Mỹ - Cuba chấm dứt nửa thế kỷ thù địch

Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang vận động Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận phi lý của Mỹ chống Cuba kéo dài 53 năm qua. Đây là nhiệm vụ không dễ trong bối cảnh Quốc hội do đảng Cộng hòa chiếm đa số. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy Mỹ không thể chậm chân hơn nữa trước vô số cơ hội làm ăn đang mở ra ở Cuba.
Mỹ - Cuba chấm dứt nửa thế kỷ thù địch

Sau khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang vận động Quốc hội dỡ bỏ lệnh cấm vận phi lý của Mỹ chống Cuba kéo dài 53 năm qua. Đây là nhiệm vụ không dễ trong bối cảnh Quốc hội do đảng Cộng hòa chiếm đa số. Tuy nhiên, tình hình thực tế cho thấy Mỹ không thể chậm chân hơn nữa trước vô số cơ hội làm ăn đang mở ra ở Cuba.

Thời cơ chín muồi

Bối cảnh hiện nay cho thấy, Mỹ đang rất thuận lợi khi làm ăn với Cuba do đây là một trong số rất ít nền kinh tế còn lại trên thế giới chưa có dấu chân của các tập đoàn Mỹ, trong khi khoảng cách địa lý giữa Mỹ và Cuba quá gần. Bằng việc hàn gắn quan hệ với Cuba, cuộc đối đầu giữa ông Obama với Quốc hội trong 2 năm còn lại của ông ở Nhà Trắng sẽ càng tăng khi các vấn đề như cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và luật nhập cư mới vẫn còn đang bị treo.

Ngoài ra, việc dỡ bỏ cấm vận với Cuba cũng đã trở thành nhu cầu cấp bách khi thế hệ lưu vong chống Cuba ở Florida ngày càng già. Họ là những người phản đối quyết liệt bất kỳ chính sách nào đưa Mỹ gần hơn với Cuba. Một thế hệ trẻ ở đây đã trở nên thực tế hơn và ôn hòa hơn, sẵn sàng cho mối quan hệ mới giữa hai bên. Theo báo The Alantic, sự thay đổi thái độ là rõ ràng nhất trong số thế hệ thứ hai và thứ ba của người Mỹ gốc Cuba, những người đến Mỹ sau năm 1980 để tìm kiếm các cơ hội kinh tế hơn là vì lý do chính trị. Những thế hệ sau này biết rằng nền kinh tế đang khó khăn của Cuba đang rất cần một cuộc đại tu. Và nhà lãnh đạo Cuba Raúl Castro đã chứng tỏ rằng Cuba đang đổi mới nền kinh tế theo hướng cởi mở hơn.

Lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba đã bị cả thế giới lên án thông qua cuộc biểu quyết hàng năm của Đại hội đồng LHQ. Khắp châu Mỹ Latinh, lệnh cấm vận này được xem là một “di tích” nặng tay can thiệp của Mỹ trong khu vực. Giờ đây, có lẽ đã đến lúc Mỹ muốn thay đổi nhận thức này.

Du khách Mỹ ở Cuba.

Các công ty Mỹ nôn nao chờ đợi

Động thái của Nhà Trắng bình thường hóa quan hệ với Cuba có thể tạo cơ hội cho các công ty Mỹ tiếp cận với thị trường bị đóng cửa hơn nửa thế kỷ nhưng có rất nhiều sức hấp dẫn thương mại. Theo Wall Street Journal, các công ty Mỹ từ General Motors đến tập đoàn kinh doanh nông nghiệp khổng lồ Cargill và nhà bán lẻ đồ nội thất Ethan Allen Interiors đều hoan nghênh thông báo của Nhà Trắng khôi phục lại quan hệ ngoại giao với Cuba và tiến tới tháo dỡ lệnh cấm vận.

Trước mắt, Mỹ sẽ cho phép xuất khẩu sang Cuba vật liệu xây dựng nhà ở, thiết bị nông nghiệp và hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ. Năm ngoái, Mỹ xuất khẩu sang Cuba 300 triệu USD dược phẩm và 3 tỷ USD thực phẩm. Đây sẽ là tiềm năng mang lại lợi nhuận lớn hơn cho các công ty Mỹ nếu lệnh cấm vận được dỡ bỏ hoàn toàn.

Ngoài ra, công dân Mỹ thăm Cuba có thể mang về nước 400 USD giá trị hàng hóa, bao gồm cả thuốc lá và rượu trị giá không quá 100 USD. Kể từ khi lệnh cấm vận của Mỹ áp đặt với Cuba năm 1961, Mỹ đã vuột mất trên 11 triệu người tiêu dùng chỉ cách ngoài khơi bờ biển Florida 90 hải lý và người Mỹ ít có điều kiện tiếp cận với xì gà và rượu rum Cuba.

Mỹ cũng sẽ mở rộng diện công dân được phép tới Cuba, đồng thời cho phép họ được sử dụng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ của Mỹ ở Cuba, cho phép các tổ chức của Mỹ mở tài khoản tại ngân hàng để giao dịch ủy quyền tại Cuba. Dự báo sắp tới, các công ty du lịch Mỹ sẽ là những công ty đầu tiên chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong việc đi lại giữa hai nước. Cuba cũng từng là nước xuất khẩu chủ yếu đường sang Mỹ và Mỹ từng là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn ở Cuba.

Các công ty viễn thông lớn của Mỹ có thể thận trọng hơn trong khi chờ các quy định đầu tư mới ở Cuba. Các hãng hàng không Mỹ là những đơn vị háo hức nhất. American Airlines hiện có 20 chuyến bay/tuần tới Cuba, tăng so với 15 chuyến tuần cách đây 1 năm. Đó là khi Mỹ chưa mở rộng diện người được phép đến Cuba gồm các nhà hoạt động nhân đạo, nhà báo và một số diện khác được phép đến thăm đất nước Cuba. Các công ty chuyên về khách sạn Mỹ cũng đang mong muốn kinh doanh tại Cuba, trong đó có Tập đoàn Hilton từng có sòng bạc ở La Habana. Các tập đoàn nước giải khát như Coca-Cola, PepsiCo đang chờ đợi một mối quan hệ làm ăn với Cuba.

Đối với nông dân trồng lúa Mỹ, động thái của chính quyền Obama về Cuba mở ra thị trường tiêu thụ gạo. Cuba đã từng là thị trường lớn cho gạo Mỹ. Người tiêu dùng Cuba chuộng giống hạt dài trồng ở Arkansas, Louisiana, Mississippi và Texas.

1959: Fidel Castro trở thành lãnh đạo của Cuba sau cuộc cách mạng vũ trang lật đổ nhà độc tài Fulgencio Batista Cuba.

1960: Mỹ thực hiện lệnh cấm vận kinh tế chống Cuba.

1961: Tổng thống Mỹ J.F. Kennedy tăng cường các hoạt động chống phá Cuba, bao gồm các kế hoạch ám sát Chủ tịch Fidel Castro.

1993: Cuba hợp pháp hóa đồng USD, kinh doanh và dịch vụ tư nhân, và cho phép nông dân bán sản phẩm.

1994: Cuba và Mỹ thỏa thuận Mỹ sẽ nhận 20.000 người Cuba nhập cư mỗi năm.

1996: Quốc hội Mỹ tiếp tục thắt chặt các lệnh cấm vận thương mại Cuba.

1997: Chính quyền Clinton chấp thuận cấp giấy phép cho các tổ chức tin tức Mỹ mở văn phòng ở Cuba.

1998: Một sắc lệnh của chính quyền Clinton cho phép bán một số thực phẩm và nông sản cho Cuba.

2001: Sau khi cơn bão Michelle tràn vào Cuba, Mỹ lần đầu tiên trong 40 năm xuất khẩu thực phẩm sang Cuba.

2008: Ông Raúl Castro nhậm chức Chủ tịch Cuba.

Tháng 4-2009: Tổng thống Obama nới lỏng hạn chế đi lại tới Cuba.

Tháng 12-2013: Tổng thống Obama và Chủ tịch Raúl Castro gặp nhau tại lễ tưởng niệm Nelson Mandela ở Nam Phi.

16-12-2014: Mỹ và Cuba trao đổi tù nhân.

17-12-2014: Tổng thống Obama và Chủ tịch Raúl Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ hai nước.

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục