mekong đang bị tàn phá. Ủy hội Sông Mekong, một cơ quan tư vấn được thành lập năm 1995 bởi các chính phủ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, ước tính trong năm 2008, việc xây dựng các con đập đã gây thiệt hại 2 tỷ USD đối với ngành công nghiệp đánh bắt cá.

Hậu quả trước mắt là ngay tại những vùng xây đập, ngoài việc phải tái định cư dân đang sống trên vùng xây đập, các công trình xây cất quy mô lớn đã tàn phá sinh cảnh, phá hủy môi trường sống của các loài thú quý hiếm. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, khí hậu vùng Mekong đang ngày càng nóng lên, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn tại của các loài sinh vật, nhất là những loài mới được phát hiện.

Từ đầu năm 2000 cho đến nay, hàng loạt các báo cáo về môi trường cho biết, lượng hải sản dồi dào trên dòng sông này đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Việc đánh bắt cá tại những dòng chảy chính, từng là nơi chở nặng phù sa, cũng đang làm nhiều ngư dân ở khu vực sông Mekong điêu đứng. Cách đây hơn 10 năm, sản lượng đánh bắt thủy sản ở hồ Tonle Sap (Biển Hồ), Campuchia, hàng năm hơn 400.000 tấn, cung cấp 70% lượng đạm cho dân số Campuchia, thì con số này ngày nay chỉ bằng 2/3.

Các nhà nghiên cứu môi trường chỉ ra rằng, hậu quả này không chỉ nằm ở việc khai thác bừa bãi, dân số gia tăng nhanh, mà còn do việc xây dựng ngày càng nhiều các đập thủy điện trên thượng nguồn từ Trung Quốc, Thái Lan và Lào đã làm ảnh hưởng đến các loài cá bơi ngược dòng lên Biển Hồ sinh sản theo mùa.

Sông Mekong là một khu vực đa dạng sinh học và là một vùng nước sinh sản quan trọng cho các loài cá. Hàng năm, chúng vượt dòng sông Mekong lên thượng nguồn để đẻ trứng tại các vùng rừng ngập nước. Các đập thủy điện chặn dòng chảy chính trên thượng nguồn làm cá tôm khó thích nghi với đổi thay của hệ sinh thái con sông; di cư theo mùa của các loại thủy sản đang bị xáo trộn và gián đoạn do các đập nước ngăn bước đi.

Không riêng ở Biển Hồ, khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam cũng đang hứng chịu những hậu quả nặng nề. Theo số liệu của Ủy ban các nước khu vực sông Mekong, hiện nay vào mùa khô, mực nước sông Cửu Long xuống thấp, lưu lượng trung bình giảm từ 50.000m3/giây trong mùa mưa xuống còn 2.000m3/giây trong mùa khô.

Vùng đồng bằng phía Nam của Việt Nam đang dần mất đi sự trù phú, vì không còn phù sa từ dòng chảy Mekong mang về mỗi mùa lũ, đất đai cho trồng trọt bị ảnh hưởng nặng hơn do phèn tiềm tàng không được rửa trôi. Cộng với mực nước biển dâng lên do biến đổi khí hậu, đất sẽ bị nhiễm mặn, làm thiệt hại hàng trăm hécta lúa như đã xảy ra ở Gò Công, Tiền Giang.

Theo các chuyên gia, hồ chứa trong các đập thủy điện trên thượng nguồn không chỉ giữ lại nước mà còn lưu trữ một phần không ít lượng phù sa mang nhiều chất dinh dưỡng, mà trước đây được dòng sông chuyển xuống các vùng hạ nguồn. Hậu quả là đất kém màu mỡ hơn, khiến nông dân ngày càng phải sử dụng đến phân bón hóa học để canh tác, gây ô nhiễm đất đai.

Lũ lụt, hạn hán và động đất

Không chỉ có cá hiếm đi, phù sa ít đi, mà lũ lụt trong những năm gần đây đã xảy ra nghiêm trọng hơn ở các nước như Việt Nam, Campuchia, Thái Lan hoặc Lào, một phần là do sự hình thành của các đập nước.

Vào tháng 8-2008, Thái Lan đã cáo buộc chính quyền Trung Quốc đột ngột xả nước từ 3 con đập thủy điện Mạn Loan, Đại Triều Sơn và Cảnh Hồng ở thượng nguồn sông Mekong gây ngập lụt trên diện rộng tại 7 tỉnh phía Bắc. Trong cùng thời gian đó, cố đô Luang Prabang và thủ đô Vientiane của Lào cũng hứng chịu hoàn cảnh tương tự. Thái Lan đã thiệt hại 220 triệu baht (6,5 triệu USD), riêng khu vực Luang Prabang của Lào thiệt hại khoảng 100 tỷ kip (11,6 triệu USD). Các chuyên gia môi trường Thái Lan cho rằng, việc Trung Quốc phá bỏ các ghềnh thác, khơi dòng chảy cho tàu thuyền cỡ lớn có thể đi lại trên thượng nguồn sông Mekong cũng là nguyên nhân làm cho nước lũ dâng lên nhanh.

Không chỉ lũ lụt mà hậu quả quá trình khai thác vô tội vạ dòng sông Mekong còn có nguy cơ xuất hiện các trận “động đất do hồ chứa”. Các nhà khoa học địa chất khảo sát những con đập lớn nhận thấy, sức nặng thường trực của khối nước khổng lồ trong hồ chứa đã gây ra tình trạng mất cân bằng địa chấn, gây đứt đoạn lớp địa tầng dưới đáy, có thể làm vỡ cấu trúc toàn con đập. Một nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Columbia (Mỹ) cho biết, trận động đất kinh hoàng làm 80.000 người chết và mất tích ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, có thể khởi nguồn từ việc tích trữ 320 triệu tấn nước ở hồ chứa Tử Bình Bạc, cách không xa nơi xảy ra động đất.

Lời giải thích là việc nén một lượng nước quá lớn ở một khu vực chật hẹp có thể gây ra những nứt gãy bên dưới các lớp địa chất mới hình thành. Trước đó, vào năm 1961, tỉnh Quảng Đông có con đập Tân Phong Giang đã bị một cơn địa chấn gây lũ lụt trên diện rộng.

Trước những hậu quả trên, hiện nay đã có rất nhiều luồng ý kiến xung quanh việc xây dựng các đập thủy điện mới trên sông Mekong. Những người ủng hộ cho rằng do dân số tăng, kinh tế ngày càng phát triển, mọi nhu cầu cho con người và cho phát triển kinh tế đều cần nước, do đó phải xây dựng đập thủy điện là loại năng lượng sạch, tái tạo được. Đập có tác dụng trữ nước, phát điện, cắt lũ và điều tiết nước trong mùa khô cho hạ lưu. Nhưng bên cạnh đó, những người phản đối xây đập thủy điện ngày càng gia tăng, lên án mạnh mẽ đập thủy điện làm ngập đất, rừng, dân cư phải di dời, làm thay đổi chế độ dòng chảy và môi trường sinh thái.

Phản đối nhiều song ủng hộ cũng không ít. Điều này cũng đang gây ra một làn sóng tranh cãi mạnh mẽ nhất về các đập từ trước đến nay trên dòng Mekong. Trong bức thư kiến nghị được đăng tải trên trang web của Liên minh cứu sông Mekong vào tháng 6 năm ngoái, hơn 16.000 người đã yêu cầu chính phủ các nước hãy đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ “con sông Mẹ” đang nuôi dưỡng hàng chục triệu người dân sống dọc bờ sông Mekong. Nhưng kế hoạch xây dựng các con đập thủy điện vẫn đang được tiến hành. Điều này đồng nghĩa với việc sông Mekong vẫn đang bị “bức tử”, phải oằn mình chịu đựng những tác động ghê gớm của cái gọi là sự “phát triển năng lượng”.

Không phải họ không biết phát triển luôn phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội, nhưng đã cố tình làm ngơ trước những tác hại này khi biết rằng hậu quả không chỉ xảy ra ở hiện tại mà còn gây ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai. Và một tương lai không có hậu đang xảy ra ở vùng châu thổ sông Cửu Long của Việt Nam khi các nước thượng nguồn khai thác triệt để dòng Mekong để phục vụ cho lợi ích của chính mình. Tương lai rất rõ ràng: lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, hạn nặng vào mùa khô, đất đai cằn cỗi và nguồn tôm cá cũng ngày càng ít đi.

Vùng lưu vực sông Mekong, được gọi chung dưới tên Tiểu vùng sông Mekong, bao gồm 6 nước: Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar và Trung Quốc. Đây là nơi nổi tiếng về đa dạng sinh học, với khoảng 20.000 loài thực vật, 1.300 loài cá, 1.200 loài chim, 800 loài rắn, ếch nhái, 430 loài động vật có vú.

Nếu tính về tỷ lệ, Mekong là con sông có tính chất đa dạng sinh học cao nhất hành tinh, có mật độ đông, thực vật còn dày đặc hơn cả sông Amazon vùng Nam Mỹ.

VIỆT ANH-THANH HẰNG-XUÂN HẠNH

(Tổng hợp từ Japan Focus, THX, Mekonggroup.net, savethemekong.org)

>>Thông tin liên quan: Bài 1: Các đập thủy điện đang giết dần Mekong

Tin cùng chuyên mục