Giữ rừng bằng “gia phả”

Trong khi các cánh rừng ở nhiều địa phương trên cả nước bị tàn phá nghiêm trọng thì tại huyện vùng cao Quảng Trị, những khu rừng già trăm tuổi vẫn đứng vững với thời gian. Ở đây, bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có cách giữ rừng độc đáo, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác chỉ bằng những quy ước, chuẩn mực trong đời sống buôn làng.
Giữ rừng bằng “gia phả”

Trong khi các cánh rừng ở nhiều địa phương trên cả nước bị tàn phá nghiêm trọng thì tại huyện vùng cao Quảng Trị, những khu rừng già trăm tuổi vẫn đứng vững với thời gian. Ở đây, bà con đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô có cách giữ rừng độc đáo, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác chỉ bằng những quy ước, chuẩn mực trong đời sống buôn làng.

Rừng cây là cha mẹ…

Theo lời kể của già làng Hồ Ta Ngư (ở bản Ruộng, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), từ hàng trăm năm trước, khi mới khai sinh ra bản Ruộng, để tránh các loài thú lớn ăn thịt hay bị rắn rết độc hại cắn, tổ tiên thường phải tìm những chạng cây lớn rào quanh bản. Chính vì vậy, những cây rừng có tán cao to được người dân rất quý trọng. Trải qua biến thiêng của lịch sử, bản Ruộng bị chiến tranh tàn phá dữ dội, nhiều gia đình phải bỏ bản chạy vào rừng già trốn giặc. Cũng nhờ những tán rừng già rậm rạp che chắn mà bà con mới sống sót qua những cuộc truy lùng gắt gao của lính Pháp và Mỹ, góp sức cùng bộ đội kháng chiến cứu nước.

Sau ngày đất nước thống nhất, những người con Vân Kiều, Pa Cô quay trở lại trùng tu, sửa sang buôn làng để tiếp tục nuôi dạy con cháu, canh giữ những mảnh rừng của tổ tiên. Đồng bào dân tộc trên này quan niệm rằng, rừng cây cũng như… cha mẹ của họ. Bởi đơn giản như già làng Hồ Ta Ngư lý giải một cách dí dỏm: “Cha, mẹ chúng tôi trước kia sống dựa vào rừng cây để tránh thú dữ, tránh giặc truy lùng. Khi họ mất đi, thân xác chôn ngay dưới những gốc cây cổ thụ. Vì vậy, đốn hạ những cây này chẳng khác nào đốn vào thân xác của cha mẹ, ông bà mình”.

Nói đến đó, già làng Hồ Ta Ngư chỉ tay sang khu rừng rậm cuồn cuộn sương phủ, miệng nhấp ly rượu mới ra lò, rồi nói mãn nguyện: “Những quy ước giữ rừng bằng miệng, thực tế cũng như luật ngầm hay “gia phả” của bản Ruộng vậy. Nghĩa là để giữ được rừng cây của tổ tiên để lại, trước hết phải có sự đồng lòng của tất cả người dân bản Ruộng. Họ có nghe theo, làm theo thì mới bảo vệ được, chứ họ nghe không lọt bụng thì có trời mới giữ được. Với lại, cũng nhờ tập tục chôn người chết ở trong đó nên chẳng ai dám đụng tới, vì sợ mang tội với Giàng, với tổ tiên. Từ đó, ở bản Ruộng chia ra làm 3 loại rừng, đó là rừng miếu (rừng thờ thần, thành hoàng làng); rừng ma (thờ tổ tiên, cha mẹ) và rừng tư nhân (rừng do từng hộ gia đình canh giữ)”.

Trong khu rừng miếu ở bản Ruộng có nhiều cây gỗ quý

Lời thề không phá rừng

Bản Ruộng ngày nay được bao bọc bởi màu xanh ngút ngàn của đại ngàn. Với trên 100ha rừng nguyên sinh quanh năm ngăn lũ, cung cấp đầy đủ nước tưới tiêu cũng như việc làm lúa nước của người dân trong bản. Dân bản nơi đây, mỗi năm lập ra một tổ gồm những trai tráng khỏe mạnh để làm công tác bảo vệ rừng.

Theo chân Trưởng thôn Hồ Văn Đù (27 tuổi) vào khu rừng miếu ở bản Ruộng, được mệnh danh là nơi linh thiêng nhất. Hồ Văn Đù vừa đi vừa giải thích từng góc rừng, con suối, cội cây lớn… như phải là khách quý của bản Ruộng mới được đặt chân vào khu rừng này, vì ngay cả dân trong vùng cũng phải hạn chế ra vào. Rừng miếu là nơi mỗi khi có việc quan trọng như Tết trồng cây, Tết lúa mới, cúng thần rừng… mới được vào. Theo quan sát của chúng tôi, trong khu rừng miếu, ở điểm đầu nguồn nước có vài ba nhà mồ được kết lại bằng tre, nứa tinh xảo và kỳ lạ. Càng vào sâu, hệ sinh thái càng rậm và phân thành nhiều tầng. Khu rừng rộng trên 4ha dày đặc các loại gỗ quý hàng trăm năm tuổi như lim, dổi, sao, trường, lội… Ngay trên lối đi, tôi thật ấn tượng với cây lim có đường kính đến 4 người ôm không xuể. Anh Đù nói: “Ở đây còn nhiều cây như thế này lắm. Vào càng sâu, cây càng to”.

Vừa đi, Trưởng thôn Hồ Văn Đù vừa giải thích: “Theo quy ước của làng, nếu phát hiện ai cố tình vào rừng chặt cây thì sẽ phạt theo lệ làng. Mỗi lần phá cây gỗ lớn bị phạt 5 mâm cỗ, mỗi mâm trị giá thấp nhất 500.000 đồng. Năm mâm cổ này được chia ra làm nhiều nơi để cúng. Một mâm cúng rừng miếu, một mâm cúng rừng ma và một mâm cúng vùng rừng đã bị xâm phạm. Hai mâm còn lại tạ lỗi với tổ tiên và bản làng. Mỗi năm, nếu hộ gia đình nào muốn xin gỗ để dựng nhà ở thì chỉ được lấy gỗ ở khu rừng tư nhân. Trước khi vào chặt phải làm đơn gửi lên Hạt kiểm lâm và chính quyền xã, nếu được phép thì mới vào đó lấy gỗ dưới sự giám sát của đội bảo vệ do bản làng tin tưởng lập ra”.

Quy ước đó đã được lập ra từ thuở lập làng nên ai phạm vào là cứ theo lệ làng mà phạt. Mức phạt tăng dần: Chặt một cây gỗ nhỏ phạt 1 con heo; gỗ lớn phạt 2 con heo; gỗ lớn hơn nữa thì phạt trâu, bò hoặc theo quy ước 5 mâm cỗ. Nói ra vậy để biết được quy ước bằng “miệng” cổ xưa này của người Pa Cô, Vân Kiều nơi đây vẫn nguyên vẹn. Nó kết thành một lời thề lưu truyền muôn thuở. Người bản Ruộng gọi đó là “Ta pưng ta lô xa rưng” - nghĩa là lời thề không phá rừng.

“Chết đi cũng mong được giữ rừng”

Rời bản Ruộng, chúng tôi tiếp tục ngược lên thượng nguồn dòng sông Rào Quán tìm đến thôn Mới và thôn Làng Hồ ở xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Trên con đường dẫn vào 2 thôn, những cánh rừng gối nhau trải dài, quyện màu xanh ngút tầm mắt. Gặp chúng tôi, anh Hồ Văn Vương, Trưởng thôn Mới, hồ hởi báo tin anh cùng các thành viên trong Tổ Quản lý và bảo vệ rừng thôn Mới vừa hoàn thành chuyến tuần tra rừng kéo dài cả tuần lễ và mới trở về nhà chiều hôm qua. Những chuyến đi rừng như vậy sẽ giúp các anh yên tâm bội phần.

Để giữ được vùng rừng nguyên sinh với trên 900ha như ngày nay, cả hai thôn Mới và Làng Hồ không còn áp dụng hình phạt như bản Ruộng, thay vào đó là khi phát hiện các hành vi xâm phạm rừng, người dân sẽ báo lên chính quyền xã Hướng Sơn và cán bộ kiểm lâm địa bàn để có biện pháp điều tra, xử lý. Ngày nay, chính quyền và Hạt kiểm lâm huyện Hướng Hóa đã giao rừng cho cộng đồng dân cư thôn Mới và thôn Làng Hồ quản lý, bảo vệ, đồng thời hưởng lợi từ đó. Mỗi năm, tùy theo lượng nước đổ về hồ thủy điện Rào Quán, 1ha rừng đầu nguồn sẽ được trả phí bảo vệ từ 400.000 - 500.000 đồng.

Trưởng thôn Mới, anh Hồ Văn Vương cho biết thêm: “Ngày nay, để giữ được rừng, cả thôn Mới và thôn Làng Hồ cử ra 2 nhóm tuần tra và bảo vệ rừng. Với trên 30 người, mỗi tháng tổ bảo vệ đi tuần 2 - 3 lần. Mỗi chuyến đi kéo dài 1 tuần. Hai nhóm này tập họp những trai tráng khỏe mạnh, có nhiệt huyết và yêu rừng trong mỗi bản. Bên cạnh đó cũng trích một khoản trợ cấp trong quỹ bảo vệ rừng của 2 bản để trả công cho họ theo từng quý…”.

Tiết trời nơi thượng ngàn phía Tây tỉnh Quảng Trị đang vào độ cuối thu, nhưng những khu rừng của người miền cao nơi đây vẫn xanh thẳm một màu ngút mắt. Già làng Hồ Văn Ngôn ra phía sau căn nhà sàn của mình, đưa mắt sang bên góc rừng xa, rồi thở dài: “Nay tuổi cao rồi, không thăm rừng thường xuyên được. Cũng nhớ rừng lắm! Già này chết đi, chỉ mong con cháu chôn vào rừng cho cây cối xanh tốt thôi. Sống ở rừng, giữ lấy rừng, chết đi cũng mong tiếp tục được giữ rừng”.

NGỌC OAI

Tin cùng chuyên mục