Nơi tiếng cồng chiêng còn ngân vang

Buổi chiều tối những ngày cuối năm, sân nhà các già làng ở các sóc của đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng, vùng đất Bình Phước thường xuyên rộn ràng tiếng nói già trẻ cùng âm thanh cồng chiêng đặc trưng... Cùng với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên, người S’tiêng ở Bình Phước cũng tôn thờ, xem cồng chiêng là di sản văn hóa truyền thống vô giá và là niềm tự hào khó tả.
Nơi tiếng cồng chiêng còn ngân vang

Buổi chiều tối những ngày cuối năm, sân nhà các già làng ở các sóc của đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng, vùng đất Bình Phước thường xuyên rộn ràng tiếng nói già trẻ cùng âm thanh cồng chiêng đặc trưng... Cùng với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên, người S’tiêng ở Bình Phước cũng tôn thờ, xem cồng chiêng là di sản văn hóa truyền thống vô giá và là niềm tự hào khó tả.

Đặc sắc và phong phú

Câu lạc bộ cồng chiêng An Khương biểu diễn một điệu cồng chiêng trong một ngày vui

Sau vài chén trà nóng hàn huyên, dắt chúng tôi vào buồng để chiêm ngưỡng bộ cồng chiêng đen bóng màu thời gian, đôi mắt lấp lánh vẻ tự hào, già làng Điểu Lên của sóc Bom Bo huyền thoại (nay là thôn Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) khoe: Dân tộc S’tiêng có nhiều loại nhạc cụ truyền thống lắm, như trống, đàn bầu, sáo…, nhưng cồng chiêng là nhạc cụ tiêu biểu và linh thiêng nhất. Với người S’tiêng, cồng chiêng là tài sản vô giá, là nét văn hóa mang đậm dấu ấn thời gian và không gian, biểu tượng cho sức mạnh vật chất lẫn tinh thần. Số lượng cũng như chủng loại, chất lượng bộ cồng chiêng sẽ phản ảnh mức độ giàu có của những gia đình người S’tiêng. Đặc biệt, cồng chiêng là cầu nối để con người gửi tâm tư, nguyện vọng đến Trời Đất, các vị thần, cầu mong những điều tốt lành cho cuộc sống như gia đình hạnh phúc, sức khỏe tốt, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu… Vì vậy, không đơn thuần là một loại nhạc cụ truyền thống, cồng chiêng là “món ăn tinh thần”, là “tôn giáo” không thể thiếu trong suốt “bánh xe” cuộc đời của người S’tiêng, từ lúc chào đời, lao động, cưới hỏi… đến khi về với tổ tiên.

Còn về tên gọi “cồng chiêng”, dù cũng đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu nhưng chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi nghe “tượng đài sống” của sóc Bom Bo Điểu Lên chia sẻ: Người S’tiêng có hai nhóm chính là S’tiêng Bù Lơ (sinh sống ở vùng cao) và S’tiêng Bù Đế (sống ở đồng bằng hoặc vùng trung du). Với người S’tiêng Bù Lơ, cồng chiêng là tên gọi chung chứ không phân biệt cái nào là cồng, cái nào là chiêng. Tuy vậy, chiêng phát âm theo tiếng nói của người S’tiêng Bù Lơ là Goòng, trên thực tế là nói đến cái cồng (có núm ở chính giữa) theo cách hiểu phổ biến của người Kinh cũng như nhiều dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên. Còn cái cồng (tiếng nói của người S’tiêng Bù Lơ là ching) thì mặt để  đánh phẳng, không có núm ở giữa. Hơn nữa, điều kỳ lạ là người S’tiêng Bù Lơ lại gọi cồng (mà cách hiểu thông dụng là chiêng) là đòn là chứ không gọi là cồng!

Tuy nhiên, người S’tiêng Bù Đế lại có cách hiểu khác. Già Điểu Noi, Đội trưởng Đội cồng chiêng ấp Bưng Xê (xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài) cho biết: Người S’tiêng Bù Đế cũng gọi cồng chiêng như tên gọi chung chung, nhưng gọi chiếc cồng (có núm ở chính giữa) là chiêng! Bên cạnh đó, khác với người S’tiêng Bù Lơ chủ yếu chuộng sử dụng đòn là, người S’tiêng Bù Đế thì thích dùng cả hai loại cồng và chiêng. Ngoài ra, hơi khác người S’tiêng Bù Đế, người S’tiêng Bù Lơ chỉ đánh cồng chiêng trong những ngày vui (lễ hội, mừng lúa mới, năm mới, cưới hỏi, sinh con, vụ mùa bội thu…), kiêng kỵ đánh cồng chiêng trong những dịp có chuyện không vui. Tuy vậy, điểm thống nhất của hai nhóm người S’tiêng nói trên là một bộ cồng (có núm ở giữa) gồm 5 chiếc và một bộ chiêng (đòn là) gồm 6 chiếc, những chiếc cồng hoặc chiêng trong một bộ có kích cỡ từ nhỏ đến lớn và cũng tạo ra âm thanh, âm điệu khác nhau.

Chung lòng giữ gìn

Trên người còn nguyên bộ quần áo đi rẫy sờn nát chạy đến nhà già làng Điểu Lên, anh Điểu Kiêm, Đội trưởng Đội cồng chiêng sóc Bom Bo, vui vẻ: Cuối năm sắp có nhiều lễ hội cũng như các buổi giao lưu văn hóa nên anh em đội cồng chiêng đều tranh thủ lên rẫy điều, cà phê từ sáng sớm rồi về đây để luyện tập. Anh Kiêm cho biết, anh tham gia đội cồng chiêng của sóc từ khi mười mấy tuổi, lúc chưa lập gia đình, nay đã ngót nghét 40 năm biết đánh cồng chiêng. Lúc nhỏ, anh được các già làng hướng dẫn rồi đam mê, gắn bó với cái cồng cái chiêng từ đó đến giờ. Giờ anh lại cố gắng truyền lại cảm hứng, kỹ thuật đánh và ý thức giữ gìn cồng chiêng cho lớp trẻ. Già làng Điểu Lên hồi tưởng: Từ thời ông bà xa xưa sóc Bom Bo đã có đội cồng chiêng và đội múa. Giờ tuy lũ trẻ thích nghe nhạc từ đầu máy DVD, hát karaoke, chơi game… nhưng sóc Bom Bo và nhiều sóc khác cũng duy trì được tiếng cồng tiếng chiêng. Dù sóc chưa có bộ cồng chiêng chung nào nhưng nhiều gia đình cũng biết giữ lại hoặc mua sắm bộ cồng chiêng để gia đình hoặc dòng họ mình sử dụng trong những ngày vui. Nhờ vậy, những dịp có chuyện vui, tiếng cồng chiêng cùng những tiếng hát, điệu múa lại cất lên trầm hùng, rộn rã khắp các sóc của người S’tiêng.

Cách sóc Bom Bo vài ngọn đồi về hướng Tây, tiếng cồng chiêng cũng thường xuyên ngân vang ở nhiều sóc của người S’tiêng Bù Đế thuộc xã An Khương (huyện Hớn Quản). Thể theo nguyện vọng của nhiều bậc cao niên, năm 2010, Câu lạc bộ cồng chiêng An Khương ra đời với 20 thành viên, phần lớn là các già làng và người có uy tín. Từ đó, phong trào giữ gìn, tập luyện cồng chiêng, các bài múa, bài hát truyền thống được bà con người S’tiêng say sưa hưởng ứng. Già làng Điểu Trích (chủ nhiệm Câu lạc bộ cồng chiêng An Khương) phấn khởi: Câu lạc bộ không chỉ là nơi sinh hoạt của những người cao tuổi mà còn là chỗ dựa tinh thần cho bà con nói chung và thế hệ trẻ S’tiêng nói riêng. Giờ ai cũng nhận ra tiếng cồng chiêng là bản sắc văn hóa truyền thống và biết đánh cồng chiêng, niềm tự hào của các thế hệ người S’tiêng. Vì vậy, nhà nào còn giữ hoặc sắm được những bộ cồng chiêng đều tự nguyện mang ra để mọi người cùng nhau tập luyện, biểu diễn. Điều đáng mừng hơn nữa là Câu lạc bộ đã bồi dưỡng được 10 thanh thiếu niên có đam mê và chịu khó học hỏi nghệ thuật đánh cồng chiêng. Đây sẽ là đội ngũ kế thừa để âm thanh cồng chiêng luôn ngân nga trong các sóc của người S’tiêng.

Gần đó không xa, ngoài Đội cồng chiêng của người lớn có từ lâu đời, ấp Bưng Xê (xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài) cũng có đội cồng chiêng của các bạn trẻ. Ông Điểu Srem, trưởng ấp kiêm đội phó Đội cồng chiêng ấp Bưng Xê, chia sẻ: Cả ấp chỉ có một bộ cồng chiêng do thị xã tặng cho đội cồng chiêng hơn 20 năm rồi nhưng lũ trẻ cũng rất thạo kỹ thuật đánh cồng chiêng. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn kinh phí, lại thường xuyên thay đổi thành viên do có người lập gia đình, chuyển chỗ ở, đi làm ăn xa… nhưng có năm lũ thanh niên biểu diễn cồng chiêng còn hay và đẹp mắt hơn chúng tôi nữa đó…

Càng gần đến tết, người S’tiêng càng bận rộn. Gần như nhà nào cũng tất bật với vườn điều sắp ra hoa, rẫy cà phê đang thu hoạch, vừa lo chuẩn bị các tố (bình, ché), gạo, men, lá cây… để ủ rượu cần... Tuy vậy, người S’tiêng cũng không quên í ới gọi nhau tập hợp lại để luyện tập cồng chiêng những lúc rảnh rỗi. Cùng với những người trong đội cồng chiêng, nếu đam mê cồng chiêng, những người khác đều tụ về nhà già làng để cùng nhau tập luyện cho cái tay gõ chiêng thêm dẻo, đánh cồng thêm chắc. Khi ánh mặt trời trốn sau các ngọn núi, những khoảng sân của nhà văn hóa sóc hoặc nhà của các già làng S’tiêng lại rộn ràng tiếng nói cười, âm thanh sôi động của cồng chiêng, tiếng hát hòa quyện giữa những mái đầu bạc và mái đầu xanh… Những người con S’tiêng hồn hậu lại trút bỏ những bộ quần áo lam lũ, khoác lên những chiếc khố, chiếc váy, chiếc áo sặc sỡ, hào hứng đánh cồng chiêng, nhảy múa quanh tố rượu cần, nhún nhảy trong những ngôi nhà dài, quên cả đất trời cùng bao vất vả…

HOÀNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục