Trên triền núi Hymalaya

Trên triền núi Hymalaya

Từ Kushinagar trên con đường gập ghềnh phải mất 8 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tới biên giới Ấn Độ - Nepal. Ranh giới giữa hai nước khá sơ sài, chỉ được phân định bằng một tấm biển “Welcome Nepal!”. Nagsen bảo chúng tôi chờ ngoài xe và sau gần một giờ đồng hồ thì visa của cả đoàn hoàn tất. Từ đây, chúng tôi sẽ tự túc tiếp tục hành trình…

Hồi sinh một vùng đất

Từ cửa khẩu Sonauli, xe chúng tôi chạy thêm khoảng 20km thì tới Lumbini. Hơn 20 năm trước, nơi đây là vùng đầm lầy, rừng khô, cỏ cháy. Vậy mà giờ đây, vùng đất này là nơi không ít người mong muốn một lần được đặt chân tới. Với dự án Trung tâm Phật giáo quốc tế, nơi đây đã thực sự hồi sinh, tràn đầy sức sống, thu hút du khách của cả thế giới.

Thế nhưng, ít ai biết rằng, người đem lại sức sống mới cho vùng đất này, có công khởi xướng xây dựng ngôi chùa ngoại quốc đầu tiên tại đây cũng như ý tưởng hình thành một trung tâm Phật giáo quốc tế ngày nay lại do một người Việt Nam, Thầy Huyền Diệu. Trong cuốn sách Khi hồng hạc bay về… và những điều mầu nhiệm  (NXB Văn Nghệ TPHCM - 2008), thầy Huyền Diệu đã chia sẻ rằng, năm 1969 lần đầu tiên đặt chân đến Lumbini - nơi Đức Phật đản sinh, ở đây đang hoang phế, điêu tàn và ông đã có ước nguyện được xây một ngôi chùa Việt Nam ở đây. Sau hơn 10 năm âm thầm cùng các bạn hữu vận động, năm 1993, thầy là người ngoại quốc đầu tiên được Chính phủ Vương quốc Nepal chính thức cấp 2ha đất rừng khô hạn để xây dựng Việt Nam Phật Quốc tự - ngôi chùa của Việt Nam và cũng là ngôi chùa đầu tiên tại  Lumbini. Từ những khởi đầu đầy gian nan ấy, gần 20 năm sau, hơn 20 quốc gia, trong đó có Nhật Bản, Myamar, Trung Quốc, Thái Lan, Trung Quốc… đã hưởng ứng và lần lượt xây chùa của nước mình, tạo thành một Liên hiệp quốc Phật giáo tại Lumbini.

Du khách Việt Nam đi lễ chùa đầu năm tại Việt Nam Phật Quốc tự ở Lumbini - Nepal

Giờ đây, khu rừng hoang phế năm xưa đã trở thành một vùng đất xinh đẹp, tràn đầy sức sống với con kênh đào dài hàng kilômét vừa đem nguồn nước mát cho cả vùng vừa phục vụ du khách dạo chơi trên kênh  bằng canô. Từ trục chính là con kênh đào, UNESCO đã đầu tư xây dựng hệ thống đường sá với những con đường thẳng tắp, rộng thênh thang, tỏa đều khắp tới các ngôi chùa rải rác trong vùng. Vùng đất tăm tối năm xưa nay đã có đủ điện, nước, đường dây liên lạc quốc tế và cả  internet…  Chương trình xây dựng những ngôi chùa của các nước đã tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người bản địa. Các dịch vụ xung quanh nơi này ngày càng phát triển tạo nên một vùng đất nhộn nhịp và trù phú. Việc phát triển mạnh mẽ của du lịch vùng Lumbini luôn gắn liền với việc bảo vệ môi trường. Ngày chúng tôi đến, ngay trước trung tâm có biển thông báo của Tổ chức cứu trợ động vật Lumbini, một đoàn bác sĩ thú y đến chăm sóc và chữa bệnh miễn phí cho tất cả muông thú trong 3 ngày.

Để có thể thăm hết các ngôi chùa ở đây phải mất cả tháng, nên chúng tôi ưu tiên đến một số ngôi chùa châu Á và đặc biệt là của Việt Nam. Khó có thể hình dung được năm xưa nơi đây là đầm hoang, cỏ cháy cùng rắn rít…Ngôi chùa Việt Nam có dáng vẻ rất riêng, mang đậm dấu ấn của làng quê Việt Nam. Qua một chiếc cầu nhỏ bắc ngang dòng kênh khi cánh cổng chùa mở ra, trước mắt chúng tôi là cả một khung cảnh quê hương với khu vườn đầy các kỳ hoa dị thảo của Việt Nam, những bụi tre, khóm trúc, đôi chim hồng hạc (giống như sếu đỏ ở Việt Nam) thong thả dạo chơi trong vườn. Đặc biệt, trên nóc chùa là biểu tượng bản đồ Việt Nam, ngay giữa sân chùa cũng có dáng hình đất nước Việt Nam được xây đắp hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên. Phiên bản chùa Một Cột cũng được xây dựng trên một hồ sen với những bậc cầu là những đài sen. Gặp đồng hương, các ni sư và những người giúp việc trong chùa trò chuyện tíu tít với chúng tôi. Ở một chốn rất xa xôi mà ai cũng có cảm giác như mình đang ở quê nhà.

Tháng Giêng, ở Lumbini như ngày hội, du khách và đông đảo tăng ni tụ hội về đây và các chùa cùng tổ chức lễ cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Một thế giới hòa bình, một cuộc sống ấm no hạnh phúc luôn là ước vọng của muôn người.

Tháng Giêng ở Kathmandu

Từ Lumbini muốn về thủ đô của Nepal là Kathmandu toàn đồi núi rất khó khăn nên du khách phải di chuyển bằng tuyến đường bay nội địa. Sân bay Bhairhawa nhỏ và vắng, phần lớn là khách du lịch. Sau khi làm thủ tục, một nhân viên sân bay nói với chúng tôi, máy bay chưa đến nên chuyến bay sẽ trễ, mọi người ngồi gần đây để khi máy bay tới anh ta sẽ ra gọi. Ở đây không có bảng điện thông tin, cũng chẳng có loa phóng thanh. Sau phần kiểm tra an ninh, chúng tôi đi bộ ra đường băng và được đưa lên một chiếc máy bay nhỏ, cũ kỹ, chạy bằng động cơ cánh quạt, chắc được sản xuất từ năm một ngàn chín trăm… lâu lắm. Trong hơn một giờ bay, tiếng cánh quạt cứ kêu cành cạch khiến hành khách có cảm giác như đang đi trên một chiếc xe tải. Sự căng thẳng giảm bớt khi chúng tôi được ngắm nhìn  thỏa thích dãy núi Hymalaya hùng vĩ ngay trong tầm mắt.

Quang cảnh khu phố cổ ở Kathmandu

Sau trận động đất hồi năm ngoái, đất nước Nepal lại phải đương đầu với khủng hoảng xăng dầu. Trên đường từ sân bay về trung tâm, chúng tôi thấy tại nhiều trạm xăng dầu, người dân kiên nhẫn xếp hàng dài hàng trăm mét. Người lái xe bảo với chúng tôi rằng, hiện nay mỗi người dân Nepal được mua theo tiêu chuẩn 1 lít xăng/tháng với giá 100 rupi (tương đương hơn 20.000 VND) còn lại phải mua theo giá chợ đen là 150 rupi/lít. Người có xe hơi thì được mua tiêu chuẩn 5 lít xăng/xe/tháng, chưa kể phải đem xe đi xếp hàng phải mất 4 - 5 ngày. Vì vậy, chi phí cho việc đi lại ở Nepal khá đắt đỏ. Ở khu trung tâm, chúng tôi không ít lần chứng kiến những chiếc xe buýt nêm chặt người chạy lặc lè giữa phố, ở cửa lên xuống còn có 5 - 7 cậu thanh niên đu theo. Chiếc xe 7 chỗ mà chúng tôi thuê để đi tham quan phải trả gần 100 USD/ngày. Điện nước ở Kathmandu cũng khan hiếm, một ngày bị mất điện 8 tiếng, ở các vùng ven vẫn còn cảnh người dân mang thùng đi xếp hàng hứng nước máy. Mùa đông, các vấn đề về lò sưởi càng trở nên nan giải.

Đường phố Kathmandu sau động đất giờ đây trông như một công trường xây dựng khổng lồ, đầy khói bụi với hàng trăm công trình đang phải sửa chữa, cái mới đan xen với cái cũ. Ở khu trung tâm, gần tượng đài của người phụ nữ Nepal đầu tiên chinh phục đỉnh Everest là khu lều trại của 700 gia đình bị mất nhà trong động đất đang chờ nhà nước bồi thường để ổn định chỗ ở. Họ đang sống tạm trong khó khăn với mức trợ cấp khoảng 8.000 rupi/tháng/hộ (chưa tới 2.000.000 VND). Bên cạnh việc tổ chức cho các du khách viếng thăm, ở các đền chùa đều có chương trình chữa bệnh, phát thuốc cho người nghèo.

Dù vậy, đất nước Nepal vẫn có một sức sống bền bỉ và sức hút mạnh mẽ  với du khách ở khắp thế giới. Đó là những bảo tháp linh thiêng cùng bao huyền thoại, là những tập tục văn hóa đặc sắc cùng những vùng đất chứa nhiều bí ẩn trên dãy núi Hymalaya và giới trẻ ở khắp thế giới đến đây nuôi ước mơ chinh phục đỉnh Everest. Khách sạn chúng tôi ở nằm ngay khu Boudhanath - nơi có bảo tháp nổi tiếng và cũng là khu phố cổ. Ngôi bảo tháp này bị sạt lở một phần trong trận động đất và đang được trùng tu nhưng lúc nào cũng đông đúc. Ở đây, du khách có thể trải nghiệm đời sống văn hóa xã hội của Nepal khá  rõ nét. Hàng loạt cửa hàng xung quanh bảo tháp đều giới thiệu những sản vật đặc trưng của vùng núi Hymalaya mà không nơi nào có được: văn hóa phẩm của Phật giáo, đồ lưu niệm bằng đồng, vòng đá, những chiếc túi da của người bản địa khâu bằng tay, khăn cashmina, muối đá hồng giàu khoáng chất... Nếu chịu khó dậy sớm, bạn còn có thể mua được những rau quả tươi như quýt hồng, nho xanh, táo rừng của người dân từ trên núi đem xuống hoặc trò chuyện với những người dân bản địa trong sắc phục rực rỡ ngồi bán những gói hạt cho chim bồ câu ăn. Ngày chủ nhật, ở đây biến thành quảng trường để đại diện các đảng diễn thuyết tranh cử. Vào ngày rằm tháng Giêng, nơi đây tràn ngập khách hành hương đi làm từ thiện, những ban nhạc dân tộc biểu diễn trên phố, vài chàng trẻ người phương Tây ngồi chơi đàn để kiếm thêm ít tiền cho chuyến du khảo, một nhóm bạn trẻ người Nepal ngược xuôi đem những ly sữa nóng trao tận tay những người hành khất đang ngồi trong gió lạnh... Vào buổi chiều, nơi đây lại sạch bong không còn một cọng rác, những người buôn bán ở đây nói “không” với bao nylon.

Ngày rằm tháng Giêng ở Kathmandu

Đến Kathmandu không thể không ghé thăm Nammo Buddha - một thánh tích cách trung tâm 40km, trên triền núi Hymalaya, ở độ cao 2.000m. Đường lên núi khoảng 10km, khá gập ghềnh nhưng lại là một cung đường thú vị cho dân leo núi và đi “phượt” trải nghiệm với người dân bản địa: lưu trú theo kiểu “home stay”, trò chuyện với cô gái chăn dê má đỏ hồng bên cánh đồng cỏ hoa vàng hoặc khám phá Hymalaya bằng máy bay trực thăng với giá 140 USD/giờ…

...Ấn Độ và Nepal là hai đất nước ai đã từng đến đều mong muốn được quay trở lại bởi nơi đây không chỉ quyến rũ với bản sắc văn hóa độc đáo, với vùng đất còn nhiều điều bí ẩn mà còn quyến luyến du khách bởi một cộng đồng có tâm lành, luôn hướng thiện và một lối sống lành mạnh mà nhiều quốc gia đang hướng tới. Trong suốt chuyến đi gần hai tuần chúng tôi không hề thấy cảnh các quán xá nhậu nhẹt và trong chuyến bay trở về, dừng chân ở sân bay Bangkok vào đúng ngày rằm tháng Giêng, tất cả các cửa hàng bán đồ ăn, thức uống ở đây đều đồng loạt để bảng: “Xin lỗi quý khách, hôm nay chúng tôi không phục vụ rượu bia”.

VIỆT HÀ

Tin cùng chuyên mục