Myanmar linh hoạt chuyển mình

Myanmar, quốc gia từng bị cô lập với nền kinh tế nghèo nhất Đông Nam Á đã có những bước chuyển mình linh hoạt, trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Có lẽ đây cũng là kinh nghiệm để các nước có hoàn cảnh tương tự tham khảo.
Myanmar linh hoạt chuyển mình

Myanmar, quốc gia từng bị cô lập với nền kinh tế nghèo nhất Đông Nam Á đã có những bước chuyển mình linh hoạt, trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Có lẽ đây cũng là kinh nghiệm để các nước có hoàn cảnh tương tự tham khảo.

Tăng trưởng nhanh

Viện Nghiên cứu McKinsey (MGI) dự báo, với nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, bao gồm cả dầu khí lẫn đá quý, Myanmar có thể tăng gấp bốn lần quy mô nền kinh tế của mình vào năm 2030 nếu đảm bảo duy trì được ổn định chính trị xã hội, đa dạng hóa các ngành, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, quản lý tốt và phát triển cơ sở hạ tầng. MGI cho rằng Myanmar có tiềm năng đất đai, nhân lực và nguồn lực để mở rộng quy mô của nền kinh tế từ 45 tỷ USD năm 2010 lên hơn 200 tỷ USD vào năm 2030; tổng chi tiêu có khả năng tăng từ 35 tỷ năm 2013 lên 100 tỷ USD nhờ tầng lớp trung lưu, được dự đoán trong cùng kỳ sẽ tăng từ 2,5 triệu người lên 19 triệu người.

Theo dự tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Myanmar 2014 đạt 7,5%. Kỳ vọng sẽ tăng lên mức 7,8% trong năm tài chính 2015. Còn theo Bộ Phát triển kinh tế và Kế hoạch quốc gia Myanmar, mức GDP có thể tăng trưởng 8%.

Lý do dẫn đến sự tăng trưởng nhanh của Myanmar là do Luật Đầu tư nước ngoài ban hành vào tháng 11-2012. Cuộc cải cách chính trị và mở cửa của của nước này cũng tạo bầu không khí tin tưởng cho các nhà đầu tư. Myanmar đặt trọng tâm thu hút đầu tư, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực trong 7 lĩnh vực trọng điểm, gồm công nghiệp, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai mỏ, du lịch, tài chính và truyền thông.

Cục Đầu tư và quản lý doanh nghiệp cho biết kể từ khi mở cửa tới tháng 4-2014, Myanmar đã thu hút được 46,5 tỷ USD vốn FDI, đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Đã có 34 quốc gia và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư FDI vào các lĩnh vực sản xuất, năng lượng, dầu khí, khai thác khoáng sản, khách sạn và du lịch, bất động sản, gia súc, nông nghiệp và thủy sản tại Myanmar.

Biểu tình phản đối dự án thủy điện Myitsone trên sông Irrawaddy.

Từng bước thoát phụ thuộc

Bằng việc tiếp nhận nhiều nguồn đầu tư từ cộng đồng quốc tế, Myanmar đang dần thoát khỏi việc lệ thuộc vào nền kinh tế khổng lồ Trung Quốc. Tính đến tháng 12-2013, châu Á đứng đầu danh sách các nhà đầu tư vào Myanmar. Dẫn đầu danh sách này là Hàn Quốc, chiếm 29% tổng vốn FDI, tiếp sau là Singapore (27,6%), Thái Lan (19,2%) và Nhật Bản (1,7%).

Tân Hoa xã công bố số liệu thống kê cho thấy, năm 2013, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Myanmar chỉ bằng chưa đầy 10% của năm 2012. Chính phủ Myanmar còn tiến hành “đóng băng” rất nhiều dự án đầu tư khai thác tài nguyên lên tới hàng chục tỷ USD của một số doanh nghiệp Trung Quốc. Điển hình nhất là các dự án: xây dựng nhà máy thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD của Tập đoàn Thủy điện Trung Quốc; dự án khai thác mỏ đồng Letpadaung trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn công nghiệp binh khí Trung Quốc…

Trung Quốc ấp ủ xây dựng một tuyến đường sắt xuyên qua Myanmar để thông sang Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, chính quyền Myanmar cũng không muốn theo đuổi dự án này do lo ngại đến an ninh quốc gia. Nếu con đường sắt này hoàn thành, nó sẽ giúp Trung Quốc giảm hành trình lưu thông với các nước ở Nam Á, châu Phi và Trung Đông. Đặc biệt, nó giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào tuyến hàng hải đi qua biển Đông. Các dự án đầu tư khác của Trung Quốc ở Myanmar như khai thác đồng, khai thác Niken… bị cư dân địa phương, các nhà hoạt động bảo vệ môi trường phản đối gay gắt.

Trong số các dự án đã hoàn thành, đáng kể nhất là dự án đường ống dẫn dầu khí từ Côn Minh (Trung Quốc) tới cảng Kyaukpyu của Myanmar, tiêu tốn 5 tỷ USD. Việc bảo vệ tuyến đường ống này hiện nay vẫn do quân đội Myanmar đảm nhiệm, dù dự án không có khả năng bị phế bỏ nhưng chắc chắn phí quá cảnh mà Trung Quốc phải trả cho Myanmar sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Trong trường hợp tuyến đường ống này bị phá hủy, tổn thất của Trung Quốc càng lớn bởi mỗi năm nó dẫn một lượng dầu khí khổng lồ, giúp Trung Quốc giải cơn khát năng lượng.

Về mặt địa chính trị, Myanmar có vị trí hết sức quan trọng với Trung Quốc. Với nguồn tài nguyên dồi dào, cộng đồng người gốc Hoa lớn, Myanmar từng là cái “mỏ” để người Trung Quốc khai thác. Đặc biệt, với vị trí chiến lược ở Đông Nam Á, gần vịnh Bengal và Ấn Độ Dương, Myanmar được coi là cánh cửa tiến ra Ấn Độ Dương của Trung Quốc. Giờ đây, khi những lợi thế đang dần mất đi, Chính phủ Trung Quốc như “ngồi trên đống lửa” vì tổn thất ngày càng cao và nguy cơ mất một đồng minh quan trọng ở Đông Nam Á ngày càng lớn dần.

Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc là đối tác chủ chốt của Myanmar, bất chấp sự cô lập về ngoại giao và các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Myanmar, nhất là từ sau cuộc đảo chính năm 1988. Từ khi Chính phủ Myanmar tiến hành cải cách, mối quan hệ giữa hai quốc gia dần trở nên kém nồng nhiệt khiến Bắc Kinh lo ngại. Theo giới phân tích, nguyên nhân dẫn đến sự lạnh nhạt từ phía Myanmar là do chính phủ và doanh nghiệp của Trung Quốc đã không lường hết rủi ro chính trị, không chi tiền giúp đỡ người dân địa phương cải thiện cuộc sống... Trong bối cảnh tình hình chính trị hiện nay ở Myanmar, giới phân tích tin rằng sẽ không có thời hạn cụ thể nào cho việc khởi động lại các công trình này.

Ngược lại với sự kém mặn mà của Trung Quốc đối với đổi mới ở Myanmar, những chuyển biến của Myanmar đã nhận nhiều sự phản hồi tích cực từ dư luận. Giới phân tích cho rằng, Myanmar đã thực sự đứng lên đón nhận sự ủng hộ của quốc tế để phát triển đất nước, nâng cao cuộc sống đích thực cho nhân dân.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục