Phá án… “vô hình”

Biểu hiện bất thường
Phá án… “vô hình”

Cục An ninh thông tin truyền thông (A87- Bộ Công an) cho biết vừa hoàn thành điều tra vụ Nguyễn Trung Hiếu (SN 1970, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) và đồng bọn chiếm đoạt cước viễn thông quy mô lớn. Bước đầu xác định các đối tượng đã chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng chênh lệch cước viễn thông. Đó là kết quả của nhiều tháng liền các chiến sĩ trinh sát A87 cùng lực lượng an ninh điều tra lặn lội đêm ngày, lập thành tích hướng đến dịp kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân (19-8-1945 – 19-8-2012).

Băng nhóm Nguyễn Trung Hiếu bị bắt giữ cùng tang vật.

Băng nhóm Nguyễn Trung Hiếu bị bắt giữ cùng tang vật.

Biểu hiện bất thường

Thời điểm cuối năm 2010, các trinh sát A87 nhận thấy hiện tượng có người mua gom và cùng lúc đăng ký kích hoạt cả trăm sim điện thoại di động. Nghi vấn có nhóm tội phạm trộm cước viễn thông đang hoạt động được đặt ra và các trinh sát lập tức lên kế hoạch theo dõi. Do các đối tượng thường thay đổi địa điểm hoạt động ở các khu vực hẻm hóc đông dân nhập cư, thuê bao chủ yếu là “sim rác” nên rất khó truy nguyên. Đến tháng 4-2011, A87 phát hiện các đối tượng ngưng di chuyển và có dấu hiệu tụ về 3 địa điểm là Dĩ An (Bình Dương), quận 11 và Gò Vấp (TPHCM).

Lúc này, các trinh sát viên kỹ thuật của A87 phối hợp với chuyên viên kỹ thuật của Bộ Thông tin - Truyền thông đã dò tìm và xác định chính xác có hoạt động trộm cước viễn thông ở cả 3 điểm nêu trên. Nhưng để tìm ra những đối tượng nào thực hiện hành vi trộm cước thì máy móc kỹ thuật hiện đại cũng phải “bó tay”. Vì thế lực lượng trinh sát đã được huy động tối đa, sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để xác định số đối tượng liên quan, lập kế hoạch nhằm bắt quả tang đối tượng. Tại các điểm xác định, nhìn bên ngoài không khác gì những ngôi nhà bình thường nhưng có điểm lạ là thường xuyên cửa đóng then cài. Riêng điểm ở quận Gò Vấp, trinh sát phát hiện một người đàn ông khoảng 40 tuổi thường lái ô tô chở vợ con đi chơi, ăn nhậu và khi về nhà thì lại đóng kín cửa.

Trực tiếp tham gia chuyên án, thượng tá Lê Huỳnh Quốc, Phó Trưởng phòng 2-A87, cho biết, vào những năm trước đây, các đối tượng trộm cước viễn thông thường chuyển cuộc gọi từ nước ngoài qua vệ tinh, đối tượng ở trong nước dùng ăngten Parabol tiếp sóng rồi chuyển cuộc gọi vào hệ thống mạng điện thoại công cộng trong nước (PSTN) với các thiết bị cồng kềnh, dây nhợ lằng nhằng, dễ phát hiện. Giờ đây, các đối tượng sử dụng dịch vụ FTTH có đường truyền internet tốc độ cao kết nối với các thiết bị đầu cuối là hộp chứa sim nhỏ gọn, tinh vi. Cuộc gọi từ nước ngoài được chuyển qua môi trường internet (loại hình điện thoại Phone to PC to phone) tới các địa chỉ IP lậu ở trong nước và chuyển vào PSTN, khiến việc phát hiện vô cùng gian nan, nhìn bề ngoài không thể biết được.

Mưu trí phá án

Một ngày giữa năm 2011, trinh sát trong vai “nhân viên thu ngân” của công ty điện thoại vừa đi vừa quan sát dọc con hẻm rồi tiến gần một ngôi nhà ở quận Gò Vấp. Trước khi gõ cửa, “nhân viên thu ngân” chỉnh lại cái nón, giỏ xách để che bớt bộ dạng thư sinh. Cửa mở, người đàn ông khoảng 40 tuổi ló ra, mặt cau lại khi thấy “nhân viên thu ngân” chìa ra giấy báo cước điện thoại. Lật xem kỹ tờ giấy báo cước, người đàn ông cho biết đã cử người đi thanh toán cước tháng này rồi. “Nhân viên thu ngân” vẫn yêu cầu kiểm tra lại lần nữa, người đàn ông nổi đóa, bắt đầu cự cãi. Chẳng giữ gìn, “nhân viên thu ngân” cũng cự lại, cố tình đẩy đưa cuộc đôi co lâu hơn để có thời gian dõi đôi mắt nghiệp vụ vào ngóc ngách trong nhà. Sau một hồi, “nhân viên thu ngân” như miễn cưỡng chấp nhận lý lẽ của chủ nhà, khẽ chào rồi ra về.

Thượng tá Lê Huỳnh Quốc chia sẻ: “Để có được chứng cứ phạm tội trộm cắp cước viễn thông của đối tượng, phải bắt quả tang. Bởi vậy các trinh sát đã phải nhập đủ “vai” từ nhân viên công ty truyền hình cáp, người bán gas, công nhân ngành điện, nước... để điều tra. Ở vụ án này, “nhân viên thu ngân” bằng con mắt nghề nghiệp đã xác định được nơi đối tượng có thể đặt hệ thống trộm cước và nhận diện được đối tượng.

Người đàn ông khoảng 40 tuổi chủ ngôi nhà này là Nguyễn Trung Hiếu (SN 1970). Hiếu là con trai trong gia đình khá giả, có mẹ và hai chị ruột đang định cư ở Mỹ. Do vậy, Hiếu đã từng được gia đình cho đi du học ngành Quản trị kinh doanh ở Canada nhưng không chịu học đến nơi đến chốn mà bỏ về nước khi chưa tốt nghiệp. Tại ngôi nhà ở Gò Vấp, vợ chồng Hiếu sống không hôn thú và có một đứa con. Theo dõi chi tiết hoạt động của Hiếu, các trinh sát nhận định nhiều khả năng Hiếu là đối tượng cầm đầu đường dây trộm cước viễn thông ở TPHCM. Một kế hoạch trinh sát phối hợp được vạch ra với yêu cầu phải bắt quả tang, vì chỉ cần “lạc nhịp” vài giây là đối tượng có thể ngắt nguồn điện để xóa dấu vết.

Thực hiện kế hoạch, các trinh sát tiếp tục trải qua hàng chục ngày đêm theo dõi, lần tìm và chọn thời điểm đối tượng sơ hở, chủ quan nhất để “quăng lưới”. Đúng 23 giờ ngày 19-12-2011, một tổ trinh sát đã mưu trí đột nhập vào nhà khi Hiếu đang nằm dài nghe nhạc, hút thuốc. Thấy các chiến sĩ an ninh, Hiếu không kịp trở tay, chỉ thốt ra câu “Dạ, em biết rồi” và líu ríu đưa các trinh sát vào phòng đặt hệ thống trộm cước. Trước hệ thống máy trộm cước đang hoạt động tối đa với hàng chục sim điện thoại di động, Hiếu chỉ còn cách ngoan ngoãn cúi đầu ký vào biên bản phạm pháp quả tang.

Những ngày sau đó, lực lượng trinh sát đã đồng loạt thực hiện lệnh bắt, khám xét tại hai điểm ở quận 11 và Dĩ An (Bình Dương). Kết thúc đợt truy bắt, ngoài Hiếu còn có 4 đối tượng tham gia hoạt động trộm cước bị bắt giữ. Tang vật thu được tại các điểm trộm cước gồm 3 máy tính xách tay, 4 hệ thống thiết bị trộm cước, hơn 1.000 sim điện thoại di động của các nhà cung cấp dịch vụ Viettel, Mobifone, Vinaphone đã và đang được các đối tượng sử dụng, cùng nhiều thiết bị kỹ thuật phụ trợ khác.

Đường Loan

Tin cùng chuyên mục