Hành trình hy vọng

Những ngày đầu năm, người dân ở các nước châu Á thường hành hương đi lễ chùa cầu an, hướng thiện và mong muốn những điều tốt đẹp cho tương lai. Đó là hành trình hy vọng. Theo chân một nhóm hành hương về nơi đất Phật: Ấn Độ - Nepal, chúng tôi đã có những khám phá, trải nghiệm thú vị về cuộc sống, văn hóa ở những vùng đất mới lạ này.
Hành trình hy vọng

Những ngày đầu năm, người dân ở các nước châu Á thường hành hương đi lễ chùa cầu an, hướng thiện và mong muốn những điều tốt đẹp cho tương lai. Đó là hành trình hy vọng. Theo chân một nhóm hành hương về nơi đất Phật: Ấn Độ - Nepal, chúng tôi đã có những khám phá, trải nghiệm thú vị về cuộc sống, văn hóa ở những vùng đất mới lạ này.

Về nơi đất Phật

Từ sân bay Tân Sơn Nhất sau vài giờ quá cảnh ở Bangkok, chúng tôi đến sân bay Gaya (Ấn Độ). Sân bay rất nhỏ nhưng tấp nập du khách Nhật, Hàn, Thái Lan… Ra đón chúng tôi là Nagsen - khoảng 30 tuổi, điển trai như diễn viên điện ảnh, hướng dẫn viên của một công ty du lịch Ấn Độ là đối tác với Việt Nam. Tốt nghiệp ngành du lịch, am hiểu Phật giáo, từng đến và yêu mến Việt Nam cùng với sự tận tâm và chân thành, Nagsen đã đem đến cho chúng tôi những trải nghiệm thú vị và ấm áp về đất nước và con người Ấn Độ.

Trên đỉnh núi Linh Thứu

Từ sân bay Gaya về tới khách sạn ở thị trấn Rajgir khoảng 70km nhưng chúng tôi phải đi hơn 3 giờ vì đường đất nhỏ, bụi mù, lâu lâu lại phải dừng vì kẹt xe và kẹt… bò. Người Ấn Độ coi bò như người thân nên lúc thì cả đoàn xe phải dừng cho một đàn bò băng qua đường, nhiều khi lại kiên nhẫn tránh những chú bò thảnh thơi nghỉ ngơi ngay giữa phố. Bù lại, trên đường đi chúng tôi được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa cải tuyệt đẹp, vàng rực dưới nắng chiều. Ở đây, nông dân trồng hoa cải để ép lấy dầu. 

Chiếc xe 12 chỗ đưa chúng tôi đi được sản xuất nội địa đã cũ, không đủ chỗ nên hành lý phải cột cả trên nóc xe. Có thể thấy, hầu hết các phương tiện giao thông ở Ấn Độ đều được sản xuất trong nước, từ xe 12 chỗ, xe buýt, xe hơi nhỏ có giá chỉ vài ngàn USD, rồi  xe “tuk tuk” cho tới xe máy và xe đạp. Dấu ấn của hàng hóa nội địa trong đời sống thể hiện rất rõ nét trong tất cả mọi vùng đất ở Ấn Độ mà chúng tôi đi qua.

 Khác với những hình dung ở nhà, khách sạn ở đây khá tốt, có máy lạnh, nước nóng, wifi… phục vụ khách du lịch nước ngoài. Ấn Độ có nhiều di tích, có 7 đền tháp được UNESCO công nhận là di sản văn hóa, mỗi năm đón hàng triệu du khách nhưng du lịch hành hương vẫn là chủ đạo. Vì thế khách sạn ở đây hoạt động theo chuỗi liên kết phục vụ khách hành hương ở các vùng. Dịch vụ khách sạn chuyên nghiệp và thân thiện. Chúng tôi tới khách sạn nào cũng được “welcome” bằng một vòng hoa tươi choàng cổ, khăn choàng kiểu Ấn Độ và một ly nước mát lạnh. Khí hậu ở đây rất khắc nghiệt nên du khách chỉ đến trong 6 tháng mùa đông, còn mùa hè thì nóng không chịu nổi. Đồ ăn ở khách sạn chủ yếu là thực phẩm chay với các món ăn tự chọn, chế biến đủ kiểu từ rau củ quả và đậu các loại. Người nào không ăn chay sẽ có thêm các món ăn chủ yếu từ thịt gà và cá. Tuyệt nhiên không có rượu, bia. 

Hành hương không thể thiếu chuyện cúng dường nên việc đầu tiên là chúng tôi phải đổi tiền. Ở đây, 100USD đổi được 6.400 rupi Ấn Độ, nhưng nếu đổi tiền lẻ để phát tâm thì 100USD chỉ đổi được 5.000 rupi. Với 20USD chúng tôi mua được một sim 3G của Ấn Độ, xài thoải mái cho cả chuyến đi. Sáng hôm sau, cả đoàn khởi hành từ 5 giờ sáng để leo núi Linh Thứu. Trong sương sớm, trời còn rất lạnh, nhưng dọc con đường lên núi dài khoảng 1km đã có rất nhiều người hành khất quấn chặt mình trong chăn, im lặng chờ du khách phát tâm. Theo tài liệu, con đường này được hình thành khoảng 1.500 năm trước. Dọc đường lên núi vẫn còn những hang đá được ghi lại là nơi động thiền định của các thiền sư từ xa xưa. Núi rừng ở đây vẫn giữ được vẻ hoang sơ, một vài chú khỉ rừng dạn dĩ còn nhảy ra giữa đường xin ăn. Đang là tháng Giêng nên du khách từ khắp thế giới đổ về đây, đông nhất vẫn là người Nhật. Vào năm 1969, người Nhật đã bỏ tiền xây tháp Bảo Sơn ở bên kia đỉnh núi có tên là tháp Hòa Bình thế giới với bốn tượng Phật nhìn ra bốn phía.

Sau gần một giờ đồng hồ, chúng tôi mới leo tới đỉnh núi. Đỉnh Linh Thứu là một khoảng sân nhỏ bằng đá hình vuông, chỉ chứa được khoảng 10-15 người. Theo Phật pháp, cách đây 25 thế kỷ, Đức Phật đã giảng những bài kinh quan trọng ngay trên đỉnh này. Đã đến được đây, ai cũng có cảm giác như đang đứng ở đỉnh trời, giữa đồi núi chập chùng, mênh mông, tất cả mọi người cùng tĩnh tâm, hít một hơi dài không khí trong trẻo của thiên nhiên, nạp cho mình nguồn năng lượng mới để bước tiếp trong cuộc hành trình.

Theo chương trình, từ thị trấn Rajgir chúng tôi đi tiếp khoảng 50km để đến Bodhgaya - một địa danh nổi tiếng của Phật giáo - nơi Đức Phật thiền định dưới cây bồ đề và đắc đạo. Tháp đại Bồ Đề cao 55m được xây dựng khoảng thế kỷ 1-2 sau công nguyên, đã qua nhiều lần bị phá hủy và tôn tạo. Nagsen chỉ cho chúng tôi xem phần đỉnh tháp cao khoảng hơn 10m mới được người Thái Lan tôn tạo và thếp bằng vàng thật. Bên trong tháp có tượng Phật thếp vàng ngồi thanh tịnh. Trung bình mỗi ngày Bodhgaya đón tiếp vài ngàn người nhưng rất nề nếp và trật tự. Khi chúng tôi đến, dù đã 4 giờ chiều nhưng khách vẫn xếp hàng dài hàng trăm mét. Việc tham quan bảo tháp có những quy định khá nghiêm ngặt: không được mang theo điện thoại di động, không mang giày dép, không nói chuyện ồn ào, chỉ được mang theo máy chụp hình và phải đóng phí; du khách phải qua hai cửa kiểm tra an ninh và trong sảnh đường lễ Phật không hề có một chút khói nhang…
 
Bình minh trên sông Hằng

Trước ngày đi Sarnath thăm Vườn lộc uyển, chúng tôi đến sông Hằng. Để kịp đón bình minh trên sông, mọi người phải lên đường từ 5 giờ sáng. Nằm trên bờ sông Hằng, thành phố cổ Varanasi vẫn giữ nguyên dáng vẻ như trong những câu chuyện cổ. Trong màn sương mờ, chúng tôi đi bộ len lỏi qua những con đường nhỏ ẩm ướt, qua những mái hiên la liệt người hành khất nằm ngủ ngay bên cạnh những chú bò. Bến sông trong buổi sớm dường như chưa bao giờ ngủ, vẫn tấp nập cảnh trên bến dưới thuyền khiến mọi người có cảm giác như đang xem những thước phim tư liệu từ hàng trăm năm trước: bên bờ sông, mấy người già đang cởi trần trầm mình trong làn nước giá lạnh; cách đó không xa, các bà, các cô đang cạo tóc cho một cậu bé để làm lễ đầy năm, gần đó một vị pháp sư trong trang phục Ấn Độ truyền thống ngồi thiền… Đã hẹn từ trước, một chiếc thuyền tách bến ra đón chúng tôi. Theo phong tục, chúng tôi mua những chiếc đĩa hoa nhỏ để thắp nến thả trên sông và một xô cá để phóng sinh. Giữa sông nước mênh mông, con thuyền xuôi dòng đi qua những ngôi nhà cổ, phía cuối con đường là lò thiêu xác bập bùng ánh lửa. Ngồi trên con thuyền lững lờ trôi, chúng tôi nghe Nagsen kể chuyện về dòng sông mà có cảm giác như mình đang đi trong huyền thoại. Thời gian như đang ngừng lại. 

Bình minh trên sông Hằng.

Mặt trời dần ló dạng trên sông trải ánh sáng vàng lấp lánh làm bừng sáng một ngày mới của thành phố cổ. Bên bờ, cô phục vụ khách sạn đem những tấm drap giường ra sông giặt giũ, khách sạn mini trên bến sông có giá khoảng 100USD/đêm. Một người đàn ông ôm một bầy rắn năn nỉ chúng tôi chụp hình với giá 100 rupi. Trước một cửa hàng, một nồi cari có đường kính rộng cả mét đang sôi bốc khói. Ở gần khu vệ sinh công cộng, hai người phụ nữ bán những cành cây xanh tươi. Một người đàn ông Ấn Độ mua cọng cây nhỏ, đập giập đầu rồi dùng nó như một bàn chải đánh răng. Nagsen bảo với chúng tôi đó là cây Neem -  có vị đắng và rất thơm - một loại thảo dược của Ấn Độ rất tốt cho sức khỏe, được chiết xuất để sản xuất các loại mỹ phẩm, dầu tắm khá nổi tiếng của Ấn Độ… Có cảm giác như cơn lốc tiêu dùng của thời đại chưa hề chạm được đến nơi đây. 6 giờ sáng, bóng dáng của cuộc sống hiện đại mới bắt đầu hiện diện khi trên phố cổ xuất hiện hàng chục chiếc xe buýt màu vàng của các trường đưa đón trẻ em đến trường. Ở đây, các bậc phụ huynh không bị nỗi ám ảnh phải đưa đón con đi học hàng ngày. 

Trên đường về, Nagsen đưa chúng tôi đến thăm một xưởng dệt Cashmina. Nằm trong một con đường nhỏ, xưởng còn có phòng trưng bày và bán sản phẩm. Bên những chiếc máy dệt thủ công, người nghệ nhân già đang cần mẫn dệt từng sợi vải. Ông chủ xưởng dệt kể với tôi rằng, người nghệ nhân già dệt nên mẫu hoa văn có hàng trăm họa tiết rực rỡ ấy với những mẫu thiết kế ở trong đầu mà không có máy móc nào thay thế được. Nếu nghệ nhân ấy mất đi, ông sẽ mang theo bao mẫu hoa văn truyền thống độc đáo của Ấn Độ mà chưa có người nào học hỏi và kế thừa được.

… Một hành trình hàng ngàn kilômét, nhiều trải nghiệm và không ít cảm xúc nhưng những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của chúng tôi với đất nước và con người Ấn Độ là buổi trà chiều tại gia đình của Nagsen. Nằm trên một con đường nhỏ, ngôi nhà của Nagsen đã cũ mang không khí đầm ấm của một gia đình Ấn Độ điển hình. Ở Ấn Độ, có 80% người theo đạo Hindu và gia đình Nagsen nằm trong số 20% theo đạo Phật. Gia đình cậu có 5 anh em và cả ba thế hệ sống chung hòa thuận với nhau. Cha của Nagsen năm nay 74 tuổi, khoe với chúng tôi bức ảnh Bác Hồ ở phòng khách mà ông được một người bạn Việt Nam tặng. Bà mẹ chỉ cười và đãi chúng tôi món trà sữa ngon tuyệt do chính tay bà nấu. Trước khi chia tay, chúng tôi còn được tặng mỗi người một bức tượng Phật nhỏ làm bằng đất nung của chính vùng quê này. Khi chia tay, những người anh em của Nagsen nắm chặt tay chúng tôi: “Chúng ta là anh em”…

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục