Nhọc nhằn mưu sinh trên đất Thái

Thời gian qua, số lượng người lao động ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sang Thái Lan tìm việc rất lớn. Chính sách lương tối thiểu hấp dẫn cùng những dự báo khả quan về kinh tế của Thái Lan là những yếu tố thu hút người lao động sang làm việc ở xứ chùa Vàng. Tuy nhiên, cũng có không ít rủi ro xảy ra với người lao động ngoại quốc khi mưu sinh trên đất Thái.
Nhọc nhằn mưu sinh trên đất Thái

Thời gian qua, số lượng người lao động ở nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, sang Thái Lan tìm việc rất lớn. Chính sách lương tối thiểu hấp dẫn cùng những dự báo khả quan về kinh tế của Thái Lan là những yếu tố thu hút người lao động sang làm việc ở xứ chùa Vàng. Tuy nhiên, cũng có không ít rủi ro xảy ra với người lao động ngoại quốc khi mưu sinh trên đất Thái.

Khát... lao động

Tại Hội nghị về hợp tác lao động các quốc gia tiểu vùng ASEAN vừa qua, ông Thawatchai Leksamrit, đại diện Bộ Lao động Thái Lan, cho hay chính sách lương tối thiểu 300 baht/ngày (khoảng 380.000 VND/ngày) đã hấp dẫn lao động các nước đến Thái Lan. Hiện có đến 6,8 triệu người lao động nhập cư trong khu vực, trong đó số lượng lớn là công nhân trình độ thấp hoặc trung bình. Thái Lan là quốc gia có số người lao động nhập cư trong khu vực đông nhất, chiếm tới 81% con số trên. Phía Thái Lan cho biết họ cần người làm việc ở các lĩnh vực như xây dựng, phụ việc nhà hàng, giúp việc nhà và làm nông nghiệp.

Bên cạnh mức thù lao hấp dẫn, những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Thái Lan cũng được xem là yếu tố thúc đẩy dòng người lao động nhập cư đổ về nước này. Trong một báo cáo mới nhất công bố ngày 29-3, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Thái Lan sẽ tăng lên mức 3% trong năm 2016 và 3,2%  trong năm 2017. Theo IMF, niềm tin được cải thiện, giá nhiên liệu thấp, thúc đẩy tiêu dùng cá nhân, đầu tư công là động lực phát triển chính trong vài năm tới cùng với đầu tư từ khu vực tư nhân tăng... là những yếu tố để đưa ra dự báo khả quan về nền kinh tế Thái Lan.

Chính vì những tín hiệu khả quan này mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót tiền vào Thái Lan. Mới nhất, ngày 28-3, Công ty Trina Solar của Trung Quốc, chuyên sản xuất các tấm pin năng lượng Mặt trời, đã khánh thành một nhà máy sản xuất mới tại tỉnh Rayong trị giá 200 triệu USD. Theo Trina Solar, nhà máy tại Thái Lan sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu tấm pin năng lượng Mặt trời sang các thị trường Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Trước đó, thống kê mới nhất của Cơ quan Xúc tiến đầu tư Thái Lan (BOI) chỉ ra rằng, trong 2 tháng đầu năm 2016, lượng hồ sơ xin cấp phép đầu tư vào Thái Lan của doanh nghiệp nước ngoài và trong nước đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp và hóa chất. Tổng giá trị các khoản đầu tư trên vào khoảng 32,44 tỷ baht (tương đương 914 triệu USD), trong đó đầu tư nước ngoài 12,5 tỷ baht, cao gấp 5 lần năm 2015.

Một trung tâm dịch vụ đăng ký lao động nhập cư ở Thái Lan

Việc đầu tư tăng mạnh sẽ kéo theo nhu cầu về nhân công phục vụ cho sản xuất tăng theo. Và để giúp người lao động đến từ các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á đăng ký giấy phép lao động thuận tiện, 81 trung tâm dịch vụ “đăng ký một cửa” trên toàn Thái Lan đã chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1-4 vừa qua. Các trung tâm này sẽ hoạt động đến ngày 29-7 tới. Những lao động đăng ký được phép ở lại và làm việc tại Thái Lan đến ngày 31-3-2018.

Nguy hiểm chực chờ

Ông Thawatchai cho biết, chỉ trong 5 năm đã có 3 triệu người vào Thái Lan làm việc và số người tiếp tục di cư vào nước này rất lớn. Tuy nhiên, Thái Lan chưa chuẩn bị sẵn sàng để đón lực lượng lao động này. Luật pháp nước này có những lỗ hổng và khoảng cách nhất định với người nhập cư.
Tiến sĩ Maria Nenette Motus, giám đốc khu vực của Tổ chức quốc tế về di cư khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cho hay quá trình đàm phán hiệp định hợp tác lao động vẫn tốn nhiều thời gian, đắt đỏ và phức tạp. Công nhân trình độ thấp vẫn gặp các rào cản chi phí và quan liêu khiến họ không nhập cư làm việc theo cách thức thông thường. Vì thế, hàng chục ngàn lao động đã chọn ngả bất hợp pháp để vào Thái Lan làm việc với mong ước kiếm được nhiều tiền. Và vì không được luật pháp bảo vệ, những người lao động đã dễ dàng trở thành nạn nhân của nạn buôn người, lao động cưỡng bức và bị các xâm phạm nhân quyền khác.

Chuyện người lao động làm việc trong ngành khai thác thủy sản của Thái Lan như nô lệ khổ sai đã từng bị phanh phui rất nhiều lần. Năm 2012, tờ Global Post đã có cuộc điều tra kéo dài gần 3 tháng để phơi bày ra ánh sáng những góc tối của ngành đánh bắt cá ở Thái Lan. Chuyện về một nô lệ may mắn trốn trở lại quê nhà Campuchia sau 2 năm bị cầm tù đã làm chấn động dư luận thời điểm đó. Những kẻ môi giới hứa giúp người đàn ông trên có công việc ổn định ở một nhà máy sản xuất cá đóng hộp. Nhưng rồi khi sang Thái Lan, người này bị đẩy lên một thuyền gỗ thẳng ra vùng biển mà luật pháp không thể động tới. Mới nhất, cuối năm ngoái, tờ Bangkok Post cho biết 122 ngư dân người Thái Lan cũng bị buộc lao động khổ sai trên các tàu đánh cá của người Thái Lan hoạt động ngoài khơi vùng biển Indonesia. Cùng thời điểm này, Thái Lan cũng đưa ra xét xử đường dây buôn người vào Thái Lan với sự tham gia của nhiều sĩ quan quân đội và cảnh sát cấp cao... Tất cả những vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh dành cho những lao động tìm kiếm cơ hội việc làm ở Thái Lan.

Tháng 12-2015, Bộ Lao động Thái Lan đã cấp giấy phép cho 1.500 lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc trong các ngành xây dựng, giúp việc nhà và phụ việc nhà hàng. Đây là lần đầu tiên, một cơ chế tạo điều kiện trao đổi lao động giữa hai quốc gia đã được thiết lập. Tuy nhiên, theo Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành, số người Việt được cấp giấy phép lao động vẫn còn rất thấp so với con số ước tính 50.000 người Việt Nam đang lao động bất hợp pháp ở Thái Lan. Theo ông Thành, khi người lao động bất hợp pháp Việt Nam bị bắt, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đã cố gắng làm mọi việc để bảo vệ họ, dù có bị trục xuất. Hiện Đại sứ quán có một đường dây nóng để người lao động khi gặp các sự cố tại Thái Lan, có thể gọi đến nhờ can thiệp.

ĐỖ CAO (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục