Bài 1: Từ nông trường ra biên giới

LTS:
Bài 1: Từ nông trường ra biên giới

Chuyện ở biên giới Tây Nam

LTS: Từ cuối năm 1977, cùng với các lực lượng khác, Thanh niên xung phong (TNXP) TPHCM có mặt ở biên giới Tây Nam và nước bạn Campuchia bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế. Nhiều TNXP đã viết đơn tình nguyện, có cả những lá đơn được viết bằng máu, để xin gia nhập lực lượng, ra chiến trường. Gần 2 năm ở biên giới Tây Nam, những chàng trai, cô gái TNXP với sức trẻ của mình đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, cáng thương, tải đạn, tiếp lương, làm đường… Có biết bao những câu chuyện từ biên giới Tây Nam ngày ấy, được viết bằng máu và nước mắt. Trong loạt bài này, chúng tôi sẽ kể lại một phần câu chuyện về những TNXP nơi tuyến lửa, những người ra trận với tinh thần “đi đến bất cứ nơi nào Tổ quốc cần”.

Đang cùng anh em lao động ở nông trường Lê Minh Xuân, Tâm được anh Lê Đình Lộc, Liên đội trưởng, kêu lên văn phòng. Anh Lộc nói ngắn gọn: “Tâm ơi, về cho anh em chuẩn bị, 1 - 2 ngày nữa, mình lên biên giới”. Tâm nghe mừng muốn rớt nước mắt vì mấy ngày rồi, tin từ biên giới truyền về, có một số anh em từ nông trường ra biên giới, người bị thương, người mất. Anh em ai cũng sôi sục...

TNXP TPHCM tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới Tây Nam

Cười trong bão táp

Ngày ấy, Trang Thành Tâm mới 24 tuổi, nhưng đã thuộc nhóm anh em “già” nhất đơn vị. Nghe tin sắp ra trận, Tâm cũng rộn ràng trong lòng như anh em. Cuốc xẻng bấy lâu gắn bó với TNXP khi đắp đập, đào kênh, trồng thơm… nay được lau sạch sẽ, cất vào kho. Anh em í ới hỏi nhau tới tấp: “Mình về đơn vị nào?”, “sắp tới cầm súng hả Tâm?”, “anh Tâm, em về C mấy?”… Anh em ở đơn vị, rồi anh em từ nơi khác tập trung về nông trường chờ xe ra biên giới cũng sôi nổi hỏi nhau đủ chuyện. “Ra biên giới” là cụm từ nóng bỏng nhất thời điểm ấy. Rồi ngày ra trận cũng tới. Từng hàng xe đậu dài dọc cổng đơn vị. Các chàng trai, cô gái bước lên xe với tâm trạng như ngày 28-3-1976 ở thành phố, khi lực lượng được thành lập, sôi nổi, sẵn sàng bước tới. Đâu đó trên đường hành quân ra biên giới, những câu khẩu hiệu kẻ bằng hàng chữ màu đỏ trên tường của những đơn vị TNXP: “Tim còn đập, máu còn sôi, thanh niên ta còn cười trong bão táp”.

Đang công tác tại Liên đội 15, Tổng đội 7 với nhiệm vụ cải tạo công thương nghiệp, Trịnh Văn Sáu nhận được điện từ chị Võ Thị Bạch Tuyết, Tổng đội trưởng Tổng đội 7 TNXP: “Em cố gắng vận động anh em qua đó bổ sung lực lượng”. “Qua đó”, hai từ mà chị Tuyết nhắc tới ở đây chính là Campuchia. Lúc đó, nhiều anh em bày tỏ nguyện vọng được lên đường, nhưng cũng có người còn lo lắng. Nhiều TNXP là con em thành phố, sống trong sự bao bọc của gia đình cho đến ngày gia nhập lực lượng. Chưa từng cầm súng, chưa thấy người chết, không lo mới lạ. Suy đi nghĩ lại, Sáu vác ba lô lên đường đi tiền trạm trên đất bạn. Nhiều ngày ở vùng biên, Sáu thấy điểm mà các đơn vị TNXP đóng quân trải dài đến 20km, một địa bàn rộng lớn. Thăm dò tình hình anh em mình bên đó, Sáu thấy tư tưởng mọi người ổn định. Nghe đâu hồi đầu, cũng có mấy anh em sợ, bỏ về Việt Nam. Nhưng rồi được gia đình và đơn vị mình động viên, nhiều anh em lại quay về đơn vị. Sáu thấy ổn nên về thuyết phục đồng đội: “Tuổi trẻ sợ gì chiến tranh, đừng sợ hy sinh mà hãy sống cho trọn vẹn…”. Sáu nói với đồng đội như thế, anh tin, mọi người - những người trẻ TNXP đã từng cùng anh làm từng mét đường, trồng từng liếp thơm trong những năm tháng gian khổ nhất, sẽ tin và sát cánh cùng mình. Và 103 anh em của đơn vị đã cùng Sáu đặt những bước chân đầu tiên trên vùng biên Tây Nam của Tổ quốc.

TNXP TPHCM chống lầy để đảm bảo tuyến đường thông suốt cho bộ đội chiến đấu

Ngày không giờ, tuần không thứ

Ở Tây Nam ngày ấy, 25 tuổi đã được coi là “già” trong các đơn vị TNXP. Điểm đặc biệt là anh em TNXP hầu hết không biết gì về súng đạn, về tác chiến, bởi phần lớn đều “từ nông trường ra biên giới”. Chỉ một số anh em từng làm việc trong chế độ cũ, sau thời gian học tập cải tạo, xin gia nhập lực lượng, trở thành những người hướng dẫn tác chiến với cánh TNXP trẻ tuổi. 

Những ngày ở đất bạn là những ngày có cuộc sống hoàn toàn mới mẻ với những chàng trai, cô gái TNXP khi sinh hoạt không khác gì bộ đội; cũng thiếu thốn, cũng gian khổ, lại càng chịu nhiều nguy hiểm hơn do thiếu kinh nghiệm chiến đấu và thiếu vũ khí. Trang Thành Tâm nhớ hoài cảnh anh em TNXP còn chưa biết cách cột cái võng cho chắc lúc ở trong rừng, cứ rớt lên rớt xuống hoài. Rồi họ bắt đầu với cuộc sống mới, với những trận địa pháo mà quân Pol Pot giáng xuống hàng ngày, đối mặt với những “ngày không giờ, tuần không thứ”.

TNXP TPHCM làm nhiệm vụ cáng thương

Nguyễn Văn Nghĩa, đội viên Trung đội 1, Đại đội 2, Liên đội 303 cùng đồng đội đã có những “ngày không giờ, tuần không thứ” như thế. Đó là vào giai đoạn ác liệt từ tháng 7 đến tháng 10-1978, khi mà chỉ cần cầm chén cơm lên ăn cũng bị pháo kích, anh em phải rút vào hầm chữ A. Và khi trận pháo kích đi qua, họ trở lên điểm đóng quân mới thấy mình thật may mắn còn sống vì miểng đạn rải khắp nhà khét lẹt. Đó là những tháng mùa mưa ở Campuchia, khi chiến trường hồi ác liệt, anh em TNXP phải dầm mưa cả đêm để cáng thương và chuyển tử sĩ, đồng thời phải tăng cường kiểm soát tại các chốt để hỗ trợ chiến đấu khi cần.

Trong gian khổ và khó khăn ấy, cuộc sống của những TNXP nơi biên giới vẫn vui vẻ, vô tư như chính độ tuổi của các anh chị vậy. Những tiếng cười sau trận địa, những cô gái TNXP - “bông hoa trên tuyến lửa” - hay lực lượng văn công xung kích của đơn vị vẫn vui vẻ đùa giỡn dù vừa xong ca trực cáng thương, tải đạn, chuyển lương vất vả, hay phục vụ văn nghệ dưới những trận bom của địch. Trong sự thiếu thốn của lương thực, vật dụng, nước non và những nhu yếu phẩm cần thiết, cuộc sống dưới những lán rừng ở Campuchia vẫn tiếp diễn…

Những vết thương chưa khép miệng

 

* Ở Tây Nam những ngày ấy, không chỉ có trung đội TNXP gồm 24 anh chị hy sinh mà còn những sự mất mát khác. Với anh Trang Thành Tâm, đó là sự ra đi của một đồng đội, liệt sĩ Lê Tấn Phát. Ngoài việc phục vụ chiến đấu, TNXP còn trực chiến tại các chốt để hỗ trợ bộ đội khi cần. Trong một lần cùng đồng đội ứng cứu một sĩ quan quân đội bị Pol Pot tập kích, Phát dũng cảm giải vây và hy sinh ngay trên trận địa. Anh Tâm không thể quên được hình ảnh khi ấy của đồng đội, loạt đạn của địch ghim vào cơ thể Phát đúng theo chiều dọc của băng đạn mà anh đeo trên người.

 

4 giờ sáng ngày 22-7-1978, cả Trung đội 3, Đại đội 3, Liên đội 5 TNXP đang ngủ vùi sau một ngày mệt mỏi chống lầy, làm đường cho các đơn vị thiết giáp của ta hành quân trên đất bạn. Trong chiếc lán nhỏ trên đồng hoang là 26 TNXP, trong đó có 8 nữ với cuốc, xẻng, dao và vài cây súng. Họ trở nên quá đỗi nhỏ bé trước một tiểu đoàn Pol Pot trang bị tận răng ập vào bất ngờ. Một vài anh chị dậy sớm tập thể dục và làm nhiệm vụ cảnh giới. Những tiếng la hét vang vọng cánh đồng: “Chạy xuống hầm đi”. Tiếng súng chống trả của TNXP vang lên nhưng yếu dần. Hết đạn. Bọn địch lao vào bắn giết, đốt lán và lôi những TNXP còn sống ra. Các cô gái bị chúng xé nát quần áo, hãm hiếp và tra tấn. Trên đồng hoang, chúng lôi các anh chị ra xếp thành hàng, từng loạt đạn vang lên. Máu tươi chảy thành dòng...

Sáng hôm đó, tại ban chỉ huy liên đội, anh em vẫn chưa hay tin dữ. Bỗng từ bìa rừng, Nguyễn Văn Tuấn, đội viên Trung đội 3, may mắn thoát chết nhưng bị thương ở chân, tập tễnh chạy về, báo tin: “Bọn chúng bắn các đồng chí mình rồi!”. Anh em lặng người. Mới hôm qua còn siết chặt tay nhau, hôm nay anh em mình hy sinh hết rồi. Lê Văn Lộc, trợ lý chính trị liên đội, cùng anh em chạy đi theo quán tính mà không kịp cầm theo vũ khí. Gần tới địa điểm đóng quân của Trung đội 3, các anh thấy xác của quân Pol Pot nằm rải rác bên đồng. Hai giờ sau, anh em tới nơi. Bộ đội Sư đoàn 7 cũng đã tới, các anh lần lượt đưa thi thể của anh chị em TNXP ra, nằm dọc bờ kênh. 24 người, người nguyên vẹn, người không, nhưng trong mắt Lộc, ai cũng bình yên trong giấc ngủ dài. Giờ không phải là lúc khóc thương, phải thu xếp cho anh em mình. Lộc, Đáng và Đức là 3 đội viên TNXP được phân công ở lại lo nốt công đoạn còn lại cho anh em đã hy sinh cùng với anh em bộ đội. 1-2 giờ khuya hôm sau, hai chiếc xe chở 24 anh em về đến Bến Cầu, Tây Ninh. Tay Lộc run run mở từng túi đựng thi thể. Anh và đồng đội cẩn thận lau mặt, chải đầu cho anh chị em và thay cho mọi người bộ đồng phục mới tinh tươm trước khi khẩm liệm. Lộc nhận ra Em, một nữ đội viên TNXP mà anh từng dạy bổ túc văn hóa. Lộc nhớ, anh từng khẻ vào tay Em vì cô hay nói chuyện trong giờ học. Giờ Em nằm đây rồi, không còn đau đớn nữa nhưng sâu thẳm trong lòng Lộc, nỗi đau cứ nghẹn lại.

Ngoài anh Tuấn, chị Nguyễn Thị Lý cũng may mắn sống sót sau trận tàn sát và được đưa ngay về tuyến sau chữa bệnh. Gặp đồng đội tại điểm trung chuyển, chị Nguyễn Thị Huệ không tin được đó là đồng đội mình. Cả người Lý không môt chỗ lành lặn. Khắp nơi sưng húp bởi báng súng, roi và dấu chân dẫm đạp. Mặt tím bầm sưng húp, khi gặp bạn mình, Lý vẫn tỉnh táo: “Đau quá, tụi nó đánh đập rồi hãm hiếp, đau quá…”. Lý cứ liên tục nói với đồng đội không thôi, có lẽ cơn chấn động tâm lý khiến chị không được bình tĩnh. Huệ và những người đứng quanh Lý hôm ấy, ai cũng nuốt nước mắt vào trong.

ÁI CHÂN - TÂN VĂN

Tin cùng chuyên mục