Lớp học đặc biệt ở Song Tử Tây

Giữa biển Đông bao la, ở nơi đảo xa giữa trùng khơi sóng to gió cả, dẫu cuộc sống còn vô vàn gian khó, thiếu thốn nhưng những thầy giáo trẻ ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) vẫn hàng ngày, hàng giờ miệt mài gieo từng con chữ với những học trò thân thương. Họ mới ngoài đôi mươi, luôn biết vượt lên khó khăn, thử thách…
Lớp học đặc biệt ở Song Tử Tây

Giữa biển Đông bao la, ở nơi đảo xa giữa trùng khơi sóng to gió cả, dẫu cuộc sống còn vô vàn gian khó, thiếu thốn nhưng những thầy giáo trẻ ở đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) vẫn hàng ngày, hàng giờ miệt mài gieo từng con chữ với những học trò thân thương. Họ mới ngoài đôi mươi, luôn biết vượt lên khó khăn, thử thách…

Lớp học “3 trong 1”

Đảo Song Tử Tây những ngày cuối thu, mới sáng sớm, khi nắng hanh vàng còn vương trên những tán phong ba cổ thụ, lũ trẻ ở đảo đã ríu rít, tung tăng gọi nhau tới trường. Gọi trường cho oai chứ thực ra trường học ở đảo Song Tử Tây chỉ là một phòng học khoảng 30m2 khang trang nằm trong khuôn viên khu UBND xã đảo dưới những tán bàng trái vuông xanh mướt. Đúng 7 giờ 30 phút, chẳng cần có tiếng trống trường báo hiệu giờ vào lớp như ở đất liền, cả 6 học trò nhỏ đều tự giác vào lớp ngồi ngay ngắn đúng chỗ của mình tại 4 chiếc bàn.

Trên bục giảng, thầy giáo trẻ Lê Xuân Quyết nở nụ cười hiền khô chào học trò trong lớp học đặc biệt của mình, trước khi bắt đầu bài giảng mới. Tiếng đọc ôn bài của lũ trẻ bắt đầu vang lên ngân nga nhiều lúc át cả tiếng sóng biển ầm ào. Chúng tôi gọi lớp học ở Song Tử Tây là lớp học đặc biệt hay là lớp học “3 trong 1” vì cả lớp có hai bé học lớp 2, hai bé học lớp 3 và cuối cùng là hai bé học mẫu giáo. Tất tần tật cả 6 học trò đều học trong cùng một lớp học, ngày 2 buổi dưới sự dạy dỗ tận tình của 2 thầy giáo trẻ.

Buổi sáng, thầy Quyết sau khi giảng bài mới cho 2 trò lớp lớn nhất để làm bài tập thì lại quay sang kiểm tra bài cũ của 2 trò lớp 2, rồi cuối cùng xuống hướng dẫn bài tô màu cho 2 cháu mẫu giáo. Buổi chiều, công việc dạy chữ cho lũ trẻ được trao lại cho thầy Lê Quang Mạnh.

Thầy Quyết đang giảng bài cho học sinh trong lớp học đặc biệt ở đảo Song Tử Tây.

Công việc dạy học ở Song Tử Tây rất khó khăn và hoàn toàn khác với đất liền nhưng điều đó dường như càng tiếp thêm sức mạnh cho thầy và trò nơi đây quyết tâm bám trường, bám lớp, nỗ lực thi đua để dạy và học ngày càng tốt hơn. Chia sẻ với chúng tôi, thầy Quyết vui vẻ nói: “Công việc dạy học cho trẻ em trên đảo dù là các lớp khác nhau, độ tuổi khác nhau nhưng không đến nỗi vất vả vì bọn trẻ rất ngoan và chăm học”.

Ngoài việc giảng dạy theo chương trình như trong đất liền và theo sách giáo khoa, hàng tháng, các thầy còn dạy trẻ theo chủ điểm để các em dễ nhớ, dễ học như: Tháng 1 - 2 là chủ đề tết quê em, tháng 3 là tiến lên đoàn viên, tháng 4 - 5 là yêu quý cha mẹ. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là đồ dùng học tập, tranh ảnh, sách, tài liệu minh họa phục vụ giảng dạy cho các em còn thiếu nhiều nên giờ học hơi khô khan và thiếu hấp dẫn với bọn trẻ.

“Dạy lớp ghép có cái khó nhưng cũng thú vị. Quan trọng là mình phải biết dung hòa các cháu mầm non đang trong độ tuổi chỉ biết vui chơi, ăn ngủ với học sinh tiểu học cần sự trật tự để học tập. Hơn nữa do tài liệu, tranh ảnh còn thiếu nên đòi hỏi mình phải mày mò, tìm tòi sáng tạo để khi giảng bài cho các em được hấp dẫn và dễ hiểu”, thầy Quyết chia sẻ.

Không chỉ có vậy, ngoài thời gian dạy học chính khóa trên lớp, 2 thầy giáo trẻ cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa vui chơi cho bọn trẻ. Tất nhiên ở đảo xa giữa bốn bề sóng gió, đâu có chỗ để vui chơi giải trí hấp dẫn như đất liền, nên đối với thầy và trò ở Song Tử Tây, giờ ngoại khóa chỉ là những giờ đọc truyện, tìm hiểu lịch sử quê hương đất nước, phong tục tập quán hay vui chơi thể thao trên sân bóng của đảo.

Ấm áp tình thầy trò

Dốc hết tâm sức để dạy học cho những “mầm non” giữa trùng khơi thiêng liêng của Tổ quốc, những thầy giáo trẻ ở Trường Sa với những lớp học đặc biệt của mình đã và đang khẳng định được năng lực chuyên môn và tạo được niềm tin yêu sâu sắc của quân và dân nơi đây. Nhìn hình ảnh, mỗi buổi học, lúc thầy Quyết, khi thầy Mạnh tận tình dạy bảo, cầm tay từng học trò nhỏ của mình nắn nót uốn từng nét chữ, từng ô tô màu, chỉnh sửa từng phép tính, câu phát âm chưa chuẩn…, tôi thầm cảm phục sự tận tâm và tấm lòng nhiệt huyết của 2 thầy.

Từ công việc của một giáo viên tiểu học dạy văn hóa cho tới giáo viên mẫu giáo, dạy vẽ, dạy múa hát cho trẻ nhỏ trên đảo, cả 2 thầy giáo mới chỉ 25 tuổi nhưng đều đảm nhiệm tốt tất cả “vai diễn”. Thầy Mạnh tâm sự: “Làm việc nuôi dạy trẻ, ban đầu tụi em cũng thấy lóng ngóng, bất ngờ nhưng sau rồi cũng quen. Tụi em vừa dạy, vừa tự tìm hiểu phương pháp dạy sao cho hiệu quả nhất. Hơn nữa, các em nhỏ ở đây rất dễ thương, chúng quý thầy như người thân...”.

Thầy giáo Lê Xuân Quyết và Lê Quang Mạnh cùng quê Vạn Ninh, Khánh Hòa. Thầy Quyết tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nha Trang, còn thầy Mạnh học Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Tốt nghiệp, năm 2013, cả hai cùng xung phong ra Trường Sa dạy học trong 5 năm chỉ với một tâm nguyện đem sức trẻ và kiến thức có được ra phục vụ Tổ quốc góp phần bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng. Là con thứ 4 trong gia đình có 5 anh chị em, bố mất sớm, người mẹ tần tảo nuôi các con ăn học, ra trường đúng thời điểm ngành giáo dục vận động giáo viên ra Trường Sa dạy học, không chút ngần ngại, Quyết viết thư xung phong ra đảo ngay.

Nhớ lại buổi ban đầu, thầy Quyết tâm sự: “Khi biết em quyết định ra Trường Sa công tác, mọi người trong nhà đều cảm thấy lo và ái ngại cho em nhưng em đã quyết tâm thì phải thực hiện bằng được. Hơn nữa, được ra Trường Sa dạy học là điều rất thiêng liêng và không phải là dễ dàng, nhất là với giáo viên trẻ”. Hơn một năm ra đảo, hè vừa rồi, thầy Quyết được về thăm nhà ít ngày, cả nhà vui lắm, ai cũng khen thầy rắn rỏi, cứng cáp hơn trước nhiều. “Còn em lại cảm thấy nhớ đảo và học trò nhiều lắm dù mới xa nhau ít ngày…”, thầy Quyết nói.

Trong khi đó, thầy Lê Quang Mạnh xuất thân trong một gia đình có tới 7 anh chị em, chia sẻ: “Lúc đầu ra đảo dạy học, bọn em cũng không khỏi ngỡ ngàng nhưng càng ngày, càng thấy cuộc sống và công việc trên đảo trở càng trở nên thân quen chẳng khác gì đất liền. Tình cảm của học sinh và quân dân với trên đảo với bọn em rất khăng khít, ấm áp...”.

Thầy Mạnh cho biết, trẻ em ở Trường Sa rất ham học, nhưng các bé phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với trẻ đất liền, nên thầy thường phải dành nhiều thời gian gần trò hơn, luôn lắng nghe những câu chuyện kể lớn nhỏ về hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, rồi đến tận nhà tìm hiểu động viên, chia sẻ mọi chuyện với các em để tạo mối qua hệ ấm áp, gần gũi giữa thầy và trò, cùng với cha mẹ học sinh.

Em Trần Anh Phát (học sinh lớp 3) bộc bạch: “Chúng em quý thầy Quyết, thầy Mạnh lắm. Các thầy không chỉ dạy cho chúng em biết làm toán, làm văn mà nhiều lúc rảnh 2 thầy thường đưa chúng em đi chơi quanh đảo, hoặc kể chuyện cổ tích cho chúng em nghe. Không bao giờ 2 thầy la mắng chúng em cả”. Với các thầy giáo trẻ, tình cảm lớn nhất mà họ nhận được đó là sự tin yêu, động viên, chia sẻ giúp đỡ tận tình của quân và dân trên đảo.

Ngày lễ 20-11, ở đảo xa, điều kiện cuộc sống nhiều khó khăn, khí hậu khắc nghiệt nên không có hoa tươi tặng các thầy mà chỉ có những bức tranh, đồ chơi do học trò tự tay làm ra tặng thầy, hay mớ rau, con cá tươi được phụ huynh chia sẻ các thầy. Những món quà rất giản dị nhưng lại chất chứa biết bao tình cảm khiến những thầy giáo trẻ đang gieo chữ giữa biển Đông cảm thấy vô cùng quý.

KHÁNH NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục