Độc đáo sắc bùa Bến Tre

Hát sắc bùa là một hình thức diễn xướng dân gian “huyền ảo”, bởi có sự pha trộn giữa tính lễ nghi nông nghiệp với lễ nghi tôn giáo.
Độc đáo sắc bùa Bến Tre

Hát sắc bùa là một hình thức diễn xướng dân gian “huyền ảo”, bởi có sự pha trộn giữa tính lễ nghi nông nghiệp với lễ nghi tôn giáo.

Nghi lễ dân dã

“Tiệc bày duyên đã mãn rồi/Trình trong gia chủ ở đây thái bình/Năm nay tòng - bá hiệp tùng/Phụ tùng phu xướng cửa nhà bình yên…”- ông Nguyễn Văn Chấn, 59 tuổi, vừa ca vừa gõ vào hai mặt trống cơm. Hòa vào là tiếng sênh tiền của anh Hòa, sênh cái của chị Thu Hiền và đờn cò của chính ông Lư Hội - Giám đốc Bảo tàng Bến Tre. “Tay đờn cò kẹt chuyện nên tôi thế chỗ. Đây là đội hát sắc bùa của xã Phú Nẫm - Giồng Trôm” - ông Hội giới thiệu. Một đội hát sắc bùa cần ít nhất 4 người, đủ là 6, có khi lên đến 8 hoặc 12 người (chỉ lấy số chẵn) nhưng nhạc cụ chỉ cần 4 dụng cụ. Cũng theo ông Hội, sắc bùa được hát theo lối “cái kể con xô”, người cầm cái là đội trưởng mang trống cơm; mỗi nhạc công là diễn viên hát đệm luôn; trang phục người hát “có gì mặc nấy”, nhiều khi chỉ áo bà ba…

Khó nhất là ông đờn cò. Không có ông này thì không ra sắc bùa. Trống cơm là đội trưởng, là cái nhưng giai điệu khá giống nhau, đơn giản hơn. “Người chơi sênh tiền phải tinh để theo đờn cò đừng để đâm hơi, chênh nhịp”- chị Thu Hiền mới tập hát sắc bùa mấy tháng nay, cũng chính là Phó chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử (Bảo tàng Bến Tre), cho biết.

Biểu diễn hát sắc bùa

Hát sắc bùa có nguồn gốc từ miệt ngoài, do ông Trần Văn Hậu “thấy điệu hát sắc bùa ở Bình Định hay hay mới đem về truyền lại cho dân Phú Lễ; lúc đó vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Hát sắc bùa Phú Lễ ra đời, vang danh một thời luôn”- ông Hội hào hứng.

Đây là hình thức diễn xướng dân gian “huyền ảo”, pha trộn giữa lễ nghi nông nghiệp (cầu mùa màng tươi tốt, quốc thái dân an, gia tộc an lành, hạnh phúc…) với lễ nghi tôn giáo (viết bùa, dán bùa yểm trừ tà ma, xui xẻo trước ngõ, cửa nhà…).

“Chúc xuân mà tôi hát ơ sắc bùa tháng giêng”. Hát sắc bùa thường diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán, từ giữa đêm trừ tịch 30 tháng Chạp đến hết tháng Giêng nhằm chúc tết, đón mừng năm mới tại các gia đình có nhu cầu, tạo không khí vui chơi giải trí cộng đồng. Đội hát có thể hát thâu đêm suốt sáng nếu chủ nhà yêu cầu. Một buổi hát sắc bùa thường có hai phần (nghi lễ và hát giúp vui). “Ngõ này ngõ ai/Trên thời xây gạch/Dưới tợ rồng bay”… nằm trong những bài mở ngõ, khai môn rồi theo trình tự là các bài Rước xuân, Chơi xuân, Trừ tà, Dán bùa, Giã từ...

“Cái hay của sắc bùa Phú Lễ là tuy mang âm hưởng bài chòi Khu 5 nhưng lời ca được sáng tạo, có khi lấy ngay từ những bài hò, lý, vè, nói thơ… của đất Bến Tre để “vận” vào, chúc mừng năm mới bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực nào như nông gia, mộc, dệt vải, chăn tằm…” - ông Nguyễn Văn Chấn nhận xét. Thạc sĩ Tăng Tấn Lộc, giảng viên văn hóa (Đại học Tây Đô), phân tích sâu hơn về kỹ thuật độc đáo của loại hình này: Phải ca đúng hơi mới ra sắc bùa. Sắc bùa có nói lối của cải lương nhưng không phải tung tẩy, phóng khoáng như đờn ca tài tử. Người ca phải giữ nhịp đôi liên tục; con xô phải “xô bè”, không được hụt hơi, lạc nhịp.

Nghệ thuật hát sắc bùa từng đoạt giải A tại Liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam lần thứ I (Hà Nội - 2005); được chọn biểu diễn trong Festival Dừa Bến Tre, trong Hội nghị tổng kết 15 năm Nghị quyết TƯ 5 về bảo vệ bản sắc văn hóa mới đây.

Bảo tồn văn hóa

“Phú Lễ là cái nôi hát sắc bùa của cả miền Tây, nhưng Phú Lễ hiện cũng không còn nhiều người hát nữa”, ông Lư Hội cho biết. Cả một thời gian dài Bến Tre trống vắng sắc bùa. Và đến năm 2011 sắc bùa được nhen nhóm lại ở xã Phú Nẫm (Giồng Trôm). “Chúng tôi lập nhóm 4 - 5 người, học lại từ các bản ghi âm vào những năm 80 thế kỷ trước khi ông Lư Hội đi Ba Tri gặp gỡ, sưu tầm nghệ thuật này từ những nghệ nhân đã trên 70-80 tuổi như ông Nguyễn Văn Võ, Nguyễn Văn Dũng, Thái Văn Cần… trước khi các cụ ra đi”- anh Nguyễn Văn Chấn, đội trưởng, tâm sự. Mỗi năm nhóm của ông biểu diễn 5-7 lần vào dịp lễ, tết hoặc các lễ hội trong tỉnh, chủ yếu là đam mê và muốn gìn giữ tài sản cha ông để lại. Hát sắc bùa có hàng trăm bài, đến nay nhóm Phong Nẫm mới “nằm lòng” được gần 20 bài.

Nhịp sống mới hối hả, dồn dập liệu có bảo tồn được loại hình dân gian này? Những người đang tham gia hầu hết đã cao tuổi, còn giới trẻ ít thiết tha. Sắc bùa là một trong sáu loại hình diễn xướng dân gian Bến Tre và là làn điệu đặc trưng nhất. Thế nhưng, cái khó nhất là gầy dựng, tạo lại môi trường cho hát sắc bùa tồn tại, phát huy trong cộng đồng. Phải tổ chức lại lực lượng truyền dạy, biểu diễn; đưa vô học đường; giới thiệu tính đặc sắc của nghệ thuật này rộng rãi hơn ra nhân dân và du khách… Muốn vậy phải có đòn bẩy. Đó là sự nhiệt thành, quan tâm hơn nữa của chính quyền, các cơ quan chức năng, nhất là ngành văn hóa. Được như vậy loại hình này mới mong không rơi vào cảnh “sách vở thì còn nhưng cộng đồng đã mất” - anh Chấn mong mỏi.

Bảo tàng Bến Tre đang đưa hát sắc bùa vào trong chương trình bảo tồn văn hóa phi vật thể. “Chúng tôi đang tiến hành làm lý lịch khoa học, kiểm kê diễn xướng sắc bùa, cam kết của địa phương, lập bản đồ bảo tồn gồm các điểm Phú Lễ, Phong Nẫm và có thể cả Bảo tàng Bến Tre…”- ông Lữ Hội thông báo. Thạc sĩ Tăng Tấn Lộc có vẻ hứng thú với loại hình này, bám riết anh Chấn học từng lời ca, nhịp trống… “Chúc thanh chúc thọ/Làm tuổi ông bà/Năm mới giàu sang/Gia quan tấn lộc…”. Hy vọng sẽ có nhiều nghệ nhân quay lại với sắc bùa xưa!

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục