Hồi giáo cực đoan trỗi dậy

Hồi giáo cực đoan trỗi dậy

Nhà nước Hồi giáo (IS) còn được biết đến với tên gọi Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) hay Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS) là một nhóm chiến binh thánh chiến, gồm các tay súng cực đoan dòng Sunni cầm đầu các hoạt động không được công nhận ở Iraq và Syria. Ra đời từ al-Qaeda song chính al-Qaeda phải thừa nhận mức độ tàn ác của ISIL còn hơn cả tổ chức này.

“Con hơn cha”

Mục tiêu của ISIL là lập ra nhà nước Hồi giáo bao trùm Iraq, Syria, Lebanon, Israel, Jordan, Cyprus và Nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổ chức này được thành lập vào những năm đầu của cuộc chiến tranh Iraq và cam kết trung thành với al-Qaeda vào năm 2004 nhưng từ giữa năm 2013, ISIL và al-Qaeda đã có những tranh chấp với nhau. Tháng 2-2014, sau 8 tháng tranh giành quyền lực, al-Qaeda cắt đứt mọi liên hệ với nhóm này. Sau nhiều lần đổi tên, đến ngày 9-4-2013, ISIL trở thành tên chính thức của tổ chức này. ISIL đã ôm mộng lớn sau khi chiếm được nhiều vùng của Iraq và Syria, nên vào ngày 29-6-2014, họ bỏ bớt chữ Iraq và vùng cận Đông trong tên, thành Nhà nước Hồi giáo (IS). Mặc dù vậy, tên ISIL vẫn phổ biến hơn.

ISIL có tư tưởng cứng rắn của tổ chức Anh em Hồi giáo, nhóm Hồi giáo đầu tiên được thành lập từ những năm 1920. Chính vì vậy, họ muốn đưa Hồi giáo hiện đại trở về những ngày đầu tiên sau khi Hồi giáo ra đời, phản bác các ý tưởng đổi mới trong khu vực và xem đó là sự băng hoại với tinh thần Hồi giáo chính gốc.

Theo nhà báo Sara Birke, một trong những khác biệt lớn giữa ISIL và Mặt trận Al-Nursa-một nhóm Hồi giáo nổi dậy khác ở Syria, là ISIL tập trung vào việc thiết lập luật riêng tại các lãnh thổ họ chiếm đóng, mặc dù cả hai đều có mục tiêu thành lập nhà nước Hồi giáo. ISIL tàn bạo hơn với các cuộc tấn công vào các phe phái và giáo phái khác, sau đó thiết lập ngay luật sharia (luật Hồi giáo hà khắc nhất hiện nay).

ISIL cũng rất biết cách tuyên truyền cho mình bằng việc thành lập Viện Al-Furquan phụ trách truyền thông. Viện này sản xuất các CD, DVD, poster, tờ rơi cũng như các sản phẩm tuyên truyền tung lên mạng.

Về tài chính, ISIL thành lập Tập đoàn Rand vào giai đoạn 2005-2010. Tiền quyên góp chỉ chiếm 5% tổng số ngân sách hoạt động của ISIL, số còn lại thu từ các hoạt động như bắt cóc tống tiền và nhiều hoạt động khác. Tiền được chia cho các tổ chức cấp tỉnh để tiếp tục thực hiện các tội ác. Vào giữa năm 2014, có nguồn tin cho rằng ISIL đã có ngân sách lên đến 2 tỷ USD, trở thành nhóm Hồi giáo giàu nhất thế giới. Số tiền này có được sau khi ISIL chiếm Mosul, Iraq tháng 6-2014. Trong số này có khoảng 429 triệu USD cướp từ Ngân hàng trung ương Mosul cũng như hàng triệu USD khác từ những vụ cướp vàng của nhiều ngân hàng khác tại Mosul. Các tay súng của ISIL cũng thường xuyên chặn xe tải cướp tiền và đe dọa các doanh nghiệp. Đáng chú ý, ISIL còn được nhiều cá nhân ở các nước vùng Vịnh tài trợ.

Các loại vũ khí ISIL có và chiếm đoạt gồm tên lửa đất đối không Stinger, SA-7, M79 Osa, HJ-B; các loại tên lửa chống tăng; xe bọc thép, xe tải quân sự; súng phòng không... Thậm chí sau khi chiếm sân bay Mosul vào tháng 6-2014, ISIL chiếm một số trực thăng UH-60 Blackhawk và các máy bay vận tải. Nguy hiểm hơn, ISIL đã chiếm các tài liệu hạt nhân tại Đại học Mosul vào tháng 7-2014.

Chỉ tính riêng tại Iraq, ISIL có khoảng 4.000 tay súng. Mức độ tàn bạo của ISIL được khắc họa rõ trong các video clip xử tử những người đối lập, trong đó có những trường hợp chặt đầu, chặt tứ chi, xử bắn công khai trên đường phố…

ISIL bắt giữ binh sĩ Iraq làm tù binh.

Nỗi lo của thế giới

Nhìn chung, sau khi Osama Bin Laden bị tiêu diệt, vai trò và ảnh hưởng của al-Qaeda trên thế giới giảm xuống và đó cũng chính là cơ hội để nhiều nhóm Hồi giáo khác trỗi dậy, trong đó có ISIL, tạo thành làn sóng sợ hãi tại nhiều nước trên thế giới. Theo thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew, tại các nước Trung Đông, châu Âu, châu Á, Mỹ, tỷ lệ người phản đối các nhóm Hồi giáo cực đoan tăng mạnh. Tại Lebanon, nước có chung biên giới với Syria, 92% công chúng lo ngại về các nhóm Hồi giáo cực đoan, tăng 11% so với năm 2013. Ở châu Á, 69% người dân Bangladesh, 66% người dân Pakistan và 63% người dân Malaysia e ngại về Hồi giáo cực đoan.

Theo thống kê của nhóm nghiên cứu Rand (Mỹ), thế giới hiện nay có 49 nhóm Hồi giáo cực đoan lớn, so với năm 2001, con số này chỉ là 20. Trong năm 2007, có khoảng 100 vụ tấn công trên toàn thế giới do al-Qaeda và các nhóm có liên quan gây ra. Năm 2013, con số này tăng lên 900 vụ. Theo Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (CEIP), hệ thống phân cấp của al-Qaeda vẫn còn tồn tại ở khu vực Afghanistan - Pakistan, nhưng vai trò trực tiếp trong việc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố của al-Qaeda không đáng kể và chức năng của nó ngày nay thiên về ý thức hệ hơn là một mạng lưới khủng bố.

Thay vào đó là một mạng lưới của các nhóm khủng bố địa phương, có chung một ý thức hệ tương tự gắn kết mình với “danh tiếng” của al-Qaeda. Các nhóm địa phương có thể liên kết trực tiếp nhất với al-Qaeda như nhóm a Jabhat Al-Nusra tại Syria hoặc có thể chỉ chia sẻ một số ít điểm chung với al-Qaeda như nhóm Boko Haram của Nigeria. Al-Qaeda luôn luôn có 2 mục tiêu: “kẻ thù xa” (Mỹ, phương Tây) và “kẻ thù gần” (các chính phủ thế tục ở Trung Đông) và các nhóm địa phương cũng có cùng mục tiêu đó. Các chi nhánh của al-Qaeda trong khu vực tuyển mộ người mới dựa trên điều kiện địa phương, tham gia vào một cuộc chiến địa phương.

Mùa xuân Ảrập, được cho là một sự phủ nhận chủ nghĩa cực đoan bạo lực cũng đã thực sự kích hoạt sự gia tăng và phát triển của nhiều nhóm khủng bố cực đoan địa phương. Nó đã dẫn đến tình trạng vô chính phủ, hỗn loạn và bạo lực chống chính phủ ở những nơi như Syria và miền Đông Libya.

KHÁNH MINH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục