Về Cà Mau - đi ô tô ra Đất Mũi

Chúng tôi cùng đoàn đại biểu Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số TPHCM đến thăm tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Ngọc Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn. Ông Tăng Cẩm Vinh, Phó ban Dân tộc TPHCM làm phó trưởng đoàn. Đoàn có 91 thành viên, gồm 7 dân tộc: Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Mường, Thái và Ấn.
Về Cà Mau - đi ô tô ra Đất Mũi

Chúng tôi cùng đoàn đại biểu Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số TPHCM đến thăm tỉnh Cà Mau. Ông Nguyễn Ngọc Phong, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn. Ông Tăng Cẩm Vinh, Phó ban Dân tộc TPHCM làm phó trưởng đoàn. Đoàn có 91 thành viên, gồm 7 dân tộc: Hoa, Khmer, Chăm, Tày, Mường, Thái và Ấn.

Mũi Cà Mau

Về với người nghèo huyện U Minh

Khi nghe anh phụ xế mời cả đoàn lên xe để kịp về huyện U Minh, nhiều người trong đoàn ngạc nhiên. Vì mới đây thôi, họ về U Minh, phương tiện duy nhất là đò dọc bằng ca nô hoặc tắc ráng, chạy xé nước qua những con kênh bạt ngàn màu xanh cây lá. Nhà cửa hai bên bờ kênh thưa thớt, mái lá đơn sơ. Anh phụ xế cười hềnh hệch: “Xưa rồi chú ơi, những việc đó giờ đã thành dĩ vãng. Còn bây giờ, từ thành phố Cà Mau đi về các huyện Trần Văn Thời, Năm Căn, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Cái Nước… đã có đường xe chạy tới nơi về tới chốn. Cà Mau đã thay áo mới từ lâu rồi”. Xe bon bon về U Minh trong gió sớm mai mát rượi, những vuông tôm nối tiếp những vuông tôm, in bóng những mái nhà khang trang, minh chứng cho làng quê nghèo ngày xưa nay đã thay da đổi thịt. Con đường trải nhựa phẳng lì, thênh thang như đón mời chúng tôi. Có ai đó lên tiếng nhắc nhở xem trong nhóm đã chuẩn bị đầy đủ các phần quà cho bà con mình chưa. Đó là những phần quà nặng tình nặng nghĩa, từ tấm lòng nhân ái sẻ chia đầy ắp ân tình của các thành viên trong đoàn, cùng chung tay vì người nghèo. Do cầu hẹp, xe không qua được, cả đoàn xuống đi bộ. Ông Đỗ Minh Lắm, Phó Chủ tịch huyện U Minh, cảm động đón chúng tôi: “Người dân U Minh, thời gian qua đã có nhiều thay đổi, đời sống dần ổn định, nhiều nhà có của ăn của để. Tuy nhiên, vẫn còn có những hộ do không ruộng vườn, quanh năm chỉ biết làm thuê làm mướn nên đời sống còn nhiều khó khăn. Được Mặt trận Tổ quốc TPHCM cùng các vị là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số TPHCM quan tâm giúp đỡ, cho tôi trân trọng gửi lời cám ơn sâu sắc”. Tại buổi lễ tặng quà thắm đượm nghĩa tình với người nghèo, Trưởng đoàn Nguyễn Ngọc Phong phát biểu chân tình: “Món quà tuy không đáng là bao, nhưng xuất phát từ cái tâm, từ tấm lòng của bà con dân tộc thiểu số TPHCM, chắt chiu gửi đến bà con dân tộc thiểu số nghèo của U Minh, đây là món quà nghĩa tình”. Chúng tôi thật cảm động khi nghe bà Lý Thị Lệch, 69 tuổi, ở xã Khánh Hòa, huyện U Minh tâm sự: “Thằng con trai út của tôi nôn nao thức suốt đêm từ khi được xã cho biết là nhà tôi sẽ được Mặt trận Tổ quốc TPHCM tặng quà 500.000 đồng tiền mặt và một thùng mì ăn liền. Nó thủ thỉ xin tôi mua cho nó bộ quần áo mới đi học, sắp tựu trường rồi. Còn thùng mì này, chiều nay cả nhà sẽ liên hoan”.

Những câu chuyện tâm tình

Cả đoàn lên xe đến Năm Căn để tiếp tục xuống ca nô ra thăm Đất Mũi. Mây đen vần vũ, mưa bụi lất phất bay. Ông Trần Quách, Trưởng ban Người Hoa quận Phú Nhuận, một thành viên trong đoàn, có vẻ thích thú khi nhìn quang cảnh hai bên đường, nhà cửa khá sầm uất, nhà nào cũng bề thế, màu vôi mới sơn. Rừng đước xanh ngát một màu nối nhau đến ngút tầm mắt. Chợt câu chuyện của ông Trần Quách với người ngồi bên cạnh, khiến tôi chú ý lắng nghe. Bà ấy hỏi là có phải đường đến Đất Mũi rồi đi thẳng luôn ra biển thì đến quần đảo Trường Sa với Hoàng Sa phải không? Ông Trần Quách cười ngất: “Hổng phải, Mũi Cà Mau là nơi cực Nam của nước mình. Tới đó là hết rồi. Đi thẳng nữa là nước của người ta. Còn quần đảo Trường Sa là một huyện đảo của tỉnh Khánh Hòa, là Nha Trang đó. Còn Hoàng Sa cũng là một huyện đảo của thành phố Đà Nẵng. Hai quần đảo này là của Việt Nam mình”. Câu chuyện của ông Trần Quách với người cùng đi, khiến tôi cảm động vô cùng. Cảm động vì ông là một người Hoa mà nhận ra điều này: “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam mình”. Tôi chợt hỏi ông Trần Quách làm quen và cho vui câu chuyện: “Anh còn bà con thân thuộc bên Trung Quốc?”, ông nhanh nhẩu trả lời: “Cũng còn mấy người, tôi có về Trung Quốc một lần tìm thăm bà con. Nhưng lợt lạt lắm, họ xem tôi như người xa lạ, không thân thiết như những bạn bè ở Việt Nam”. Có khi nào anh nghĩ là sẽ đưa gia đình trở về Trung Quốc sinh sống”. Nghe tôi hỏi, ông lắc đầu nguầy nguậy: “Không đời nào. Tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, cơm gạo Việt Nam đã nuôi tôi khôn lớn. Con cháu tôi được Việt Nam dạy dỗ học hành nên người, nên Việt Nam là đất nước của tôi”. Trần Quách nhìn ngoài xa, có lẽ trong tâm tư tình cảm đang dâng trào điều gì đó bức xúc lắm. Chợt Trần Quách vỗ vai tôi nói nhỏ: “Anh cứ nghĩ đi, tôi có hai bà mẹ. Một bà mẹ ruột nhưng đã bỏ rơi mình từ tấm bé. Một bà mẹ nuôi ẵm bồng mình từ lúc còn đỏ hỏn, cho ăn, cho bú, thương yêu hết lòng. Tuy không có công sanh, nhưng có công dưỡng, công lao biển trời nào sánh được. Tôi hỏi anh, vậy đứa con nuôi đó, nó sẽ yêu thương bà mẹ nuôi hay bà mẹ ruột?”. Không đợi tôi trả lời, Trần Quách nói tiếp: “Tôi nói vậy là anh hiểu rồi”. Tôi bắt tay anh, cái bắt tay thông cảm và thân thiện về sự cảm nhận của một đứa con nuôi chí tình chí nghĩa.

Cũng như tiến sĩ Trần Thanh Pôn, dân tộc Khmer, ông tự hào nói với cả đoàn là ông rất vinh dự và không hạnh phúc nào bằng, ông tập kết ra miến Bắc học tập, được gặp Bác Hồ ba lần. Có một lần Bác Hồ vỗ vai ông hỏi: “Chắc cháu nhớ nhà, nhớ miền Nam lắm. Hãy ráng học để trở về phục vụ quê nhà”. Nghe lời Bác dạy, ông cố học đỗ đến tiến sĩ. Ông Trần Thanh Pôn khẳng định: “Quê tôi là tỉnh Bạc Liêu, có một thời niên thiếu tôi sinh sống tại Cà Mau. Hôm nay về thăm Cà Mau, tôi rất vui mừng. Tôi như đang về thăm lại quê nhà”. Còn chị Khaly Kho, dân tộc Chăm, chị nói ngắn gọn: “Tôi chỉ biết tôi đang sống tại Việt Nam, tôi hát những bài hát ca ngợi Bác Hồ, ca ngợi đất nước tôi đó”.

Ôi đẹp biết bao cái tình cảm chân chất mà đậm đà tình nghĩa của những con người cùng chung sống trên mảnh đất Việt Nam, cùng yêu thương Việt Nam, vì Việt Nam là đất nước của mình.

Đường ra Đất Mũi

Tôi đến Năm Căn định đi ca nô ra thăm Đất Mũi, bất ngờ nghe ai gọi tên mình. Thì ra anh bạn đồng nghiệp xa xưa ở Báo Cà Mau. Sau giây phút tay bắt mặt mừng, anh cho biết là đang đi ô tô ra Đất Mũi tác nghiệp. Thấy tôi trố mắt nhìn anh ngạc nhiên, nửa tin nửa ngờ, anh cười ngất, xe về Đất Mũi lâu rồi ông bạn ơi. Anh mời tôi lên xe cùng ra Đất Mũi. Xe chạy qua cầu Năm Căn, chiếc cầu xinh đẹp cuối cùng trên chiều dài đất nước. Niềm tự hào không chỉ của người Cà Mau mà có thể nói là của cả đất nước. Chiếc cầu sừng sững giữa trời cao sông rộng, như thể hiện sự bền tâm quyết chí đi đến nơi tận cùng của Tổ quốc: Đất Mũi. Anh bạn đồng nghiệp hả hê: “Bây giờ không còn xa nữa, không còn đò giang cách trở. Ô tô đã về đến Đất Mũi”.

Tôi như người mộng du, nãy giờ ngồi trên xe mà vẫn chưa hết bồi hồi. Lần trước, cũng mới đây thôi, tôi về thăm Đất Mũi, ngồi tắc ráng hơn một giờ đồng hồ, hai bên bờ chỉ toàn rừng đước, thỉnh thoảng mới gặp một xóm nhỏ ven sông, lưa thưa mấy nóc nhà với mái lá nghèo nàn, xơ xác. Nhà ai nấy ở, đâu có đường đi để thăm nhau, nhà bên này nói chuyện với nhà bên kia cũng khó vì cách nhau quá xa. Còn điện, có nằm mơ cũng không thấy. Vậy mà hôm nay, con đường lót bê tông thênh thang, dù ban đầu chỉ có xe 4 chỗ đến 16 chỗ là được lưu thông. Con đường còn đang hoàn thiện thêm những giai đoạn tiếp theo. Dọc hai bên đường dây điện giăng giăng nối nhau đến tận Đất Mũi. Một bên là con đường tráng nhựa mới vừa hoàn thành, một bên là con đường lót bê tông làm lộ nông thôn, xe cộ ngược xuôi, những hình ảnh thật sinh động nơi vùng đất cuối trời của Tổ quốc. Nhà cửa hai bên đường thi nhau mọc lên như nấm, nhà nào cũng đẹp. Đất Mũi bây giờ cũng cà phê wifi, nhiều nhà trước sân, ngoài chiếc xe Honda còn có cả ô tô sang trọng. Chúng tôi ghé vào một quán cà phê ven đường, bà chủ quán sởi lởi: “Tuy đường đã thông, nhưng chưa có tuyến xe buýt, chỉ có xe từ 16 chỗ trở xuống. Những người có xe riêng thì họ chạy thẳng xuống Đất Mũi, vừa trải nghiệm thú vị trên con đường như là huyền thoại, con đường thực sự là trong mơ, nay đã thành hiện thực”.

Khi chúng tôi ra xe tiếp tục lên đường, bà chủ quán còn nói với theo như là cố tình quảng cáo: “Đất này trước kia cho người ta cũng hổng thèm. Ai mà khùng điên ra cái vùng khỉ ho cò gáy, chỉ có toàn rừng đước với bùn lầy nước mặn quanh năm. Còn bây giờ, đất là vàng, người trong thành phố đổ xô ra đây mua đất. Đất nhà tôi không biết bao nhiêu người đến hỏi mua rồi đó”.

Đất Mũi bây giờ vậy đó. Chắc chắn một ngày không xa, nơi đây sẽ là một thị tứ sầm uất với nhiều lợi thế về biển, về rừng, đặc biệt sẽ là một vùng du lịch độc đáo nơi cuối trời Tổ quốc.

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục