Trăn trở cùng đường sách cũ

Các con đường Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tôn, Ký Con... vốn quen thuộc với nhiều người Sài Gòn - TPHCM với cái tên “con đường sách cũ”. Nhưng, theo thời gian, ở đây ngày càng thưa dần, thưa dần những cửa tiệm với những chồng sách cũ, khách cũng vơi dần.
Trăn trở cùng đường sách cũ

Các con đường Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tôn, Ký Con... vốn quen thuộc với nhiều người Sài Gòn - TPHCM với cái tên “con đường sách cũ”. Nhưng, theo thời gian, ở đây ngày càng thưa dần, thưa dần những cửa tiệm với những chồng sách cũ, khách cũng vơi dần.

Sẽ về đâu những trang sách đã úa màu. Còn bao nhiêu người yêu cái việc đi kiếm tìm một cuốn sách của những ngày quá vãng?

Nghề bán sách cũ và những nỗi lo mới

Nhiều năm về trước, nghề bán sách cũ khá thịnh hành. Đâu đó trên đường phố, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe đẩy cọc cạch, chất đầy sách cũ. Hay trên các vỉa hè, người ta cứ trải một tấm bạt, rồi bày sách cũ ra bán. Người mua, người bán nhộn nhịp, xôn xao.

Nhưng những hình ảnh ấy cứ thưa dần và mất hẳn, nghề bán sách cũ vài năm trở lại đây cũng không còn là nghề mưu sinh của nhiều người nữa. Bạn đọc tìm đến những cửa hàng bán sách cũ cũng không còn nhiều. Có lẽ, với quy luật phát triển chung của xã hội, nghề bán sách cũ hiện đang phải cạnh tranh với nhiều loại hình, thiết bị nghe - đọc hiện đại khác.

Khách chọn mua sách cũ tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (TPHCM). Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Mua sách cũ được cho là “nghề lắm công phu”, đôi khi phải tìm ở nhiều nơi, cũng kiểm tra, trả giá kỹ lắm. Anh Tấn Đạt (Đại học Luật TPHCM) - một người hay mua sách cũ, cho biết: “Tôi mua nhiều sách cũ, không hẳn là vì điều kiện kinh tế mà đơn giản vì tôi thích. Đôi khi những câu chuyện từ người chủ trước của cuốn sách cũng rất thú vị. Mua sách cũ mình cũng trả giá lắm, vì nhiều tiệm cứ photo từ sách mới ra rồi đóng thành tập mà bán với giá rất cao. Có khi mua với nửa giá thôi cũng là bị “chém” rồi!”.

Nhiều người vẫn hay gọi các loại sách đã qua sử dụng là sách cũ. Thực tế sách cũ có 2 loại, sách cổ và sách đã qua sử dụng. Sách ở các tiệm sách cũ phổ biến là các loại sách đã qua sử dụng, còn những cuốn sách được xuất bản những năm 1945 hay 1975 về trước thường rất ít và khó tìm.

Bên cạnh đó, có không ít trường hợp những quyển sách in sai, in lậu được đưa vào các nhà sách cũ để bán. Ông Thanh Lợi (chủ cửa hàng sách cũ ở 27 Trần Nhân Tôn, quận 10) ngậm ngùi: “Nhiều người mua nhầm sách lậu, nên giờ không còn mua sách cũ nữa”. Đối tượng khách hàng quen thuộc của các tiệm sách cũ, dần thưa thớt, đa phần chỉ còn những người tìm tài liệu nghiên cứu, vài người sưu tầm sách cổ (phần nhiều là những người chơi sách, mua đi bán lại) và những sinh viên thích đọc sách nhưng túi ít tiền. Còn có một dạng sách cũ nữa là những cuốn sách được bán ở nhà sách mới, qua đọc rồi và được bán lại, chỉ mới xuất bản những năm gần đây. Giá bán của những cuốn sách này cũng không rẻ hơn giá gốc là bao, trong khi tâm lý chung của nhiều người khi vào các nhà sách cũ là luôn muốn tìm những quyển sách với giá hời.

Ông Minh Khoa (chủ tiệm sách cũ 209 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận), có thâm niên 25 năm bán sách cũ, trăn trở: “Tuổi trẻ bây giờ hay đọc sách trên điện thoại, máy tính, hoặc đi photo sách, vừa nhanh vừa tiện. Còn mấy ai đi tìm sách cũ đâu. Những người đi tìm sách cổ thì nhiều, nhưng hiện nay nguồn sách này rất ít, không còn nhiều cuốn quý hiếm để tìm mua”. Nhiều cửa hàng sách cũ trên các đường Trần Nhân Tôn, Trần Huy Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thái Sơn… đã biến mất hẳn, người bán chuyển sang công việc khác. Nghề bán sách cũ hiện nay đang đi xuống và sẽ còn tiếp tục mai một. Nhưng nếu còn người mua, chắc chắn sẽ còn người bán.

Bán sách cũ theo hình thức mới

Trên những trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ lập thành các nhóm để mua, bán, trao đổi sách cũ online. Đa phần những người lập trang là những người có niềm đam mê với sách cũ. Các trang mua - bán sách cũ trực tuyến với nguồn sách ban đầu chỉ gồm số ít sách của người bán sở hữu, giờ số lượng sách đã phong phú hơn…

Anh Tấn Tài (nhân viên văn phòng, quận 3) chủ một trang báo sách cũ trực tuyến chia sẻ về niềm đam mê của mình sau những giờ làm việc: “Sách cũ có cái hay của riêng nó. Ban đầu, mình chỉ bán như một sở thích. Sau này gặp được nhiều khách cùng ý tưởng, chia sẻ với nhau nhiều cuốn sách hay. Có khi mình tìm được giúp khách những cuốn mà họ đã tìm vài ba năm rồi vẫn chưa được. Cảm giác vui như tìm được chính mình vậy đó!”.

Giá sách cũ được bán trực tuyến không cao hơn ở các tiệm sách cũ là bao. Đây như một cách mà những người trẻ làm mới lại hình thức bán sách cũ, một hình thức trao đổi giữa những người có niềm đam mê sách cũ với nhau và cũng là cách để bán đi một lượng lớn sách cũ vẫn còn lưu kho ở các tiệm.

Tuy nhiên với những tiệm sách cũ, việc đưa sách lên mạng bán online là một điều không mấy khả thi. Ông Minh Khoa cho hay: “Người bán sách lâu năm như tôi giờ cũng tròm trèm 60, đâu có rành công nghệ như giới trẻ. Cứ vậy mà bán thôi, khách có nhu cầu thì tìm đến mua”.

Giờ không chỉ có đường sách cũ, một địa chỉ mới dành cho văn hóa đọc là Đường sách Nguyễn Văn Bình vừa hoạt động hơn một năm nay cũng đã trở thành nơi mà nhiều độc giả đam mê sách cũ tìm đến. Cô Kim Định (61 tuổi, Bình Thạnh, TPHCM) cho biết: “Mua sách cũ cũng như tìm một người bạn thân thất lạc lâu năm, đúng tên sách và còn phải đúng tên tác giả hay dịch giả nữa”. Có lẽ không chỉ riêng cô Định mà còn rất nhiều người yêu sách khác cũng lăn tăn khi mua những quyển sách dịch mới. Với những người có tuổi, việc đọc sách không được vội vã, đơn giản là đọc để tìm thêm thông tin, kiến thức chuyên ngành, hay là sự nhâm nhi thưởng thức. Đọc sách là cả một nghệ thuật…

Bên đường sách cũ, chắc chắn sẽ còn nhiều những câu chuyện không hề cũ cùng những nỗi lo của nghề bán sách cũ. Sách cũ tuy không còn thịnh nhưng hẳn vẫn luôn có một chỗ đứng vững chãi trong lòng không ít người đọc.

KIM LOAN

Tin cùng chuyên mục