Bài 1: Mạng người là món hàng

Cuộc khủng hoảng di dân bất hợp pháp từ châu Âu sang châu Á bắt nguồn từ những bất ổn ở Trung Đông và vấn đề sắc tộc ở Đông Nam Á, tạo điều kiện cho bọn buôn người trục lợi. Khủng hoảng trở nên vượt tầm kiểm soát.
Bài 1: Mạng người là món hàng

Di dân bất hợp pháp - nạn nhân tệ nạn buôn người quốc tế

Cuộc khủng hoảng di dân bất hợp pháp từ châu Âu sang châu Á bắt nguồn từ những bất ổn ở Trung Đông và vấn đề sắc tộc ở Đông Nam Á, tạo điều kiện cho bọn buôn người trục lợi. Khủng hoảng trở nên vượt tầm kiểm soát.

Buôn người nở rộ

Buôn bán người phổ biến nhất là dành cho mục đích nô lệ tình dục và cưỡng bức lao động. Ngoài ra, còn có một số mục đích khác như: hôn nhân cưỡng ép, khai thác các cơ quan nội tạng, đẻ thuê… Theo ước tính của Liên hiệp quốc (LHQ), năm 2013, hoạt động buôn người mang về doanh thu 32 tỷ USD. Năm 2005, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) ước tính con số này là 31,6 tỷ USD. Năm 2008, LHQ ước tính khoảng gần 2,5 triệu người từ 127 quốc gia khác nhau đã được bán vào 137 quốc gia trên thế giới. Chi phí trung bình của một nạn nhân hiện nay phải trả cho bọn buôn người là 90 USD.

Theo ILO, đàn ông bị bán làm lao động phổ thông trên toàn cầu tạo ra 31 tỷ USD. Một nghiên cứu năm 2012 của Tổ chức di dân quốc tế (IOM) nhận định rằng, năm 2010 là năm đầu tiên IOM hỗ trợ nhiều nạn nhân bị bán làm nô lệ lao động cao hơn so với những người bị bán vì mục đích bóc lột tình dục.

Trong tháng 5, cảnh sát Đức với sự giúp đỡ của các cơ quan thực thi pháp luật EU đã nhiều lần mở chiến dịch truy quét các nhóm buôn người từ châu Phi vào châu Âu.

Một trong các băng đảng buôn người lớn ở châu Âu do 3 người đàn ông trong độ tuổi từ 22 đến 26 điều hành kết nối qua 28 quốc gia EU. Nhóm này đã bị bắt và tịch thu tài sản ở miền Bắc nước Đức. Những kẻ buôn người đưa người nhập cư trái phép từ Libya và các quốc gia bất ổn khác ở Bắc Phi vào miền Nam châu Âu. Sau khi đến nơi, họ được đưa vào thủ đô Paris (Pháp) và sau đó đến các thành phố ở miền Tây nước Đức cũng như nhiều nơi khác ở châu Âu. Cảnh sát gần đây cũng đã phá vỡ mạng lưới buôn bán người với mạng lưới trải dài khắp Italia.

Tại Ai Cập, mạng lưới buôn người đã tồn tại nhiều năm, chủ yếu hoạt động ở các vùng nông thôn. Sau khi dòng người tị nạn Syria đến Ai Cập tăng lên, gần như lập tức xuất hiện một mạng lưới mới của bọn buôn người dựa chủ yếu vào người tỵ nạn Syria ở Ai Cập để trục lợi. Ước tính có hơn 130.000 người tị nạn Syria đã tới Ai Cập, cao hơn rất nhiều so với con số 3.000 vào tháng 1-2013, theo số liệu của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).

Tom Rollins, một nhà báo làm việc về tị nạn ở Địa Trung Hải nói rằng, các mạng lưới buôn người thường bao gồm cả người môi giới giữa người nhập cư tiềm năng và người điều hành các tàu thuyền. Môi giới có thể nhận đến 10 pound Ai Cập (1,15 EUR) trên mỗi đầu người giới thiệu cho bọn buôn người với các nhà điều hành tàu thuyền (có khi chỉ là những ngư dân thông thường). Đám buôn người sau đó thông qua môi giới đẩy người tị nạn và di dân kinh tế cho các nhà khai thác tàu thuyền mà không cần biết số phận của họ sẽ ra sao. Chi phí của việc đảm bảo đi nhờ trên một con tàu được ước tính vào khoảng 1.500USD  đến 3.000USD.

Bắt giữ bọn buôn người ở Đức (ảnh lớn), và người tị nạn bị nhồi nhét trên các chiếc thuyền lênh đênh trên biển (ảnh nhỏ)

Giải pháp ngăn chặn

Trong một động thái gây tranh cãi, EU  đã gửi thỉnh cầu lên LHQ yêu cầu cho phép khối này can thiệp quân sự ở Libya nhắm mục tiêu vào mạng lưới buôn người ở nước này. Nếu được chấp thuận, kế hoạch này sẽ cho phép tàu của EU vào vùng biển Libya để xác định và ngăn chặn tàu chở người di cư sang các nước châu Âu như Italia.

Đề nghị này được đưa ra khi cuộc khủng hoảng di dân bắt nguồn từ Bắc Phi, đặc biệt từ Libya, đang trở nên nguy hiểm hơn. Trong tháng 4, có 900 người di cư chết ngoài khơi bờ biển Libya sau khi một tàu chở người di cư bị bọn buôn người đánh chìm. Cuộc hành trình trên các vùng biển nguy hiểm đến châu Âu đã khiến cả EU đau đầu tìm giải pháp trong suốt thời gian qua.

EU đang nóng lòng chờ đợi chấp thuận từ LHQ để khởi động một chiến dịch quân sự vào tháng 6 tới nhằm phá hủy các mô hình kinh doanh của những kẻ buôn người khi mùa cao điểm nhập cư đang tới. Các hoạt động sẽ bao gồm khảo sát các tuyến đường buôn người, tìm kiếm tàu thuyền chở dân di dân của bọn buôn người.

 

 Do tình trạng bất ổn kéo dài ở Libya, Tunisia và nhiều nơi khác tại Bắc Phi và Trung Đông, hàng chục ngàn người di cư không có giấy tờ đã trở thành đối tượng khai thác của mạng lưới buôn người ở châu Âu. Theo LHQ, hơn 35.000 người tị nạn và di cư trái phép đã đến miền Nam châu Âu từ đầu năm 2015 đến nay, khoảng 1.600 người trong số đó đã chết.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hành động quân sự của EU thực sự sẽ tốn kém rất nhiều nhưng chắc chắn không có tác động lâu dài. Theo kế hoạch của EU, mục đích là  phá vỡ các mô hình kinh doanh của đám buôn người bằng cách phá hủy hệ thống tài chính của họ, tức tàu thuyền chở người di cư. Tuy nhiên, tàu thuyền chỉ là phần ngọn. Bọn buôn người có thể thay bằng những chiếc thuyền đơn giản, thậm chí thuyền bơm hơi dễ cơ động. IOM đã ủng hộ kế hoạch của EU nhưng lo ngại rằng hành động quân sự chống lại những kẻ buôn người có thể gây nguy hiểm cho cuộc sống của người di cư. Người phát ngôn IOM, ông Joel Millman nói rằng giải pháp không phải bằng hành động quân sự, mặc dù kẻ buôn bán cần bị trừng trị. “Ưu tiên hàng đầu là phải bảo vệ cuộc sống của người di cư”. Theo ông Millman: “Phá hoại một chiếc bè hoặc một chiếc thuyền không phải là một giải pháp. Một chiếc thuyền bị đắm có thể thay thế. Một cuộc sống con người thì không thể”.

Bộ trưởng Ngoại giao Hà Lan Bert Koenders cho rằng, không phải dễ dàng để bắt những kẻ buôn người. Để có được một khởi đầu tốt, EU cần phải biết nơi đóng tàu, mạng lưới tài chính, mạng lưới tổ chức của chúng… Nhưng khi Libya hay Syria đang trong tình trạng nội chiến thì quả thật mọi biện pháp trấn áp bọn buôn người ở đây trở nên khó khăn rất nhiều.

Thụy Vũ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục