Chiến dịch trấn áp tội phạm tại Philippines: “Giết sạch, quét sạch”… không còn là lời nói suông

Kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đắc cử vào ngày 9-5 vừa qua, hơn 100 người bị tình nghi là tội phạm ma túy đã bị giết. Ông Duterte từng tuyên bố và khẳng định sẽ “giết sạch, quét sạch” tội phạm ma túy trong vòng 6 tháng. Không chỉ mạnh mẽ trong các tuyên bố mà hàng loạt cuộc đấu súng giữa lực lượng an ninh Chính phủ Philippines với những người bị tình nghi tội phạm ma túy là minh chứng rõ nhất những gì ông Duterte từng nói.
Chiến dịch trấn áp tội phạm tại Philippines: “Giết sạch, quét sạch”… không còn là lời nói suông

Kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đắc cử vào ngày 9-5 vừa qua, hơn 100 người bị tình nghi là tội phạm ma túy đã bị giết. Ông Duterte từng tuyên bố và khẳng định sẽ “giết sạch, quét sạch” tội phạm ma túy trong vòng 6 tháng. Không chỉ mạnh mẽ trong các tuyên bố mà hàng loạt cuộc đấu súng giữa lực lượng an ninh Chính phủ Philippines với những người bị tình nghi tội phạm ma túy là minh chứng rõ nhất những gì ông Duterte từng nói.

Khuyến khích giết tội phạm

Chỉ hai ngày sau khi ông Duterte chính thức nhậm chức Tổng thống Philippines (ngày 30-6), cảnh sát nước này thông báo đã bắn hạ 10 người, bị tình nghi tham gia các đường dây buôn lậu ma túy. Người phát ngôn của cảnh sát tỉnh Bulan, phía Bắc thủ đô Manila, cho biết, họ đã khởi động một chiến dịch tấn công các băng nhóm ma túy đúng vào ngày ông Duterte nhậm chức, theo lệnh của lãnh đạo cảnh sát quốc gia Ronald Dela Rosa. Theo cảnh sát tỉnh Bulan, các nghi phạm bị bắn chết do đã nổ súng bắn trả lực lượng an ninh.

“Bắn giết không nương tay các nghi phạm ma túy” là một khẩu hiệu chính khi ông Duterte tham gia tranh cử. Tổng thống Philippines hứa sẽ sử dụng nhiệm kỳ của mình để bảo vệ các cảnh sát, phải đối mặt với tư pháp, do các vụ giết người hàng loạt. Ông Duterte còn khuyến khích cả lực lượng nổi dậy ở miền Nam Philippines và dân thường sát hại các nghi phạm hình sự và những người nghiện ma túy.

Chỉ trong hơn 2 tháng tính từ khi ông Duterte đắc cử, hơn 100 tội phạm ma túy đã bị giết, 43.000 kẻ bị tình nghi buôn bán cái chết trắng bị bắt giữ, 300kg ma túy methamphetamine bị tịch thu. Mới đây, người ta phát hiện thi thể của một người đàn ông được tìm thấy trên đường phố Philippines cùng một tấm bìa trên ngực với dòng chữ “Tôi là một tên buôn bán ma túy”. Ngày càng có nhiều trận đấu súng đẫm máu, những thi thể của tội phạm ma túy tương tự như vậy xuất hiện trên đường phố tại quốc gia Đông Nam Á này cùng một tấm bảng khẳng định mình là tội phạm.

Một người bị tình nghi là tội phạm ma túy bị giết tại Manila với tấm bìa mang dòng chữ“Tôi là một tên buôn bán ma túy”

Không chỉ dừng lại ở các chiến dịch trấn áp tội phạm quy mô, Tổng thống Philippines còn tính đến việc lập lại án tử hình. Ông Duterte cho biết ông tin vào sự trừng phạt. Khi ai đó giết người, cưỡng hiếp, người đó phải chết, người đó phải trả giá. Án tử hình đã được bãi bỏ ở Philippines từ ngày 24-6-2006. Trong lúc tranh cử, ông Duterte đã hứa sẽ tử hình khoảng 10.000 người. Từ khi thắng cử, ông Duterte còn hứa thưởng cho các cảnh sát giết được những người buôn ma túy, khuyến khích người dân giết hoặc bắt những người bị tình nghi.

Lấy việc công trả thù tư

Thật ra, chuyện ông Duterte cứng rắn với tội phạm không phải là chuyện mới. Ngay từ hồi còn là thị trưởng thành phố Davao, ông đã được xem là khắc tinh của tội phạm, là người góp công lớn biến Davao từ nơi được coi trung tâm bạo lực của Philippines trở thành thành phố được các tổ chức du lịch xem là thanh bình nhất Đông Nam Á. Davao nằm ở cực Nam đảo Mindanao, là điểm đến ưa thích của những kẻ buôn lậu ma túy, buôn người, vũ khí và rượu lậu. Hòn đảo này cũng là cứ địa của Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro, nhóm phiến quân đối đầu với Chính phủ Philippines trong suốt thời gian qua.

Trong hoàn cảnh đó, với vai trò thị trưởng thành phố Davao, ông Duterte đã thực hiện chính sách “bàn tay sắt” với phương châm: chừng nào ông còn là thị trưởng, những tên tội phạm sẽ là mục tiêu ám sát hợp pháp. Và giờ đây, khi đã trở thành Tổng thống Philippines, ông Duterte tiếp tục giữ quan điểm khuyến khích hạ sát tội phạm ma túy, không cần qua xét xử.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông Duterte khiến các nhóm nhân quyền địa phương và quốc tế tỏ ra lo lắng. Giáo hội Công giáo Philippines bày tỏ quan ngại trước sự gia tăng mạnh mẽ các vụ cảnh sát giết người từ sau chiến dịch an ninh mạnh tay quá mức. Nhiều nhà hoạt động nhân quyền đã bày tỏ lo ngại chiến dịch chống tội phạm ma túy của ông Duterte vượt ngoài tầm kiểm soát bởi một số nạn nhân là nghi phạm buôn ma túy, nhưng cũng có thể có nhiều người trong số họ là dân thường vô tội. Họ yêu cầu chính phủ điều tra các vụ giết người nếu không chiến dịch này có thể trở thành cái cớ để cảnh sát giết người vô tội, trả thù cá nhân.

Đại diện của tổ chức Ân xá quốc tế tại Philippines Wilnor Papa đã lên án Tổng thống Duterte kích động việc giết người phi pháp. Ông Wilnor Papa cho rằng sự hô hào của người ở cương vị cầm quyền cao nhất khuyến khích các nhân viên công lực làm quá những gì luật pháp cho phép và điều này chắc chắn sẽ gây ra nhiều vấn đề. Trong khi đó, lo sợ bùng nổ những vụ giết người ngoài vòng pháp luật, mội đại diện Liên hiệp quốc phụ trách vấn đề nhân quyền cũng khuyên ông Duterte không nên tái lập án tử, đồng thời chỉ trích một số điểm trong kế hoạch chống tội phạm của ông.

Trên thực tế, ông Duterte từng bị giới nhân quyền cáo buộc đứng đằng sau cái chết của hơn 1.000 người bị quy là tội phạm trong thời gian ông còn làm thị trưởng thành phố Davao. Trước làn sóng phản đối như vậy, cuối tháng 6 vừa qua, Tổng thống Philippines tái khẳng định chủ trương trấn áp tội phạm sắp tới. Đồng thời đưa ra một phê phán sốc đặc trưng của người được mệnh danh là “Donald Trump châu Á”, rằng: lập luận thẳng tay giết tội phạm và tái lập án tử hình có thể bị sử dụng vào mục đích trả thù của các nhà bảo vệ nhân quyền là vô cùng ngớ ngẩn.  “Xác của những phần tử buôn ma túy và người nghiện sẽ bị ném xuống vịnh Manila”, ông Duterte nói.

Trước những lời cảnh báo về một cuộc đổ máu trên diện rộng đối với tội phạm ma túy, hàng loạt người nghiện ma túy tại Philippines đã ra đầu thú cảnh sát để được hưởng khoan hồng. Martin Andanar, Thư ký Văn phòng liên lạc Tổng thống, xác nhận gần 60.000 người nghiện ma túy đã đầu thú với nhà chức trách từ khi chính phủ tăng cường chiến dịch chống ma túy.

MINH CHÂU (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục