Đất Mũi không còn xa

“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam…”- đó là lời mở đầu bài hát “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà nhiều người dân vẫn thường hay hát. Trong tâm thức của nhiều người, Cà Mau thật sự… xa lắm và xa nhất là Mũi Cà Mau. Tuy nhiên, cái xa của Mũi Cà Mau nay đã dần xích lại gần hơn khi con đường mang tên Bác hoàn thành.
Đất Mũi không còn xa

“Nghe nói Cà Mau xa lắm, ở cuối cùng bản đồ Việt Nam…”- đó là lời mở đầu bài hát “Áo mới Cà Mau” của nhạc sĩ Thanh Sơn mà nhiều người dân vẫn thường hay hát. Trong tâm thức của nhiều người, Cà Mau thật sự… xa lắm và xa nhất là Mũi Cà Mau. Tuy nhiên, cái xa của Mũi Cà Mau nay đã dần xích lại gần hơn khi con đường mang tên Bác hoàn thành.

Nối liền hai đầu Tổ quốc

Đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi dài hơn 51km, bắt đầu từ thị trấn Năm Căn (huyện Năm Căn) đến xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển). Đoạn đường này dài không thấm vào đâu so với tổng chiều dài của toàn tuyến (dài 3.183 km) nhưng lại “rất dài” so với người dân ở vùng đất cực Nam. Tuy nhiên, mỗi lần đến Đất Mũi vẫn đem lại cho tôi cảm giác tự hào vì được đặt chân lên điểm cuối thiêng liêng của Tổ quốc. Lần này, tôi đi Mũi Cà Mau cùng với ba người bạn đến từ các tỉnh miền Trung, với vai trò một hướng dẫn viên “bất đắc dĩ”. Nhóm chúng tôi chọn điểm xuất phát từ TP Cà Mau bằng đường bộ, với mục đích xem con đường mang tên Bác đang xây dựng đã được đến đâu. Sau hơn một giờ khởi hành, chúng tôi đến cầu ông Tình (điểm bắt đầu tuyến đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn - Đất Mũi). Tuyến đường mang tên Bác đi qua đã làm thay đổi diện mạo đô thị thị trấn Năm Căn. Tuyến đường hai chiều, láng nhựa thẳng tắp rất đẹp. Qua khu vực đô thị, càng đi vào vùng nông thôn những người bạn đến từ miền Trung rất thích thú khi thấy hàng cây đước trong các vuông tôm chia thành từng líp xanh ngát, bóng cây soi dưới mặt nước đẹp như tranh vẽ. Khi nhóm đến cầu Năm Căn, chúng tôi gửi xe lại và đi bộ lên cầu. Trên cầu gió thổi lồng lộng, nhìn xuống dòng sông Cửa Lớn rộng mênh mông, làm các thành viên trong nhóm có một cảm giác… khó tả.

Trên cầu Năm Căn chúng tôi bắt gặp 4 bạn trẻ đang chụp ảnh. Chia sẻ với chúng tôi về bức ảnh, em Võ Bé Thương (đang học tại Trường THPT huyện Cái Nước) nói: “Nhà em cách cầu chừng 30km, từ ngày cầu khánh thành đến nay em chưa có dịp đến đây. Tận dụng kỳ nghỉ hè nên em rủ các bạn đến xem cây cầu này như thế nào và chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm”.

Khác với nhóm bạn trẻ “xì tin”, lão nông Tư Hậu (Nguyễn Văn Hậu, 62 tuổi) cũng thường lên cầu Năm Căn đón gió và ngắm nhìn khung cảnh làng quê thanh bình nơi ông sinh sống. Ông Tư Hậu tâm sự với chúng tôi rằng, từ ngày đất nước thống nhất đến nay, nhiều người dân nơi đây ước mơ “con đường thiên lý” nối liền địa đầu Tổ quốc đến cực Nam. Bây giờ con đường mang tên Bác dần định hình làm cho người dân nơi đây rất phấn khởi. Mảnh ghép cuối cùng sắp hoàn thành. Khi chia tay chúng tôi, ông Tư Hậu nhắc đi nhắc lại lời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu trong ngày khánh thành cầu Năm Căn hồi đầu năm (ngày 7-2-2015). Ông kể: “Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu “trúng tim” của người dân nơi đây rằng, cầu Năm Căn hoàn thành đã hiện thực hóa ước mơ ngàn đời của người dân địa phương cũng như cả nước. Tới đây, niềm vui lớn sẽ trở thành hiện thực khi đường Hồ Chí Minh về đến Đất Mũi hoàn thành, nối liền điểm đầu Pắc Bó (Cao Bằng) đến điểm cuối Đất Mũi (Cà Mau)”.
 

Cầu Năm Căn, cây cầu ước mơ của người dân Đất Mũi .

Rời cầu Năm Căn, chúng tôi theo đường thủy bằng tàu cao tốc về Đất Mũi. Khi tàu cập bến Đất Mũi, mọi người đều mừng rỡ vì đã đến được nơi cần đến nhất của chuyến đi. Cả nhóm thẳng tiến lại cột mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng con thuyền để “tận mắt nhìn thấy” mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Đứng trên vọng gác cao nhìn về hướng mũi Cà Mau, bạn Văn Tuấn (đến từ TP Đà Nẵng, đi cùng trong nhóm) ngẫu hứng ngân vang hai câu thơ quen thuộc  của thi sĩ Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó Mũi Cà Mau”. “Vậy là tôi đã thực hiện được ước mơ trong đời là đặt chân đến điểm đầu và điểm cuối thiêng liêng của Tổ quốc”- Văn Tuấn hồ hởi.

Hối hả thi công

Theo những cư dân sống ở Đất Mũi, trước đây do đường đi còn cách trở, vì vậy Đất Mũi vẫn còn xa với người dân bốn phương. Kể lại những ngày “xa xưa” ấy, ông Từ Nhuần (Nguyễn Văn Nhuần, 58 tuổi, ngụ xã Đất Mũi) nói: “Chuyện đâu xa, cách đây hơn 10 năm, từ Đất Mũi đi tỉnh lỵ Cà Mau phải mất cả ngày. Thời điểm đó đường bộ chưa đến được Đất Mũi, vì vậy cách duy nhất là đi bằng đường thủy. Sáng sớm khởi hành từ Đất Mũi và chiều tối mới đến được TP Cà Mau”.

Do đường về Đất Mũi cách trở nên cư dân sống tại vùng đất này ao ước có một con đường. Vì vậy, khi hay tin con đường mang tên Bác được xây dựng thì những cư dân sống ở vùng đất cực Nam vui như hội. Tuy nhiên, niềm vui ấy đã có lúc bị trì hoãn. Đó là năm 2011, khi tình hình kinh tế gặp khó khăn nên tuyến đường Hồ Chí Minh về Đất Mũi đã phải tạm dừng thi công. Phải mất 3 năm sau, dự án mới được khởi động trở lại.

Hiện nay, tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi đang trong giai đoạn thi công nước rút để hoàn thành theo đúng kế hoạch. Tại thời điểm này, nhiều công nhân, kỹ sư vẫn miệt mài làm việc bất kể mưa nắng, không khí lao động trên công trường rất hối hả. Công nhân Nguyễn Văn Bình (quê Nam Định) tâm sự: “Tôi đã làm nhiều con đường, mỗi con đường đều có kỷ niệm khác nhau. Tuy nhiên, với con đường này thì tôi càng quyết tâm cao hơn, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, bởi rất có ý nghĩa đối với vùng đất cực Nam thân thương này”. Ông Phạm Huy Thông, Trưởng Phòng Quản lý dự án 6 (thuộc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh), phấn khởi: “Tiến độ thi công đang nằm trong tầm kiểm soát. Theo dự kiến, đến tháng 10 này sẽ thông xe tới trung tâm huyện Ngọc Hiển và cuối năm 2015 thông xe toàn tuyến về Đất Mũi; đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Theo ông Thông, cái khó nhất khi làm đường ở đây là xa nguồn cung cấp vật liệu xây dựng. Thêm nữa, nhiều tuyến kênh nhỏ và cạn, nên sà lan chở vật liệu xây dựng không thể vào được. Trước thực tế đó các nhà thầu phải tự bỏ chi phí nạo vét sông, rạch. Ngoài ra, do đặc thù vùng đất này người dân chủ yếu nuôi trồng thủy sản nên lúc vào con nước xổ vuông tôm (giữa và cuối tháng) thì các nhà thầu không thể san lấp, bơm cát thi công được vì sợ ảnh hưởng tôm của bà con; thế là phải chờ qua con nước. “Dù điều kiện thi công khó khăn nhưng các nhà thầu, kỹ sư và công nhân ý thức được tầm quan trọng của con đường này, nên anh em quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ; để trong tương lai gần đường về Đất Mũi sẽ không còn xa nữa”, ông Thông chia sẻ.

 Đất Mũi sẽ chuyển mình

Là người sống và lớn lên nơi cực Nam Tổ quốc, khi được hỏi tương lai của xã sẽ như thế nào khi tuyến đường Hồ Chí Minh hoàn thành, ông Trương Văn Sệ, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, mừng ra mặt: “Con đường này là ước mơ của người dân nơi đây từ bao đời nay. Khi con đường hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương rất lớn, đặc biệt là du lịch. Bởi mỗi du khách trong và ngoài nước khi đến Cà Mau đều mong muốn về Đất Mũi để tận mắt nhìn thấy nơi tận cùng của Tổ quốc. Đây là cơ hội thuận lợi để xã Đất Mũi tăng tốc phát triển trong thời gian tới…”.

NGỌC CHÁNH

Tin cùng chuyên mục