Bài 1: Điểm tựa trên biển

Bài 1: Điểm tựa trên biển

Sức sống Trường Sa

Trong những ngày qua, trước lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của Trung Quốc trên biển Đông, trong đó có các vùng thuộc chủ quyền Việt Nam, ngư dân Việt Nam vẫn đưa thuyền ra khơi. Họ không đơn độc. Ngoài khơi xa có các điểm đảo tại Trường Sa và từ lâu đã trở thành điểm tựa giúp ngư dân vượt qua bão tố, yên tâm bám biển làm ăn, sinh sống… 

Đảo là nhà

Bác sĩ - đại úy quân y Huỳnh Thanh Bình, Trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn, lật quyển sổ bệnh án năm 2014, nhẩm tính có 1.372 lượt người vào bệnh xá, trong đó chiếm hơn một nửa là ngư dân các tàu cá trong đất liền đi đánh bắt dài ngày trên biển vào đảo khám, điều trị và cả kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bệnh xá có 2 bác sĩ và 4 y sĩ, với trang thiết bị y tế có thể mổ cấp cứu được một số trường hợp khẩn cấp. Dắt tôi qua phòng kế bên, bác sĩ Bình kéo tấm màn che, lộ ra phía trong là một giường sắt xoay, xung quanh kê các khay đựng dụng cụ y tế. “Đây là phòng mổ dã chiến bảo đảm vô trùng trong điều kiện khắc nghiệt của vùng biển”, bác sĩ Bình giới thiệu. Đưa chúng tôi xem hồ sơ bệnh án của một trường hợp mổ ruột thừa ngày 6-4, bác sĩ Bình kể: “Ngư dân Bùi Hiệp, quê Quảng Ngãi, đi trên tàu cá Q.NG 95157 - TS, vào bệnh xá trong tình trạng viêm ruột thừa mủ ngày thứ tư, viêm dính toàn bộ vùng hố chậu phải. Sau khi hội chẩn, dù đã hơn 23 giờ đêm, song ê kíp vẫn quyết định mổ trong điều kiện ánh sáng phòng mổ có lúc không bảo đảm do điện lưới yếu. Đến 2 giờ sáng thì ca mổ thành công. Nếu chậm chỉ nửa giờ thì khó cứu được tính mạng của ngư dân này…”.

Cũng như Trạm xá đảo Trường Sa Lớn, việc cứu chữa, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho ngư dân mỗi khi cập đảo đã được các cán bộ, chiến sĩ trên các điểm đảo đặc biệt coi trọng. Tại các đảo An Bang, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông…, mỗi năm có đến hơn 1.000 lượt người dân và ngư dân trên các tàu cá được khám, chữa bệnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nhiều trường hợp như tàu cá Q.NG 20908 - TS, Q.N 33476 - TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi và Quảng Nam, trong cơn bão số 11 năm 2013 bị chết máy trôi dạt trên biển, đã được cứu hộ đưa lên đảo sửa chữa tàu, tiếp tế dầu, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, ngư dân được chăm sóc sức khỏe để tiếp tục bám biển, đánh bắt hải sản. Hay như tàu cá Q.B 30981 - TS của tỉnh Quảng Bình có 3 ngư dân bị tiêu chảy, nằm liệt trên tàu nhiều ngày cũng được đưa lên đảo cứu chữa kịp thời. Ngư dân Lê Quang Ninh, thuyền trưởng tàu cá B.Đ 96574 - TS (tỉnh Bình Định) vào Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn trong tình trạng nguy kịch tính mạng, được các bác sĩ tận tình cứu chữa, đã nghẹn lời nói: “Đối với ngư dân chúng tôi, đảo thực sự là mái nhà thân thương, bộ đội là người thân ruột thịt của mình…”.

Phó chủ tịch UBND quận 9 Huỳnh Minh Tuấn Anh thăm hỏi chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn Đông.

Biển cả là quê hương

Trong hải trình đoàn công tác số 2 TPHCM đến các điểm đảo của Trường Sa, rất nhiều lần các thành viên trong đoàn được gặp gỡ, trò chuyện với ngư dân trên các tàu cá cập mạn khi gặp nhau trên biển. Trong đó, ấn tượng khó quên nhất là cuộc gặp mặt trên biển với tàu cá Q.NG 95563 - TS do ngư dân Nguyễn Văn Trưởng làm thuyền trưởng. “Anh em khỏe không, quê ở đâu?”, “Đi được bao nhiêu ngày rồi?”, “Trong đoàn có ai quê Quảng Ngãi không ạ?”… Tiếng hỏi thăm, tiếng cười nói cùng với những cái bắt tay xiết chặt giữa các thành viên trong đoàn với ngư dân đã tạo không khí vui tươi, thắm tình như những người thân lâu ngày gặp mặt. Hôm đoàn đến thăm Nhà giàn DK1/14 Tư Chính, thấy một tàu cá từ xa, nhiều thành viên trong đoàn đã vẫy tay, gọi: “Anh em khỏe không? Cá nhiều không?”.

Tại đảo Song Tử Tây, đoàn cũng gặp một tàu cá tỉnh Quảng Ngãi lên đảo tiếp nước ngọt. Những cái bắt tay xiết chặt, những lời thăm hỏi sức khỏe, rồi kể chuyện làm ăn, những khó khăn khi đi biển và cả những món quà nhỏ - là tình cảm và sự động viên tinh thần của hậu phương với những con người đang bám biển, mưu sinh giữa trùng khơi. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Quảng xúc động nói: “Anh em thật ấm lòng với tình cảm thân thương và sự quan tâm của các đơn vị, địa phương mỗi khi có dịp gặp nhau trên biển như thế này. Điều này đã động viên ngư dân bám biển, coi biển cả là quê hương, quyết bảo vệ, giữ gìn cho muôn đời sau…”.

Ông Nguyễn Duy Đỗ, Phó Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, cho biết, quán triệt mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ bảo vệ vững chắc vùng biển đảo Trường Sa, những năm qua chỉ huy tại các điểm đảo đều tích cực tham gia công tác dân vận, tìm kiếm cứu nạn, xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành địa chỉ tin cậy, chỗ dựa vững chắc nhằm khuyến khích bà con ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt hải sản. Qua đó, khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng biển đảo Trường Sa vào mục tiêu phát triển đất nước.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục