Phụ huynh tự làm khổ nhau

Lễ hội Halloween vừa qua đi, nhiều phụ huynh than phải tiếp tục cùng con chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ 20-11 sắp tới. 

Một phụ huynh có con đang học tiểu học ở quận Gò Vấp cho biết, quỹ lớp con chị vừa chi 3 triệu đồng tiền trang trí lớp, thuê chú hề hoạt náo và mua bánh kẹo cho các con chơi Halloween. Nay, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp dự tính chi tiếp 5 triệu đồng tiền thuê biên đạo và phục trang múa cho các con tham gia hội diễn văn nghệ toàn trường vào dịp 20-11.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây không phải trường hợp cá biệt. Tại nhiều trường điểm ở khu vực trung tâm thành phố, nơi mặt bằng thu nhập của người dân cao hơn các trường ở khu vực ngoại thành, nhiều trường hợp ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã mạnh tay chi đến 15 triệu đồng để đầu tư một tiết mục văn nghệ hoành tráng với đầy đủ đạo cụ, phục trang cho các con tham gia hội diễn văn nghệ.

Liên hệ hiệu trưởng các trường có tiết mục văn nghệ được đầu tư với kinh phí “khủng”, chúng tôi đều nhận được câu trả lời “trường không khuyến khích phụ huynh đầu tư nhiều tiền để tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thi thố văn nghệ cho các con”. Tất cả hội diễn, hoạt động thi thố giữa các lớp đều nhằm mục đích tạo thêm sân chơi lành mạnh, đồng thời là cơ hội giúp học sinh phát huy năng khiếu, được giao lưu, học hỏi và tăng cường tính đoàn kết, kỷ luật. Hầu hết giải thưởng được trao sau các hội diễn đều có giá trị vật chất không lớn, chủ yếu theo tinh thần “vui là chính”. 

Trong khi đó, theo anh Vũ Minh Khôi, phụ huynh có con đang học lớp 3 ở quận 5, toàn bộ nội dung tiết mục văn nghệ lớp con anh đang chuẩn bị đều do hội phụ huynh tự lên ý tưởng và kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, do được xem là sân chơi ngoại khóa, không có quy định nội dung, phạm vi thể hiện rõ ràng nên từ đây xuất hiện làn sóng “chạy đua vũ trang” giữa các lớp. Với tâm lý không muốn lớp con mình thua bạn bè cùng khối nên lớp nào cũng chi tiền mạnh tay với hy vọng lớp con sẽ đoạt giải thưởng. Vô tình, niềm vui được đứng trước toàn trường biểu diễn trở thành áp lực đối với con. Mỗi ngày sau 8 tiết học mệt nhoài ở trường, con phải ở lại sảnh chờ tập thêm văn nghệ. Càng gần đến ngày biểu diễn, không khí tập luyện càng căng thẳng.

Không thể phủ nhận ảnh hưởng tích cực từ các hội diễn văn nghệ, lễ hội được tổ chức ở các trường phổ thông. Tuy nhiên, lựa chọn hình thức tổ chức sao cho hợp lý, vừa giúp học sinh tận hưởng trọn vẹn niềm vui thi thố vừa không khiến phụ huynh đau đầu chuyện tiền bạc là điều không phải hội phụ huynh lớp nào cũng làm được. Chưa kể, trong cùng lớp học, mỗi học sinh có một sở thích và năng khiếu khác nhau, phụ huynh cũng có thu nhập không đồng nhất. Vì vậy, khuyến cáo chung của các đơn vị là mong phụ huynh chỉ đồng hành, hỗ trợ ý tưởng để chính các con thực hiện chứ không nên “xắn tay” vào chi phối tất cả hoạt động, vừa làm mất đi niềm vui vốn có của con, vừa tiếp tay cho căn bệnh thành tích.

Tin cùng chuyên mục