“Phủ sóng” mạng lưới bán lẻ

So năm 2016, hiện TPHCM có 207 siêu thị, tăng 18 siêu thị; 43 trung tâm thương mại, tăng 3 trung tâm thương mại; 1.100 cửa hàng tiện lợi, tăng 218 cửa hàng (trong khi cả năm 2016 chỉ tăng thêm 46 cửa hàng), cộng với hơn 10.600 điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. 
Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, quận 7, được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 9-2017
Co.opmart Huỳnh Tấn Phát, quận 7, được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 9-2017
Đặc biệt, một số nhà bán lẻ cho biết, đang chạy nước rút hoàn thành kế hoạch mở điểm bán trong năm 2017, đồng thời tăng cường các hoạt động mở rộng mạng lưới bán lẻ, đưa hàng hóa đến vùng sâu, vùng xa.
Tính riêng trong quý 3-2017, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) đã có thêm 17 cửa hàng Satrafoods được đưa vào hoạt động; còn thống kê từ đầu năm đến nay, Satra đã đưa vào hoạt động thêm 50 cửa hàng Satrafoods, trải dài khắp các quận huyện nội, ngoại thành TPHCM và các tỉnh thành lân cận. Đặc biệt, vừa qua nhân kỷ niệm 22 năm thành lập, Satra đã đưa vào hoạt động cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (thương hiệu Satrafoods) thứ 150 tại số 46 đường Tô Vĩnh Diện, phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức, TPHCM.
Chia sẻ về định hướng phát triển hệ thống bán lẻ, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Satra, cho biết Satra rất tự tin trong việc phát triển mạng lưới bán lẻ khi chọn lối đi riêng thiên về thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm tươi sống phục vụ bữa ăn hàng ngày của các gia đình Việt. Bên cạnh đó, hướng đi này cũng phù hợp với thế mạnh của Satra khi Satra đang sở hữu các doanh nghiệp thành viên, công ty con có thương hiệu và uy tín thương trường trong lĩnh vực thực phẩm như VISSAN, CJ Cầu Tre, Cofidec... Riêng chợ đầu mối nông thủy hải sản Bình Điền có khả năng cung ứng hàng ngàn tấn hàng hóa mỗi ngày, đồng thời Satra thực hiện trách nhiệm cộng đồng khi hỗ trợ nông dân tiêu thụ tốt sản phẩm. Mặt khác, hiện Satra đang nỗ lực tiến hành các chương trình liên kết, chú trọng hỗ trợ nông dân hoàn thiện chất lượng sản phẩm mới để có thêm nhiều sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.
Tương tự, những tháng gần đây, Liên hiệp Hợp tác xã TPHCM (Saigon Co.op) liên tục mở rộng chuỗi trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi không chỉ tại TPHCM mà còn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Điển hình, tháng 9-2017, Saigon Co.op đã khai trương siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn Phát tại quận 7, TPHCM; tháng 10-2017 là siêu thị Co.opmart tại thị trấn Tân Châu, tỉnh Tây Ninh và siêu thị Co.opmart tại thị trấn Chư Sê, tỉnh Gia Lai... Hiện tại tổng số siêu thị của hệ thống Co.opmart trên cả nước đến con số 90. Ngoài ra, Saigon Co.op đã phát triển 400 điểm bán lẻ và các thương hiệu đơn vị này đang sở hữu gồm: chuỗi siêu thị Co.opmart, Đại siêu thị Co.opXtra, Trung tâm Thương mại SC Vivo City, Trung tâm Thương mại Sense City, chợ hiện đại Sense Market, cửa hàng Co.opFood, cửa hàng Co.op, kênh bán hàng qua truyền hình HTV Co.op... 
Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op, cho hay bên cạnh nỗ lực phát triển mạng lưới bán lẻ, đơn vị này còn tích cực hưởng ứng chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” với trung bình hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động mỗi năm, phục vụ bà con vùng sâu vùng xa, công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Những mặt hàng tham gia chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” chủ yếu là hàng tiêu dùng thiết yếu do các doanh nghiệp Việt sản xuất với mức giảm giá hấp dẫn từ 5% - 40%, cùng nhiều quà tặng kèm theo. Còn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có thêm hàng may mặc để phục vụ nhu cầu mua sắm của công nhân.
Với hệ thống mạng lưới rộng khắp cả nước, hiện hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op được xem là nhà bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh thuần Việt hàng đầu Việt Nam. Đơn cử, Saigon Co.op luôn cụ thể hóa của chiến lược “nội địa hóa” thành các chính sách hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp Việt như ưu tiên trong chính sách mua hàng; diện tích, vị trí trưng bày cho các doanh nghiệp hàng Việt; hỗ trợ quảng bá sản phẩm mới hoặc các chương trình khuyến mãi hàng Việt...
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Nguyễn Kim Tuyến (cư ngụ tại quận 10, TPHCM) cho hay, khi nói đến Satra hay Saigon Co.op, người tiêu dùng nhớ ngay đến nhiều hoạt động thuộc chương trình “Tự hào hàng Việt”, không chỉ mang lại cơ hội mua sắm hàng Việt có chất lượng với giá cả phù hợp mà còn giúp người dân nhận biết các thương hiệu hàng hóa sản xuất trong nước. Đồng thời, trở thành cầu nối thông tin từ phía người tiêu dùng truyền ngược lại các nhà sản xuất để các doanh nghiệp trong nước nắm được thông tin, có định hướng cải tiến, phát triển sản phẩm nhằm thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như bắt kịp với thị hiếu người tiêu dùng 

Tin cùng chuyên mục