Đông Thạnh ngày mới

Đông Thạnh ngày mới

Đông Thạnh là xã vùng sâu của thị xã Bình Minh tỉnh Vĩnh Long. Trước kia, những con đường liên xã, liên ấp, liên xóm vào mùa mưa việc đi lại vô cùng vất vả vì đường lầy lội, chiếc xe đạp còn đi không được đừng nói gì đến xe máy. Trẻ con đi học đò giang cách trở, việc học hành cũng hết sức gian nan... Vậy mà hôm nay, chỉ hơn 4 năm trở lại đây, Đông Thạnh đã hoàn toàn thay đổi khi trở thành một xã nông thôn mới.

Cánh đồng mẫu lớn

Chúng tôi về thăm Đông Thạnh vào một sáng nắng nhẹ, mây cao vời vợi, gió từ cánh đồng mẫu lớn thổi về mát rượi. Gặp lúc đang thu hoạch vụ mùa, những chiếc máy gặt liên hợp cứ như con thoi, ngược xuôi chạy liên tục, những bao lúa từ chiếc máy gặt liên hợp cứ liên tục tuôn xuống nằm trên gốc rạ vừa mới gặt còn thơm lừng mùi lúa chín, Đây đó trên cánh đồng, rộn ràng người khiêng, kẻ vác. Ngày thu hoạch vụ mùa vui quá, khung cảnh thu hoạch xưa nay hiếm thấy, chỉ trên cánh đồng mẫu lớn như thế này mới có thôi. Cánh đồng rộng gần 500ha, mênh mông đến ngút ngàn, từng đàn cò trắng chấp chới hạ cánh xuống những nơi vừa mới gặt xong tìm mồi.

Tôi lân la làm quen với một bác nông dân đang ngồi phì phà điếu thuốc trên con đường liên xã, ông không giấu niềm vui, đưa tay chỉ về nơi bà con đang thu hoạch, giọng hể hả: Đông Thạnh là xã thuần nông, nhưng từ nào giờ chưa liên kết với nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, bởi vậy chỉ tiêu thụ nhỏ lẻ, khiến đời sống kinh tế của nông dân không phát triển đồng bộ. Bây giờ sản xuất nông nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa quy mô. Thuận lợi là được nhà nước tiếp sức với bà con, từ giống lúa, phân bón đến thời điểm xuống giống... nhịp nhàng, đồng bộ.

Một góc đường liên xã.

Chúng tôi đi trên con đường liên xã đã được tôn cao, con đường dài gần 4km trải nhựa phẳng lì. Các con đường liên ấp, liên xóm có chiều dài gần 40km cũng được bê tông hóa, xe cộ chạy thông suốt bất kể trời mưa nắng. Nhà cửa hai bên đường khang trang, sạch đẹp. Nhà nào cũng có hố rác gia đình với khẩu hiệu “Sáng-xanh-sạch-đẹp”. Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, đã làm thay đổi rõ diện mạo của một xã nông thôn mới. Để Đông Thạnh có được ngày hôm nay, phải nói trước tiên là tình yêu quê hương xứ sở và sự quyết tâm xây dựng nông thôn mới của người dân nơi đây. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, để hoàn thành 19 tiêu chí theo quy định xây dựng nông thôn mới, bà con đã tình nguyện đóng góp kinh phí 53 tỷ đồng. Một con số thật đáng trân trọng. Chỉ tính con đê bao chống lũ toàn xã dài ngót 34km, đảm bảo và đáp ứng nhu cầu dân sinh và sản xuất, là cả một công trình của ý Đảng lòng dân, biết bao công sức nhọc nhằn, thấm đẫm mồ hôi cùa bà con mới có được. Con đê này Nhà nước đầu tư 21,85 tỷ đồng, bà con đóng góp thêm 21,53 tỷ đồng.

Internet đến ấp

Nắng đã lên cao, tiếng trống trường tan học vang lên trong gió. Trên những con đường làng, hàng hàng lớp lớp màu áo trắng học trò tung bay rợp đường. Những chủ nhân mới của quê hương đất nước. Toàn xã Đông Thạnh có 3 trường học vừa được xây mới, trường mầm non, trường tiểu học và trường trung học cơ sở. Đặc biệt, cả 3 trường đều đạt chuẩn quốc gia. Qua trao đổi với phụ huynh, ai cũng tỏ ý yên tâm với chất lượng giảng dạy của quý thầy cô. Với tinh thần dạy tốt học tốt, các thầy cô giáo đã lên lớp bằng cả tinh thần của người thầy, gương mẫu và nhiệt tình, làm tấm gương sáng để học sinh noi theo. Qua đó, chất lượng đào tạo không còn sự cách biệt giữa thành thị với nông thôn. Thể hiện ở kết quả dạy và học là xã Đông Thạnh đã đạt phổ cập trung học cơ sở. Hầu hết học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đều học tiếp lên cấp 3. Những năm trước, lực lượng lao động lúc nông nhàn rất dư thừa, trong khi tỉnh Vĩnh Long có nhiều khu công nghiệp, nhưng lao động tại địa phương vẫn không đủ điều kiện vào làm việc, vì không đảm bảo được tay nghề theo yêu cầu. Nay tại xã Đông Thạnh, số lao động đã qua đào tạo đạt 65%. Hơn thế nữa, hầu hết học sinh và nhiều phụ huynh biết sử dụng internet, bởi xã đã có trạm bưu điện phục vụ bưu chính viễn thông đạt chuẩn theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, truy cập internet đến tận ấp.

Trời trưa nắng gắt, chúng tôi vào một quán nước giải lao, đây cũng là một điểm dịch vụ internet công cộng. Tôi nghĩ với đà phát triển của một xã nông thôn mới như Đông Thạnh hiện nay, có lẽ kinh doanh internet chắc hiệu quả lắm, nào ngờ nghe tôi hỏi chuyện kinh doanh, bà chủ tiệm lắc đầu, thở dài: “Lúc mới mở cũng làm ăn được, nhưng càng về sau thì ế lắm. Vì mạng đã phủ sóng đến tận ấp nên nhà nào cũng sắm máy vi tính, người ta ở nhà tha hồ truy cập, ai thèm đến internet công cộng”.

Chợ nông thôn mới

Cư dân xã Đông Thạnh sống tập trung ở hai bên bờ sông Giáo Mẹo, dòng sông tiêu biểu của Đông Thạnh. Dù hệ thống giao thông đã thông thoáng khá hoàn chỉnh, đường trải nhựa, cầu đúc bê tông nhưng phương tiện đi lại và vận chuyển bằng xuồng ghe trên sông vẫn còn rất phổ biến và không thể thiếu ở Đông Thạnh. Những chiếc ghe tam bản chở trái cây, lúa, gạo… hàng ngày vẫn ngược xuôi trên sông Giáo Mẹo, đây cũng là những hình ảnh đặc trưng của bà con vùng sông nước miền Tây. Do vậy, những ngôi chợ nông thôn vùng sông nước bao giờ cũng được xây dựng bên sông, giúp bà con thuận lợi đi lại bằng xuồng, ghe trong việc vận chuyển hàng hóa nông sản ra chợ bán buôn. Chợ xã Đông Thạnh được xây dựng bên bờ sông Giáo Mẹo nên cũng mang tên chợ Giáo Mẹo. Hình ảnh nông thôn mới của Đông Thạnh cũng được thể hiện rõ nét nhất ở ngôi chợ này. Trước tiên là hình ảnh trên bến dưới thuyền, sầm uất, người mua kẻ bán rất đông, hàng hóa không thiếu thứ gì. Chợ có nhà lồng được xây dựng kiên cố, khang trang, bày trí ngăn nắp, gọn gàng; các mặt hàng được niêm yết giá cả rõ ràng, có cân đong, đo chuẩn. Điều đáng chú ý là chợ nông thôn nhưng có nhà vệ sinh công cộng hẳn hoi, có hệ thống cấp thoát nước, bảng hướng dẫn gởi, đậu xe đúng quy định.

Càng đi sâu vào chợ, chúng tôi càng thêm tâm đắc và thích thú vì tại đây, trong giao tiếp mua bán, chúng tôi không nghe chuyện trả giá, kỳ kèo bớt một thêm hai. Đạc biệt, chợ rất vệ sinh, sạch sẽ, có thùng rác, có người dọn dẹp quét rác. Một bà đi chợ xởi lởi: “Khi đến chợ, chúng tôi đã có thói quen không xả rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh chung là trách nhiệm của mỗi người đến chợ. Yên tâm và tin tưởng chất lượng hàng hóa khi được bày bán trong chợ. Nếu mua nhầm hàng không đảm bảo chất lượng, chúng tôi yêu cầu ban quản lý chợ xử lý người bán”.

Bí thư Đảng ủy xã Đông Thạnh Nguyễn Thanh Cần cho biết: “Đi chợ Giáo Mẹo sẽ không còn khái niệm “bề bộn như cái chợ” hay “nói thách như ngoài chợ”. Chợ nông thôn mới Đông Thạnh đã xây dựng cho người dân nông thôn ý thức giữ gìn vệ sinh chung là vậy. Cái đẹp, nét văn hóa chợ, từ người bán đến người mua, không cần khẩu hiệu, không cần hình thức phạt vạ. Chỉ có sự tự giác, tự nguyện, ý thức trách nhiệm của cá nhân với tập thể”.

Nguyễn Tường Lộc

Tin cùng chuyên mục