Scotland và những hệ lụy khi tách khỏi Anh

Dự kiến, cuộc trưng cầu dân ý về việc tách Scotland khỏi Anh sẽ diễn ra vào ngày 18-9. Nhiều chuyên gia nhận định nếu Scotland độc lập khỏi Anh, nền kinh tế Scotland sẽ gặp nhiều khó khăn, kéo theo các hệ lụy khác.
Scotland và những hệ lụy khi tách khỏi Anh

Dự kiến, cuộc trưng cầu dân ý về việc tách Scotland khỏi Anh sẽ diễn ra vào ngày 18-9. Nhiều chuyên gia nhận định nếu Scotland độc lập khỏi Anh, nền kinh tế Scotland sẽ gặp nhiều khó khăn, kéo theo các hệ lụy khác.

Nữ hoàng lên tiếng

Theo báo The Independent, Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phá vỡ sự im lặng từ trước tới nay của bà trước cuộc trưng cầu dân ý tại Scotland khi cho rằng người dân Scotland nên suy nghĩ thật cẩn thận về tương lai của họ khi bỏ phiếu tách khỏi Vương quốc Anh. Tờ Times của Anh dẫn lời Nữ hoàng nói: “Tôi hy vọng mọi người sẽ suy nghĩ thấu đáo về tương lai”.

Tuy nhiên, Nữ hoàng Anh không hề có ý áp đặt với quyền bỏ phiếu của người dân Scotland mà chỉ nói rằng đây là một vấn đề đối với người dân Scotland. Nếu Scotland tách khỏi Vương quốc Anh, Nữ hoàng Elizabeth vẫn còn có khả năng là nữ hoàng của Scotland vì hầu hết dân Scotland đều mong muốn tiếp tục xem Nữ hoàng là người đứng đầu nhà nước.

Scotland là nơi rất gần gũi với Nữ hoàng vì mẹ bà là người Scotland và bà đã trải qua thời thơ ấu ở đó. Người chị quá cố của Nữ hoàng, công chúa Margaret, cũng chào đời ở Scotland. Nữ hoàng cũng thường cùng phu quân là Quận công Philip đến Scotland nghỉ hè vào tháng 8 hàng năm.

Càng gần tới giờ G, ngày càng nhiều người nói về những hệ lụy từ việc Scotland tách khỏi Vương quốc Anh. Robert Hazell, người đứng đầu ngành Hiến pháp tại Đại học London, nhận định phải mất nhiều năm, Scotland mới có thể đứng vững nếu thoát khỏi Anh.

Bản đồ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

Theo tờ Guardian, việc phân chia quyền lợi giữa chính quyền Scotland và Chính phủ Anh trong trường hợp Scotland độc lập là một trong những vấn đề nan giải nhất. Scotland yêu cầu được hưởng 90% trữ lượng dầu ở biển Bắc dựa trên vị trí địa lý nhưng chỉ chịu trách nhiệm cho khoảng 10% trong tổng số 1.300 tỷ bảng Anh nợ quốc gia. Phía Chính phủ Anh chỉ ra rằng Scotland có chi tiêu bình quân đầu người khu vực công cao hơn so với Anh và như vậy, Scotland phải trả nợ nhiều hơn nữa.

Tuy nhiên, Thủ hiến Scotland Alex Salmond, người chủ trương ly khai, tuyên bố ông sẽ kiên quyết không chấp nhận điều này. Salmond cho biết Scotland muốn là thành viên của LHQ, Liên minh châu Âu và NATO.

Ngoài ra, nếu Scotland độc lập và tuyên bố phi hạt nhân, Anh sẽ phải di chuyển các loại vũ khí hạt nhân ra khỏi Scotland, sẽ tốn kém nhiều tỷ bảng và phải đến năm 2028 mới hoàn tất. Salmond có thể tìm cách sử dụng điều này như một con bài mặc cả trong các cuộc đàm phán với Anh.

Những người phản đối độc lập cũng nói rằng nếu Scotland độc lập, sức mạnh của Vương quốc Anh trên trường quốc tế sẽ bị ảnh hưởng lớn, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho vị thế của Anh trong nhóm G-7 (nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới) và HĐBA LHQ.

Nếu Scotland tách khỏi Anh, họ vẫn tiếp tục sử dụng đồng bảng Anh xem như chỗ dựa quan trọng về kinh tế để giảm bớt các khó khăn. Ngân hàng Anh cho rằng điều này không hề đơn giản. Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cảnh báo rằng một liên minh tiền tệ không phù hợp với chủ quyền độc lập của Scotland.

Nền kinh tế Scotland bị đe dọa

Hiện chưa rõ các doanh nghiệp sẽ rút khỏi Scotland hay không. Theo Guardian, nhiều tổ chức tài chính như Ngân hàng Hoàng gia Scotland và hãng bảo hiểm khổng lồ Standard Life, Lloyds Banking Group, Clydesdale, Ngân hàng Tesco và TSB đã công bố kế hoạch chuyển một số hoạt động về Anh để đảm bảo họ vẫn là một phần của hệ thống thuế và tiền tệ của Anh.

Ngoài ra, nếu Scotland độc lập, để gia nhập EU không phải dễ vì các thành viên như Tây Ban Nha đang đối mặt với phong trào ly khai mạnh mẽ khó có thể công nhận Scotland.

Các công ty dầu BP và Shell khẳng định họ không muốn Scotland độc lập vì như thế, tài sản của họ sẽ bị chia, nhất là về trữ lượng dầu khai thác. Các công ty dầu khí Anh đã đầu tư khoảng 13 tỷ bảng Anh trong năm nay vào các lĩnh vực thăm dò và khai thác ngoài khơi ở biển Bắc.

Scotland là nơi đặt nhiều trạm năng lượng hạt nhân, thủy điện và điện gió. Vì vậy, nếu tách khỏi Anh, Vương quốc Anh sẽ gặp không ít khó khăn về điện. Ước tính, Scotland hiện chiếm 28% tổng số trợ cấp của Vương quốc Anh cho hệ thống năng lượng xanh, lên đến bảng 560 triệu bảng.

Các nhà bán lẻ cũng cảnh báo rằng các chi phí liên quan đến giao dịch tiền tệ và bộ máy quan liêu tăng thêm có nghĩa là người dân Scotland phải trả tiền mua sản phẩm đắt hơn. Các nhà bán lẻ thiết lập các hệ thống phân phối cho thị trường Anh duy nhất với cùng loại tiền tệ và cùng một tỷ lệ thuế GTGT. Khi Scotland độc lập, họ phải thiết lập lại hệ thống phân phối phức tạp hơn, thêm nhiều khoản thuế và dẫn đến giá bán cao hơn tại Scotland. Ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống của Scotland là lĩnh vực lớn với 330.000 lao động, trị giá 9,2 tỷ bảng Anh.

Chính quyền Scotland cho biết họ sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất thực phẩm và đồ uống để bán sản phẩm của họ ra nước ngoài. Tuy nhiên, nhiều công ty lo ngại các loại thuế tăng cũng như những hạn chế về thương mại với phần còn lại của Vương quốc Anh nên không mặn mà với việc tự quảng bá là sản phẩm của Scotland độc lập.

Scotland là khu vực thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Scotland chiếm 1/3 diện tích phía Bắc của đảo Anh, có biên giới với Anh ở phía Nam. Đại Tây Dương bao quanh các mặt còn lại: trong đó biển Bắc ở phía Đông và eo biển Bắc cùng biển Ireland ở phía Tây và Tây Nam. Ngoài phần đại lục trên đảo Anh, Scotland còn có hơn 790 đảo. Trong giai đoạn đầu thời kỳ Trung cổ, Vương quốc Scotland xuất hiện với vị thế một quốc gia độc lập có chủ quyền. Sau khi Quốc vương James VI của Scotland kế vị vương vị của Anh và Bắc Ireland vào năm 1603, Scotland tham gia một liên minh với hai vương quốc này. Đến ngày 1-5-1707, Scotland tham gia liên minh chính trị với Anh để hình thành Vương quốc Đại Anh. Liên minh này là kết quả từ Hiệp ước liên hiệp được thỏa thuận vào năm 1706 và được ban hành theo hai Đạo luật liên hiệp được nghị viện của hai quốc gia thông qua. Edinburgh là thủ phủ và TP lớn thứ nhì của Scotland. (Wikipedia)

THỤY VŨ tổng hợp

Tin cùng chuyên mục