Nghệ nhân đúc Srí ở Ha Wai

Huyền thoại Srí
Nghệ nhân đúc Srí ở Ha Wai

Srí, tiếng dân tộc Churu có nghĩa nhẫn bạc. Văn hóa của người Churu coi nhẫn bạc vừa là đồ trang sức vừa là một vật thiêng. Riêng các cô gái khi bắt chồng (theo mẫu hệ) thì dùng chiếc nhẫn bạc trao cho ý trung nhân làm tín vật.

Nghệ nhân Ya Tuất dùng ống thép thổi bụi trong chén bạc trước khi đúc và nhẫn Kăra (ảnh nhỏ).

Nghệ nhân Ya Tuất dùng ống thép thổi bụi trong chén bạc trước khi đúc và nhẫn Kăra (ảnh nhỏ).

Huyền thoại Srí

Để tìm hiểu về chiếc nhẫn bạc huyền thoại, chúng tôi tìm về vùng đồng bằng phì nhiêu bên dòng Đa Nhim (thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng), nơi sinh sống tập trung nhất của người Churu. Trong số khoảng một vạn rưỡi người Churu, hiện chỉ còn duy nhất nghệ nhân đúc thành thạo nhẫn bạc, đó là Ya Tuất ở thôn Ha Wai, xã Tu Tra.

Dù đang dở tay cày xới đất để tỉa bắp trên rẫy cách xa nhà cả chục cây số nhưng Ya Tuất giao phần việc còn lại cho con trai Ya Thương để tiếp chuyện chúng tôi. Anh nói: “Dạo này đang mùa “thấp điểm” nên mình mới có thời gian tranh thủ giúp vợ con làm rẫy, chứ đến “cao điểm” thì suốt ngày tất bật cho việc đúc nhẫn”.

Mùa cao điểm Ya Tuất nói ở đây là mùa cưới của người Churu, kéo dài từ khoảng tháng 10 đến tháng 12 hàng năm. Thời gian này đồng bào Churu thu hoạch xong mùa màng, có thời gian để lo việc cưới xin cho con cái.

Theo phong tục cổ truyền của dân tộc Churu, trong lễ cưới, cô dâu chú rể trao cho nhau nhẫn bạc (cũng giống nhẫn vàng của người Kinh). Sau lễ cưới, cặp nhẫn được giao cho mẹ của chú rể cất giữ coi như “chứng vật”, sau này nếu bên nào chủ động ly hôn sẽ bị phạt nặng. Tuy nói vậy, nhưng do người Churu rất tin vào yếu tố tâm linh ở đôi nhẫn cưới nên rất hiếm khi chia tay. Ngoài cặp nhẫn của đôi uyên ương, phía nhà gái phải đặt nhẫn bạc để trao cho cả họ hàng nhà trai.

Ya Tuất cho biết, thường mỗi đám đặt khoảng 10 – 20 chiếc nhưng nhiều đám, họ hàng nhà trai đông, anh nhận đúc đến hơn 50 chiếc nhẫn. Đến mùa cưới, không chỉ người làng mà cả đồng bào ở Tà In (huyện Đức Trọng), xã Lát (huyện Lạc Dương), thậm chí ở tận Ninh Thuận cũng đến đặt nhẫn.

Thổi hồn vào vật thiêng

Nghệ nhân Ya Tuất cho biết, người Churu quan niệm nhẫn bạc cũng có linh hồn, có nhẫn trống (Srí Kăra) và nhẫn mái (Srí Mơtal). Hoa văn trang trí trên các chiếc nhẫn cũng khác nhau, mặt nhẫn Srí Kăra có đính hạt Kơnia (màu đỏ tươi hoặc đỏ thẫm), còn Srí Mơtal thường chỉ có họa tiết hoa văn nhẹ nhàng, không có mặt nhẫn.

Để đúc một chiếc nhẫn bạc, khâu đầu tiên và quan trọng nhất là làm khuôn, tay nghề của người đúc nhẫn thể hiện rõ ở khâu này. Khuôn nhẫn được làm từ các loại vật liệu có sẵn trong thiên nhiên, gồm sáp ong, lá dứa, gỗ, đất bùn và phân trâu. Đầu tiên, nghệ nhân nấu chảy sáp ong cho vào thùng, lấy lóng gỗ tròn nhúng cho sáp bám vào để tạo ống sáp rồi cắt thành khoanh làm nhẫn mẫu theo nhiều kích cỡ.

Tiếp theo, nghệ nhân tạo hoa văn lên chiếc nhẫn mẫu, rồi gắn nhẫn vào thanh gỗ, bọc lá dứa hình phễu (để rót bạc vào). Sau đó, nhúng chiếc nhẫn mẫu này vào hỗn hợp đất bùn và phân trâu rồi phơi khô (lặp lại khoảng 3 lần) sẽ tạo được khuôn nhẫn.

Theo Ya Tuất, việc tạo khuôn nói tưởng đơn giản, nhưng để có chiếc khuôn chuẩn, đòi hỏi nghệ nhân có những bí quyết riêng. Chẳng hạn, đất bùn phải lấy đúng địa điểm, phân trâu cũng phải của con trâu đực 2 đến 3 tuổi. Rồi tỷ lệ pha chế để khi cho khuôn vào bếp than không bị cháy (nếu tỷ lệ phân trâu nhiều) hoặc bị nứt (nếu đất nhiều).

Do quan niệm xem nhẫn như vật thiêng, vì vậy, nghệ nhân đúc nhẫn cũng đòi hỏi tuân thủ nghiêm ngặt quy trình và thời điểm đúc. Trong ngày, có 2 thời điểm phù hợp để đúc nhẫn là rạng sáng và xế chiều, lúc trời đứng gió và nhiệt độ không khí thích hợp. Khi bếp lửa đốt bằng củi cây Kasiu đã rực hồng, Ya Tuất cho chiếc bát nấu bạc vào giữa, vùi than nung.

Trong thời gian chờ bạc nóng chảy, anh chọn khuôn nhẫn phù hợp (thường mỗi khuôn 2 đến 3 chiếc), cho khuôn vào hơ lửa để sáp ong nóng chảy, tạo thành khuôn âm bản, rồi đặt khuôn vào bếp nung. Khi bạc nóng chảy và chiếc khuôn cũng đỏ rực thì nghệ nhân dùng một chiếc ống thép thổi mạnh vào bát nấu bạc cho sạch tro bụi, rồi dùng đũa sắt gắp chén bạc đổ vào khuôn. Công đoạn này chỉ diễn ra trong nháy mắt (chừng 3 giây).

“Việc rót bạc vào khuôn đòi hỏi sự tập trung, chính xác và nhanh. Nếu làm chậm, bạc sẽ bị đông trở lại khi chưa kịp rót vào khuôn nhẫn”, Ya Tuất giải thích.

Rót xong bạc vào khuôn, nghệ nhân mang nhúng vào bát nước lạnh để khuôn nhẫn rã tan, lộ ra những chiếc nhẫn bạc lấp lánh. Việc đúc nhẫn đến đó coi như cơ bản hoàn thành. Nhưng để nhẫn sáng bóng, nghệ nhân còn rửa bằng nước bồ kết rừng, rồi dùng vải đánh bóng.

Truyền lửa

Chuyện kể về nhẫn bạc Churu như một huyền thoại và chuyện người đúc nhẫn cũng chứa đựng nhiều điều thú vị, chưa thể giải thích. Trong lịch sử phát triển bao đời nay, người Churu còn một nghề truyền thống khác là làm gốm (krăng gọ) và có nhiều nghệ nhân lành nghề này, nhưng nghề đúc nhẫn bạc mỗi thời chỉ có một. Những người sống lâu năm ở Tu Tra nói rằng, trước Ya Tuất cũng chỉ có một nghệ nhân làm Srí là già làng Ya Grăng. Ông chính là “sư phụ” của Ya Tuất.

Hồi mới 5 – 7 tuổi, Ya Tuất đã theo cha cưỡi ngựa đến nhà Ya Grăng ở cuối làng để theo học đúc nhẫn. Đến năm 15 tuổi, anh nắm vững kỹ thuật và năm 18 tuổi mới thạo nghề. Anh tâm sự: “Hồi đó, cũng có một số người trong làng theo học với tôi nhưng đều không thành nghề. Bản thân tôi theo già Grăng hơn chục năm, mãi đến khi ông già yếu, mới truyền hết bí quyết và nhượng bộ đồ nghề cho tôi”. Từ đó đến nay đã hơn 20 năm, không khi nào anh ngơi tay với nghiệp đúc nhẫn.

Điều Ya Tuất thấy vui là đứa con trai anh – Ya Thương cũng yêu nghề đúc nhẫn và hiện có thể giúp cha trong những lúc có nhiều đơn đặt hàng. Vừa qua, Ya Tuất cũng mở một lớp truyền dạy cách làm nhẫn cho con em trong làng, lớp học không dài nhưng một số em cũng nắm được kỹ thuật. Đó là mầm hy vọng để nghề đúc nhẫn bạc của người Churu không bị thất truyền.

Chúng tôi rời Ha Wai khi trời chiều dần tắt nắng. Đó cũng là lúc Ya Tuất đốt lửa để đúc nhẫn bạc cho một đôi uyên ương trong làng mình sắp làm lễ cưới.

Nam Viên

Tin cùng chuyên mục