Làng Rồng tái sinh

Những người dân làng Rồng - nhân chứng may mắn sống sót trong trận “đại hồng thủy” năm 1999, không ai bảo ai, lần lượt tiến đến rồi ôm thật chặt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu… Nụ cười thật tươi hiện rõ trên gương mặt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi nghe đại diện làng Rồng chia sẻ “làng chúng cháu nay đã có 6 học sinh đỗ vào các trường đại học…”. Đây là làng đạt chỉ tiêu nhiều “không” nhất, đó là “không tội phạm, không thất nghiệp, không thất học”.
Làng Rồng tái sinh

Những người dân làng Rồng - nhân chứng may mắn sống sót trong trận “đại hồng thủy” năm 1999, không ai bảo ai, lần lượt tiến đến rồi ôm thật chặt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu… Nụ cười thật tươi hiện rõ trên gương mặt nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi nghe đại diện làng Rồng chia sẻ “làng chúng cháu nay đã có 6 học sinh đỗ vào các trường đại học…”. Đây là làng đạt chỉ tiêu nhiều “không” nhất, đó là “không tội phạm, không thất nghiệp, không thất học”.

Đêm định mệnh

Cuối tháng 3-2016 khi về thăm lại làng Rồng nằm bên bờ biển Đông, thuộc thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu phấn khởi khi chứng kiến cuộc sống của người dân nơi đây đổi thay nhanh chóng. Những ngôi nhà xây kiên cố san sát, đường bê tông thẳng tắp từ đầu đến cuối các con xóm nhỏ... Đập Hòa Duân ở lý trình 54+250 trên quốc lộ 49, dài 616m, rộng 8m là dấu tích kinh hoàng của gần 17 năm về trước bị vỡ toang thành cửa biển kéo dài hơn 600m, cuốn theo thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An liền kề chỉ sau một đêm nước lũ tràn về. Nhớ về cái đêm định mệnh ấy, ông Trần Văn Hà, người dân làng Rồng (xưa ở thôn Hải Thành) bùi ngùi: “Biết sắp có lũ lớn nên cả ngày 2-11-1999, bà con trong thôn vội đưa người già, trẻ nhỏ di dời lên cao, riêng thanh niên trai tráng được huy động vận chuyển đồ đạc, gia cố nhà cửa… Ấy vậy mà, đến hơn 10 giờ đêm hôm ấy, con nước mạnh từ thượng nguồn ập về đã xé toang thân đập Hòa Duân và cuốn phăng 64 ngôi nhà kiên cố, để lại một biển nước mênh mông… Đại hồng thủy vừa dứt, mặt đất ngổn ngang đau thương. Vào đúng thời điểm ấy, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã đến thăm và chỉ đạo Bộ Quốc phòng vận động kinh phí đóng góp của những người lính bộ đội Cụ Hồ và giao Bộ Tư lệnh Quân khu 4 ngay lập tức khởi công xây dựng làng tái định cư cho những người dân trong thôn còn sống sót”.

Trẻ em làng Rồng vui đùa bên bờ biển sau giờ tan trường

Chưa đầy 3 tháng sau, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, những người lính Quân khu 4 đã khẩn cấp tái thiết cuộc sống mới cho 64 hộ dân mất nhà cửa và mất cả người thân bằng một ngôi làng mới tọa lạc ngay tại thị trấn Thuận An. 64 căn hộ trong làng xây thành 4 dãy nhà nằm quay mặt vào nhau qua hai tuyến phố. Tết năm 2000 (Canh Thìn), 64 hộ dân thôn Hải Thành phấn khởi cùng nhau thu dọn đồ đạc về làng mới, trong những ngôi nhà mới do bộ đội xây tặng. Ông Vũ An, vị cao niên ở làng Rồng, nhớ lại: “Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã về thăm làng mới, lúc đó làng tái định cư vẫn chưa có tên. Vậy là bác Phiêu hỏi bà con dân làng: “Chúng ta nên đặt tên cho ngôi làng là gì?”. Mọi người hội ý rồi nhất loạt đồng ý: “Đặt tên làng Lũ được không bác?”. Bác Phiêu phân tích, tên Lũ hợp tình hợp lý vì lũ nên mới có nơi an cư mới như bây giờ. Nhưng nếu dùng tên làng Lũ thì không vui, vì mọi người ám ảnh lũ lụt, gợi nhớ những chuyện buồn. Sau vài phút suy ngẫm, cái tên làng Rồng ra đời với ý tưởng của Tổng Bí thư là đón năm Rồng với mong muốn ngôi làng ngày càng phát triển như biểu tượng loài linh vật ấy… Tất cả mọi người trong làng đều vỗ tay đồng ý. Đó cũng là một tín hiệu về sức sống ở một ngôi làng mới”.

Bốn mùa xanh mát

Cùng với việc tạo nơi ở mới cho người dân, lực lượng quân đội còn chung sức hàn khẩu đập Hòa Duân để đẩy biển lùi ra xa, nhường chỗ cho cánh rừng dương mọc lên xanh mướt có nhiệm vụ chắn cát, chống biển xâm thực và tạo cảnh quan tươi mát bốn mùa cho bãi tắm Thuận An cát trắng phẳng lì. Hồi tưởng về cái đêm kinh hoàng trong trận đại hồng thủy năm 1999, anh Trần Văn Thu cho biết, anh là người duy nhất sống sót trong đại gia đình có đến 12 người (vợ chồng ông Trần Văn Kiệu và 4 người con trai, 4 đứa cháu nội, 2 cô con dâu) đã vĩnh viễn trôi ra biển khi đập Hòa Duân vỡ toang. Anh Thu bảo, sau đại tang 12 người trong gia đình, có những lúc anh không thiết sống nữa, nhất là khi nghĩ đến cái chết của vợ và 3 đứa con nhỏ của mình trong đêm mưa lũ kinh hoàng ấy. Nhưng rồi những con người bất hạnh trong ngôi làng vừa bị lũ dữ cuốn ra biển hôm ấy đã động viên anh phải gắng gượng đứng lên mà sống để còn khói hương cho bố mẹ, vợ con, anh em và phải để “còn chồi nảy cây” cho dòng họ. Một cô gái tên Hoa trong làng đã đến với anh trong những ngày tuyệt vọng ấy. Giờ thì anh đi biển, chị Hoa ở nhà buôn bán trên bãi tắm Thuận An (phía trước nhà) đủ để cùng nhau nuôi 3 đứa con.

Đập Hòa Duân được xây dựng lại sau cơn đại hồng thủy gần 17 năm trước

Mỗi sáng, cánh đàn ông ở làng Rồng lại vác ngư cụ ra biển. Những đứa trẻ đã có ngôi trường mẫu giáo khang trang do các nhà hảo tâm xây dựng. Ông Hoàng Phước, Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, cho biết làng Rồng từ khi thành lập chỉ có hơn 200 nhân khẩu thì nay đã có 280 nhân khẩu. Nếu trước đây, 100% hộ dân trong làng thuộc diện hộ nghèo thì nay chỉ còn 1 hộ nghèo, số còn lại đều thoát nghèo bền vững; 21 hộ làm nghề khai thác biển với 35 lao động chính; 20 hộ buôn bán và 23 hộ làm nghề khác. Cuộc sống người dân làng Rồng ngày càng ổn định, khá giả, chủ yếu là nhờ vào nghề đánh bắt cá…

Đáng nói hơn nữa, ở đây bà con rất đoàn kết, yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Sau một lần tai qua nạn khỏi, ai cũng hiểu rằng cuộc sống này quý giá chừng nào. Nhìn những đứa trẻ vui đùa, học tập trong ngôi làng mới, ai cũng cảm nhận được sức sống mới của dân làng. Ông Đặng Chớ có 2 đứa con đang theo học đại học tại TP Huế và hiện là thành viên Hội Khuyến học làng Rồng, chia sẻ, cả làng giờ không còn phải lo cái ăn, cái mặc như hồi đầu mới đến, cuộc sống vật chất, tinh thần đã được cải thiện rất nhiều. Từ ngày chuyển về đây, con cháu trong làng học hành tiến bộ thấy rõ. Tụi trẻ bây giờ ham học hơn ham đi theo con cua bò trên bờ biển hồi ở làng cũ. Cách diễn đạt kiểu ngư dân của ông Chớ khiến nhiều người cười ồ. Quả đúng như lời ông Chớ, hôm chúng tôi trở lại làng Rồng, hình ảnh dễ bắt gặp nhất trên con đường nối làng Rồng về trung tâm thị trấn Thuận An là cảnh học sinh í ớ gọi nhau đi học. Những đứa trẻ vắt vẻo trên yên xe đạp mải mê đến trường, cho thấy cuộc sống nơi vùng đất mới này bình yên đến kỳ lạ...

Người dân làng Rồng cho biết, đã nhiều năm qua, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu luôn cố gắng sắp xếp công việc để có dịp vào Huế và đến thăm làng Rồng. Đặc biệt mới đây, nguyên Tổng Bí thư đã vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm xây tặng người dân làng Rồng nhà sinh hoạt cộng đồng diện tích sàn 58,5m2 có hàng rào, sân vườn... Đây là điểm sinh hoạt văn hóa của thiếu nhi, nơi trú tránh cho dân làng Rồng nếu xảy ra thiên tai bão lũ.

Trận lũ lịch sử  đầu tháng 11-1999 được xem là “đại hồng thủy” của thế kỷ 20 làm ngập trắng 10 tỉnh, thành miền Trung khiến 595 người chết (Thừa Thiên - Huế 352 người, Quảng Nam 73 người), 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp và trôi. Tỉnh Thừa Thiên - Huế là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lịch sử ấy. Trong đó, sự cố vỡ đập Hòa Duân xóa sổ làng Hải Thành với 64 ngôi nhà, 14 người dân thiệt mạng. Tháng 12-1999, Bộ Quốc phòng khởi công xây dựng làng Rồng để tái định cư cho 64 gia đình. Đầu năm 2000, ngôi làng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục