Thủ đô kháng chiến ở miền Nam - Bài 4: Hầm sống

Đánh chết không khai
Thủ đô kháng chiến ở miền Nam - Bài 4: Hầm sống

Ông Võ Thiện Mỹ, một trong những cận vệ của đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc, Bí thư Trung ương Cục miền Nam) cho biết nguyên tắc nằm lòng của người cận vệ là sẵn sàng xả thân, đem thân mình che chắn, làm “hầm sống” để bảo vệ tính mạng của cán bộ lãnh đạo. Trong suốt những năm ở R (Trung ương Cục miền Nam) hay trước đó là trên chiến trường miền Nam đỏ lửa, những hầm sống ấy đã tạo nên bức tường vững chắc, đảm bảo an toàn cho các vị lãnh đạo cách mạng miền Nam lúc bấy giờ.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (thứ ba từ phải sang) cùng anh em bảo vệ và phục vụ.

Đồng chí Nguyễn Văn Linh (thứ ba từ phải sang) cùng anh em bảo vệ và phục vụ.

Đánh chết không khai

Nhiều người đã gọi ông Trần Hoành (Năm Hoành), Phó phòng Văn thư - Lưu trữ Trung ương Cục miền Nam, như thế khi nhớ đến tình huống ông Năm chịu trận bị địch bắt để bảo đảm an toàn cho đồng chí Lê Duẩn (Ba Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam bộ).

Cuối năm 1955, ông Ba Duẩn từ miền Tây, theo ghe chở cây đước về Bến Tre hoạt động. Trong chuyến đi ấy chỉ có mỗi người bảo vệ thân thiết là Năm Hoành đi cùng. Suốt mấy tháng trời sau đó, ông Ba sống trong một căn hầm tại nhà cơ sở ở huyện Giồng Trôm. Để tránh bị địch phát hiện, ông Năm Hoành ở tại một cơ sở khác gần đó vừa bảo vệ vừa làm liên lạc cho ông Ba. Ông Năm Hoành nhớ lại: “Một ngày tháng 3-1956, anh Ba nói với tôi: Ở đây không làm việc được, địch bố ráp gắt gao quá, chú Năm tìm gặp anh Năm Tân (một tên gọi khác của đồng chí Võ Văn Kiệt, Sáu Dân) bàn cách tổ chức đưa anh về miền Tây”. Vậy là tôi lên đường. Đầu tiên, tôi đến Bạc Liêu tìm anh Nguyễn Hữu Xuyến (thời điểm đó là Ủy viên quân sự Xứ ủy Nam bộ) báo cáo tình hình. Anh Xuyến nói: “Ở đây (Bạc Liêu) tình hình cũng găng lắm, cậu tìm gặp Năm Tân ở Cần Thơ đi”. Tôi tiếp tục tìm anh Sáu Đặng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, xin ý kiến và ẩn náu mười mấy ngày vì địch truy bắt gắt gao. Sau đó, cơ sở tại Bạc Liêu hỗ trợ tôi đến Cần Thơ tìm gặp anh Năm Tân. Sau khi thông báo tình hình, anh Năm Tân quyết định đưa anh Ba về căn cứ Thanh Tuyền ở Cần Thơ. Anh Năm Tân dặn dò: “Chú quay về Bến Tre, tìm mua một ghe dừa, ngụy trang rồi chuẩn bị phương án đưa anh Ba Duẩn về Cần Thơ bằng đường thủy”. Mất hơn tháng trời vượt qua vòng vây địch, tôi mới về đến Giồng Trôm”.

Về đến Giồng Trôm, ông Năm Hoành tìm lại cơ sở cũ thì không thể ở lại được vì trong thời gian mấy tháng trời đi về miền Tây, đã có một đồng đội khác đến trú đóng. Đang loay hoay chưa biết đi đâu trú tạm vì phải nắm lại tình hình địa bàn trước khi tìm ông Ba, ông Năm Hoành bất ngờ bị địch bắt. Ngay tại Giồng Trôm, bọn địch đánh đập dã man ông Năm để khai thác thông tin nhưng ông cắn răng không khai. Ông Năm nhớ lại: “Chỗ tôi bị bắt không xa chỗ anh Ba trú ẩn dưới hầm bí mật bao nhiêu. Tôi kiên quyết không khai tung tích anh Ba. Đánh một hồi, bọn chúng bảo nhau: “Thằng này ngó bộ không phải cộng sản”. Quả thật, nhìn tôi lúc đó trông khá thê thảm, tóc tai dài thượt, ốm yếu do mấy tháng trời lăn lộn ở đồng bằng tránh địch, lấy đâu ra sức lực. Thêm nữa, tôi có giấy thông hành ghi là người Ba Tri, Bến Tre. Nên khi bọn chúng khai thác, tôi cứ nói bừa là từ Ba Tri tới Giồng Trôm tìm mua vịt. Sau đó, tụi lính giải tôi về Khám Lá (Bến Tre). Tại đây, chúng tiếp tục khai thác nhưng không lấy được thông tin. Một lần nọ, trong xà lim, tôi thấy chúng dẫn anh Quang “tàu gạo”, một đồng đội đi ngang qua. Anh đi sát cửa xà lim, thầm thì cho mình tôi nghe: “Đừng khai gì, mình bị bắt trước 20 ngày, chúng không làm gì được, đừng sợ nha”. Tôi vững lòng khi gặp được đồng đội mình. Sau đó một thời gian, tôi hay tin anh Năm Tân đã bố trí cơ sở đưa anh Ba thoát khỏi Bến Tre an toàn”. 

Những căn hầm sống

* Phương án bảo vệ cơ quan: Một cơ quan phải có 2 căn cứ dự trù, khi cần là có thể di chuyển ngay. Phương án bảo vệ lãnh đạo: Luôn vạch sẵn ba phương án 1, 2, 3 phổ biến cho các tổ. Đặc biệt là phải tuyệt đối bảo vệ tài liệu. Tài liệu bỏ vào bòng, người bảo vệ tài liệu phải học cách buộc và mở gút bòng như thế nào thật nhanh, để nếu có chuyện, khi bỏ xe chạy vẫn ôm được bòng theo bên người.

Trong ký ức của ông Phạm Thanh Dân, nguyên cận vệ của đồng chí Võ Văn Kiệt, luôn nhắc nhớ đến đồng đội - liệt sĩ Huỳnh Minh Mương (Ba Mương), quê xã Trung An huyện Củ Chi, cũng là cận vệ của đồng chí Võ Văn Kiệt. Ông Phạm Thanh Dân nhớ lại: “Tháng 5-1970, tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, khi anh Sáu Dân đạp phải chông tre thủng sâu, anh Ba Mương rút cây chông ra, băng bó qua rồi cõng anh Sáu Dân ra khỏi trận địa, Suốt 2 giờ, anh mới cõng được anh Sáu Dân tới căn cứ ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy để bác sĩ mổ. Ngày 13-8-1970, địch càn vào căn cứ nơi anh Sáu Dân (lúc này là Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định) đang làm việc tại xã Tân Phú Tây huyện Mỏ Cày tỉnh Bến Tre. Tôi cùng một số người khác đưa anh Sáu Dân qua căn cứ của anh Năm Xuân (đồng chí Mai Chí Thọ, Phó Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định) ở xã Thành An, còn anh Ba Mương chỉ huy một tiểu đội ở lại chống càn, chặn địch đuổi theo đoàn chúng tôi và bảo vệ cứ. Chiều hôm sau, anh Ba Mương trúng hỏa tiễn, bị miểng đạn găm vào đầu. Tôi hay tin, chạy về gặp thì anh chỉ kịp nắm tay tôi nói “vĩnh biệt cậu”, rồi trút hơi thở cuối cùng. Đến giờ, tôi vẫn thờ và cúng giỗ vào đúng ngày anh hy sinh”.

Năm 1978, liệt sĩ Huỳnh Minh Mương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước khi làm cận vệ cho đồng chí Võ Văn Kiệt, ông Ba Mương là cận vệ cho đồng chí Nguyễn Văn Linh. Với thân hình cao 1m82, nặng 78 kg, ông Ba Mương nhiều lần dùng thân mình làm hầm sống để bảo vệ đồng chí Nguyễn Văn Linh an toàn.

Ông Trần Thanh Phong, vừa là bảo vệ vừa là người lái xe gắn máy 2 bánh trong nhóm cận vệ của đồng chí Nguyễn Văn Linh, nói: “Làm cận vệ là trong lòng chỉ tâm niệm phải bảo vệ lãnh đạo tuyệt đối, thà mình chết chứ lãnh đạo không được chết, vì đó là những người lãnh đạo đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo cả cơ quan Trung ương Cục miền Nam”.

Một trong những câu chuyện đáng nhớ trong cuộc đời làm cận vệ của ông Trần Thanh Phong là chuyến công tác từ miền Nam ra Hà Nội, đi theo đường mòn Hồ Chí Minh vào tháng 3-1973, do Đoàn 559 (còn gọi là Binh đoàn Trường Sơn) làm giao liên dẫn đường. “Tôi ngồi chung chiếc xe Jeep với đồng chí Nguyễn Văn Linh để bảo vệ. Trong chuyến đi ấy, máy bay C130 của địch liên tục bắn hỏa tiễn tìm diệt. Khi đi ngang qua tỉnh Quảng Bình, tầm 9 giờ sáng mà mây vẫn còn là đà. Đột nhiên, thấy một chiến sĩ của Đoàn 559 lái chiếc xe phía trước lao ra khỏi xe, theo kinh nghiệm, tôi biết là máy bay địch bắn tới. Không nghĩ ngợi gì, tôi nhảy xuống xe, cõng “ông già” (cách gọi về các lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam - PV). Lúc đó tôi chỉ 52 - 53 kg còn “ông già” nặng hơn 60 kg, vậy mà tôi vẫn chạy rất nhanh. Được mười mấy mét, gặp mương nước dọc bên đường, tôi đưa ông già xuống, lấy thân mình đè lên trên làm “hầm sống” che lại. Không làm vậy, nếu “ông già”có chuyện gì, tôi biết ăn nói sao với cách mạng miền Nam” - ông Trần Thanh Phong kể lại.

Không chỉ bảo vệ tính mạng, các cận vệ còn có nhiệm vụ đảm bảo cho cán bộ lãnh đạo có giấc ngủ ngon. Theo lời kể của ông Nguyễn Thanh Hà, công tác tại Đội 1 (đội cảnh vệ trực tiếp), E180 – đơn vị bảo vệ lãnh đạo Trung ương Cục, do làm việc căng thẳng đầu óc nên vào ban đêm, đồng chí Nguyễn Văn Linh rất khó ngủ. Vì vậy các cận vệ có thêm nhiệm vụ đấm bóp cho ông, mỗi ca khoảng một giờ. Có khi đã hết một giờ nhưng thấy lãnh đạo chưa ngủ được, anh em vẫn phải tiếp tục đấm bóp. “Nhiều lúc thấy “ông già” nhắm mắt, tưởng đã ngủ, vừa nhè nhẹ đặt chân xuống giường thì ổng xoay người, thế là lại rút chân lên rồi đấm bóp tiếp. Về sau, bác sĩ Lê Hồng Quang, bác sĩ riêng của “ông già”ø, chỉ cách xoa bóp nên “ông già” dễ ngủ hơn”. Cũng chính vì giấc ngủ của lãnh đạo rất quý nên ban đêm, anh em cận vệ đi chân không chứ không đi dép râu vì sợ gây ra tiếng động sột soạt. Dù bị kiến, bị mối càng cắn nhưng anh em vẫn cố chịu để không ảnh hưởng đến giấc ngủ của lãnh đạo.

  • Ông TRẦN HOÀNH, Phó phòng Văn thư - Lưu trữ Trung ương Cục miền Nam:

"Năm 1964, anh Mười Trận, thư ký anh Hai Văn (đồng chí Phan Văn Đáng, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam), chuyển cho tôi bức điện anh Ba Duẩn gửi cho tôi từ Hà Nội: “Anh rất mừng được tin chú thoát khỏi trại giam của giặc và chiến thắng trở về. Mong chú mau hồi phục sức khỏe để công tác tốt”. Tôi cứ nhẩm đi nhẩm lại những dòng chữ ngắn ngủi ấy để cảm nhận cho hết cái ân tình sâu nặng của anh Ba, một lãnh tụ quan trọng của Đảng với một chiến sĩ bảo vệ bình thường như tôi. Tôi còn sống trở về, anh gọi đó là chiến thắng. Năm 1971, tôi ra Bắc, có dịp đến thăm anh Ba. Tôi vừa xuống xe, đẩy cổng bước vào thì thấy anh Ba đang đợi. Anh ôm chầm lấy tôi: “Chú còn sống. Thế mà sau khi chú bị bắt, anh cứ tưởng địch giết chú rồi”. Tôi ôm anh hồi lâu, nước mắt trào ra lúc nào không biết. Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, anh Ba vào Sài Gòn, anh cho gọi tôi đến, hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình và cuộc sống của mẹ tôi ở quê nhà. Anh còn dặn cấp dưới may cho tôi hai bộ quần áo mới…"

M.Hương - A.Chân - L.Ngọc

Thủ đô kháng chiến ở miền Nam

Bài 1: Ngày đầu

Bài 2: Chuyện lạ ở R

- Bài 3: Bí mật bạch chỉ

Tin cùng chuyên mục