Nhà ga Nhật Bản: Đậm nét văn hóa truyền thống

Vào lúc hoàng hôn, các quán bar và nhà hàng phía dưới nhà ga tàu cao tốc Yurakucho ở Tokyo (Nhật Bản) trở nên sống động. Những chiếc đèn lồng nhấp nháy, những tấm biển treo trên vỉa hè và những chiếc bếp than củi đỏ hồng. Hàng loạt các khách hàng quen thuộc từ mọi hướng tìm về đây. Các chuyên gia trong trang phục sẫm màu từ những văn phòng ở phía Bắc và phía Tây nhà ga, cùng với các nhà quản lý thời trang và văn hóa từ Ginza ở phía Nam và những công nhân vận hành nhà ga tổng ở Hatchobori từ phía Đông đều tập trung về đây. Ngay cả các nhà điều hành của quận Marunouchi, trung tâm thương mại Tokyo với thu nhập cao có thể dễ dàng chi trả bữa tối sushi cao cấp cũng đến đây chọn một chiếc ghế bằng nhựa, gọi một cốc bia và một món ăn rẻ tiền bên dưới đường ray.

Khu sinh hoạt dưới đường sắt gần nhà ga Yurakucho, Tokyo

Theo Japan Times, ăn uống dưới đường ray gần nhà ga Yurakucho là một hoạt động vui chơi giải trí không chính thức từ thập niên 1950, khi thị trường chợ đen thời hậu chiến phát triển mạnh đã giúp thu hút người mua sắm đến khu vực này. Nơi đây, bầu không khí thân mật như gắn bó mọi người, từ khắp nơi với đủ loại địa vị xã hội, trong sự háo hức khi hoàn thành một ngày làm việc vất vả. Đây là “thuốc giải độc hoàn hảo” sau nhiều giờ miệt mài với công việc.

Yurakucho không phải là nơi duy nhất lưu giữ một bản sắc văn hóa như vậy, mà là một trong rất nhiều điểm dưới các đường ray gần các nhà ga của tuyến đường sắt cao tốc trên cao khắp nước Nhật. Các cụm cửa hàng và nhà hàng sôi động xuất hiện dưới các tuyến đường sắt khắp Tokyo, từ Koenji đến Ryogoku. Nhưng phần lớn, những khoảng trống này là những gì còn sót lại từ thế kỷ 20. Hầu hết các mô hình nhà ga mới được thiết kế theo một mô hình khác gắn với trung tâm mua sắm lộng lẫy và quảng trường xe buýt không người lái.

Tuy nhiên, gần đây, sự phát triển không gian giải trí bên dưới các tuyến đường sắt đã trở lại, lấy cảm hứng từ nhà ga Yurakucho. Một ví dụ là khu Maach, một cụm cửa hàng nằm dưới đường sắt tại Chuo Line gần ga Kanda, Tokyo. Khu phức hợp này được xây dựng trong vỏ của ga tàu Manseibashi cũ, hoạt động từ năm 1912-1943. Có khác chăng là kiểu thiết kế của Maach tô đậm ký ức về kiến ​​trúc cổ chứ không trà trộn cũ mới.

Phía bên trong các cửa hàng nằm trong nhà ga là những bức tường bê tông mới mịn màng hiện đại. Phần lớn không gian thiết kế theo kiểu nối kết nhau như toa tàu gồm các quán bia, cửa hàng quần áo, phòng trưng bày đồ nội thất, cửa hàng văn phòng phẩm và quán cà phê. Ngoài ra còn có một không gian tổ chức sự kiện và hội thảo cũng như các cửa hàng tiện lợi. Nơi đây, người ta tổ chức nhiều buổi học làm các vật dụng thủ công, may thêu, cung cấp đồ chơi, thức ăn và sách dạy nuôi thú cưng. Cà phê là bạn đồng hành đáng yêu khi đi lang thang qua khu phức hợp, bao gồm mô hình chi tiết tỉ mỉ về nhà ga và môi trường xung quanh nhà ga này thời kỳ Taisho (1912-1926). Môi trường sinh thái xung quanh nhà ga Maach rất tốt. Khu vực mua sắm chính mở ra một sân thượng ngoài trời dài lơ lửng trên sông Kanda. Từ đây, khách có thể nghỉ ngơi và ngắm nhìn mọi người, ngắm tàu hỏa và thậm chí cả thuyền thỉnh thoảng đi ngang. Một cầu thang bên trong dẫn đến một quán cà phê cao cấp nằm giữa hai phần của đường ray xe lửa đang hoạt động với các đoàn tàu đi ngang trong phạm vi hơn 1m.

Trong nhiều năm, các cửa hàng nhỏ gần trạm Koganecho, thành phố Yokohama là trung tâm buôn bán ma túy và mại dâm. Gần đây, vào năm 2004, có khoảng 200 doanh nghiệp bất hợp pháp đã hoạt động tại Koganecho, nhưng nỗ lực của cộng đồng địa phương đã biến nơi đây thành trung tâm nghệ thuật Yokohama, với phòng trưng bày nghệ thuật, không gian công cộng và các cửa hàng xây dựng theo từng mảng. Đây là một phần của quá trình hồi phục chậm nhưng chắc. Một số nhóm cộng đồng đã tổ chức các sự kiện và chương trình biểu diễn trong không gian linh hoạt, đôi khi hợp tác với Trường Cao đẳng Nghệ thuật và Thiết kế Yokohama. Ngoài ra còn có một số studio nhỏ, có thể tổ chức một buổi hòa nhạc mini.

KHÁNH MINH

Tin cùng chuyên mục